Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Sổ tay NCTG: 16H32 NGÀY 4-6-1920

(NCTG) “Đến một lúc nào đó, ký ức Trianon có thể chỉ còn trong sách vở nghiên cứu, hay trong tủ sách gia đình với những cuốn sách, tờ báo cũ ố vàng mà dăm bảy chục năm không còn ai đọc tới. Hoặc giả, bóng dáng thời gian, họa chăng sẽ vẫn còn ở những tượng đài, di tích... mà giới trẻ không mấy quan tâm và cũng chẳng cho là quá quan trọng thời đại toàn cầu này”.
Bộ trưởng Phúc lợi và Lao động Benárd Ágost và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Drasche-Lázár Alfréd dẫn đầu phái bộ Vương quốc Hungary tới La Galerie des Cotelles để ký Hòa ước Trianon. 16h30 ngày 4-6-1920 - Ảnh tư liệu
Đang ngồi nhà thì nghe tiếng chuông nhà thờ, tiếng còi... vang lên kéo dài. Chợt nhìn đồng hồ thì đúng 16h30. Không biết đây là “akció” toàn quốc hay của một số “đơn vị” đơn lẻ nào đó, vì người Hung ngay trong dịp tưởng niệm Trianon cũng rất chia rẽ. Thị trưởng Budapest Karácsony Gergey đề nghị tầu xe công cộng dừng 1 phút mặc niệm lúc 16h30, nhưng cũng nhiều người không bằng lòng.

Một trăm năm đã trôi qua, nhiều thế hệ đã lớn lên mà Trianon với họ chỉ còn là một bài học lịch sử, cũng không lấy gì “ghê gớm” lắm. Mọi thứ dần dần cũng phải nhạt nhòa với thời gian: một thống kê gần đây nhất cho thấy chỉ 27% số người được hỏi nhớ đúng thời điểm 4-6-1920 của Trianon, cho dù đây là kiến thức lịch sử cơ bản bậc trung học, mà các bạn học khóa Quốc tịch chắc ai cũng nhớ!

Đến một lúc nào đó, ký ức Trianon có thể chỉ còn trong sách vở nghiên cứu, hay trong tủ sách gia đình với những cuốn sách, tờ báo cũ ố vàng mà dăm bảy chục năm không còn ai đọc tới, nhưng vẫn cứ giữ vì tôn trọng cha ông. Hoặc giả, bóng dáng thời gian, họa chăng sẽ vẫn còn ở những tượng đài, di tích... mà giới trẻ không mấy quan tâm và cũng chẳng cho là quá quan trọng thời đại toàn cầu này.
 
Những gì còn lại của Vương quốc Hungary sau Trianon - Ảnh: blikk.hu
Những gì còn lại của Vương quốc Hungary sau Trianon - Ảnh: blikk.hu

Dầu sao đi nữa, tiếng chuông nhà thờ, tiếng còi... lúc 16h30 chiều nay, vẫn nhắc nhớ mình tới một hình ảnh, mà đương nhiên mình chỉ được đọc trong sách vở, tròn 100 năm trước: đúng 16h30 ngày 4-6-1920, tại La Galerie des Cotelles ở Grand Trianon (Versailles, Pháp), Hòa ước Trianon đã được hai đại diện cấp thấp của chính phủ Hung đặt bút ký, bởi không ai ở cấp cao hơn muốn làm điều đó.

Không ai nhớ được tên của Bộ trưởng Phúc lợi và Lao động Benárd Ágost và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Drasche-Lázár Alfréd, nếu họ không phải buộc làm nhiệm vụ nhục nhã ấy. Và đúng vào phút bản Hòa ước được ký tại ngoại ô Paris, ở Hungary, chuông nhà thờ được gióng lên trên toàn quốc, các cửa hiệu đóng cửa và giao thông ngừng lại trong 10 phút. Người dân Hung đã để tang như thế!

Chỉ bằng vài nét bút ký, Vương quốc Hungary đánh mất 72% diện tích (từ 293 ngàn km2 còn 93 ngàn km2) mà cơ bản, nước này đã có từ ngàn đời, hơn 84% dân số (từ 20,9 triệu năm 1910 còn 7,6 triệu), 38% sản lượng công nghiệp và 67% tổng thu nhập quốc gia. Nhưng bi thảm hơn cả là chỉ trong nháy mắt, một phần ba người Hungary (chừng 3,2 triệu người) trở thành kẻ bơ vơ trên xứ lạ!
 
Cờ Székely tại Tòa nhà Nghị viện Hungary, như một biểu tượng về sự đoàn kết dân tộc Hung
Cờ Székely tại Tòa nhà Nghị viện Hungary, như một biểu tượng về sự đoàn kết dân tộc Hung

Hình ảnh ấy, tất nhiên đến một lúc nào đó sẽ chỉ còn trong suy tưởng của người... thích đọc sử! Tuy nhiên, vẫn còn những hình ảnh sống động khác mà bất thần, chúng ta có thể thấy được ngoài đường, nhắc nhớ dĩ vãng. Tòa nhà Nghị viện Hungary bên bờ Danube có treo hai lá cờ: quốc kỳ Hungary, và lạ thay, không phải quốc kỳ EU, mà là lá cờ của vùng Székely (*) mà Hung đã vĩnh viễn đánh mất!

(*) Vùng Erdély (Transilvania), bị sáp nhập vào Romania sau Trianon.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh