Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHĨ VỀ DÂN CHỦ VÀ DÂN TRÍ

(NCTG) “Dân trí” là một khái niệm xem chừng chỉ có giá trị thực tiễn cho các cao nhân muốn đổ thừa, trốn tránh trách nhiệm và sự bế tắc của họ lên đầu quần chúng với ngôn ngữ hàn lâm.
Rất đông cư dân Hoa Kỳ ủng hộ cho ứng viên này, là vì họ “dân trí thấp”? - Ảnh: huffingtonpost.com
Là một người sống với hai thế giới chính trị song song, cuộc đời hiện thực tại Mỹ và quan tâm về Việt Nam qua mạng, tôi có nhiều hứng thú vừa tham dự vừa quan sát và so sánh những cuộc tranh luận chính trị Việt, Mỹ.

Nhân cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ lần này giữa hai nhân vật hoàn toàn khác biệt về hầu hết mọi mặt, tôi đã trình bày quan điểm rằng cấu trúc của thể chế dân chủ là “đại cuộc” tối quan trọng. Dân chọn thế nào là “tiểu tiết”, dù có sai lầm cũng chỉ tạm thời, sẽ luôn được điều chỉnh trong một thể chế dân chủ.

Một điều khác tôi muốn nói đến là quyết định chính trị không chỉ tùy thuộc vào lý trí như đáp số của một bài toán. Những người có cùng khả năng trí tuệ như nhau vẫn thường có những chọn lựa chính trị khác nhau tùy cách nhìn và cảm xúc riêng. Quyết định đúng/sai, tốt/xấu cho cả xã hội không thể chỉ dựa vào chủ quan của một thiểu số. Ví dụ điển hình trước mắt là cuộc tranh cử giữa Trump và Clinton.

Donald Trump đang làm trò cười cho cả thế giới. Một “tên cùi quốc tế, một nỗi nhục quốc gia” theo lời cựu Ngoại trưởng Colin Powell. Người Mỹ nào sẽ bầu cho Trump?

Điểm qua một vòng trên mạng sẽ thấy nhiều cao nhân phán xét rằng người ủng hộ Trump nếu không là kẻ ngu dốt thì cũng thiếu đạo đức. Theo logic của họ thì người có tư cách và trí tuệ không thể bỏ phiếu cho Trump. Thật thế à?

Tôi lẽ ra có thể dễ dàng chấp nhận những phán quyết dõng dạc như thế vì cá nhân tôi không tìm được một điểm nào đáng khen ở Trump, chỉ toàn thấy những biểu hiện của một đầu óc hời hợt với tâm địa nhỏ nhen, gian trá. Đồng thời, nhìn xuống, khinh thị người khác cũng là một cách để cảm thấy mình có trí tuệ và tư cách hơn họ, sướng ra phết mà không cần phải tốn tiền.

Khổ nổi, thực tế khách quan không cho phép tôi nhắm mắt mơ tưởng đến cái cao quý tinh anh hơn người, vốn không có thật, của mình.

Bố mẹ thằng bạn thân cùng xóm của con trai tôi sẽ bầu cho Trump. Theo thống kê thì trình độ học vấn cũng như thu nhập của hai ông bà bác sĩ mẫu mực gốc Do Thái này phải cao hơn đa số giới tinh anh bàn phím đang thóa mạ những cử tri như họ. Bạn bè đồng nghiệp của tôi cũng không nhất trí. Cho đến hai tuần trước vẫn trố mắt nhìn nhau: “Mày thật sự nghĩ Clinton (Trump) tệ hại hơn Trump (Clinton) à? Man, get real!”.

Nếu không biết nhau thì có lẽ cũng dễ nghĩ về nhau như những người “thiếu nhận thức”, “ngu dốt”, “thần kinh” vân vân. Chê dân ngu và vô cảm là một phản xạ chung. Nhưng khi nói chuyện nghiêm túc thì trí thức Mỹ lại cẩn thận, không phê bình hay đổ thừa “dân trí”. Người càng có uy tín càng ít lên gân đòi nâng dân trí. Cũng hợp lý thôi. Làm thế nào để đo dân trí? Phải theo một đuờng lối hay đảng phái nào ư?

Thế thì có chọn cách nào tôi cũng phải kết luận là khoảng phân nửa bạn bè, láng giềng của tôi thuộc nhóm “dân trí thấp”. Nhưng họ hầu hết đều có học vấn, bằng cấp rình rang. Đành rằng học vấn và bằng cấp (phi mậu dịch) không bảo đảm trí tuệ, nhưng nếu học nhiều hơn, đọc nhiều hơn, bàn luận nhiều hơn mà vẫn thuộc nhóm “dân trí thấp” thì làm thế nào để “nâng dân trí” như cao nhân Việt vẫn hô hào?

Dân trí” là một khái niệm xem chừng chỉ có giá trị thực tiễn cho các cao nhân muốn đổ thừa trách nhiệm và sự bế tắc của họ lên đầu quần chúng. Đổ thừa và trốn tránh với ngôn ngữ hàn lâm. Quần chúng thuận theo ý mình là “dân chủ”, ngược lại là “dân túy”. Tuyên truyền cho quan điểm của mình là “khai sáng”, ngược lại là “mị dân”. Những người quen với cách phán xét thiếu khách quan và suy luận không nhất quán như thế có thể mắng chửi cho sướng miệng mình nhưng khó có thể tích cực góp phần xây dựng tinh thần dân chủ.

Dễ chịu hơn nhưng cũng không kém phần vô dụng là thái độ ngược lại, “dĩ hòa vi quý”, của nhiều người Việt khác. Họ cho rằng chính kiến là chuyện cá nhân, đúng sai tùy cách nhìn của mỗi người, không nên tranh cãi gay gắt. Nhưng chính trị không phải là một vấn đề cá nhân. Chính kiến cá nhân ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Né tránh chính trị thì dù ở đâu cũng là một sự nhường quyền quyết định cho người khác. Có lẽ vì thế mà đi bầu là một nghĩa vụ theo luật ở Úc. Người dân của một cường quốc vững mạnh không thể tránh né chính trị.

Tất cả những chọn lựa chính trị nhiều tranh cãi đều là một quyết định tùy thuộc nhiều vào chủ quan đã được hình thành qua những trải nghiệm cá nhân, không nhất thiết phải là một vấn đề trí tuệ hay đạo đức. Để thoát cảnh bế tắc vì chủ quan khác biệt, cần phải có một sự thỏa thuận về một số nguyên tắc khách quan cơ bản của một xã hội dân chủ.

Nhìn từ xa, qua cái lăng kính có thể lệch lạc của Facebook, tôi không khỏi có cảm giác tiếc nuối là những người trí thức có nhiều ảnh hưởng dường như chỉ quan tâm hay chỉ có khả năng viết những bản cáo trạng đấu tố chính quyền và xã hội Việt Nam. Một màn đấu tố khôi hài. Kẻ bị đấu tố vẫn phè phởn và có thể tùy hứng bắt giam người đấu tố.

Những điều bất cập và những tệ nạn từ lâu đã quá rõ ràng. Vấn đề là làm thế nào để phát triển tinh thần dân chủ, xây dựng một nền tảng dân chủ. Đáng tiếc là khi nói đến phong trào dân chủ ở Việt Nam, đại đa số, dù theo hay chống, dường như chỉ chú trọng đến cá nhân người tham dự, phe nhóm và quan điểm hơn là những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện cần thiết của nền dân chủ vốn vẫn chưa hề có ở Việt Nam.

Đòi hỏi thiểu số cầm quyền phải có những thay đổi dân chủ là điều không thực tế nếu đa số dân vẫn thờ ơ. Có lẽ vì lý tưởng và thể chế dân chủ là những khái niệm trái ngược với truyền thống và tư duy của người Việt về vai trò của lãnh đạo và quần chúng, tôn ti trật tự, cũng như các chuẩn mực đạo đức đúng sai theo giáo điều Khổng - Mạnh nên đa số vẫn chưa tha thiết đòi hỏi và chịu trả giá để xây dựng một xã hội dân chủ.

Trong thế giới phức tạp ngày nay, bất cứ một xã hội nào cũng sẽ luôn có những quan điểm trái ngược, những cá nhân với niềm tin mãnh liệt vào những đáp án khác nhau, đúng sai vẫn chưa rõ, cho cùng một vấn đề. Một trong những cái giá phải trả cho nền dân chủ là phải đối thoại với những người gây khó chịu, khác chính kiến và sự chấp nhận quyết định của đa số. Không làm được thế thì xã hội tốt lắm cũng chỉ là tập hợp của những tổ chức riêng lẻ rời rạc; đa nguyên thì có nhưng dân chủ thì không.

Xây dựng tinh thần đối thoại để thuyết phục thay vì phán truyền “khai dân trí” cũng như chấp nhận quyết định của đa số thay vì theo “lý trí” của người anh minh đâu phải là trách nhiệm của người dân mà chính là vai trò của người trí thức. Dân chủ chậm phát triển đâu phải vì dân trí kém mà rất có thể vì thiếu “trí thức trí”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ