Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NỖI NIỀM NẾU ĐƯỢC KỂ RA...

(NCTG) “Cùng là người Việt, cùng mất mát, thương đau gần nửa thế kỷ qua rồi, giá chỉ còn lại tình thân, cảm thông, của người máu đỏ da vàng, cùng quê hương bản quán...”.
Ghi chép về những mảnh đời trong thời chiến
Tiểu thuyết của bố tôi, dù ra đời cũng đã hơn chục năm trước, mà giờ tôi mới có dịp đọc xong. Đó là tác phẩm của một cựu lính Hải quân vùng biển Bắc Bộ, sáng tác dựa trên cuộc đời một cựu lính dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hai cựu binh ấy cũng là hai anh em ruột.

Gia đình bên nội tôi có hai ông trẻ mà tôi yêu kính, là hai vị tướng cả đời cống hiến cho trận mạc. Bố tôi, cũng như cô và chú ruột tôi, đều đi bộ đội. Nhưng tôi cũng có từng đó người nhà mà tôi yêu quý, phải bỏ quê hương mà đi, trải từ những năm 54  đến 75 và những đoàn người vượt biên những năm 90. Bên họ ngoại, cụ ngoại tôi ốm chết vì đấu tố. Con trai cụ hy sinh ngoài chiến trường. Nhờ tấm bằng liệt sĩ của người anh, mà các em được đi học, được “trong sạch” lý lịch.

Ở dải đất Việt Nam này từ Nam ra Bắc có biết bao gia đình cùng hoàn cảnh đó? Tiểu thuyết mới nhất bố viết, kể về từng đó những mảnh ghép, của một dòng họ miền quê, như bao dòng họ bình thường khác.

Nếu hoàn cảnh thời đó biết bao trắc trở và đau buồn cho những người cùng huyết thống  thế hệ cha chú phải xa lìa nhau hai bờ chiến tuyến, rồi hai góc địa cầu, thì là con cháu của dòng họ như thế, tôi lại thấy mình may mắn. Bởi tôi được nhìn về cả hai phía, không qua những bài học được giảng trên lớp, mà qua tình thân gia đình, máu mủ, kết nối họ lại. May mắn được ghép cho mình bức tranh về những cuộc chiến, không bằng câu chuyện thắng hay bại, nhục hay vinh. Mà bằng những vui buồn, trăn trở, của phận người Việt.

Cùng là người Việt, cùng mất mát, thương đau gần nửa thế kỷ qua rồi, giá chỉ còn lại tình thân, cảm thông, của người máu đỏ da vàng, cùng quê hương bản quán. Vậy thôi, như bác tôi về thăm hai ông chú ruột, như bố tôi viết lại về cuộc đời người anh mình.

Làm tôi nhớ nhà văn trẻ Phan Thúy Hà lặn lội kiếm tìm, để ghi lại chuyện kể của các nhân chứng “phía bên kia” âm thầm vất vả sống, giấu đi thân phận. Hay cuộc vận động trong kiều bào hải ngoại viết lại tự truyện cuộc đời từ ngày ra đi. Những tác phẩm của nhà văn Kim Thúy (Canada) kể về số phận thuyền nhân của gia đình chị, cũng đầy ắp tình người và lòng vị tha.

Những nỗi niềm nếu kể được ra, và được lắng nghe bởi đồng bào mình, sẽ là một sự ghi nhận và cảm thông an ủi lớn. Để phần nào hàn gắn lòng người và nỗi đau, vợi bớt sự cách chia và thù hận, đáng tiếc vẫn còn sục sôi trong không ít người, đến tận hôm nay.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Uyên, từ Paris