NHỮNG CÁI TÊN ĐỂ TƯỞNG NHỚ
- Thứ sáu - 17/09/2021 01:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Một sự kiện để tưởng nhớ không cần một đại lễ ồn ào. Mục đích của nó sẽ tuyệt vời hơn, khi nó dành để suy nghĩ cho người còn sống và công chúng, khi nó truyền tải những giá trị nhân văn gần gũi nhất mà xã hội đó bảo vệ. Như chỉ là để nhớ đến những cái tên, những cuộc đời bình dị của người dân, đã bị cướp đi không báo trước, giữa một ngày như bao ngày, đáng lẽ phải đến tiếp trong đời họ...” - góc nhìn của tác giả Bùi Uyên từ Paris.
Nhiều ngày nay, thế giới nhắc đến 20 năm ngày 11/9 định mệnh của nước Mỹ, nhưng cũng ảnh hưởng và ghi dấu mốc lớn trong lịch sự thế giới hiện đại. Ở Pháp, cũng trong tuần này bắt đầu phiên tòa xét xử vụ khủng bố thứ Sáu ngày 13 cách đây gần 6 năm. Phiên tòa diễn ra tại tòa án trên Ile de la Cité giữa trung tâm Paris, kéo dài 9 tháng. Năm ngoái, cũng đúng giai đoạn tháng 9 này, bắt đầu phiên tòa xét xử vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn báo “Charlie Hebdo”.
So sánh với gần 3.000 người thiệt mạng ở Mỹ ngày hôm đó, 3 vụ khủng bố tại Pháp dồn dập trong hai năm 2015-2016 lấy đi ít mạng người hơn. Nhưng bối cảnh gần hơn và còn nhiều nhân chứng sống sót, mà ký ức về nó sống động, gây đau thương, kinh sợ cũng như căm phẫn sâu đậm trong lòng nước Pháp.
Theo dõi dù không đầy đủ, điều lưu lại trong tôi từ những tin đưa từ hai phiên tòa lại khác với những gì tôi hình dung trước về sự khô khan và nặng nề của những vụ xử án, cũng có thể vì tính chất đặc biệt của nó. Đó là phần trình bày của các nạn nhân, hay đúng hơn, là của những người nhà nạn nhân đã mất. Tôi đã được nghe trích đoạn hoặc tường thuật của nhiều phần trình bày như thế, và lần nào cũng không ngăn được ướt mắt.
Họ kể về người thân với những tính cách giản đơn nhất, đam mê, dự định dang dở, họ nói về tình cảm của họ với người đã khuất. Phiên tòa, trong những giây phút ấy, hiện ra sống động chân dung những con người từ bình thường, giản dị đến nổi danh, trước khi họ trở thành nạn nhân.
Vụ xử án năm ngoái, lần đầu tiên công chúng mới được nghe đến cuộc đời của một nhân viên bán hàng trong siêu thị hay một khách hàng, những người ít được biết đến hơn các nhà báo, họa sĩ nổi danh. Những lời yêu thương, tiếc nuối, những chịu đựng chôn dấu từ nhiều năm, được chia sẻ, giãi bày. Với họ, chẳng có gì bù đắp nổi, nhưng để người ra đi không trở thành “vô danh”, qua những lời kể giữa phiên toà, là một sự an ủi không nhỏ.
Ngay cả với những người sống sót, những sang chấn âm ỉ vẫn không lành. Đôi khi, những lời giãi bày giống như một buổi trị liệu tâm lý. Tôi vẫn không quên lời nhân chứng của nữ họa sĩ duy nhất sống sót ở tòa báo “Charlie Hebdo”, có đoạn đại ý “trong thời gian dài, tôi đã dằn vặt, đáng ra, tôi đã phải ra đi cùng họ ngày hôm đó, chứ không phải đứng ở đây lúc này”.
Lần này, thân nhân của 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương cũng sẽ lần lượt được trình bày, nhưng do số lượng quá nhiều, mỗi người chỉ có 30 phút . Dù ít ỏi, nhưng chắc rằng cũng sẽ là những giây phút cô đặc cảm xúc của người kể, và đọng lại trong lòng người theo dõi.
Khác với vụ “Charlie Hebdo”, những nạn nhân này đều là thường dân, và đa phần là còn trẻ, chẳng mấy ai có một dòng tiểu sử khi tìm kiếm trên mạng Google. Hình ảnh, cuộc đời ngắn ngủi của họ, một lần được kể ra để được biết đến, thì sự ra đi oan uổng có lẽ được thanh thản phần nào.
So sánh với gần 3.000 người thiệt mạng ở Mỹ ngày hôm đó, 3 vụ khủng bố tại Pháp dồn dập trong hai năm 2015-2016 lấy đi ít mạng người hơn. Nhưng bối cảnh gần hơn và còn nhiều nhân chứng sống sót, mà ký ức về nó sống động, gây đau thương, kinh sợ cũng như căm phẫn sâu đậm trong lòng nước Pháp.
Theo dõi dù không đầy đủ, điều lưu lại trong tôi từ những tin đưa từ hai phiên tòa lại khác với những gì tôi hình dung trước về sự khô khan và nặng nề của những vụ xử án, cũng có thể vì tính chất đặc biệt của nó. Đó là phần trình bày của các nạn nhân, hay đúng hơn, là của những người nhà nạn nhân đã mất. Tôi đã được nghe trích đoạn hoặc tường thuật của nhiều phần trình bày như thế, và lần nào cũng không ngăn được ướt mắt.
Họ kể về người thân với những tính cách giản đơn nhất, đam mê, dự định dang dở, họ nói về tình cảm của họ với người đã khuất. Phiên tòa, trong những giây phút ấy, hiện ra sống động chân dung những con người từ bình thường, giản dị đến nổi danh, trước khi họ trở thành nạn nhân.
Vụ xử án năm ngoái, lần đầu tiên công chúng mới được nghe đến cuộc đời của một nhân viên bán hàng trong siêu thị hay một khách hàng, những người ít được biết đến hơn các nhà báo, họa sĩ nổi danh. Những lời yêu thương, tiếc nuối, những chịu đựng chôn dấu từ nhiều năm, được chia sẻ, giãi bày. Với họ, chẳng có gì bù đắp nổi, nhưng để người ra đi không trở thành “vô danh”, qua những lời kể giữa phiên toà, là một sự an ủi không nhỏ.
Ngay cả với những người sống sót, những sang chấn âm ỉ vẫn không lành. Đôi khi, những lời giãi bày giống như một buổi trị liệu tâm lý. Tôi vẫn không quên lời nhân chứng của nữ họa sĩ duy nhất sống sót ở tòa báo “Charlie Hebdo”, có đoạn đại ý “trong thời gian dài, tôi đã dằn vặt, đáng ra, tôi đã phải ra đi cùng họ ngày hôm đó, chứ không phải đứng ở đây lúc này”.
Lần này, thân nhân của 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương cũng sẽ lần lượt được trình bày, nhưng do số lượng quá nhiều, mỗi người chỉ có 30 phút . Dù ít ỏi, nhưng chắc rằng cũng sẽ là những giây phút cô đặc cảm xúc của người kể, và đọng lại trong lòng người theo dõi.
Khác với vụ “Charlie Hebdo”, những nạn nhân này đều là thường dân, và đa phần là còn trẻ, chẳng mấy ai có một dòng tiểu sử khi tìm kiếm trên mạng Google. Hình ảnh, cuộc đời ngắn ngủi của họ, một lần được kể ra để được biết đến, thì sự ra đi oan uổng có lẽ được thanh thản phần nào.
Trên đài, để đồng hành cùng phiên xử, mỗi ngày người ta dành một chương trình để người thân kể về người đã khuất, hoặc người sống sót kể về mình, về những sang chấn sau biến cố. Tôi luôn chú ý lắng nghe những câu chuyện sống động và đầy cảm xúc ấy, xen lẫn tiếc thương, là những câu chuyện của niềm hy vọng, của sức sống mới.
Như chuyện kể của một cô gái trẻ sống sót trong nhà hát Bactaclan: “Cái túi này, là cái tôi đeo hôm đó, tôi đã lau những vết máu trên đó rất chậm và cần thận. Đó không phải máu của tôi, mà là của nhiều người khác xung quanh, khi lau, tôi nghĩ đến họ”. Cô đã bỏ nghề nghiên cứu sau sự kiện ngày hôm đó, chuyển sang làm về trị liệu sức khoẻ và tâm lý, vì tin rằng nó chữa lành cho chính cô, và cho những người bị tổn thương khác.
Ở Mỹ, sáng sớm 11/9/2021, người ta kể về một người đã đi xe từ thành phố anh ở lên New York, mang theo thông điệp tưởng nhớ đến phi hành đoàn của chiếc máy bay 20 năm trước đã cầm cự rồi rơi ở Pennsylvania, để tránh cho nó đến được mục tiêu ở Washington, một vài người trong số đó, là bạn anh. Anh nói, “tôi muốn mọi người nhớ đến họ, như những người anh hùng đã cố gắng hết sức mình để ngăn thảm kịch”.
Vô tình, hôm nay đọc được bài viết về tác phẩm sắp đặt 9.000 chiếc cặp sách để nhắc đến những em học sinh thiệt mạng trong một vụ động đất ở Tứ Xuyên - Trung Quốc bị chính quyền kiểm soát thông tin, nên không có thống kê thực sự có bao nhiêu người đã thiệt mạng, không danh tính, không số liệu.
Một nhóm thống kê độc lập do chính nghệ sĩ Ngải Vị Vị lập ra đã đi từng ngôi làng để ghi lại được hơn 5.200 cái tên. Họ đã bị bắt nhiều lần, tài liệu bị tịch thu, thiêu hủy. Thế giới chỉ biết đến “gương mặt” của những đứa trẻ thiệt mạng qua chính tác phẩm sắp đặt bằng cặp sách của ông, được trưng bày nhiều nơi trên thế giới. Tác phẩm mang tên “Con đã từng sống hạnh phúc trong 7 năm” là thông điệp một người mẹ đã gửi đến đoàn thống kê, “tôi muốn mọi người biết rằng, con tôi đã từng sống hạnh phúc trong 7 năm cuộc đời nó”.
Câu chuyện đó làm tôi nhớ đến những nạn nhân được nhắc đến trong các vụ khủng bố, nhớ đến những cái tên được khắc trên bức tường tưởng niệm ở Mỹ, ở Pháp. Họ đã mất tất cả, nhưng ít nhất, từng sự kiện đau thương đi qua, còn được nhắc đến qua những câu chuyện được kể, những cái tên được ghi. chứ không chỉ là thành phần của con số thống kê.
Phiên tòa vụ “Charlie Hebdo” dành 3 tuần cho lời kể của người nhà từng nạn nhân và nhân chứng, trên gần 3 tháng xét xử. Vụ xử lần này sẽ là dành gần 2 tháng cho việc đó. Tôi nhận ra, những phiên toà mở ra không chỉ để thực thi công lý, răn đe hay đền tội, những trang sử viết ra không chỉ để ghi những chiến tích hay dựng xây lòng căm thù.
Một sự kiện để tưởng nhớ không cần một đại lễ ồn ào. Mục đích của nó sẽ tuyệt vời hơn, khi nó dành để suy nghĩ cho người còn sống và công chúng, khi nó truyền tải những giá trị nhân văn gần gũi nhất mà xã hội đó bảo vệ. Như chỉ là để nhớ đến những cái tên, những cuộc đời bình dị của người dân, đã bị cướp đi không báo trước, giữa một ngày như bao ngày, đáng lẽ phải đến tiếp trong đời họ. Để xã hội và mỗi người ở lại, trân trọng từng mạng sống quanh mình.