Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHAI RƯỢU ĐẮT NHẤT THẾ GIỚI LÀ CỦA HUNGARY

(NCTG) Đó là chai Royal Tokaji Esszencia sản xuất năm 2008, được bán với giá 40 ngàn USD (hơn 11 triệu Forint), theo “Fortune”. Tờ báo còn phân tích kỹ lưỡng rằng, tại sao “vương tửu, tửu vương” của Hungary - rượu Tokaji lại đắt như thế.
“Vương tửu, tửu vương” Tokaji - Ảnh: Internet
Thường được gọi là “vàng lỏng” và có độ đậm đặc hết sức cao, Tokaji Esszencia là đỉnh cao nhất của các loại Tokaji aszú: theo truyền thống, để có được một chai Tokaji Esszencia phải cần đến hơn 180kg nho, và từng trái nho cần phải được tách bằng tay.

Các chuyên gia về rượu cho hay, 2008 là một năm cho ra sản lượng nho tuyệt hảo và loại Tokaji Esszencia này có thể để hàng trăm năm. Khác với các loại Tokaji aszú khác, Esszencia hoàn toàn được cất từ loại nho aszú chứ không trộn lẫn với bất cứ loại rượu nào khác.

Chỉ có 18 chai Royal Tokaji Esszencia được làm ra cùng khoảng thời gian đó và đây càng là yếu tố khiến những người mê sưu tầm rượu có thể trả giá rất cao cho nó. Tờ “Fortune” cho hay, ai đó đã mua chai Tokaji Esszencia đầu tiên với giá hơn 11 triệu Forint tại Thượng Hải.

Là một trong những giá trị đặc thù lừng danh của Hungary (Hungarikum), Tokaji aszú loại 6 “gùi” (Muscat Lunel năm 2002 của hãng Monte Tokaj) đã từng được trọng dụng để tiếp các thượng khách tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 họp tại TP. Saint Petersburg hồi tháng 9-2013.

Vùng rượu Tokaj lịch sử của Hungary được coi như một “thánh địa” của rượu nho trên thế giới. Do những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hết sức đặc biệt, các loại nho trồng ở vùng Tokaj-Hạ Sơn (Hegyalja), qua tay các bậc thày trong nghề, đã cho ra loại rượu Tokaji độc nhất vô nhị.
 
Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Từ năm 1737, Tokaj-Hạ Sơn trở thành vùng trồng nho và sản xuất rượu khép kín đầu tiên trên thế giới, chỉ sản xuất rượu theo phương thức truyền thống và đặc thù của vùng, với sản phẩm nho hoàn toàn trồng trong vùng.

Danh tiếng của rượu Tokaji lên cao vào thế kỷ 17, khi vị “Vua mặt trời” Louis 14 - người rất “sành điệu” và có khả năng thưởng thức ẩm thực hết sức tinh tế - đã gọi loại rượu này là “vương tửu, tửu vương” (“le vin des rois et le roi des vins” trong tiếng Pháp, hay “vinum regum, rex vinorum” trong tiếng La Tinh). 

Không chỉ là loại rượu luôn có mặt trên bàn tiệc của giới vương hầu Châu Âu, Tokaji còn được giới văn nghệ sĩ Lục địa già hết sức ưa chuộng. Thần đồng âm nhạc Mozart và người viết lời cho ông, Lorenzo Da Ponte, luôn phải có Tokaji khi sáng tác.

Rượu Tokaj cũng được đưa vào kiệt tác “Faust” của thi hào Đức Goethe, cũng như trong một tác phẩm do nhạc sĩ Franz Schubert soạn nhạc trên nền thơ “Lob des Tokayer” (Vinh danh rượu Tokaji) của một nữ thi sĩ người Áo, bà Gabrielle Baumberg. 

Hơn thế nữa, cái tên Tokaj cũng được đưa vào lời của bản Quốc ca Hungary, do thi sĩ Kölcsey Ferenc sáng tác vào đầu thế kỷ 19. Ngày nay, vùng rượu Tokaj với diện tích 6.202 hecta được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách các Di sản Thế giới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp