Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÝ SỰ NƯỚC HUNG (Phần 2)

(NCTG) “Nếu bạn đã đến đất nước này, bạn hãy dành thời gian lên một chuyến tàu ngược dòng Danube, ghé thăm ba địa danh ấy, kỹ một chút, nhâm nhi một chút, ngược dòng thời gian với những câu chuyện lịch sử còn đọng lại trên những mảnh tường của lâu đài, giáo đường, và những thành quách cũ”.
Tác giả trong chuyến đi ba thị trấn thuộc khúc rẽ của sông Danube tại Hungary
Xem Phần 1 của loạt bài viết.​

Phần 2: NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN, NGƯỢC DÒNG SÔNG

Nếu như có một điều đáng tiếc đối với tôi trong dịp lang thang trên đất Hung hồi cuối mùa xuân vừa rồi thì đó là đã không đủ thời gian để làm chuyến đi ngược dòng sông Danube đến biên giới Slovakia bằng tàu thủy. Dù vậy, với chỉ một ngày, và chiếc xe Audi A8 mượn được của một bạn Việt kiều, tôi cũng đã có một chuyến đi tuyệt vời đến những nơi cần đến.

Từ Budapest, men theo sông Danube, ngược về phía biên giới với Slovakia, có ba thị trấn không thể không dừng lại. Xa nhất, nằm ở vị trí sông Danube bắt đầu mang tên Duna và chảy vào đất Hung là Esztergom, cố đô của nước Hung, giữa đường là Visegrád, một thị trấn trong veo nằm giữa khúc quanh như cánh tay đang vuốt tóc của tượng thần Vệ nữ, và cách Budapest chỉ chừng 20 cây số là Szentendre, một thị trấn với những con đường đá dốc cực kỳ đáng yêu.

Bạn có biết vì sao tôi xuất phát từ Budapest nhưng lại bắt đầu bằng Esztergom, địa điểm xa nhất, không? Bởi, tôi muốn đi theo hành trình của lịch sử, và bắt đầu từ nơi đăng quang của István Đệ nhất, người sáng lập nước Hung. Esztergom, thủ đô đầu tiên của nước Hung già hơn Hà Nội ngàn năm văn vật chừng 1 giáp (Vua István đăng quang đâu khoảng cuối năm 1.000 thì phải). Ok, chuyện lịch sử thì dài dòng lắm, các bạn có thể nghe các hướng dẫn viên kể lại khi tự ghé thăm. Tôi kể chuyện của đôi mắt tôi nhìn.
 
Cây cầu biên giới nối Hungary và Slovakia
Cây cầu biên giới nối Hungary và Slovakia

Đến Esztergom bằng đường bộ có hai con đường. Tôi chọn con đường nhỏ, xuyên qua những cánh rừng và đồng cỏ để đi, và về bằng đường ven sông. Chạy xe hơn một tiếng (vừa đi vừa chụp ảnh) thì tới cầu Mária Valeria, Phạm Duy thì sẽ gọi là cây cầu biên giới, còn Tố Hữu thì gọi là cầu Hữu Nghị, bởi nó nối liền hai đất nước anh em Hungary và Slovakia, anh em thân thiết tới mức cãi nhau bét nhè đề tranh cái thương hiệu rượu vang Tokaji (chuyện này kể sau).

Ở Esztergom có rất nhiều điểm check-in nổi tiếng, và hoành tráng. Nhưng có lẽ mình thích nhất là cây cầu biên giới ấy. Nó chỉ là một cây cầu sắt màu xanh đơn giản, nhưng lại có một vẻ duyên dáng kỳ lạ nơi biên giới tự nhiên của hai quốc gia. Nó khiến mình cứ mãi ngồi trong nắng mai mà ngắm nhìn, mà liên tưởng đến những khoảnh khắc lãng mạn trong đời một con người, kiểu như một cuộc chia tay, một lần hội ngộ. Có một vẻ đẹp gì đó vừa thanh tao, vừa sến súa của những nhịp cầu cong cong ngả bóng trên dòng sông thao thiết chảy. Mình không biết tại sao lại nghĩ thế? Có lẽ bởi mình nhớ đã từng đọc đâu đó rằng ở đây, nhạc sĩ nổi tiếng nhất người Hung là anh Liszt đã viết bản thánh ca hay nhất của mình.

Chính xác thì tác phẩm của Liszt là “Bản thánh ca Esztergom” được ông viết nhân dịp khánh thành tòa Vương cung thánh đường Bazilica tại đây. À, nhân tiện, Bazilika này là tòa thánh đường lớn nhất nước Hung, và cũng là một trong những thánh đường lớn nhất Châu Âu. Nếu bạn là người quan tâm đến lịch sử Công giáo thì không nên bỏ qua ngôi thánh đường này. Đó là một tòa nhà cực kỳ vĩ đại, nằm trên đỉnh đồi, với mái vòm màu xanh, mà từ xa vài cây số bạn đã có thể nhìn thấy. Thánh đường có khu riêng giờ là bảo tàng chứa rất nhiều báu vật, vé tham quan vào đó cũng đắt. Nhưng mà nếu có thẻ nhà báo do Bộ 4T Việt Nam cấp thì sẽ được miễn phí nhé (các nước khác thì mình không biết, thề).
 
Vương cung thánh đường Esztergom
Vương cung thánh đường Esztergom

Ngọn đồi mà thánh đường ngự trên cao ra phết, nhưng mình có thể lái xe lên tận đỉnh, ngay chân thánh đường. Leo hơn 300 bậc thang dốc đứng thở hồng hộc thì lên được mái vòm. Từ đó có thể đi một vòng và ngắm trọn cố đô của nước Hung, ngắm trọn hình thái của thượng nguồn sông Duna. Nói chung là ngợp, nếu bạn nào sợ độ cao và không muốn ra gió thì ở ngay dưới mái vòm có quán cafe với cửa sổ panorama, vừa nhâm nhi ly espresso vừa ngắm cảnh cũng tuyệt lắm!

Nếu có nhiều thời gian, Esztergom là một nơi có rất nhiều thứ để khám phá, thành phố hơn ngàn năm cơ mà. Song, mình vội, nên ngồi mơ màng bên cầu Mária Valeria, rồi leo lên thánh đường Bazilika là quá đủ rồi. Còn phải xuống, lái xe về Visegrad ăn trưa.

Từ Esztergom, bỏ đường rừng, đi men sông trở về khoảng gần 40 km là đến Visegrád, mình ghé vào một nhà hàng gà đồi cá sông để ăn trưa. Thực ra đó là một nhà hàng nổi tiếng nhưng tiếng Hung rất khó nhớ nên mình chỉ nhớ là gà đồi cá sông rất ngon. Quán nằm bên đường, ở một vị trí cực kỳ đắc địa, view ra sông Danube, vừa ăn vừa ngắm những chuyến phà đưa khách qua sông, yên bình và thơ mộng. Cá chép sông Danube nấu súp kiểu Hung ăn rất ngon, mình sẽ kể trong một bài viết riêng về ẩm thực. Nhưng gà đồi thì phải kể ngay, không có các bạn lại bảo mình “chém” vì người Châu Âu đâu có nuôi gà thả.
 
Cảnh vật tuyệt vời
Cảnh vật tuyệt vời

Chuyện gà đồi là thế này. Năm ngoái, chính phủ Hung có chính sách bán công trái lấy thẻ cư trú cho người nước ngoài, đâu như mấy trăm ngàn một gia đình thì phải. Sau vài tháng triển khai thì hàng chục ngàn bạn Tàu với vài chục bạn Việt đã trở thành người định cư bên này. Điều đó tác động tới đất nước Hungary như thế nào thì chưa biết, nhưng một số nông dân Hung đã nhanh nhạy mua gà về thả vườn, cho ăn ngũ cốc để mông thành gà đồi phục vụ những người anh em Châu Á. Một số nhà hàng, như nhà hàng mà mình ăn ở Visegrád đã đưa món gà đồi vào thực đơn. Quá tuyệt luôn!

Visegrád cuối mùa xuân cực kỳ trong trẻo. Những đường phố nhỏ, những gác chuông nhà thờ nhỏ xinh vàng ươm trong nắng. Visegrad không phải là một địa danh du lịch nổi tiếng ở Châu Âu, nhưng là một trong những thành phố duyên dáng nhất mà mình từng đi qua trên lục địa này. Trên đường lái xe lên pháo đài cổ, nơi đã từng diễn ra những trận đánh nhau tưng bừng với quân Thổ khi xưa, nói thật là mình nhớ da diết con xe bán tải của mình, vì trên xe có mấy cái ghế vải. Dọc con đường lên pháo đài có rất nhiều thảm cỏ xanh mềm dưới tán rừng tưng bừng hoa trắng, nếu mà dừng lại, ngả ghế ra, bật một chai vang ngồi nhâm nhi ngắm nhìn thành phố dưới nắng ấm mùa xuân thì nỗi sung sướng của cuộc đời này cũng chỉ đến thế mà thôi.

Pháo đài Visegrád nghe đâu cũng là một di sản, được xây dựng bởi ông vua nào đó mình không nhớ tên. Vua chúa thì nhiều lắm, nhưng những khúc quanh đẹp như đoạn sông Danube đi qua thành phố này thì không nhiều. Mình chỉ nhớ cái cảm giác xúc động tê dại khi đứng trên thành hào của pháo đài mà nhìn ngắm dòng sông. Nó khiến mình nhớ mình đã từng xúc động như thế hồi mười mấy tuổi, tuổi dậy thì khi mình đi học vẽ và nôn nao khi cố gắng vẻ cái khuỷu tay của bức tượng thần Vệ nữ. Khám phá một vùng đất lạ, mỗi người có một cách quan tâm khác nhau. Mình thì chỉ để tâm đến cảm xúc của bản thân nơi mình đặt chân đến.
 
Khúc ngoặt của sông Danue, được coi là đoạn đẹp nhất của con sông dài 2.850km
Khúc ngoặt của sông Danue, được coi là đoạn đẹp nhất của con sông dài 2.850km

Buổi chiều hôm đó, rời Visegrad mình về Szentendre (chắc là tiếng Hung của Sant Andre), thị trấn thuộc hạt Pest, chỉ cách Budapest chừng 20 km. Nếu như mình có đưa ra một lời khuyên dành cho ai đó đến Hungary thì không nên bỏ qua thành phố này. Thứ nhất là nó rất gần Budapest, thứ hai là nó rất quyến rũ.

Szentendre được biết đến như một thiên đường của các hoạ sĩ bởi một thị trấn chỉ có chưa đến ngàn dân nhưng kiến trúc và văn hóa lại rất đa dạng, một kiểu hợp chủng trấn của vùng Trung Âu. Thị trấn được xây dựng trên triền đồi, dĩ nhiên cũng nhìn xuống dòng sông Danube. Trên những con đường đá nhỏ hẹp quanh co, bạn có thể gặp những ngôi nhà kiểu Đức, những nhà thờ chính thống giáo kiểu Serbi, những quán rượu vang đặc trưng của người Hung, các quán cafe kiểu Ý… Vì là điểm đến yêu thích của các họa sĩ nên thị trấn này có vô số bảo tàng, galery, và ở góc phố nào cũng có thể thấy giá vẽ với bột màu. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm thì nhiều như Hội An. Hôm mình đến đây, gặp đoàn đại biểu Quốc hội cho chị Ngân Chủ tịch dẫn đầu tới tham quan. Dù thời gian gấp gáp nhưng thấy đại biểu nào cũng túi nhỏ, túi to vì những món đồ lưu niệm ở đây khá đa dạng mà giá lại rẻ nữa.

Nếu có thời gian ở Szentendre, mình sẽ lựa chọn một trong hai thứ để trải nghiệm. Một là uống say trong một quán rượu nhỏ với đám họa sĩ rồi mượn giá vẽ, bột màu vẽ quàng xiên dăm bức tranh cho biết cảm giác làm nghệ sĩ. Hai là sẽ cắm trại trên bãi sông bên rìa thị trấn, nằm nghe sóng vỗ suốt một đêm rồi thức dậy trong tiếng chí chóe của lũ thiên nga đen. Tất nhiên là mình không đủ thời gian để làm những việc đó, nên hy vọng bạn nào có dịp hãy thử xem, rồi kể lại cho mình thì tốt quá!
 
Szentendre
Szentendre

Mình chỉ có một ngày cho ba điểm đến tuyệt vời đó. Thực sự là vô cùng đáng tiếc. Vì thế, mình nghĩ nếu bạn đã đến đất nước này, bạn hãy dành thời gian lên một chuyến tàu ngược dòng Danube, ghé thăm ba địa danh ấy, kỹ một chút, nhâm nhi một chút, ngược dòng thời gian với những câu chuyện lịch sử còn đọng lại trên những mảnh tường của lâu đài, giáo đường, và những thành quách cũ.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Phạm Trung Tuyến, từ Hà Nội - Còn tiếp