“NGƯỜI HUNG LÀ NGƯỜI MANG TRONG LÒNG NỖI ĐAU TRIANON”
- Thứ tư - 03/06/2020 01:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Chỉ hai ngày nữa, Hungary trọng thể tưởng niệm 100 năm ngày Hiệp ước Hòa bình Trianon được ký kết, khiến Vương quốc Hungary đánh mất hai phần ba diện tích đất nước và hai phần ba dân số. Nỗi đau Trianon được coi là tấn thảm kịch lớn nhất của lịch sử Hungary, và thường được bó gọn trong một câu: “Người Hung là người mang trong lòng nỗi đau Trianon”.
“Magyar az, akinek fáj Trianon”, câu nói có lẽ không một người Hung nào không biết, thường được coi là của nhà thơ Illyés Gyula, hoặc nhà văn Karinthy Frigyes, cả hai đều là những tên tuổi lớn của nền văn học Hungary thế kỷ 20. Nó được quen biết hệt như câu khẩu hiệu “Tria non” (Ba không) lấy từ cái tên tòa lâu đài Trianon, nơi bản hòa ước được ký kết ngày 4-6-1920: “Không! Không! Không bao giờ!” (Nem, nem, soha) (*).
Nước Hung bị chia cắt, bị chà đạp và phải chịu rất nhiều khổ nạn trong thế kỷ 20 khiến lòng người ly tán, nhưng có lẽ nếu có duy nhất một điều thiêng liêng trong tâm thức dân Hung, đó chính là Trianon. Trong ngày 4-6 định mệnh ấy, tất cả các nhà thờ trên đất Hung đã đổ chuông, các nhà máy kéo còi, người dân ôm nhau khóc trên đường phố để vĩnh biệt phần đất bị cưỡng đoạt, bất kể những bất đồng chính trị hay tôn giáo.
Nước Hung bị chia cắt, bị chà đạp và phải chịu rất nhiều khổ nạn trong thế kỷ 20 khiến lòng người ly tán, nhưng có lẽ nếu có duy nhất một điều thiêng liêng trong tâm thức dân Hung, đó chính là Trianon. Trong ngày 4-6 định mệnh ấy, tất cả các nhà thờ trên đất Hung đã đổ chuông, các nhà máy kéo còi, người dân ôm nhau khóc trên đường phố để vĩnh biệt phần đất bị cưỡng đoạt, bất kể những bất đồng chính trị hay tôn giáo.
Sau một thế kỷ, các nhà nghiên cứu đã lần lại nguồn gốc của câu nói được coi là “chân lý của Hungary” nói trên, mà theo một thăm dò mới được tiến hành, 85% cư dân Hung tới giờ vẫn coi là đúng. Thì điều bất ngờ là không thể tìm được nó trong các tác phẩm của cả Illyés Gyula lẫn Karinthy Frigyes! Cho dù nhà văn Karinthy Frigyes có một tác phẩm với nội dung tương tự: “Thư gửi con trai - Nhân ngày tưởng niệm Trianon”.
Bà Stauder Mária, nhà nghiên cứu văn học sử, một trong những chuyên gia uy tín nhất về sự nghiệp và di sản của thi hào Illyés Gyula, thì khẳng định rằng “sau khi đã tra cứu kỹ các trước tác thi ca, nhật ký, nghiên cứu, trả lời phỏng vấn... của Illyés Gyula, có thể nói rằng câu nói trên không liên quan gì tới ông!”. Hóa ra, một câu nói cửa miệng của toàn dân Hung, chỉ trong 100 năm, mà việc truy tìm nguồn gốc không đơn giản!
Đường dẫn tới lời giải đáp, hóa ra lại đơn giản hơn thế nhiều! Ai đó nhớ ra rằng, ông Patrubány Miklós - Chủ tịch Liên đoàn Người Hung Thế giới - là người đã nhắc tới câu nói này, mới vào những năm 90 thôi, và khiến nhiều người biết đến nó. Và như vậy có nghĩa là rất có thể, câu nói không có cội nguồn hàng trăm năm như nhiều người tưởng! Mạng tin 24.hu đã liên hệ với ông Patrubány Miklós và ông cho biết như sau:
“... còn lại bằng cứ văn bản chứng tỏ rằng bản thân tôi đã dùng đầu tiên câu nói này vào ngày 25-5-2000 tại phát biểu trong hội nghị khai mạc Đại hội Người Hung Thế giới lần thứ 5. Khoảnh khắc ấy khiến tôi “nổi hứng” và nói ra câu ấn định bản sắc của dân tộc Hung, khiến ba ngàn đại biểu tham dự thấu cảm... Phát biểu của tôi đã phải ngừng trong nhiều phút vì những tràng vỗ tay vang dội”, ông Patrubány Miklós thuật lại.
Vị chủ tịch cho hay, chỉ sau đó, “người đời” mới hay liệt câu nói của ông cho thi hào Illyés Gyula. Ông Patrubány Miklós nói rằng ông cũng không biết câu đó là của ai, không loại trừ là sự “nổi hứng” ở khoảnh khắc đáng nhớ ấy đã khiến ông sáng tạo ra một ý tưởng xuất thần. Tuy nhiên, một thế kỷ đã trôi qua, cũng có người Hung cho rằng, không nhất thiết họ phải có “nỗi đau Trianon”, không lẽ họ không phải người Hung?
Trả lời câu hỏi này, ông Patrubány Miklós đáp: “Có thể, nhưng nếu ai vì câu nói này mà cảm thấy bị đưa ra ngoài rìa, thì kẻ đó không phải người Hung. Thử nghĩ thêm chút coi, người không mang trong lòng nỗi đau holocaust thì có thể gọi là Do Thái không?”. Dầu vậy, một thống kê mới đây cho thấy chỉ 27% số người được hỏi nhớ đúng thời điểm 4-6-1920 của Trianon, cho dù đây là kiến thức lịch sử cơ bản bậc trung học!
(*) Với tựa đề như trên, thi hào Hungary József Attila lúc mới 17 tuổi, đã sáng tác một thi phẩm với những lời thơ động lòng nhưng đầy hào khí: “Tổ quốc chúng ta sẽ không nhỏ đi một tấc đất, không! - Người sẽ chói lọi như trước kia, rạng ngời...”.