16-1-1920: NGÀY ĐAU KHỔ CỦA “ĐẠI LÃO TRƯỢNG VÙNG TRUNG ÂU” APPONYI ALBERT
- Thứ sáu - 17/01/2020 04:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nếu quý vị đặt Hungary vào cảnh phải lựa chọn hoặc ký, hoặc khước từ bản Hòa ước này, tức là đã trả lời cho câu hỏi, có nên chăng, quốc gia này hãy tự sát để khỏi phải chết”.
Đó là những lời lẽ hết sức động lòng trong phát biểu nổi tiếng của bá tước Apponyi Albert, trưởng đoàn đàm phán của Vương quốc Hungary, cách đây tròn 100 năm trước các đại diện thuộc “phe thắng cuộc” Pháp, Anh Quốc, Ý, Hoa Kỳ và Nhật Bản (*).
Câu nói trên chỉ là một trong vô vàn những đoạn mẫu mực của bài diễn văn thuộc hàng nổi tiếng nhất của thế kỳ 20, mà sau này được trích dẫn không ngừng tại nước Hung thời giữa hai cuộc Thế chiến. Hùng biện, thống thiết, đau thương và xót xa trên từng câu chữ!
Tác giả bài diễn văn đó, bá tước Apponyi Albert, nhà bác học và nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Hungary, chuẩn bị cho bài phát biểu của đời ông trong cảnh đoàn đàm phán Hungary bị quản thúc tại gia ở ngoại ô Paris và không hề có cơ hội tham dự các cuộc thương thảo.
Mãi đến ngày 16-1-1920, sau hơn 1 tuần bị “an trí”, khi tất cả mọi việc đã được an bài bởi các “nước lớn” và có trong tay bản Hiệp ước khiến nước Hung lịch sử bị mất 2/3 diện tích, ông mới có dịp trình bày quan điểm của phía Hungary trước Hội đồng Hòa bình Tối cao.
Câu nói trên chỉ là một trong vô vàn những đoạn mẫu mực của bài diễn văn thuộc hàng nổi tiếng nhất của thế kỳ 20, mà sau này được trích dẫn không ngừng tại nước Hung thời giữa hai cuộc Thế chiến. Hùng biện, thống thiết, đau thương và xót xa trên từng câu chữ!
Tác giả bài diễn văn đó, bá tước Apponyi Albert, nhà bác học và nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Hungary, chuẩn bị cho bài phát biểu của đời ông trong cảnh đoàn đàm phán Hungary bị quản thúc tại gia ở ngoại ô Paris và không hề có cơ hội tham dự các cuộc thương thảo.
Mãi đến ngày 16-1-1920, sau hơn 1 tuần bị “an trí”, khi tất cả mọi việc đã được an bài bởi các “nước lớn” và có trong tay bản Hiệp ước khiến nước Hung lịch sử bị mất 2/3 diện tích, ông mới có dịp trình bày quan điểm của phía Hungary trước Hội đồng Hòa bình Tối cao.
Trong cảnh hoàn toàn vô vọng mà chính vị chính khách cũng ý thức được một cách rõ ràng, bá tước Apponyi Albert - “người Hung vĩ đại nhất trong số những người còn sống” - vẫn cố gắng nhấn mạnh những luận cứ để bảo toàn Vương quốc Hungary một ngàn năm tuổi.
Mở đầu phát biểu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, sau đó tổng kết bằng tiếng Ý, Apponyi Albert đã phân tích trên các góc độ dân số, địa lý, lịch sử và luật pháp thông qua các văn kiện và bản đồ, để chứng tỏ “hình phạt” của các nước thắng cuộc với Hungary là quá oan ức.
Kéo dài hơn 1 giờ, phát biểu “biện hộ” cho nước Hung của Apponyi Albert được giới sử gia đánh giá như lời từ giã nước Đại Hung, và bao hàm mọi lý lẽ của tư tưởng “xét lại” sau này, khiến Hungary đã chọn chỗ đứng bên cạnh Đệ tam Đế chế để giành lại mảnh đất bị mất.
Như có thể chờ đợi, những lời lẽ đau thương của vị bá tước đã hoàn toàn rơi vào khoảng không trống rỗng tại Phòng Khánh tiết của Bộ Ngoại giao Pháp. Chính Apponyi Albert cũng lường trước được điều này, và phát biểu của ông thực ra là một thông điệp cho hậu thế.
Tất cả thực ra đã được ấn định trước đó 1 ngày, tại phòng Salle de l'Horloge tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, nơi diễn ra Hội nghị Hòa bình Paris (trong hai năm 1919-1920), khi phái đoàn Hungary được nhận văn bản “chót” của Hiệp ước mà “phe thắng cuộc” đã thông qua.
Hiệp ước đã được soạn thảo với ý đồ thiết lập một trật tự mới cho Châu Âu, mà phe thua cuộc không hề được dự phần bàn bạc. Trong ván cờ ấy, Hungary là quốc gia chịu nhiều thiệt thòi nhất, “với những điều kiện ngặt nghèo nhất, gây nguy hại cho sự tồn vong của nó”.
“Không bao giờ tôi nghĩ là sẽ có những đổi thay đáng kề gì có lợi cho chúng ta trong bản Hiệp ước Hòa bình”, Apponyi Albert phát biểu sau đó ít lâu trước báo giới. Ngay khi chuẩn bị rời Paris về Hungary, ông đã phác ra chương trình đòi lại những phần đất bị mất sau này:
“Quý vị hãy đừng coi là số phận của Hungary đã bị an bài bởi Hiệp ước này. Hãy nghĩ tới thời điểm sẽ diễn ra sau này (...) trong một khoảng thời gian không quá dài, chúng tôi sẽ giành lại cho Hungary địa vị xứng đáng trong đại gia đình các dân tộc” - vị bá tước khẳng định.
Bài phát biểu của Apponyi Albert, bằng cách đó, đã đặt nền móng và cơ sở cho ý tưởng “xét lại” (Hiệp ước Trianon) trong đời sống chính trị, ngoại giao và tinh thần Hungary trong thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, và gây ảnh hưởng lớn đến tâm thức công luận Hungary.
Nhà chính khách yêu nước ấy không thể chấp nhận Trianon, không nhắm mắt trước cảnh nước Hung lịch sử bên bờ vực thẳm, nhưng có lẽ ông không thể ngờ rằng, sự lớn mạnh của các đảng phái, phòng trào cực hữu theo chủ nghĩa xét lại đó lại khiến Hungary đại bại.
Gần gũi với nước Đức Hitler để chấn hưng nền kinh tế, sa vào sự ảnh hướng chính trị dẫn đến bài xích người Do Thái, nhờ sức ép của Đệ tam Đế chế, Hungary được trả lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc trong hai hội nghị ở Vienna thời 1938-1940.
Tuy nhiên, cái giá phải trả một lần nữa rất thảm khốc: nước này phải tham chiến bên quân đội Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến, để rồi Hiệp định Hòa bình ký tại Paris ngày 10-2-1947 đã tái lập các đường biên giới cũ và Hungary còn mất thêm một phần đất cho Tiệp Khắc.
Năm lần được đề cử Giải Nobel Hòa bình thời kỳ 1911-1932, bá tước Apponyi Albert, được công luận Anh - Mỹ gọi bằng cái tên “Đại lão trượng vùng Trung Âu” (The Grand Old Man of Central Europe), qua đời năm 1933, đúng vào thời điểm Hitler lên nắm quyền ở Đức.
Sinh thời, ông được coi là một trong số hiếm hoi các chính khách thượng đỉnh của Hungary, có tài hùng biện bằng tiếng Hung cũng xuất chúng như các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và Ý, vì giới đại quý tộc Hung tham gia chính trường thời đó, thường hay chỉ sử dụng tiếng Đức.
Một thế kỷ trôi qua, hậu thế nhớ tới Apponyi Albert qua sự nghiệp ngoại giao nổi bật của ông, mà đặc biệt là bài phát biểu xuất thần ngày 16-1-1920. Lần duy nhất, đoàn Hung được “mở miệng”, và Apponyi Albert đã làm điều đó một cách chói lọi, nhưng ông vẫn bất lực.
Đường lối ái quốc mà ông chủ trương, rất hợp lòng dân và bầu không khí chính trị chung của nước Hung khi đó, nhưng về sau lại dẫn tới thảm bại. Đó là tấn thảm kịch của một đất nước mà nhà ngoại giao lão thành, cựu ngoại trưởng Pháp Théophile Delcassé đã bình luận:
“Một dân tộc không cần phải hổ thẹn khi thua cuộc, hoặc phải ký một hiệp ước hòa bình định mệnh trong cảnh dao kề cổ. Nhưng dân tộc đó sẽ trở nên vô danh dự nếu nó không phản đối, hoặc chấp thuận để chính nó tan nát. Thất bại không phải khi thua, mà là khi từ bỏ”.
(*) Các thủ tướng Georges Clemenceau (Pháp), David Lloyd George (Anh Quốc) và Francesco Saverio Nitti (Ý), cùng đại sứ Hoa Kỳ và Nhật tại Paris có mặt tại sự kiện này.