TRIỂN VỌNG VIỆT NAM 2019 NHÌN TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ
- Thứ ba - 02/04/2019 17:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Cạnh tranh nhiều hơn, chi phí cao hơn thì đi một nhẽ, nhưng tất cả đều đối mặt với chung một thảm cảnh là thị trường ngày càng thu hẹp cực kỳ nhanh, chính vì thế mà câu chuyện không hề dễ thở hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất một phần dạng gia công đầu cuối với hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc...”.
Lời Tòa soạn: Tiếp tục loạt bài chủ đề “Việt Nam đang ở đâu - đi về đâu?”, sau bài mở đầu về một số vấn đề của đời sống tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam, tác giả Phúc Lai tiếp tục nhìn nhận về triển vọng của đất nước trong năm nay thông qua một số trải nghiệm cá nhân "tai nghe mắt thấy". Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Đầu năm, tôi có dùng Facebook messenger chat để tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và doan nhân kinh nghiệm, hiểu biết nhiều về kinh tế, tập trung vào nhận xét về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Các ý kiến của họ như thế nào xin cho phép tôi không đi vào tập trung mổ xẻ, mà sẽ điểm dần ở trong loạt bài. Ở đây tôi sẽ trình bày trước về những điều mắt thấy tai nghe xung quanh mình.
Ngôi nhà của gia đình tôi nằm gần một trục đường khá nhộn nhịp của thủ đô, cách đây ngoài 20 năm thì nó chỉ là trục đường ven đô, nay đã rất sầm uất và đông đúc. Tuy nhiên với đặc thù của trục đường, chức năng buôn bán không át được chức năng giao thông, giá thuê nhà mặt đường ngay thời điểm cao nhất khoảng năm 2010-2012 khoảng 7-8 triệu đồng (3-400 đô-la) không thể so được với một số khu vực khác.
Đầu năm nay (2019) sau một cuộc khảo sát nho nhỏ, tôi rất lấy làm bất ngờ vì giá thuê hiện nay chỉ vào khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng, nhà có mặt tiền to đến 7-8 mét mới tới giá 5 triệu. Ở các tuyến phố khác cũng vậy, giá trước đây cao hơn thì bây giờ cũng vẫn cao hơn, nhưng giá tiền thuê không còn được như trước, đều đồng loạt chỉ còn giữ được 60 đến 70% là cùng so với giai đoạn hoàng kim.
Vậy thời hoàng kim của nhà mặt tiền Hà Nội cho thuê gắn với điều gì? Chính là gắn với thời bùng nổ của Ngân hàng. Thời đó có phong trào rủ nhau đầu tư nhà mặt phố để… cho Ngân hàng thuê. Anh họ tôi, mua hai căn nhà mặt phố một ở BM, một ở ĐC đều tròm trèm chục tỷ đồng cả và giá cho thuê thời điểm đó khoảng hơn 1.000 đô-la (chủ yếu tính cho tầng một mặt đường, các tầng trên thêm thắt không đáng kể) thì đến thời điểm này, sau gần 10 năm giá cho thuê chỉ còn non nửa, xấp xỉ 10 triệu đồng; mà quá trình đó diễn ra liên tục với tốc độ khá nhanh. Chúng ta sẽ không bàn về khía cạnh kinh tế của bài toán đầu tư, và cũng sẽ để đến cuối bài rút ra những kết luận sau.
Còn một góc độ nữa từ chính câu chuyện những căn nhà mặt đường cho thuê này, là “tốc độ giải tán” của hợp đồng cho thuê ngày càng nhanh. Hai năm đầu, anh tôi cho một Ngân hàng thuê là thu được nhiều nhất, khoảng 30 nghìn đô-la cho 2 năm nhưng sau đó là hai hợp đồng 1 năm, tiếp theo toàn là các hợp đồng cho thuê cửa hàng bán đồ quần áo, chỉ nửa năm thậm chí cá biệt chỉ có hợp đồng mới được 3 tháng là sập tiệm. Khi nói câu chuyện này với một vài người bạn, thì họ đều công nhận rằng chỉ cần chú ý một chút thôi, đủ thấy ở những trục phố họ thường đi làm các cửa hiệu đổi chủ rất nhanh, chỉ từ 3 đến 6 tháng.
Tất nhiên chúng ta cần phải tính đến đặc thù của “người Hà Nội” khi có nhà mặt đường cho thuê - Việt Nam đặc biệt là ở Hà Nội vốn là vùng đất của rất nhiều nghịch lý thú vị. Đi khắp thế giới, bạn có thể thấy cứ ngồi lên xe đò là được nhà xe trọng vọng, từ đất nghèo Ấn Độ đến phồn vinh Châu Âu, nhưng ở miền Bắc Việt Nam thì nhà xe quát khách xơi xơi. Ở Singapore, Đài mới có chuyện chủ nhà ngược đãi người giúp việc, chứ ở Hà Nội bây giờ Oshin mới là bà chủ, chảnh chọe hết mức. Người Hà Nội đã có nhà cho thuê, là “bà mày tạo điều kiện cho mày làm ăn”.
Giá cho thuê nhà do đó không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, tức là “giá chợ”, mà chủ yếu dựa trên nhu cầu tiêu pha của nhà chủ mà phần lớn là vô công rồi nghề. Vật giá tăng liên tục theo giá điện giá xăng, chi phí cuộc sống của gia chủ tăng lên thì họ tăng giá cho thuê nhà, bất luận người thuê có làm ăn được hay không. Vì thế tình trạng đi thuê nhà để bán hàng trở nên khó khăn đến mức lãi một thì nuôi chủ nhà 2, 3… thậm chí bán hàng “không lại” với tiền thuê nhà, đã trở nên phổ biến.
Tất nhiên không thể không tính đến sự phát triển bùng nổ của cái gọi là “thương mại điện tử” mà ở Việt Nam mới chỉ ở mức thô sơ của những người bán hàng qua mạng, và sự xâm nhập thị trường khá thành công của các tập đoàn thương mại điện tử, và tình thế yêu cầu thì hàng hóa chất lượng thấp cũng nhanh chóng xâm lược lĩnh vực thương mại điện tử. Mặc dù thế, nó chưa thể thắng thế được ngay tính chất “kinh tế mặt đường” của Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc nhưng dần dần tình thế đã thay đổi đặc biệt nó bộc lộ những bộ mặt thật của hàng hóa phần lớn từ Trung Quốc chất lượng thấp được bán nhan nhản trong các cửa hàng.
Một trong những khó khăn của kinh tế mặt phố là chi phí ngày càng cao đặc biệt là việc đóng “hụi chết”. Một gian hàng nho nhỏ chỉ rộng 2 mét, sâu 1,5 mét đủ kê cái tủ lạnh đựng thực phẩm, ngoài tiền trả cho chủ gian hàng còn phải nộp cho chính quyền Phường 1,5 triệu đồng/tháng chỉ cho việc kê chiếc bàn nhô ra vỉa hè khoảng 1 mét. Cậu bạn thuê cửa hàng bán ống nước, phụ tùng điện… cũng thường bày hàng ra vỉa hè chỉ khoảng vài chục xăng-ti-mét, “hụi chết” 2 triệu/tháng. Con số này cũng chẳng hề cố định mà tăng đều đều theo nhu cầu chi tiêu của chính quyền, vốn đã “được trả tự do” cho “xã hội hóa” tự lo thân nuôi bộ máy lâu nay.
Đến đây, chúng ta đã sang đến chuyện chính quyền mất rồi. Ông con tôi đi thi đấu một giải thể thao của thành phố cho học sinh, cũng có giải nhưng chỉ được huy chương mang về chứ không có “phong bì” như mọi năm - đó là chuyện năm ngoái. Lúc nhận được huy chương, có phụ huynh nói, giải đó được 135.000 đồng, nhưng phải sau khoảng 1 năm mới nhận được vì thủ tục quá nhiêu khê. Năm nay thì lại có những thông tin cho biết rằng có thể năm nay khoản đó cũng bị cắt mất luôn vì ngân sách thành phố đang có nhiều khó khăn. Tình trạng khó khăn nợ lương ở nhiều đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất phổ biến, như bạn tôi ở một tỉnh không xa Hà Nội lắm 2 năm nay chưa nhận được lương.
Chuyển sang lĩnh vực “nhà trong ngõ” hay nói chính xác hơn, những ngôi nhà, căn hộ cho thuê để làm văn phòng, tình trạng không hề ít khó khăn hơn, thậm chí còn nặng nề hơn nhà mặt đường. Giá thuê liên tục giảm và kinh doanh ngày càng khó khăn hơn trước, ngay cả những doanh nghiệp chục năm trước khí thế bời bời, trong các ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón phục vụ nông nghiệp… nay có rất nhiều doanh nghiệp biến mất không còn dấu vết.
Tham gia “Hiệp hội những người cho thuê văn phòng” tôi chứng kiến tận mắt tình trạng thê thảm - có những tòa nhà 5, 6 năm nay chỉ cho thuê được 1/4 đến 1/3 diện tích mặt sàn. Khi tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp thuê văn phòng, tức là các khách hàng chúng tôi đều nhận thấy một nhận xét chung: tình hình ngày một khó khăn hơn. Cạnh tranh nhiều hơn, chi phí cao hơn thì đi một nhẽ, nhưng tất cả đều đối mặt với chung một thảm cảnh là thị trường ngày càng thu hẹp cực kỳ nhanh, chính vì thế mà câu chuyện không hề dễ thở hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất một phần dạng gia công đầu cuối với hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc vì nhiều lý do ngoài khả năng phân tích của tôi.
Nói đi thì cũng phải nói lại, ngược lại với những quan sát có vẻ rất bi quan của tôi là nhà hầu xe hơi, như Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hào hứng: “Quê tôi trước rất nghèo, bây giờ là nhà lầu xe hơi đủ cả…”. Không riêng quê cụ Trọng, nhiều vùng quê cũng đổi thay hàng ngày. Tốc độ đô thị hóa tăng chóng mặt, nhà xây lấn át nhà tranh vách đất nay chỉ còn lác đác. Nhưng những ngôi làng hào nhoáng đó ngày thường chỉ còn là cái vỏ, linh hồn của chúng là những người khỏe mạnh đã đi làm ngoài thành phố cuối tuần cuối tháng mới về.
Có những gia đình xây nhà to đẹp không phải vay, vì có con đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, nhưng cũng có những người như ông anh họ tôi, xây nhà xong là một cục nợ to. Anh đi làm thuê ngoài thành phố, tiền lương hàng tháng vừa đủ nuôi thân và một bà vợ nông nhàn quanh năm sau khi đã trừ tiền xăng xe, đồng nghĩa với số tiền vay của tôi cũng như của rất nhiều anh em trong họ khác để xây nhà, không biết bao giờ anh mới trả được.
Tết vừa qua, Đài Truyền hình Trung ương có phóng sự về nông thôn mới đổi thay, quay một làng ở tỉnh TH đầy chật xe hơi đỗ từ đầu làng vào đến từng cửa nhà, những ngôi nhà xây cao to lộng lẫy. Không phải ai trong số họ cũng làm ăn chụt giựt, rất nhiều người làm giàu chân chính nhưng có lẽ, chẳng có ai trong số họ là làm giàu ngay trên quê hương cả, mà Hà Nội, Sài Gòn hết. Tình trạng ruộng bỏ hoang hóa lan tràn khắp miền Bắc, trong khi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp gần như không thể kiếm được đất mà đầu tư.
Nông thôn miền Bắc còn đang đối mặt với một vấn nạn về môi trường, nó đối lập với phong trào xây dựng nông thôn mới, khi mà đường làng đường thôn được bê-tông hóa, nhà cửa xây cất khang trang hợp vệ sinh nhưng hệ thống rác thải, nước thải không đồng bộ. Nói chính xác hơn, nông thôn mới chỉ đẹp đẽ trong làng, còn từ ven làng trở ra là các rãnh nước tù túng, bẩn và ô nhiễm kinh khủng và nhiều làng thì nấp cạnh hàng núi rác. Những con sông nhỏ nằm trong lưu vực các sông Hồng, Thái Bình… ngày càng bị bức tử nhanh hơn vì không được nạo vét, vì rác và vì không có nước do thủy điện ở thượng nguồn. Trước đây chúng ta thường nói là “về quê hưởng không khí trong lành” nhưng giờ đây, ở nông thôn cũng không còn đường trong lành nữa.
Mặt trái của phát triển kinh tế không bền vững như thế này tôi đã chứng kiến ở Trung Quốc, nay đang lặp lại ở Việt Nam.
Nhân lại nói chuyện xe hơi, tôi quay lại với ý kiến của một doanh nhân định cư ở nước ngoài và khá nổi danh, có cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 là rất triển vọng. Anh dẫn chứng ra rằng cứ nhìn vào số ô tô, xe sang mà người Việt hàng năm mua sắm thì thấy kinh tế ngày càng đi lên như thế nào…
Đến đây, xin tạm dừng để hầu chuyện quý vị tiếp ở bài tiếp theo.