Từ những chuyến đi: CỔNG THÀNH
- Thứ ba - 18/07/2023 03:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Rốt cục thì rất nhiều cư dân Đông Đức đã không để chính quyền “cách chức” họ một cách vô tội vạ mà ngược lại, đã đứng lên để góp phần tạo dựng một chính thể mà họ muốn. Để tới giờ, Cổng Brandenburg và khu vực lân cận luôn đông nghịt du khách không nhất thiết cần biết những gì diễn ra trước đó, mà tới đây để chứng kiến gương mặt hòa bình, văn minh và nhân hậu của nước Đức...”.
Ngắm và chụp ảnh dấu vết bức tường chạy ngoằn nghèo theo cách mà ngày nay khó tưởng tượng giữa Cổng Brandenburg (Das Brandenburger Tor), Khải Hoàn Môn mang tính biểu tượng của thủ đô Berlin và cả nước Đức, và Tòa nhà Quốc hội Liên bang (Reichstag), là điều lần nào khi qua mình cũng làm. Để rồi hồi nhớ lại những gì đã được đọc và biết về các sự kiện đã xảy ra ở đây.
Giờ đây thì mọi thứ đều vui vẻ và tưng bừng trên nét mặt những ai có mặt tại Cổng, nơi mà theo như phát biểu của Thủ tướng Helmut Kohl trong buổi lễ trọng thể vào ngày tái thống nhất nước Đức 3/10/1990 thì nước Hung khi đó cũng dự phần: “Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hungary! Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”.
Giờ đây thì mọi thứ đều vui vẻ và tưng bừng trên nét mặt những ai có mặt tại Cổng, nơi mà theo như phát biểu của Thủ tướng Helmut Kohl trong buổi lễ trọng thể vào ngày tái thống nhất nước Đức 3/10/1990 thì nước Hung khi đó cũng dự phần: “Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hungary! Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”.
Có lẽ không nhiều người trong số đó còn nhớ tới một phát biểu khác không kém phần nổi tiếng cũng tại nơi đây vào ngày 12/6/1987 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, khi người đứng đầu Thế giới Tự do đã bất ngờ thách thức “Con gấu Nga”: “Tổng Bí thư Gorbachev (...) hãy đến cái cổng này. Mr. Gorbachev, hãy mở cánh cổng này ra. Mr. Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!”.
Khó biết được câu nói “Mr. Gorbachev, tear down this wall!” có ảnh hưởng đến mức nào đến sự sụp đổ của bức tường, khởi đầu vào đêm 9/11/1989 sau câu nói “hớ” định mệnh của Günter Schabowski khi bị báo giới chất vấn về hiệu lực của quyết định mới cho phép công dân Đông Đức tự do xuất ngoại: “Ờ... theo như tôi được biết thì nó có hiệu lực ngay lập tức...” (sofort, unverzüglich).
Nhưng lịch sử nhiều khi được ghi nhận lại một cách dễ nhớ, dễ nhận biết và theo dõi nhất chính là theo chuỗi của những diễn ngôn như thế. Mỗi lần lai vãng quanh Cổng Brandenburg là mình lại nhớ câu nói “Cổng tường đã được rộng mở” của Hans Joachim Friedrichs, xướng ngôn viên ngôi sao của Tây Đức, trong chương trình thời sự tối muộn 9/11/1989, dù cổng tường chưa rộng mở.
Vượt qua mọi chuẩn mực của việc đưa tin mà một “cáo già” trong nghề như Friedrichs phải thuộc nằm lòng, vào khoảnh khắc mà nhà báo này cảm nhận được là “một ngày vĩ đại của lịch sử, khi CHDC Đức thông báo mở biên giới của họ”, ông đã thể hiện mộng tưởng của mình về sự thống nhất của dân tộc, trong “tuyên bố quan trọng nhất của đời mình” mà ông thổ lộ trước khi mất.
“Chừng nào Cổng Brandenburg còn đóng, thì vấn đề của nước Đức vẫn còn bị bỏ ngỏ” là nhận xét rất tuyệt vời từ thời Chiến tranh Lạnh của Richard von Weizsäcker, người sau này trở thành nguyên thủ quốc gia Đức. Dù có liên quan tới đôi ba tuyên bố nhầm lẫn hay sự kiện ngẫu nhiên đi nữa, nhưng việc mở cổng tường và khép lại vấn đề của nước Đức đã là sự nghiệp của toàn dân Đức.
Đứng ở phần cuối của đại lộ chính bên Đông Unter den Linden, đoạn được gọi bằng cái tên Quảng trường Paris (Pariser Platz), nhìn vọng sang Quảng trường 18/3 (Platz des 18. März) và con đường Straße des 17. Juni (Đường 17/6) chia đôi Công viên Thành phố (Tiergarten) nơi Trịnh Xuân Thanh từng “biến mất” bí ẩn, mình lại nhớ mấy câu thơ (1) của Bertolt Brecht nhân sự kiện 17/6/1953:
Sau cuộc nổi dậy tháng Sáu ngày mười bảy
Bí thư Hội Nhà văn cho rải
truyền đơn ở Đại lộ Stalin (2)
Nói nhân dân đã đánh tuột lòng tin
của chính phủ. Chỉ có cách lao động
gấp đôi. Mới mong khôi phục lại.
Sao chính phủ không cách chức nhân dân
Và bầu một nhân dân khác
Có phải tiện hơn không?
(“Giải pháp”, Die Lösung - 1953)
Bí thư Hội Nhà văn cho rải
truyền đơn ở Đại lộ Stalin (2)
Nói nhân dân đã đánh tuột lòng tin
của chính phủ. Chỉ có cách lao động
gấp đôi. Mới mong khôi phục lại.
Sao chính phủ không cách chức nhân dân
Và bầu một nhân dân khác
Có phải tiện hơn không?
(“Giải pháp”, Die Lösung - 1953)
Rốt cục thì rất nhiều cư dân Đông Đức đã không để chính quyền “cách chức” họ một cách vô tội vạ mà ngược lại, đã đứng lên để góp phần tạo dựng một chính thể mà họ muốn. Để tới giờ, Cổng Brandenburg và khu vực lân cận luôn đông nghịt du khách không nhất thiết cần biết những gì diễn ra trước đó, mà tới đây để chứng kiến gương mặt hòa bình, văn minh và nhân hậu của nước Đức...
Ghi chú:
(1) Bản dịch của Phạm Thị Hoài.
(2) Tức Đại lộ Karl-Marx (Karl-Marx-Allee) hiện tại.