Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHĨ VỀ NIỀM TIN

(NCTG) “Theo đúng tinh thần khoa học, Sự Thật chỉ là một niềm tin. Khoa học không thể chứng minh một điều gì là đúng (niềm tin) mà chỉ có thể chấp nhận rằng chưa thể chứng minh là sai”.
Những tấm ảnh trên báo chí bị cáo buộc là đã qua chỉnh sửa bằng Photoshop để phục vụ một mục đích nào đó, làm dấy lên vấn đề về Niềm Tin trong những tuần gần đấy - Ảnh: Internet
Mới đây tôi có dịp tham dự một cuộc tranh luận về chủ đề “Niềm Tin” trên diễn đàn của tờ báo mạng “Nhịp Cầu Thế Giới” (NCTG). Vốn không phải là người kiệm lời, tôi đã dài dòng trình bày quan điểm của mình.

Những điều muốn nói trong phạm vi tranh luận thì đã nói rõ rồi. Nhưng “Niềm Tin” là một đề tài thú vị, lại liên quan đến xã hội. Bữa nay thấy một nhà văn, bạn FB, bàn về chuyện tin hay nghi ngờ những bức ảnh đã qua Photoshop để kết luận rằng “Chúng Ta Đã Mất Niềm Tin”. Thực tế, theo tôi, thì không lãng mạn đầy cảm xúc như thế khi ta nhìn vấn đề với tinh thần khoa học.

Có người đã nói niềm tin bắt đầu khi chứng cớ và suy luận chấm dứt. Cũng có thể đấy là câu nói về tôn giáo và khoa học. Những người chuộng lý trí khoa học thường chế giễu niềm tin nói chung, thay vì một niềm tin cụ thể ngớ ngẩn nào đấy. Có lẽ họ đã quên rằng, theo đúng tinh thần khoa học, Sự Thật chỉ là một niềm tin. Khoa học không thể chứng minh một điều gì là đúng (niềm tin) mà chỉ có thể chấp nhận rằng chưa thể chứng minh là sai theo lý luận của triết gia khoa học lỗi lạc Karl Popper - một điều mà ngày nay đã trở thành hiển nhiên đến nhàm trong khoa học.

Niềm tin khoa học là niềm tin với sự nghi ngờ rằng mình có thể sai, một thái độ nghiêm túc và thực tế. Có một câu chuyện thú vị về Niels Bohr, một cha đẻ của vật lý học hiện đại. Khi người khách đến thăm lên tiếng trách ông sao lại treo cái móng ngựa trước nhà như dân mê tín, Bohr cười trả lời rằng người ta nói nó sẽ đem lại may mắn dù chủ nhà không tin.

Có những vấn đề không thể thuyết phục nhau bằng chứng cớ và suy luận. Gần đây tôi có viết bài “Dân chủ, một niềm tin tôn giáo”. Tôi đã lý luận rằng một nền dân chủ vững mạnh đòi hỏi sự chấp nhận mọi người đều bình đẳng. Nhưng không có cơ sở khách quan gì để thuyết phục người khác chấp nhận sự bình đẳng tuyệt đối đó. Đối với tôi, đấy là một niềm tin, bản chất cũng như một niềm tin tôn giáo, một niềm tin tôi luôn cố truyền bá như truyền đạo.

Bài viết nói trên cũng đã đăng trên NCTG. Có người không đồng ý sự so sánh dân chủ với niềm tin, niềm tin tôn giáo của tôi. Dĩ nhiên là họ tin họ đúng. Nhưng họ không thuyết phục được tôi. Và ngược lại tôi cũng thế. Một đề tài thú vị là ta sẽ có khuynh hướng chọn con đường đi đến dân chủ hay phương pháp xây dựng xã hội dân chủ khác nhau tùy cách nhìn về tiên đề mọi người đều bình đẳng.

Đây là một vấn đề rất thực tế và cũng rất phức tạp. Nhưng “Niềm Tin Đã Mất” của nhà văn, bạn FB và của tác giả bài “Viết cho ngày 30-4” trên NCTG chỉ là những điều mà tôi gọi là “niềm tin có điều kiện” khá đơn giản. Trong một xã hội văn minh, đây là những niềm tin cần phải có, dễ dàng có được (trên lý thuyết). Tôi có niềm tin khi điều kiện khách quan thúc đẩy điều tôi tin xảy ra. Tôi nghi ngờ khi vắng những điều kiện khách quan này. Bổn phận của tôi là tạo điều kiên trong khả năng của mình để có niềm tin chung trong xã hội.

Xin minh họa bằng những ví dụ cụ thể.

Tôi tin những bao rau dán nhãn “đã rửa sạch” trong các siêu thị ở Mỹ là sạch, có thể ăn ngay không cần rửa lại. Niềm tin này của tôi không tùy thuộc vào lòng tốt, hay đạo đức của người trồng và bán rau ở Mỹ mà chỉ trên cơ sở rằng họ sẽ thua lỗ rất nhiều nếu bán rau bẩn. Tôi có niềm tin khi biết rằng quảng cáo láo đem lại hại nhiều hơn lợi cho người sản xuất.

Tôi thường không tin các chuyên gia, bác sĩ quảng cáo thức ăn, thuốc bổ trên TV. Tôi không đặt niềm tin vào chức tước, bằng cấp, kiến thức chuyên môn của họ vì lý do là ở Mỹ không có luật bó buộc họ phải chính xác theo tiêu chuẩn khoa học trong những chuyện này, đồng thời họ lại có một động lực lớn là tiền bạc để nói nhảm. Gần đây là chuyện bác sĩ Mehmet Oz, chuyên gia tim mạch, giáo sư y khoa ở Đại học Columbia danh tiếng bị mất mặt vì quảng cáo bậy cho thuốc giảm cân trên TV.

Vì không biết cái giá của danh dự là bao nhiêu đô-la nên tôi không tin vào bằng cấp và danh giá khi không có điều kiện khách quan. Rất đơn giản.

Báo chí cũng thế. Vấn đề không hề là còn hay đã mất niềm tin mà là điều kiện khách quan để tin hay nghi ngờ. Tôi lắm khi cũng không đồng ý với cách phân tích và suy luận của những phóng viên, những tờ báo có tiếng nghiêm túc ở Mỹ. Nhưng tôi không hề nghi ngờ dữ kiện họ trình bày khi đọc. Lý do đơn giản là nếu sai, nhất là gian trá, thì sẽ có đối thủ cạnh tranh phơi bày ngay. Họ sẽ mất danh, mất độc giả, mất quảng cáo, mất tiền... rất nặng nề nên không làm thế.

Những tờ báo mạng, miễn phí, tôi chỉ đọc cho vui, không mấy tin chuyện giật gân. Khi phóng viên, ban biên tập, tờ báo có động lực tiền bạc hay nghề nghiệp để đưa tin sai mà không phải trả giá cao, tôi không có điều kiện để tin họ. Đạo đức, chức năng nghề nghiệp không phải là những điều kiện khách quan.

Một tờ báo lá cải rất lớn ở Mỹ là “National Enquirer”, chuyên đăng tin và hình ảnh nhảm nhí về các tài tử, chính khách vân vân. Mỗi khi đứng xếp hàng chờ trả tiền ở siêu thị tôi thường tò mò xem báo đang buôn chuyện gì và tự hỏi mỗi bài phải có bao nhiêu luật sư duyệt trước khi in để tránh bị thua kiện. Tám năm trước, “National Enquirer” đăng chuyện ứng cử viên tổng thống John Edwards ngoại tình. Lúc đầu chẳng ai tin, không ngờ lại là chuyện thật. Tờ báo lá cải này lại làm dư luận náo loạn vì thắng giải Pulitzer năm 2010 về báo chí điều tra. Khôi hài thế.

Thể chế và chính quyền Việt Nam hiện tại thiếu những điều kiện khách quan, đầy rẫy những xung khắc về lợi ích, động cơ để bóp méo sự thật. Nhưng theo tôi, mỗi cá nhân cũng có phần chịu trách nhiệm, hay đúng hơn là đã không làm hết bổn phận để xã hội không “Mất Niềm Tin”. Xin đơn cử một ví dụ: Photoshop.

Khi chúng ta chuyển tải những hình ảnh ta muốn tin là đúng mà không kiểm chứng nguồn gốc, khi ta dùng “tài liệu” không ghi chú xuất xứ, và lại sử dụng chúng như nguồn tin khả tín để hổ trợ cho quan điểm của mình thì chính ta đã không tạo ra điều kiện để gây được “Niềm Tin”. Khi chúng ta đặt phe phái, quan điểm lên trên sự trung thực và tính khách quan - ta unfriend và block nhau trên cơ sở này thì điều kiện của niềm tin trong thực tế chỉ là “ta tin điều ta và bạn bè ta muốn tin”.

Xin tự trích một đoạn trong bài viết về niềm tin dân chủ: “... người dân chủ không bao giờ chịu vi phạm những nguyên tắc dân chủ để dành lợi thế cho họ, cho quan điểm hay phe phái của họ; bảo vệ nền tảng dân chủ quan trọng hơn những thắng bại chính trị nhất thời”. Bảo vệ điều kiện để giữ niềm tin vào sự trung thực quan trọng hơn lợi thế nhất thời về quan điểm. Khi cái giá phải trả cho sự gian trá thấp hơn lợi lộc thu được, dù bằng tiền hay bằng like, thì tất nhiên là xã hội sẽ mất niềm tin.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ