Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NÓI CHO RÕ VỀ CHỦ TRƯƠNG DẠY CHỮ HÁN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG

(NCTG) “Học Hán Việt, hay học chữ Hán, chính là học “tiếng Việt”. Các học giả “Hán nô” chính là mong con cái chúng ta giỏi tiếng Việt chứ chẳng có ý gì khác. Còn nếu ai nghĩ ra phương án nào loại trừ được hết Hán Việt ra khỏi ngôn ngữ tiếng Việt cho nó thuần Việt, thì tốt quá, xin phong làm anh hùng dân tộc!”.
Cảnh lớp học chữ Hán thời xưa - Ảnh: Internet
Vụ “Cần dạy chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việttưởng như đã khép lại, nhưng có vẻ không đi được đến đâu. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đã phát biểu đủ, thiển nghĩ mình học sơ hiểu lậu tôi không cho rằng ý kiến của mình có nhiều giá trị.

Tuy nhiên, cũng như Quốc hội ra Luật, Chính phủ ra nghị định và Bộ thì ra thông tư, như một cán bộ tư pháp phường xã, tôi nghĩ mình hiểu đến đâu, cũng nên có đôi chút giải thích đến đó.

Chủ đề này gây tranh cãi, chủ yếu là do tư tưởng cho rằng chủ trương “dạy chữ Hán trong trường phổ thông” là tư tưởng “Hán nô”. Như vậy đối lập với tư tưởng này, lại là một tư tưởng khác có thể nói là cực đoan đến mức… bài Hán.

Tôi sẽ không đặt câu hỏi là nếu chống dạy “chữ Hán” đến mức đó, thì liệu những người đó có ăn Tết Nguyên đán nữa không, hay cố bỏ bằng được những từ Hán Việt trong từ vựng của mình để dùng từ thuần Việt.

Tôi xin bắt đầu bằng một ví dụ yếu: “một ông anh” nhà ngay cửa Ô Quan Chưởng kể có chú thanh niên là hướng dẫn viên du lịch khi dẫn một đoàn khách đến cửa Ô tham quan và được hỏi, ba chữ trên cửa ô là gì. Chú thanh niên dõng dạc: “Ô Quan Chưởng!” báo hại trong đoàn có ông Việt Kiều biết chữ Hán, ông bảo “Không phải, ba chữ này là “Đông Hà Môn”.

Kể ví dụ này để thấy chúng ta bị đứt một giai đoạn lịch sử rất lớn với cha ông, khi mà phần lớn đi vào đình chùa không đọc được chữ nào; viêc đó để cho các chuyên gia Hán Nôm làm.

Và xin tiếp tục bằng một ví dụ mạnh hơn: Bác Hồ là người rất cố gắng dùng từ thuần Việt càng nhiều càng tốt, và Người đề nghị dùng “chiến sĩ gái” thay cho “nữ chiến sĩ”. Cụ bớt được một chữ “nữ” nhưng hai chữ “chiến sĩ” thì vẫn phải giữ, không nhẽ dùng khái niệm “cô gái đi đánh nhau” à?

Chúng ta không thể thay “du kích” bằng “đánh chơi” hay vừa đi chơi vừa đánh nhau được. Cũng như không thể thay thế “Độc lập” bằng khái niệm “đứng một mình” được.

Thực sự là việc dạy ngữ văn liên quan đến từ nguyên Hán Việt lâu nay bị mai một ghê gớm, dẫn đến người ta dùng sai từ Hán Việt rất nhiều. Xin đưa một ví dụ dùng sai nghĩa từ Hán Việt: trường hợp của từ “dung dị”. Bây giờ người ta dùng tràn lan từ này với nghĩa “giản dị” nhưng gốc chữ Hán “dung dị” là dễ, dễ dãi, dễ dàng…

Nếu người biết chữ Hán, thì sẽ không dùng từ “dung dị” với nghĩa “giản dị” mà sẽ dùng luôn từ “giản dị”. Tra từ điển, vào thập niên 1970 chỉ có nghĩa “giản dị” (1), nhưng đến năm 2013 thì “dung dị” đã có nghĩa là “bình dị”. Nghĩa này đã được bổ sung vào “Từ điển tiếng Việt phổ thông” của Viện Ngôn ngữ học. (2)

Chỉ thấy một điều đáng sợ là khi người ta phản đối chủ trương “dạy chữ Hán” trong trường phổ thông, người ta quá kiên quyết, quá giận dữ, người thì chưa hiểu nhưng có người thì cố tình không hiểu. Chưa bao giờ tôi thấy “cộng đồng mạng” là nhân vật khó thuyết phục đến thế. 

Mình phải nói rõ hộ các chuyên gia rằng, ý của họ là cần phải dạy chữ Hán trong trường phổ thông, không phải tiếng Hán. Đây là hai khái niệm cứ tưởng là một, hóa ra không phải là một.

Chúng ta có thể học chữ Hán mà không cần biết tiếng Hán, như cha ông ta ngàn đời do chưa có chữ, dùng chữ Hán để biểu thị tiếng Việt, và họ đọc văn tự đó lên bằng âm Hán Việt hoặc thuần Việt (đoạn này bắt đầu khó, là tôi nghe giải thích thế chứ không rõ lắm những từ thuần Việt thì sẽ được biểu thị bằng chữ Hán như thế nào, nhưng chắc theo phương pháp lấy âm như người Trung Quốc vẫn đang phiên tên người Phương Tây thôi.)

Đồng thời, chúng ta có thể học tiếng Hán, hay tiếng Hoa, tiếng Trung Quốc phổ thông, học Trung văn… rất nhiều cách gọi mà vẫn chưa phải là nghiên cứu Hán Nôm, hoặc Hán Việt.

Tất nhiên có người người học Hán Nôm, nghiên cứu Hán Nôm rồi sang học tập và nghiên cứu ở Trung Quốc (vì hai lĩnh vực đều có chung một gốc là Hán cổ từ thời Đông Hán rồi Tây Hán, xâm lược nước ta) nên nhiều người nhầm lẫn, hai lĩnh vực là một.

Thực tế, học “tiếng Hán” hay Trung văn hiện đại, chính là học một môn ngoại ngữ có đủ bốn kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết. Hơn thế nữa, yêu cầu bây giờ của học Trung văn là học chữ giản thể, còn yêu cầu của học chữ Hán, là phải nghiên cứu đến tận chữ phồn thể phức tạp hơn rất nhiều.

Ngược lại, học chữ Hán và Hán Nôm, không nhất thiết phải biết tiếng, tức là nói được nghe được tiếng Trung Quốc.

Nếu ai đó đến các câu lạc bộ học Hán Nôm sẽ thấy rất rõ sự khác biệt đó: học viên được học chữ Hán (thường là phồn thể) sau đó học nghĩa, nhưng tập trung vào nghĩa Hán Việt, tức là học sự biến đổi và phát triển của nghĩa từ từ Hán cổ (thời nhà Hán (bắt đầu bằng Cao Tổ Lưu Bang) xâm lược nước ta đến nay đến 2.000 năm chưa nhỉ? - Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40 sau Công nguyên.)

Họ sau đó học chữ Nôm, và dừng ở nghĩa Hán, không học ghép thành câu, không học ngữ pháp tiếng Trung, và đương nhiên không học âm tiếng Trung. Nôm na là, mình có nói tiếng Trung Quốc với họ họ không hiểu được, bằng chứng thỉnh thoảng thày giáo nói câu tiếng Trung, các học viên ngồi ngẩn ra và… cười trừ.

Để dễ hiểu hơn, xin để “cán bộ phường” giải thích pháp luật. Từ chỉ ngôi thứ nhất, số ít, tiếng Trung là ỦA, tiếng Quảng Đông là NGỔ, Hán Việt là NGÃ, tiếng Việt thì là TÔI. Nếu học Hán Việt thì sẽ hiểu được những từ phái sinh như BẢN NGÃ (ego), hay khái niệm NGÃ MẠN trong Phật Pháp...

Học tiếng Trung là học nói ỦA, học viết chữ “我” học nói “Ủa ai nỉ” (I love you), học tiếng Quảng là nói “Ngổ ái nẩy” còn nếu chỉ học Hán Việt, thì chỉ cần học chữ NGÃ là đủ. 

Việc học Hán Việt trong các trường phổ thông sẽ chính xác phải là học sâu hơn về nghĩa từ nguyên của Hán Việt. 

Quay lại chuyện có nên cho học sinh học “chữ Hán” hay không - tôi cho rằng cũng không quá cần thiết; vì nếu học viết chữ và có chấm điểm, sẽ rất mất thời gian, vả lại văn phạm của Việt Nam và Trung Quốc đã rất khác nhau, nếu trẻ học chữ Hán trong chương trình học tiếng Hán, thì rất có ích vì chúng sẽ đọc được văn tự tiếng Hán.

Còn nếu không học tiếng Hán thì chữ Hán chỉ là những chữ rời rạc, đồng thời để đọc được các thư tịch cổ Hán Nôm lại phải học văn phong Hán Nôm của ông cha ta. Việc khôi phục dạy chữ Hán, hoặc học Hán Việt cũng là nên, nhưng phải tìm một phương pháp nào đó phù hợp, không nên để mất quá nhiều thời gian của học sinh.

Theo dõi trên Facebook hầu hết những người nhao nhao chửi người khác (những người ủng hộ dạy chữ Hán trong trường phổ thông) là “Hán nô”, có lẽ họ đang hiểu đây là việc kêu gọi phục hồi dạy tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông.

Chúng ta đã quá quen với sự phổ biến của tiếng Anh, nên hiểu bây giờ dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông phổ cập, đại trà là tiếng Anh, quá đáng lắm là tiếng Pháp và mới đây có thêm tiếng Nhật. 

Đáng tiếc trong các môn ngoại ngữ được dạy ở trường phổ thông, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì môn học ngoại ngữ bắt buộc trong trường phổ thông (ngoại ngữ 1) phải được thực hiện từ cấp 2, để hoàn thành chương trình 7 năm. Ngoại ngữ bắt buộc là một trong các tiếng sau: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc.

Còn đây là danh sách các môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2016: “Với môn Ngoại ngữ kỳ thi THPT quốc gia 2016, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức hoặc Tiếng Nhật”.

Như vậy các thứ tiếng như Nga văn, Trung văn… vẫn được dạy ở các trường phổ thông một cách chính thức, chỉ là nó ít thôi, chứ muốn học thì vẫn có. Nhưng những người đang phản đối rõ ràng rất thiếu hiểu biết, người ta cứ nhao nhao lên tưởng như tiếng Trung (Trung văn) đã bị tuyệt chủng từ lâu cùng tiếng Nga (Nga văn).

Nhiều người còn chua chát: “Thời thì tiếng Trung lên ngôi, thời thì tiếng Nga. Bây giờ thì chỉ có tiếng Anh…”. Nó vẫn còn nguyên thế, chỉ có chúng ta, những kẻ xu thời là chạy theo tiếng gọi kim tiền, của thực dụng… mà để cho Pháp, Nga, Trung mai một đi thôi.

Và như thế, nếu nó (dạy tiếng Trung Quốc hay tiếng Hán) có sẵn trong các trường rồi, thì mấy ông “Hán nô” kia, các ổng kêu gọi dạy nữa để làm gì?

Học Hán Việt, hay học chữ Hán, chính là học “tiếng Việt. Các học giả “Hán nô” chính là mong con cái chúng ta giỏi tiếng Việt chứ chẳng có ý gì khác. Còn nếu ai nghĩ ra phương án nào loại trừ được hết Hán Việt ra khỏi ngôn ngữ tiếng Việt cho nó thuần Việt, thì tốt quá, xin phong làm anh hùng dân tộc!

Ghi chú:

(1) “Từ điển tiếng Việt” - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, trang 252, cột giữa, mục từ thứ 3 từ trên xuống. 

(2) “Từ điển tiếng Việt phổ thông” của Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Phương Đông, 6-2013; trang 61 cột 1, mục từ 8 từ trên xuống từ “bình dị” nghĩa là bình thường và giản dị, sau đó dẫn chiếu đến từ “dung dị” ở trang 239, cột 2 mục từ thứ 6 từ trên xuống, có nghĩa “như bình dị”.

Tác giả bài viết: Phúc Lai