“NGƯỜI DÂN ĐÔNG ÂU KHÔNG BIẾT ĐẾN CẢM GIÁC XẤU HỔ”
- Thứ ba - 22/09/2015 02:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Phải chăng người Đông Âu không còn cảm giác xấu hổ? Tiền nhân của họ đã di cư hàng loạt cả hàng trăm năm nay để tránh đói khổ và tránh bị truy nã vì chính trị. Cách xử sự vô cảm, và lối hùng biện tàn nhẫn của các chính khách của họ đã tiếp tay cho chủ nghĩa dân túy”.
Đó là quan điểm hết sức nghiêm khắc và đầy tính phê phán của GS. Lịch sử Jan T. Gross (*) đăng trên tờ “Die Welt” số ra ngày Chủ nhật 13-9-2015. Bản tiếng Việt do Thanh Mai thực hiện, căn cứ vào bản dịch tiếng Czech tại trang blog của Jan Martinek.
Đầy phấn khởi và vì “các giá trị chung” Ba Lan, Hungary và các nước khác ở Đông Âu đã gia nhập Liên hiệp Châu Âu. Và hiện nay họ từ chối tiếp nhận người tỵ nạn. Cách xử sự vô cảm này và những lời hùng biện lạnh lẽo trong thời đại ngày nay là chưa từng xảy ra.
Trong khi hàng nghìn người tỵ nạn trốn chạy trước sự khủng khiếp của chiến tranh, và nhiều người trong số họ đã bỏ xác trên chặng đường đầy nan nguy, tại một số các nước thành viên mới của EU lại đang diễn ra một thảm kịch thuộc thể loại hoàn toàn khác.
Các nhà nước dưới tên gọi chung là Đông Âu - trong đó có cả đất nước quê hương tôi là Ba Lan, đã thể hiện ra là không hề khoan dung, đầy ích kỷ và bài ngoại. Họ đã không nhớ lại tinh thần đoàn kết mà một phần tư thế kỷ trước đây đã đưa họ tới tự do.
Họ vẫn chính là các xã hội đã kêu gọi cho khẩu hiệu “quay lại với Châu Âu” khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và tự hào tuyên bố rằng họ cùng chia sẻ các giá trị chung của lục địa Âu. Nhưng liệu họ có hiểu Châu Âu là gì không?
Từ năm 1989 và nhất là từ sau khi họ đã gia nhập Liên hiệp Châu Âu năm 2004, họ đã được nhận những khoản tài chính khổng lồ thông qua Quỹ Gắn kết và các Quỹ Cơ cấu (là các quỹ nhằm tăng cường sự gắn kết kinh tế và xã hội, đặc biệt là giảm bớt khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng).
Nhưng hôm nay thì họ ngần ngại chẳng muốn làm điều gì cho cuộc khủng hoảng tỵ nạn lớn nhất từ sau Thế chiến thứ Hai.
Hai ngàn người tỵ nạn tại Ba Lan nơi có 40 triệu cư dân
Hungary, thành viên của Liên hiệp Châu Âu đã chẳng ngại ngần hành hạ người tỵ nạn ngay trước mặt toàn thế giới. Thủ tướng Orbán không nhìn thấy dù chỉ một lý do để có thể xử sự khác. Ông ta khăng khăng rằng tỵ nạn không phải là vấn đề của Châu Âu, mà là của Đức. Ngoài ra ông còn cho rằng không tồn tại bất cứ quyền nào là “quyền được có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Orbán không phải là người duy nhất có quan điểm này. Cùng mang quan điểm với ông còn có cả các giám mục Công giáo người Hungary. Kiss-Rigó László, giám mục giáo phận Szegedi-Csanád cho rằng người tỵ nạn Hồi giáo đang chuẩn bị tiếm quyền và theo ông, Đức Giáo hoàng đã “không nhận định đúng tình hình” khi kêu gọi mỗi một giáo xứ Công giáo hãy tiếp nhận một gia đình tỵ nạn.
Ba Lan, đất nước với 40 triệu dân sẵn lòng nhận 2.000 người tỵ nạn, nhưng chỉ nhận người theo đạo Ki-tô giáo. Cả Slovakia cũng ra điều kiện tương tự. Một nhà báo Ba Lan còn khẳng định với Đài phát thanh Công chúng National Public Radio rằng tị nạn không phải là vấn đề của Đông Âu bởi các nước Đông Âu chưa bao giờ ném bom Lybia. (Nhưng mà Đức cũng chưa).
Đông Âu đã quên cả quá khứ của chính mình?
Phải chăng người Đông Âu không còn cảm giác xấu hổ? Tiền nhân của họ đã di cư hàng loạt cả hàng trăm năm nay để tránh đói khổ và tránh bị truy nã vì chính trị. Cách xử sự vô cảm, và lối hùng biện tàn nhẫn của các chính khách của họ đã tiếp tay cho chủ nghĩa dân túy.
Hiện nay, dưới mọi bài báo về đề tài tị nạn, tờ “Gazeta Wyborcza”, thời báo lớn nhất ở Ba Lan đều đăng kèm một dòng lưu ý: “Vì các lời bình luận có nội dung hung hãn bất thường nhằm kêu gọi các hành động bạo lực bất hợp pháp và quảng bá cho sự hận thù giữa các chủng tộc, dân tộc và tôn giáo, chúng tôi tạm đóng chức năng đăng bình luận”.
Trong quá khứ chưa xa, sau chiến tranh, những người sống sót từ trại tập trung, cả người Đông Âu và Do Thái, đã bỏ chạy trước chủ nghĩa bài Do Thái của những người hàng xóm của mình tại Ba Lan, Hungary, Slovakia, và Romania, chính là để tới Đức, tới chốn an toàn của các trại tị nạn. Nhà sử học Ruth Gay có một cuốn sách giá trị về 250.000 người sống sót này với tựa đề “Chốn an toàn giữa người Đức”.
Ngày nay, dân tỵ nạn Hồi giáo và những người sống sót từ các châu lục khác vẫn không tìm được chốn nương trú tại Đông Âu và lại một lần nữa họ tìm đường sang Đức.
Bộ mặt xấu xí của Ba Lan bắt nguồn từ thời phát-xít.
Trong trường hợp này, lịch sử không chỉ là trong nghĩa bóng. Ngược lại: cách xử sự này của người Đông Âu, hiện đang làm bộ mặt đáng ghét của mình dần dần lộ ra, có nguồn gốc từ trong Thế chiến thứ Hai và trong giai đoạn ngay sau đó.
Ví dụ, người Ba Lan có quyền tự hào về công cuộc chống phát-xít của cả xã hội, trong thực tế, trong những năm chiến tranh họ đã giết hại nhiều người Do Thái hơn cả người Đức.
Mặc dù trong thời gian bị phát-xít Đức chiếm đóng, người Công giáo cũng đã phải gánh chịu nhiều đau thương, nhưng đối với những nạn nhân chính của chủ nghĩa phát-xít, sự cảm thông được thể hiện ra chỉ là hãn hữu.
Józef Mackiewicz, một nhà văn chống cộng, bảo thủ với lòng yêu nước không hoen gỉ, đã từng nói: “Dưới thời chiếm đóng, không có ai là chưa từng được nghe câu nói “có một việc Hitler làm đúng, đó là diệt người Do Thái”. Thế nhưng chẳng có ai nói ra điều này một cách công khai”.
Chúng ta vẫn chưa thực sự hoàn hồn với chủ nghĩa bài Do Thái
Dĩ nhiên, cũng có những người Ba Lan đã từng giúp đỡ người Do Thái trong những năm chiến tranh.
Thực tế, so với các dân tộc khác ở Châu Âu, con số “những người chân chính trong các dân tộc” (Righteous Among the Nations) của Ba Lan được trung tâm nghiên cứu và lưu trữ Holocaust Yad Vashen tại Israel tuyên dương vì lòng can đảm trong Thế chiến thứ Hai, là lớn nhất (và cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi vì trước chiến tranh, cộng đồng người Do Thái ở đây là đông nhất Châu Âu).
Tuy nhiên, những con người can đảm này đã tự thân hành động một mình và đi ngược lại những chuẩn mực xã hội vốn được đa số tuân thủ. Họ là những người ngoại cuộc, giữ kín những việc làm của mình cả sau khi chiến tranh kết thúc đã lâu và cả với những người trong cộng đồng của mình - vì e ngại bị ruồng rẫy và ghét bỏ.
Ở một mức độ nào đó, tất cả các nước Châu Âu bị Đức chiếm đóng đã tham gia vào việc tàn sát người Do Thái. Mức độ tham gia của mỗi nước mỗi khác tùy thuộc vào đặc tính và hoàn cảnh bị Đức chiếm đóng.
Holocaust, cuộc tàn sát Do Thái diễn ra kinh khủng nhất chính là ở Đông Âu, một phần vì người Do Thái ở đây đông, và cả vì sự tàn bạo của đội quân chiếm đóng Đức quốc xã.
Angela Merkel đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo
Sau khi bị các cường quốc thắng trận buộc phải loại bỏ tư tưởng dân tộc thượng đẳng, và vì phải gánh trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch tàn sát người Do thái, nước Đức không có cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận và hòa giải với quá khứ giết người của mình.
Đó là một quá trình lâu dài và gian khó, nhưng xã hội Đức đã ý thức được tội lỗi của mình, và qua đó đã đứng lên, đã chấp nhận các thử thách về đạo đức và chính trị mà làn sóng tỵ nạn hiện nay đang mang đến.
Trong cơn khủng hoảng tỵ nạn này, thủ tướng Angela Merkel đã thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình, và qua đó đã buộc tất cả các nhà lãnh đạo Đông Âu phải lấy làm xấu hổ.
Trong khía cạnh này, các nước Đông Âu còn phải làm việc thêm với quá khứ giết người của mình. Chỉ đến khi làm được đó thì người dân của họ mới nhận ra nghĩa vụ của mình là cưu mang những người đang phải trốn chạy trước số phận tàn bạo.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Giáo sư Jan T. Gross sinh năm 1947 tại Warszawa, Ba Lan trong một gia đình mà cha là người Do Thái, còn mẹ theo Công giáo. Ông di cư sang Hoa Kỳ năm 1969, năm 1976 bảo vệ luận án Tiến sĩ về xã hội học tại Đại học Yale. Hiện ông đã nhập tịch Mỹ và dạy lịch sử tại Đại học Princeton.
Jan T. Gross là tác giả của nhiều đầu sách quan trọng như “Láng giềng: sự hủy hoại của cộng đồng Do Thái tại Jedwabne”, “Xã hội Ba Lan dưới thời Đức chiếm đóng”, và “Sợ hãi: chủ nghĩa bài Do Thái ở Ba Lan sau Auschwitz”.