Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ THĂM AUSCHWITZ (Phần 1)

(NCTG) “Nhưng có lẽ tôi không thể nào hiểu được tất cả những điều này, hiểu được tận cùng sự tàn ác của con người. Cũng như không thể nào thốt nên lời trước tội ác không thể nào tưởng tượng được đối với nhân loại”.
Cổng vào khu trại Auschwitz 1 với dòng chữ khét tiếng “Lao động đem lại tự do!” - Ảnh: Internet
Khi chúng tôi đến khu trại Auschwitz 1 vào khoảng hai giờ chiều một ngày hè đầy ánh nắng reo vui trên những ngọn cây rủ bóng xuống hai bên con đường đưa đến khu tưởng niệm thì đã thấy hai, ba đoàn người dài đang sắp hàng chờ trước cổng vào. Có đủ độ tuổi, đủ màu da, đủ chủng tộc trong giòng người rồng rắn kiên nhẫn đứng đấy.

Nỗi ám ảnh Lò thiêu

Như ở một số trại tập trung khác của Đức Quốc Xã, đập ngay vào mắt người đến thăm Auschwitz khi đứng trước cổng vào là dòng chữ lớn: “Lao động đem lại tự do!” (Arbeit macht frei) ở trên cổng. Thật là một sự nhạo báng vô liêm sĩ, độc ác đối với khoảng 1,3 triệu nạn nhân đủ quốc tịch, trong đó có 1,1 triệu người Do Thái đã bị giết chết trong các lò hơi ngạt ở đây mà nay chỉ còn vài ba ống khói được để lại.

Sau khi chờ chừng nửa tiếng thì đến phiên đoàn chúng tôi được vào bên trong khu tưởng niệm với những dãy nhà thấp ngay hàng thẳng lối bằng gạch đỏ. Những dẫy nhà trông rất bình thường như một doanh trại quân đội, một khu ký túc xá hay đại học xá. Nếu không biết thì không ai có thể hình dung được, những tội ác đã được làm nhân danh một “dân tộc thượng đẳng” ở những dãy nhà này.

Chúng tôi đi lững thững trong sân rộng, như thể đang đi dạo trong một công viên, nói chuyện với nhau về đủ đề tài, có khi đi nhanh, có khi đi chậm rồi dừng lại trước một dãy nhà, loay hoay với cái điện thoại thông minh hay với một cái máy ảnh số trên tay để chụp những bức ảnh kỷ niệm một lần đã đến đây. Những bức ảnh có thể được tung ngay lên Facebook cho mọi người biết rằng mình đã đến Auschwitz.

Tôi xem lại các tấm ảnh chụp đoàn chúng tôi trước dãy nhà thứ nhất: hầu như tất cả mọi người có mặt trong ảnh đều cười rất tươi, dáng vẻ thoải mái của những du khách đến một viện bảo tàng hay một nhà hát, vui vẻ trong bộ quần áo thể thao trẻ trung, gọn gàng. Và tôi cũng mỉm cười trong ảnh.

Chỉ một chốc sau hai nhân viên bảo vệ đã vội vã đến gặp người trưởng đoàn và lịch sự nhắc nhở chúng tôi là không nên nói chuyện lớn tiếng, làm phiền những người khách khác và phá vỡ bầu không khí trang nghiêm của khu tưởng niệm. Hình như không phải ai cũng nhớ ngay rằng trên 70 năm trước nơi đây là một “khu công nghiệp giết người”.
 
Nơi diễn ra công nghiệp giết chóc - Ảnh: Internet
Nơi diễn ra công nghiệp giết chóc - Ảnh: Internet

Có lẽ lúc đấy, như rất nhiều khách đến thăm, tôi chưa ý thức thật sâu sắc rằng mình đang đi thăm một khu nhà mồ tập thể của trên một triệu người vô tội bị đưa vào lò hơi ngạt theo một quyết định của Hitler và những người có trách nhiệm trong bộ máy diệt chủng của Đức Quốc Xã trong một hội nghị diễn ra tại một biệt thự bên hồ Wannsee (ngoại ô thành phố Berlin) ngày 20-1-1942, cách đây đúng 75 năm với đề tài nghị sự duy nhất là “Giải pháp cuối cùng về vấn đề người Do Thái”.

Trong giai điệu nhạc cổ điển phát ra từ một máy hát trong phòng, những con ngươi đó bàn bạc về cách thức hủy diệt người Do Thái. Họ thảo luận việc nên dùng hóa chất nào cho lò hơi ngạt, ít tốn kém nhất nhưng lại đạt hiệu quả nhiều nhất, tức là giết được nhiều người cùng lúc và nhanh nhất. Sau cuộc thảo luận là một bữa điểm tâm thịnh soạn, những người hầu bàn trang trọng bê những khay lớn đầy các món ăn chọn lọc, đặt lên chiếc bàn dài phủ khăn trắng xóa trong gian phòng rộng nhìn ra khu vườn yên tĩnh của ngôi biệt thự sang trọng.

Tôi dừng lại trước một bản giới thiệu lịch sử thị trấn Auschwitz và lần đầu tiên thấy địa danh bằng tiếng Ba Lan của nó: Oświęcim! Nước Đức Hitler đã đến Oświęcim, đuổi những người dân Ba Lan sống ra khỏi khu vực để không ai có thể mảy may biết đến tội ác được thực hiện rất hiệu quả của họ và biến một thị trấn nông thôn hiền hòa của Ba Lan thành một khu công nghiệp giết người với cái tên đã được Đức hóa: Auschwitz.

Từ khu Auschwitz 1 với những khu nhà hành chánh, khu thí nghiệm giả danh y khoa với những nạn nhân là những người dị tật, những người mắc bệnh nan y đã bị đem làm vật thí nghiệm, hay khu nhà có bức tường màu đen nơi những người sau khi tìm cách trốn thoát không thành đã bị bắn chết, chúng tôi đến Auschwitz 2 hay còn được biết theo tên Auschwitz-Birkenau, cách đó chừng ba cây số.

Đây là một quần thể mênh mông mà khi mới bước qua cổng vào người ta đã thấy ngay một đường ray xe lửa đã chở liên tục trong thời gian những nạn nhân đến bến cuối ngay trong trại. Họ bị đẩy ra khỏi những toa tàu dành để chở súc vật dưới tiếng la hét thúc giục cũng như tiếng súng của những nhân viên SS. Trước đấy họ đã bị nhồi nhét trong những toa tàu chật chội mà có người đã chết dọc đường do đuối sức hay bị ngạt thở. Nhưng thi thể những người chết đã không ngã xuống vì cứ bị ép chặt giữa những người còn sống.

Ngay sau đấy mỗi người nhận được một con số thứ tự và bị “phân loại” tại chỗ. Những người vợ nhìn thấy người chồng lần cuối. Những người cha nhìn thấy đứa con thơ trên tay vợ lần cuối cùng. Và các em bé ngơ ngác, sợ hãi níu váy mẹ. Các em bị dứt ra khỏi bàn tay che chở của cha mẹ, người vợ yếu đuối đang mang thai bị dí súng vào người và phải chia tay với người chồng đang đứng bên cạnh để sang xếp hàng bên kia. Những người con bất lực nhìn thấy cha mẹ già đứng một mình không còn sức sống. Bất cứ ai cũng có thể bị bắn chết trước mắt những người thân yêu của họ và không một lời than khóc nào có thể được thốt ra.
 
Cổng tử thần ở khu trại Auschwitz 2, bến cuối của những chuyến tàu chết chóc - Ảnh: Internet
Cổng tử thần ở khu trại Auschwitz 2, bến cuối của những chuyến tàu chết chóc - Ảnh: Internet

Trẻ em, phụ nữ có thai, những người già yếu bị đưa ngay vào lò hơi ngạt hay bị bắn chết ngay sau khi đã bị tước đoạt những gì họ còn mang được trên người: đồng hồ, nhẫn cưới… Những người còn lại bị đưa đến những khu nhà dành riêng cho họ, với những tấm ván làm giường thấp đến nỗi không thể ngồi thẳng lưng trên giường và mỗi khi một người muốn trở mình thì chín hay mười người khác trên giường cũng phải trở mình theo. Cho đến khi ngã xuống vì kiệt sức, vì đói khát, họ trở thành những người lao động cưỡng bách trong các nhà máy, công xưởng của Đức, nơi họ phải làm việc cật lực trong điều kiện lao động tồi tệ.

Trong một gian phòng trưng bày ở khu trại chính ban đầu Auschwitz 1, giơ trở thành một bảo tàng cấp quốc gia, sau một lớp kính là hành lý của từng người với tên họ, địa chỉ được ghi trên những chiếc va-li chồng chất lên nhau. Những cái tên xa lạ ở biết bao địa chỉ khác nhau: Budapest, Paris, Berlin, Praha… Gần đấy là phòng trưng bày hàng ngàn đôi giầy của các người bị đưa đến Auschwitz: giầy ống mùa đông, giầy da đàn ông, giày bít cao gót mũi nhọn của phụ nữ, giầy bé xíu xinh xắn của trẻ em.

Những chùm tóc vàng, nâu, trắng, đen và những chiếc răng vàng của các nạn nhân cũng còn đó. Những người cô thế, vô tội bị lùa vào trại tập trung, vào lò hơi ngạt như những bầy cừu. Để rồi hài cốt bị đổ xuống ao hồ xung quanh như ở trại tập trung và hủy diệt dành cho phụ nữ Ravenbrücke, Đức Quốc.

Tôi đứng nhìn đường ray xe lửa của bến chết, nhìn những ống khói còn được để lại của các lò hơi ngạt và hàng rào kẽm gai bốn phía với những tháp canh lạnh lùng và cố hình dung những sự đau đớn, tuyệt vọng cùng cực, sự tủi nhục không bến bờ của các nạn nhân ở Auschwitz cũng như của những trại tập trung, hủy diệt khác. Nhưng có lẽ tôi không thể nào hiểu được tất cả những điều này, hiểu được tận cùng sự tàn ác của con người. Cũng như không thể nào thốt nên lời trước tội ác không thể nào tưởng tượng được đối với nhân loại.

Tôi chợt nhớ đến nhan đề cuốn sách của nhà văn, nhà làm phim, luật gia Đức Alexander Kluge “Wer ein Wort des Trostes spricht, ist ein Verräter” (tạm dịch: Người nào nói một lời an ủi thì người đó là một kẻ phản bội”). Tác phẩm do NXB Suhrkamp ấn hành ở Berlin năm 2013, gồm 48 câu chuyện về những số phận cay đắng, nhưng trên hết là về những hình thái tổ chức hủy diệt con người. Trong cuốn sách được đề tặng Chánh công tố viên tiểu bang Hessen, Đức trong các vụ án Auschwitz, tác giả cho rằng, người nào không phải chịu đựng đau khổ thì không thể nào và không nên an ủi.

Tôi nhớ Đức Giáo hoàng Phanxicô năm ngoái, khi đến Auschwitz Ngài đã im lặng. Nhưng sự im lặng của Ngài bằng cả một ngàn lời nói.

Tác giả bài viết: Nguyên Hà, từ Berlin - Còn tiếp