Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHĨ VỀ ÁN TỬ

(NCTG) “Chừng nào còn tồn tại án tử thì khả năng oan sai (trong thực tế, và trong cả cách nhìn nhận khác biệt về mức độ của hành vi phạm tội) sẽ vẫn cứ còn, và không thể loại trừ”.
Án tử hình liệu có phải là biện pháp chính đáng và hữu hiệu để thực thi công lý? - Minh họa: Internet
Rạng sáng thứ Năm 14-7-1988, tử tù cuối cùng của Hungary - Vadász Ernő (28 tuổi) - bị lên giá treo cổ. Khi ấy, những người có mặt tại sự kiện này không thể biết rằng, họ được chứng kiến sự thi hành bản án tử hình cuối cùng của nền tư pháp Hungary: tròn 30 năm trôi qua, không một người Hung nào còn phải chịu số phận như vậy.

Thẩm phán Nagy Zoltán, người tuyên bản án tử hình cuối cùng tại Hungary (*) đối với một sát thủ đã giết hai mạng người, cho hay nếu nhận thấy bị cáo tỏ ra hối lỗi, ông đã không dùng đến án tử. Tuy nhiên, sát thủ chỉ lo kêu ca cơm tù đạm bạc, thậm chí gương mặt hoàn toàn vô cảm khi nghe hình phạt được công bố.

Báo chí Hung cho hay, chỉ vỏn vẹn 1 ngày trước khi bản án được thi hành, đương sự mới hoảng hốt và gào la không ngớt. Khi ấy, thẩm phán Nagy Zoltán nhủ thầm sẽ không bao giờ tuyên thêm án tử trong đời, và càng ngày ông càng cảm thấy, một nhà nước không có quyền tước đi mạng sống của bất cứ ai.

Án tử được bãi bỏ tại Hungary vào năm 1990, khi Tòa án Hiến pháp của nước này thông qua Nghị quyết số 23/1990. (X. 31.) cho rằng tất cả mọi người từ khi sinh ra đều có quyền được sống và quyền có nhân phẩm, và bản án tử hình không chỉ hạn chế, mà còn hoàn toàn triệt tiêu những quyền kể trên, do đó nó là vi hiến.

Nhiều người cho rằng về mặt luật pháp, đây là một chiến thắng vang dội, một thành tựu đáng kể của Tòa Bảo hiến Hungary, và của cá nhân GS. Sólyom László, người giữ vai trò cầm cân nảy mực Tòa trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập (1990-1998), và sau này cũng là Tổng thống thứ ba của Đệ tam Cộng hòa Hungary nhiệm kỳ 2006-2010.

Gần 30 năm qua, việc tái lập án tử vẫn được một bộ phận của công luận Hungary đòi hỏi mỗi khi có án mạng xảy ra, cho dù khả năng về mặt pháp lý gần như là không có, đặc biệt là từ khi nước này gia nhập Liên Âu năm 2004. Một thống kê cho hay, con số các vụ án mạng dã man không tăng so với những thập niên trước đây, khi còn án tử.
 
Đặng Văn Hiến, “anh Pha của thời hiện đại”
Đặng Văn Hiến, “anh Pha của thời hiện đại”

Cuộc tranh luận quan sự cần thiết hay không của án tử chắc chắn là sẽ vẫn còn kéo dài ở nhiều nước, nhưng tại Hungary, sẽ không ai phải chịu số phận như Đặng Văn Hiến, “anh Pha của thời hiện đại mà như ai đó có nói, giá anh sống trước 1945 thì hành động của anh đã có thể trở thành tấm gương sang “cho giới trẻ cách mạng”.

Đã có rất nhiều ý kiến xác đáng trên báo chí, mạng xã hội bình luận về bản án này, nhưng khó có thể phủ nhận được rằng, cái gọi là “công lý” chỉ mang tính tương đối, chừng nào còn tồn tại án tử thì khả năng oan sai (trong thực tế, và trong cả cách nhìn nhận khác biệt về mức độ của hành vi phạm tội) sẽ vẫn cứ còn, và không thể loại trừ.

Mong tới một ngày, Việt Nam không còn án tử...

Ghi chú:

(*) Bản án này tuy tuyên sau, nhưng lại được thi hành trước trường hợp của Vadász Ernő.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh