Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CẦN SA, VĂN HÓA VÀ BIỂU TÌNH

(NCTG) “Thế là, trong khói cần sa thơm sũng mũi, mình lại vô thức nhớ đến những tay công bộc nhà mình cũng đã chọn toàn đàn bà và trẻ em, nhưng không phải để giúp đỡ, mà để đánh cho nhanh, diệt cho gọn và dẹp cho tiện”.
Karneval der Kulturen, Berlin
Mình biết đến mùi cần sa từ khi đến Amsterdam. Có ai đó đã tả buổi chiều ở nơi ấy, khói sương đẫm đặc mùi cần sa. Mình không biết và không hình dung đó là thứ mùi gì, nhưng quả là không quá khó để nhận ra.
 
Không hiểu sao, khi xa nơi ấy, điều đọng lại dữ dội nhất trong mình là những buổi chiều thành phố hầm hập như lên cơn sốt. Những tà áo bay như bão bên bờ sông, những chiếc xe đạp ngái ngủ dựng bên lề đường. Và những con phố lừ đừ say trong mùi cần sa. Ma mị, sóng sánh, đặc quánh và quyến rũ lạ lùng.

Mình hiểu tại sao, gần như ngay lập tức, những thứ bệ rạc và xấu xa, lại thường là những thứ cám dỗ và gây nghiện. Nhưng để nghiện được một cách quý phái, cũng cần có một đẳng cấp.
 
Thế rồi đêm nay, mùi cần sa ấy lại dội về tức ngực trong một lễ hội. Lễ hội Karneval der Kulturen - Berlin. Năm nào cũng được tổ chức vào dịp nghỉ lễ Pfingsten (lễ Ngũ tuần), kéo dài 4 ngày tại quận Kreuzberg mà mình vẫn hay gọi một cách suồng sã là “ở sân nhà”. 

Những năm trước mình hay đi với bọn trẻ. Chọn lúc vắng người, tranh thủ mấy mẹ con chén kem, xúc xích nướng, chơi dăm ba thứ trò chơi lễ hội nào cũng có, ngắm người đi lại và khi không thể chịu được thì có thể ngoáy ngoáy vài chỗ đâu đó mà người dễ tính gọi là “nhảy”. 
 
Năm nay con gái dẫn bố mẹ đi phăng phăng, chốc chốc dừng lại khoan dung đợi hai ông bà già lơ ngơ kiểu bò đi vào thành phố. Lễ hội đa văn hóa, nghĩa là có bao nhiêu thứ văn hóa ta cứ việc mang ra biểu diễn miễn phí, rầm rập trên đường phố.

Lào cứ việc múa Champa, Tây Ban Nha cứ Flamenco bốc lửa, Nga không thể thiếu Kalinka và các cô da màu tha hồ mà ngoáy mông tít mù. Được biết có lần Việt Nam cũng tham gia, với đội múa đầy hãnh diện của câu lạc bộ mang tên VINAPHUNU. Chắc hẳn người dân sẽ nhớ đến Việt Nam không phải chỉ nhờ phở và nem, mà còn vì những tà áo dài và những điệu vũ của lần trình diễn đường phố hiếm hoi đó.

Nhạc ầm ầm như động đất. Người đi cuồn cuộn như sóng chảy. Chưa bao giờ mình ở trong một biển người đông đến thế. Vỏ chai bia lồn nhổn trên đường. Rượu, âm nhạc, tuổi trẻ, và trên hết, là sự hòa trộn của tất cả các màu sắc văn hóa. Không đảng phái, không biên giới, không tôn giáo. Tất cả đều cuồng nhiệt trong đủ loại âm nhạc, tự phá bỏ những rào cản vô hình và cả hữu hình.
 
Và trong gió đêm se lạnh, trong ráng chiều nhuộm đỏ những góc đường, mùi cần sa lại ma mị, cuồn cuộn, mụ mị và thách thức.
 
Thì ra người ta vẫn hút thứ này. Thành phố vẫn nghiện ngập như thế, thậm chí còn đang đấu tranh đòi được phép hút cần sa công khai như Hà Lan. Cái gì càng cấm, càng trở nên hấp dẫn và chỉ làm giầu thêm những con buôn.

Mình tự hỏi, sao một nơi tập trung quá đông người đến thế, với cần sa, cồn, với những vỏ chai bia sắc nhọn be bét dưới chân, mà tuyệt không có vụ gây lộn nào. 

Một người đàn ông đẩy chiếc xe nôi có đến hai đứa trẻ tuyệt vọng trong đám đông. Đã đến giờ cho trẻ về đi ngủ, ông ta đang tìm đường thì bị rơi vào dòng người cuộn đến. Tức thì có hai thanh niên rất ngầu, vừa la lối vừa rẽ đám đông mở lối cho chiếc xe nôi.

Thế là, trong khói cần sa thơm sũng mũi, mình lại vô thức nhớ đến những tay công bộc nhà mình cũng đã chọn toàn đàn bà và trẻ em, nhưng không phải để giúp đỡ, mà để đánh cho nhanh, diệt cho gọn và dẹp cho tiện.
 
Đủ màu da, đủ sắc tộc, đủ thành phần và đủ thứ văn hóa. Nhưng ngay cả chiếc xe chở đầy người tỵ nạn đến từ Syria cũng không ít người hâm mộ. Người dân đứng hai bên đường, ngượng nghịu xoắn chân ngoáy mông, tập những bước nhảy đầu tiên bắt đầu một sự hội nhập...

Đêm đã khuya, những chiếc xe lễ hội đã về đến nơi tập kết. Những vũ công đã cởi bỏ hóa trang. Ngày mai, họ sẽ lại là những công chức cần mẫn, những nhân viên khó tính của sở này sở nọ, là những công nhân lầm lũi, người buôn bán nhỏ vô danh trong thành phố. Nhưng chắc chắn khoảng cách của những sự khác biệt giữa các nền văn hóa đã được thu hẹp lại. Chỉ qua một đêm. Một lần lễ hội.
 
Người vẫn còn lắc lư theo điệu nhạc, mà mình cứ nghĩ loanh quanh về cuộc biểu tình gần như bất thành của dân mình hôm nay ở nơi xa ấy. Lòng vẫn còn như chùng xuống.
 
Cần sa, lễ hội và biểu tình. Những thứ chả ăn nhập gì cứ bảng lảng trong đầu váng vất như mùi cỏ cháy.
 
Để rồi, nghĩ về sự buông bỏ và thứ tha...

Chùm ảnh về Lễ hội:
 
02
 
03
 
05
 
06
 
07
 
09
 
010
 
11
 
12
 
13

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 15-5-2016