Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỘI ĐỒ VÀ TÒNG PHẠM

(NCTG) “Khi một vấn đề đã quá rõ ràng, khi tác hại của nó quá lớn thì sự im lặng chỉ là một hành động u mê và hèn nhát nhân danh “tác phong trí thức”.
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và đồng sự, chị Nguyễn Thị Minh Thúy trong phiên phúc thẩm - Ảnh: TTXVN
Tại Hà Nội, tòa phúc thẩm đã xử án anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Minh Thúy. Tôi cũng chỉ mới biết tin trên Facebook. Thật lạ là mấy hôm nay tôi đọc thấy “thiên hạ” tranh cãi nhiều về những chuyện tình tiền tẩu tán vặt vãnh trong khi một vụ án quan trọng trên nhiều khía cạnh như thế này lại không có mấy người bàn luận.

Chẳng nhẽ ngoài mục đích thư giãn tùy sở thích, Facebook không phải là môi trường để mọi người biểu lộ sự chú ý và quan điểm về những vấn đề hệ trọng? Có lẽ nào người Việt ngày nay đa phần chỉ quan tâm đến những chuyện xe-cán-chó giật gân? Chắc chắn phải có lý do gì khác chứ lẽ nào tim óc của những cao nhân thường hô hào khai dân trí, ủng hộ nhân quyền và dân chủ, thích thóa mạ quan chức thối nát lại không có rung động gì trước những thử thách cơ bản của xã hội vào lúc này như thế.

Cũng có thể những người trí thức mẫu mực thường suy nghĩ cẩn thận, đắn đo cân nhắc trước khi lên tiếng. Chưa đủ thông tin, phải có chuyên môn, không nên bị kích động, chống đối theo bầy đàn như một nhóm mũ cao áo dài đã từng khuyên răn quần chúng lúc cá chết ở Vũng Áng?

Vẫn biết luật pháp không phải là chuyện nhàn đàm. Vẫn biết luật gia (đúng nghĩa) phải có tâm tư, trí tuệ, và trình độ để biểu đạt và thực thi công lý với sự phối hợp phức tạp giữa những chuẩn mực truyền thống và kiến thức đương đại theo logic khách quan. Vẫn biết nhiều tư tưởng về luật pháp không nằm trong khả năng của những thường dân như tôi. Nhưng khi một vấn đề đã quá rõ ràng, khi tác hại của nó quá lớn thì sự im lặng chỉ là một hành động u mê và hèn nhát nhân danh “tác phong trí thức”.

Khi Anh Ba Sàm hiên ngang khẳng định “Tôi vô tội” (*), nhiều người, trong đó có thể có bạn FB của tôi, sẽ cho rằng anh đã vi phạm luật pháp hiện hành ở Việt Nam. Họ bảo nước có luật nước, làng có lệ làng, không thể áp đặt văn hóa ngoại bang cho một nước có chủ quyền độc lập. Họ dường như vẫn không nhận ra rằng có những sự thật khách quan, những giá trị phổ quát không tuỳ thuộc vào chủng tộc hay quốc tịch.

Chính quyền đã và đang chà đạp lên tự do ngôn luận với một màn kịch mang tựa đề “Tòa Án”. Có thể sẽ có người nóng giận phát ngôn gây phản cảm. Sẽ có người tìm sự giúp đỡ của chính khách, phóng viên ngoại quốc. Họ sẽ bị thất vọng, có thể bị cười chê. Nhưng bất kể họ là ai, có động cơ gì khi lên tiếng chống đối chính quyền giam cầm anh Vinh và chị Thúy, hành động can đảm của họ hữu ích cho sự tiến bộ của xã hội hơn tất cả những kẻ mũ cao áo dài, uyên thâm mà lỗi thời Le Bon La Bad.

Không thể có một xã hội tiến bộ nếu tiếng nói tự do có thể bị bóp nghẹt. Cho rằng phải giới hạn ngôn luận vì khả năng xúc phạm hay khích động gây xáo trộnn tai hại của ngôn từ là một nghịch lý xà quành của Nho giáo (không chỉ riêng Nho giáo). Những người lý luận như thế hẳn phải tin rằng có người hay một nhóm người đủ tâm trí, kiến thức, và kinh nghiệm để quyết định cho tất cả mọi người thế nào là ngôn luận hữu ích nên khuyến khích và có hại cần ngăn cấm. Và phải đào tạo, tuyển chọn những nhân vật này như thế nào?

Thực tế hiển nhiên từ xưa đến nay là khi đã chấp nhận giới hạn ngôn luận theo bất cứ một chuẩn mực chủ quan nào thì thiểu số cầm quyền bao giờ cũng là người quyết định thế nào là ngôn luận được cho phép theo cách nhìn và quyền lợi của chính họ. Và tiêu chuẩn để chọn lựa người trao quyền sẽ là hậu duệ, nếu không cùng huyết thống thì cũng phải cùng chính kiến, bất kể đúng sai.

Chậm nhất là đôi ba thế hệ, chuẩn mực ban đầu dù có cao đẹp và được quần chúng ủng hộ cũng sẽ biến thành công cụ phục vụ quyền lợi của giới cầm quyền và trấn áp quần chúng với hậu quả tai hại cho xã hội. Diễn biến và kết cục này, đang diễn ra trước mắt người Việt, chưa từng có ngoại lệ trong lịch sử nhân loại.

Những nước như Mỹ và Đức từ lâu đã nhận ra giá trị của tự do ngôn luận. Nước Đức từng lâm cảnh điêu tàn khi ngôn luận bị khống chế. Vì thế mà ngày nay họ nổ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho nước họ. Nhưng người thực tiễn không thể đòi hỏi hay hy vọng họ sẽ tranh đấu với chính quyền Việt Nam cho người Việt Nam.

Tuy Obama đã nói đến tự do ngôn luận một cách hùng hồn và thành thật, ta chỉ cần nhìn vào đồng minh Saudi Arabia của Mỹ, một nước thiếu tự do ngôn luận và nhân quyền hàng đầu thế giới, để thấy tự do và nhân quyền của xứ người luôn đứng sau những toan tính khác trong quan hệ ngoại giao của Mỹ. Những nước khác cũng thế, cũng cùng “quan ngại sâu sắc” và vẫn giao dịch làm ăn. Chỉ có người Việt, trí thức Việt, mới có thể thật sự đem lại tự do ngôn luận cho chính mình.

Trấn áp ngôn luận, dù là ngôn luận phản cảm hay sai lầm, bằng luật pháp là một tàn dư hủ lậu của thời Trung cổ và phong kiến. Cho dù người bị kết án hôm nay không phải là anh Vinh và chị Thúy, những người dũng cảm chịu mất tự do vì tiếng nói của lương tâm, của sự thật, thì bản án này cũng là một vết nhơ của chính quyền, của luật pháp Việt Nam.

Lịch sử là tòa án tối hậu. Khi hậu thế cất tiếng phán xét, khi những khái niệm như “cộng sản”, “tư bản”, “làm dân mất lòng tin”, “xúc phạm chính quyền”... đã trở nên ngây ngô, ngộ nghĩnh như ngày nay ta nói về “tam tòng tứ đức” thì tội phạm không chỉ là những kẻ đang cầm quyền sinh sát hôm nay. Hậu thế sẽ không có cái nhìn khoan dung hay nể trọng với trí thức tiền bối, mũ cao áo dài hùa theo hay im lặng không chống đối sự chà đạp tự do ngôn luận của chính quyền Việt Nam.

(*) Lời cuối cùng của ông Nguyễn Hữu Vinh trước tòa phúc thẩm, do luật sư Nguyễn Hà Luân, một trong sáu luật sư bào chữa cho ông, ghi lại:

“Một lần nữa, tôi tuyên bố là tôi vô tội.

Tôi tự hào vì những gì mình đã làm từ 9 năm qua - 7 năm làm báo và 2 năm đi tù.

Tôi cảm ơn tấm lòng của mọi người, của những độc giả trong nước và quốc tế, cảm ơn gia đình. Tôi thực sự bất ngờ với những bài báo, cuốn sách đã viết về tôi.

Tôi cảm kích với Minh Thúy vì sự chia sẻ và những gì mà cô ấy đã gánh chịu. Đề nghị Tòa án giảm án và hãy trả tự do ngay cho cô ấy.

Tôi cũng cảm ơn các Luật sư của tôi.

Tất cả những gì đang diễn ra ngày hôm nay trên đất nước chúng ta đã chứng minh rằng, những việc tôi đã làm và những người đi trước đã làm là đúng đắn.

Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết cũng không làm tôi phải ân hận”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ