Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỰ TÍCH BẠCH MÃ VÀ “QUÁI CHIÊU” CỦA NGƯỜI HUNGARY

(NCTG) Chinh phục đất nước theo nghĩa tổng quát là một quá trình mà một dân tộc chiếm làm sở hữu một mảnh đất với mục đích biến nó thành quê hương mới của mình. Trong lịch sử Hungary, sự kiện này khởi đầu năm 895, khi các bộ lạc Hung ồ ạt “đổ bộ” và chiếm vùng lòng chảo Kárpát (Carpathian).
Đại thủ lĩnh Arpád thống lĩnh các bộ lạc Hungary chiếm vùng lòng chảo Kárpát - Tranh in thạch bản: Vinzenz Katzler (thế kỷ 19)
Đương nhiên, khi Đại thủ lĩnh Árpád - người thừa hưởng quyền lực của cha ông, Thủ lĩnh Álmos - thống lĩnh vài trăm ngàn dân Hung tràn vào vùng Kárpát, thì mảnh đất nằm ở trái tim Châu Âu này không phải là vô chủ. Dân Hung đã phải dùng mọi thủ đoạn để chinh phục được vùng đất này, vũ lực và cả... lừa đảo!

“Sự tích bạch mã” (A fehér ló monda) là một huyền thoại nổi tiếng, về mưu trí của người Hung thuở ban đầu, và được truyền khẩu qua nhiều thế hệ cho tới khi được ghi lại trong nhiều nguồn sử liệu của Hungary, trong đó có tác phẩm lớn “Hành trạng của người Hung” (Gesta Hungarorum) của sử gia vô danh Anonymus.

Được ghi chép đầy đủ và hoàn thiện nhất là trong “Biên niên sử bằng tranh” (Chronicon Pictum, nửa cuối thế kỷ 14), “Sự tích bạch mã” thuật lại “cú lừa thế kỷ” mà người Hungary đã làm với dân Morava, nhưng có lẽ dân Bulgaria và nhiều dân tộc láng giềng cũng phải ngậm đắng nuốt cay trước “chiêu trò” quái đản này.

Truyện kể rằng, khi Đại thủ lĩnh Árpád và các quý tộc Hung tới vùng Pannonia (tên gọi cũ của một vùng đất rộng lớn, nơi hiện nay tọa lạc Hungary và nhiều nước lân cận), họ được nghe rằng, đây là mảnh đất hết sức giàu có, có con sông Danube (Duna) tuyệt vời nhất thế giới, và không đâu có nơi nào tốt hơn thế.

Người Hung quyết định cử một “điệp viên” tên là Kusid (là con trai của Kund, một trong 7 thủ lĩnh từng tham gia “cắt máu ăn thề” trên đường chinh phục đất nước), tới thám thính nơi này, và hỏi han cư dân ở đó xem có thực nó giàu có thế không. Khi Kusid tới nơi bây giờ là nước Hung, ông thấy mọi thứ quá ổn và quá thích!

Đất đai phì nhiêu, sông ngòi nhiều và cỏ cây xanh tươi, không gian thoáng đạt... là những gì khiến Kusid rất hài lòng, khiến ông tìm tới gặp vị thủ lĩnh tối cao của dân Morava đang cư ngụ ở đây là Svatopluk Đệ nhất. Morava là vùng lịch sử thuộc nước Cộng hòa Czech hiện tại, được thành lập từ thế kỷ 8 bởi người Slav.

Svatopluk (830-894), sau này được gọi bằng cái tên Svatopluk Đại đế, là vị thủ lĩnh có công khiến vùng Morava được mở rộng ở mức lớn nhất. Khi gặp Kusid, sứ giả của dân Hung, Svatopluk lập tức “mê ly” đàn bạch mã của Árpád và hết sức vui mừng trước món quà của người Hung: chú ngựa đẹp nhất trong đàn bạch mã.
 
“Chinh phục đất nước” (Honfoglalás, 1893) của danh họa Munkácsy Mihály (1844-1900), hiện được trưng bày tại Phòng Munkácsy, Nhà Quốc hội Hungary, Budapest. Đây là kiệt tác của thể loại hội họa đề tài lịch sử, khắc họa khoảnh khắc Đại vương công Árpád đổi đàn bạch mã để nhận lấy cỏ, đất và nước sông Danube
“Chinh phục đất nước” (Honfoglalás, 1893) của danh họa Munkácsy Mihály (1844-1900), hiện được trưng bày tại Phòng Munkácsy, Nhà Quốc hội Hungary, Budapest. Đây là kiệt tác của thể loại hội họa đề tài lịch sử, khắc họa khoảnh khắc Đại vương công Árpád đổi đàn bạch mã để nhận lấy cỏ, đất và nước sông Danube

Để đổi lại, người Hung chỉ muốn được nhận một bình nước từ sông Danube, một nắm đất và một nhúm cỏ từ vùng đất bát ngát Pannonia. Tưởng rằng được gặp những nông dân thật thà đến từ phương xa và muốn khai khẩn đất đai ở đây, Svatopluk mừng rỡ chấp nhận đề nghị của Kusid. Vụ trao đổi diễn ra êm ấm.

Vị sứ giả kiêm điệp viên trở về lán trại của người Hung, mang theo nước, đất và cỏ, rồi thuật lại toàn bộ câu chuyện. Chỉ cần nhìn cũng biết, đất rất màu mỡ, nước thì ngọt và cỏ thì tươi xanh. Quyết định tối hậu được đưa ra: Árpád cùng các vị thủ lĩnh đưa đại binh và toàn thể dân Hung ồ ạt tiến vào vùng Pannonia.

Khi đó, tư cách của họ đã khác so với trước đây: không còn là những vị khách, mà họ xem mình là chủ nhân thừa hưởng mảnh đất Pannonia quý báu này! Bởi lẽ, người Hung coi là họ đã trao đổi chú bạch mã cùng yên cương với vị thủ lĩnh Svatopluk của người Morava để nhận được đất, nước và cỏ của vùng đất mới!

Một thông điệp được người Hung chuyển tới Svatopluk: mảnh đất đã được chuyển giao, nên dân Morava hãy lập tức rời khỏi nơi đây! Szvatopluk không tin vào tai mình, nhưng khi nghe những lời dọa dẫm, ông hoảng sợ và triệu tập quân đội, cầu viện các đồng minh và thống lĩnh đại quân chờ người Hung tới.

Giữa chừng, quân Hung hành quân cạnh sông Danube và một trận chiến lớn diễn ra. Rốt cục, Thủ lĩnh Szvatopluk bại trận và phải tháo chạy. Bị đuổi tới sông, cùng đường, ông nhảy xuống dòng Danube chảy xiết và qua đời sau 24 năm trị vì. Người Hung chiếm được vùng đất hết sức giá trị từ dân Morava như thế.

Chỉ là một huyền thoại, nhưng “Sự tích bạch mã” là một viên ngọc trong kho tàng những huyền sử nổi tiếng nhất thời kỳ “tiền lập quốc” của dân tộc Hungary. Cỏ, đất và nước là những biểu tượng của dân du mục và người Hung đã thường dùng chúng trong những “giao dịch” diễn ra ở các vùng thảo nguyên rộng lớn.

Có nghĩa là, thỏa thuận không được ký kết bằng văn bản, mà chỉ được chứng thực bằng cách trao nhau một cách tượng trưng những “báu vật” quan trọng nhất của vùng thảo nguyên. Được biết, truyền thống cổ sơ này còn tồn tại cho đến bây giờ khi mua bán đất đai, ruộng đồng ở các cộng đồng du mục Châu Á.
 
Tượng Svatopluk, “Vua của dân Slovakia cổ” trước cổng vào của Lâu đài Bratislava (Slovakia)
Tượng Svatopluk, “Vua của dân Slovakia cổ” trước cổng vào của Lâu đài Bratislava (Slovakia)

Phải chăng vì không rành những tập quán du mục ấy, mà người Morava (và khả năng là người Bulgaria và nhiều dân tộc láng giềng khác) đã bị người Hung đánh lừa? Chỉ biết, khi Đại vương công Árpád đưa dân Hung vào vùng bồn địa Kárpát năm 895, thì Szvatopluk đã qua đời 1 năm trong cuộc chiến với người Frank.

Hơn thế nữa, thậm chí, nhận lời cầu cứu của Svatopluk, các mã cung thủ lừng danh của Hungary còn từng là đồng minh của vị vương công này trong cuộc chiến với Đế quốc Frank (Imperium Francorum). Nhờ đó, từ năm 894, các bộ lạc Hung đã có “đất dụng võ” và đồng thời, “thám thính” thỏa thê trong vùng Pannonia.

Nghĩa là, câu chuyện chắc chắn không diễn ra trong thực tế như huyền thoại ở trên. Dầu sao đi nữa, Svatopluk vẫn được coi là “kỳ nhân” vĩ đại nhất trong lịch sử các sắc dân Slav ở Trung Âu: pho tượng của ông đặt trước cổng vào của Lâu đài Bratislava (Slovakia) đã vinh danh ông là “Vua của dân Slovakia cổ”.

Và, mặc dù hơn một ngàn năm đã trôi qua, nhắc lại chuyện cũ, nhiều khi vẫn khiến mối quan hệ của Hungary với các xứ Slav trong vùng “nổi sóng”, bởi ai mà có thể chịu được khi nghe lại chuyện tổ tiên của mình bị lường gạt một cách ngoạn mục như thế trước mưu kế “bất chiến tự nhiên thành” của dân Hung!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh