Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ý kiến ngắn: DẠY HỌC SINH VỀ LẠM DỤNG TÌNH DỤC

(NCTG) “Các con sẽ được học rằng các con có quyền tối thượng đối với thân thể mình. Rằng không ai có quyền chạm vào cơ thể các con mà không xin phép, kể cả bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác, và bạn bè thân thiết”.
Ấu dâm ở mức nghiêm trọng bị nhiều nước coi là tội ác không bao giờ hết thời hiệu - Minh họa: vecseshirek.hu
Nếu tôi là giáo viên ở Việt Nam, tôi sẽ tranh thủ sự kiện các bạn nhỏ bị ấu dâm đang khiến dư luận quan tâm hiện nay để dạy học trò bảo vệ mình và bảo vệ nhau trước vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em (*).

Cái giờ sinh hoạt chán ngắt, hay giờ Giáo dục Công dân buồn ngủ sẽ biến thành buổi thảo luận về lạm dụng tình dục.

Các bạn bé xíu sẽ được dạy một bài về “Quyền thân thể”. Các con sẽ được học rằng các con có quyền tối thượng đối với thân thể mình. Rằng không ai có quyền chạm vào cơ thể các con mà không xin phép, kể cả bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác, và bạn bè thân thiết. Nếu ai đó chạm vào cơ thể các con, bất kỳ chỗ nào kể cả tay, chân, mặt mũi, khi các con không đồng ý thì hãy hét lên kêu cứu. Đặc biệt là chỗ kín của các con thì càng không được động vào.

Các con sẽ được dạy rằng nếu một trong các bạn của các con kêu cứu vì bị đụng chạm cơ thể thì các con phải tìm cách giúp bạn. Nếu bạn của các con sợ hãi mà không kể với bố mẹ thì các con hãy kể chuyện đó với bố mẹ, vì bố mẹ có thể giúp bạn. Hoặc các con có thể kể với thầy cô, vì thầy cô sẽ luôn lắng nghe các con.

Các bạn lớn sẽ được học thế nào là ấu dâm, thế nào là hiếp dâm, và luật pháp liên quan tới ấu dâm, hiếp dâm. Các bạn sẽ được dạy là cần phải bảo vệ các em bé hơn nếu thấy các em bị người lớn sờ soạng.

Và phụ huynh à, các bạn cũng hãy tranh thủ dịp này vừa để bổ sung kiến thức cho mình, vừa để dạy con về lạm dụng tình dục trẻ em, và  các dạng lạm dụng khác nói chung nhé.

(*) Ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện mình được một bé 10 tuổi ở Pháp kể cho. Em bé ấy kể là sau sự kiện khủng bố ở Paris làm 130 người chết vào cuối tuần, thứ Hai đầu tuần cô giáo dành một buổi để các em nói chuyện về sự kiện đó. Đấy không phải là bài học thế nào là khủng bố, khủng bố từ đâu ra, v.v... Chỉ đơn giản là các cô hỏi là thế các cháu có biết sự kiện ấy không (ai mà chẳng biết!), và các cháu nghĩ gì về sự kiện đấy. Bạn nào cũng có quyền phát biểu hết.

Tác giả bài viết: Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)