Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


STALIN “SỐNG MÃI” TRONG LÒNG MỘT BỘ PHẬN DÂN NGA

(NCTG) Một trung tâm khoa học, văn hóa và lịch sử mang tên Stalin vừa được khánh thành nhân kỷ niệm 136 năm ngày sinh của “nhà độc tài đỏ” tại Penza, một thành phố nằm cách Moscow 625 cây số về phía Đông Nam.
“Đời đời nhớ Ông” - Minh họa: Artem Kreminsky (“Sputnik”)
Lễ khai trương đã thu hút được sự hiện diện của đông đảo cư dân tại đây, theo tường thuật của mạng tin RT.com.

Joseph Stalin, kể từ khi được “tấn phong” cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga - Xô năm 1922 cho tới khi mất vào năm 1953, là “Ông chủ” đầy quyền năng của Liên bang Xô-viết, đã “thâu tóm trong tay quyền hành vô độ” (nhận xét của Lenin trong “Chúc thư Chính trị”, khi thủ lĩnh của cách mạng Nga đã đề xuất việc thay thế Stalin bằng người khác).

Trong thời gian đó, ông ta đã cho tử hình hơn 1 triệu đồng chí vì những lý do chính trị, và hàng chục triệu người bị đày ải trong hệ thống ngục tù Gulag mang danh “cải tạo lao động”. Ở Ukraine và miền Nam nước Nga, nhiều triệu người thiệt mạng vì nạn đói nhân tạo do chính quyền tạo dựng một cách có chủ đích, cũng như trong những đợt thanh trừng mang tính sắc tộc.

Đặc biệt, những cuộc thanh trừng trong quân đội đã khiến Liên Xô khốn đốn trong thời gian đầu trong cuộc chiến với phát-xít Đức. Stalin đã cho giết ba trong số năm nguyên soái lỗi lạc của Hồng quân, được tấn phong năm 1935 (Tukhachevsky, Bljucher, Yegorov), cùng rất nhiều đại tướng, thủy sư đô đốc và lãnh đạo quân sự tài ba. Ước tính có tới 30.000 thượng và hạ sĩ quan bị xử bắn.
 
Khai trương trung tâm Stalin ở Penza - Ảnh chụp từ clip
Khai trương trung tâm Stalin ở Penza - Ảnh chụp từ clip

Tuy nhiên, cho đến nay, nhà độc tài vẫn chiếm được thiện cảm và sự sùng bái của nhiều người Nga, như lễ khánh thành trung tâm văn hóa nói trên cho thấy. Nhiều cành hoa đã được mang tới đặt tại tòa nhà để tưởng nhớ Stalin, và người đứng đầu Đảng Cộng sản Nga tại địa phương thì cho hay, “Stalin ngày càng được ưa chuộng, không chỉ trên phương diện một chính khách, mà như một thường dân nữa”.

Lý do được đưa ra là vì, theo ông Georgiy Kamenev, Stalin “là người khiêm tốn, cho dù ông đứng đầu một quốc gia rộng lớn”. Ông này cũng nhấn mạnh, trung tâm được xây dựng để bày tỏ lòng kính trọng một thời đại trong lịch sử Liên Xô. Đước biết, trước đó, nhóm cộng sản ở TP. Penza đã tuyên bố họ muốn coi năm 2016 là “Năm Stalin”, để kỷ niệm 80 năm ngày ra đời cái gọi là “Hiến pháp Stalin 1936”.

Nhắc lại, bản Hiến pháp 1936 được coi là mẫu mực cho tất cả hệ thống luật pháp các nước XHCN trước đây, do Nicolai Bukharin, “con cưng của toàn đảng Bolshevik” (lời Lenin) chủ biên. Chính Bukharin cùng các lãnh tụ cách mạng cựu trào của nước Nga, về sau, cũng trở thành nạn nhân trong làn sóng “đại thanh trừng” cuối thập niên 30 do Stalin giật dây, thường được biết tới với cái tên “Những vụ án Moscow”.
 
Ngôi nhà ở Khoroshevo, phía Tây Moscow, nơi Stalin nghỉ đêm trong chuyến “thị sát” mặt trận duy nhất của ông ta thời Đệ nhị Thế chiến, nay trở thành một bảo tàng nhỏ - Ảnh: Pavel Golovkin (AFP)
Ngôi nhà ở Khoroshevo, phía Tây Moscow, nơi Stalin nghỉ đêm trong chuyến “thị sát” mặt trận duy nhất của ông ta thời Đệ nhị Thế chiến, nay trở thành một bảo tàng nhỏ - Ảnh: Pavel Golovkin (AFP)

Trung tâm Stalin ở Penza không phải là cơ sở duy nhất được dựng lên trong năm 2015 ở Nga để tưởng nhớ “nhà độc tài đỏ”: ở nhiều địa phương khác, một phần cũng nhân kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Đệ nhị Thế chiến (mà trong thực tế, Liên Xô cùng phát-xít Đức là hai tác nhân gây ra vào tháng 9-1939), đã có nhiều bảo tàng viện và tượng đài có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Stalin được xây dựng.

Chẳng hạn, nơi Stalin nghỉ đêm trong chuyến đi “thị sát” chiến trường trong Thế chiến Thứ hai ở Khoroshevo - đây là lần “ra trận” duy nhất của ông ta trong cuộc chiến này - đã được sửa lại làm thành di tích, trong một ngôi nhà có hai phòng. Tại đó, người ta đã bày biện một triển lãm nhỏ giới thiệu những “chiến tích” quân sự và kinh tế của nhà độc tài, tuy nhiên những tội ác của ông ta thì bị quên biệt.

Cũng như, những nhược điểm hoặc yếu kém của Stalin trong quân sự - khiến ông ta không thể là “thiên tài quân sự”, “đại nguyên soái” bên cạnh các vị thống chế lừng danh như Zhukov, Vasilevsky, Konev... như báo chí Liên Xô đương thời vẫn xưng tụng - tuyệt nhiên không thấy ở đây. Giám đốc “bảo tàng mini” này cho hay, Stalin không phải thiên thần, nhưng ông đã ưu tiên bảo vệ an toàn cho người dân.

Và bảo tàng này, theo ý những người thành lập nó, có mục đích bảo tồn ký ức lịch sử và “bảo vệ sự thật”...

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp