Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Vaccine ngừa Covid-19: SỰ TIN TƯỞNG VÀ CHẤP NHẬN

(NCTG) “Để có miễn dịch cộng đồng, người trẻ khỏe có thể vẫn chấp nhận tiêm để bảo vệ cho mình thì ít mà để đạt cái đích miễn dịch cộng đồng nhiều hơn, qua đó bảo vệ cho những người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng. Đó chính là trách nhiệm xã hội của họ” - phân tích của BS. Huy Nguyên, từ Hà Nội.
Tiêm chủng, vấn đề nóng bỏng của cộng đồng những tháng gần đây - Ảnh: about.fb.com
Cho đến nay, nhiều vaccine kháng Covid-19 đã được đưa vào sử dụng với mức độ được tin tưởng và chấp nhận khác nhau.

Sự tin tưởng vào một vaccine tùy thuộc vào tính hiệu quả và an toàn của vaccine đó được công bố sau một quá trình thử nghiệm chuẩn minh bạch. Có những vaccine được công bố là an toàn và hiệu quả nhưng người ta vẫn nghi ngờ về độ khả tín và tính minh bạch của thông tin được công bố.

Cho đến nay, có vẻ người ta tin vào các vaccine của Pfizer, Moderna và J&J hơn là vào các vaccine khác như Sputnik V của Nga hay Sinopharm của Trung Quốc. Trong việc thuyết phục người ta tin, danh tiếng của các công ty là quan trọng. Các vaccine của Nga và Trung khó mà chen chân vào được các thị trường khó tính.

Sự chấp nhận và quyết định dùng một vaccine là bước tiếp sau của sự hiểu biết và tin tưởng vào vaccine đó. Sự chấp nhận này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ở Mỹ, tỷ lệ chấp nhận thường không quá 70% số người lớn được hỏi, trong đó người già dễ chấp nhận hơn người trẻ, nam dễ chấp nhận hơn nữ, người gốc Á chấp nhận nhiều hơn các sắc dân khác, người có học vấn cao hơn chấp nhận nhiều hơn. Ngoài ra, tỷ lệ chập nhần còn mang yếu tố chính trị: trong khi hơn 30 % người theo Đảng Cộng hòa không muốn tiêm thì tỷ lệ này ở người theo Đảng Dân chủ chỉ hơn 10%.

Tại một số nước Tây Âu, tỷ lệ không chấp nhận thấp hơn ở Mỹ: 8% ở Ý, 10% ở Vương quốc Anh, 13% ở Đức và 24% ở Pháp. Ở Pháp, Bỉ và vùng Quebec của Canada, 28% nhân viên y tế được hỏi còn lưỡng lự, số còn lại chấp nhận ở hai mức cao và vừa phải. Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối tháng 1/2021 ở hơn 20 nước cho thấy chỉ có 63% số người chấp nhận tiêm.

Việc chấp nhận tiêm vaccine tùy thuộc vào lợi ích của tiêm cho người được tiêm, vào thái độ của họ với gia đình và cộng đồng, vào điều kiện kinh tế, và vào các bắt buộc xã hội.
 
Vaccine của Pfizer, Moderna... được tin tưởng hơn Sputnik V, Sinopharm vì những lý do dễ hiểu - Ảnh: forbes.com
Vaccine của Pfizer, Moderna... được tin tưởng hơn Sputnik V, Sinopharm vì những lý do dễ hiểu - Ảnh: forbes.com

Về lợi ích với người được tiêm, mặc dù ai tiêm thì cũng là để tạo miễn dịch để bảo vệ chính mình nhưng với người già có bệnh nền thì cần hơn, người trẻ và khỏe ít cần hơn, trẻ nhỏ ít cần nhất. Điều này có nghĩa là người trẻ khỏe có thể quyết định không tiêm mà không sợ.

Tuy nhiên, để có miễn dịch cộng đồng (ở trên 75% số người trong cộng đồng), người trẻ khỏe có thể vẫn chấp nhận tiêm để bảo vệ cho mình thì ít mà để đạt cái đích miễn dịch cộng đồng nhiều hơn, qua đó bảo vệ cho những người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng. Đó chính là trách nhiệm xã hội của người tiêm trẻ, một việc làm giống như một người trẻ mua bảo hiểm y tế.

Liên quan đến điều kiện kinh tế, người nghèo, nước nghèo ít có lựa chọn về loại vaccine hơn người giàu, nước giàu; sự chấp nhận có khi là bắt buộc. Phân bố loại vaccine được tiêm theo địa lý sẽ phần nào phản ánh mức thu thập theo địa lý. Các nước nghèo có thể phải dùng vaccine ít an toàn và hiệu quả hơn.

Về chấp nhận vaccine và các bắt buộc xã hội, chứng chỉ tiêm vaccine có thể trở thành một loại giấy thông hành để một người có thể đi lại, đi tới nơi làm việc và không bị kỳ thị. Người ta có thể bị buộc phải tiêm dù không muốn.

Thương hiệu vaccine hiện nay còn mang thể diện quốc gia và là công cụ thi thố giữa các nước. Nếu, chẳng hạn, ông Putin công khai dùng vaccine của Pfizer thì đấy sẽ là cái tát vào vaccine Sputnik V của Nga. Ông Tập chắc chắn không dám công khai là tiêm vaccine của Moderna khi Trung Quốc đã có Sinopharm. Trong các chiến dịch tiêm chủng, quan chức chính quyền và giới chức y tế phải làm gương cho những người khác trong việc chấp nhận vaccine.

Nếu trừ đi số trẻ nhỏ, tỷ lệ người lớn tuổi chấp nhận tiêm vaccine đã thấp hơn tỷ lệ cần có để có miễn dịch cộng đồng trong riêng cộng đồng lớn tuổi. Nếu cộng cả trẻ nhỏ vào, tỷ lệ chấp nhận tiêm càng thấp hơn. Điều này cho thấy rất cần nâng cao ý thức và thái độ cộng đồng của người tiêm. Sự tàn phá tai hại của Covid-19 đã quá rõ, rõ đến mức những tiếng nói ủng hộ tiêm vaccine lấn át hoàn toàn những tiếng nói chống.

Tác giả bài viết: BS. Huy Nguyên, từ Hà Nội