MỘT LẦN VỀ BÙI CHU ĐỂ NGHE CHUYỆN TỪ CẢ HAI TAI
- Thứ tư - 22/05/2019 17:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Vẫn còn đó những cánh cửa hay hàng rào và cánh cổng, dù luôn mở hay kể cả là hàng rào tượng trưng bằng hoa, thì các cánh cửa hay hàng rào và cánh cổng đó vẫn luôn là một biểu tượng kiến trúc nhắc nhở rằng bạn đang bước vào một không gian riêng đòi hỏi bạn nếu có hành động hoặc ứng xử buộc phải theo các chuẩn mực văn hóa tối thiểu!” - góc nhìn của một tác giả Công giáo.
Lời Tòa soạn: Những ngày vừa qua, kế hoạch “hạ giải” Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu có hơn 130 năm tuổi của Tòa Giám mục giáo phận, và hoạt động của một số nhóm “bảo vệ di sản” đã và đang là tâm điểm sự chú ý của công luận trong và ngoài nước.
Có lẽ là lần đầu tiên, ở Việt Nam, câu chuyện về số phận một nhà thờ - mang giá trị tâm linh và tinh thần của giáo dân, và giá trị văn hóa, lịch sử của tất cả mọi người - lại thu hút sự để tâm rộng rãi, và kéo theo những tranh luận nhiều khi gay gắt đến thế.
Dễ thấy rằng, rất nhiều những quan niệm căn bản, những câu hỏi tồn đọng xuất phát từ chủ đề này, sẽ phải còn được cọ xát và làm rõ trong thời gian tới, để làm điểm tham chiếu cho những trường hợp tương tự sẽ còn xuất hiện nhiều trong tương lai.
Một điều chắc chắn: kiến thức và hiểu biết về văn hóa Công giáo, dẫn tới cách hành xử thích hợp và chừng mực, khiêm cung và cẩn trọng, có thể trở thành chìa khóa khiến các bên dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và “xích lại gần nhau” vì một mục tiêu chung.
Trong tinh thần đó, bài viết sau đây của Vũ Lê Hoàng, một người Công giáo am tường về kỹ thuật, có thể giúp độc giả có thêm thông tin hơn về những gì đang diễn ra, và phần nào đó, thấu hiểu hơn về suy nghĩ, tâm tư của người Công giáo trong vụ việc này.
Chân thành cám ơn tác giả, và trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Có lẽ là lần đầu tiên, ở Việt Nam, câu chuyện về số phận một nhà thờ - mang giá trị tâm linh và tinh thần của giáo dân, và giá trị văn hóa, lịch sử của tất cả mọi người - lại thu hút sự để tâm rộng rãi, và kéo theo những tranh luận nhiều khi gay gắt đến thế.
Dễ thấy rằng, rất nhiều những quan niệm căn bản, những câu hỏi tồn đọng xuất phát từ chủ đề này, sẽ phải còn được cọ xát và làm rõ trong thời gian tới, để làm điểm tham chiếu cho những trường hợp tương tự sẽ còn xuất hiện nhiều trong tương lai.
Một điều chắc chắn: kiến thức và hiểu biết về văn hóa Công giáo, dẫn tới cách hành xử thích hợp và chừng mực, khiêm cung và cẩn trọng, có thể trở thành chìa khóa khiến các bên dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và “xích lại gần nhau” vì một mục tiêu chung.
Trong tinh thần đó, bài viết sau đây của Vũ Lê Hoàng, một người Công giáo am tường về kỹ thuật, có thể giúp độc giả có thêm thông tin hơn về những gì đang diễn ra, và phần nào đó, thấu hiểu hơn về suy nghĩ, tâm tư của người Công giáo trong vụ việc này.
Chân thành cám ơn tác giả, và trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Tôi vốn là một người Công giáo thuộc giáo phận Bùi Chu, nhưng đã sống xa giáo phận từ nhiều năm và cũng ít có dịp được cập nhật tin tức của giáo phận quê hương. Bất ngờ là thời gian gần đây, tin tức về việc “hạ giải” và xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu lại trở thành chủ đề ầm ĩ trên cả báo chí chính thống và mạng xã hội. Nổi lên là sự nhiệt tình rầm rộ của các nhóm “giải cứu”, “bảo vệ di sản” trên mạng xã hội cùng với những lời chê trách các cha đạo bảo thủ, thiển cận, thiếu óc thẩm mỹ, hay cả nặng nề hơn là “ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại”, v.v... và v.v…
Xin cũng nói luôn là bản thân tôi cũng từng có chút ít kinh nghiệm không hay khi tiếp xúc với thế hệ tu sĩ cũ của Bùi Chu ngày trước, là thế hệ đã không được trải qua quá trình lựa chọn và tu học kỹ càng do sự kìm kẹp ngặt nghèo của chính quyền thời đó (thời mà chính quyền đặt hai trạm công an canh giữ ngay lối vào chính của Tòa Giám mục Bùi Chu và sự điều động linh mục về các xứ đạo nằm trong tay công an!). Vậy nên ban đầu tôi cũng có đôi chút thông cảm và nghĩ là mình ít nhiều hiểu được nguyên do các lời chê trách từ các nhóm bảo vệ di sản.
Tuần rồi nhân có việc về qua Bùi Chu, tôi đã sắp xếp qua nhà thờ và Tòa Giám mục và xin gặp các vị linh mục có trách nhiệm để tìm hiểu thông tin cho rõ ngọn ngành. Mục đích trước hết của tôi là để tìm hỏi xem trước khi quyết định “hạ giải”, Tòa Giám mục đã cân nhắc đến các phương án nào? Và các nhóm “giải cứu”, “bảo vệ di sản” có đưa ra đề xuất phương án trùng tu hay bảo tồn như thế nào hay không?
Sự thật mà tôi nhận được sau khi nghe biết chuyện từ cả hai tai khiến tôi thực sự bàng hoàng và tức giận! Có những vị mang danh “trí thức”, “giải cứu”, “i” nghe ra có vẻ lớn lao cao cả, nhưng trong sự việc cụ thể này lại có cách hành xử vô văn hóa! Dưới đây tôi sẽ lần lượt trình bày các thông tin mà tôi có được qua các cuộc trò chuyện cũng như các tìm hiểu, khảo sát riêng của tôi tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, cũng là để rộng đường dư luận trao đổi xung quanh sự kiện này và hy vọng cũng là lời giải thích cho nhận xét nặng nề nói trên.
Trước tiên là quá trình và thời gian đi đến quyết định “hạ giải”, “đại trùng tu” nhà thờ Bùi Chu. Nếu chỉ nghe qua thông tin trên báo chí và mạng xã hội từ các nhóm “bảo vệ di sản” thì vẻ như đây chỉ là một quyết định nhất thời hời hợt một sớm một chiều của giáo dân và tu sĩ Bùi Chu. Nghe cứ như thể một anh nông dân vừa “trúng quả đậm” kiếm được mớ tiền liền vội vàng đập bỏ ngay ngôi nhà cũ của tổ tiên để lại để xây mới một ngôi nhà to hoành tráng hòng lấy le với đời.
Nhưng có tìm hiểu mới biết, sự thật đây là cả một quá trình cân nhắc đắn đo và suy xét kéo dài suốt từ cả chục năm trước: cân nhắc liệu có thể giữ lại được ngôi nhà thờ cũ mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dự lễ. Tới hơn 5 năm sau, đến năm 2014 các giáo dân và các tu sĩ Bùi Chu mới đi đến quyết định “hạ giải”, “đại trùng tu” ngôi nhà thờ này, rồi từ đó nhà thờ mới thực hiện các thủ tục đệ trình lên các cấp chức quyền để được cấp phép xây dựng.
Tiếp đến là các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hiện trạng nhà thờ. Một nhóm tự xưng là 20 kiến trúc sư, kỹ sư, chuyên gia bảo tồn tự ý thực hiện việc khảo sát ngôi nhà thờ và đưa ra nhận định “nền móng vẫn còn tốt, không có dấu hiệu sụt lún”. Cái gọi là “kết luận” vô cùng ác ý này trái ngược hoàn toàn với sự thật mà bất kỳ một con người có lương tri nào khi về quan sát nhà thờ Bùi Chu cũng có thể nhận ra ngay cả bằng mắt thường. Thực tế nền nhà thờ hiện bị cả sụt lún tổng thể chung như bao ngôi nhà khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng như bị sụt lún cục bộ trong đó phần cuối nhà thờ nơi có hai tháp chuông bị sụt chênh so với phần đầu nhà thờ lệnh nhau cả chục cm.
Đặc biệt là hai tháp chuông, nhất là tháp chuông phía Nam đã bị nghiêng thấy rõ, nghiêng lệch hẳn đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hãy tưởng tượng tháp nghiêng Pisa là nơi chỉ để cho du khách tham quan chụp hình, vậy mà họ vẫn phải có những khoảng thời gian tạm ngưng đóng cửa để tiến hành gia cố. Vậy thử hỏi liệu giáo dân Bùi Chu có thể sử dụng một ngôi nhà thờ với ngọn tháp chuông đã bị sụt lún nghiêng lệch và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vào công việc hành lễ hàng ngày?!
Bất kỳ gia đình nào sinh sống tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ khoảng từ một thế hệ trở lên có thể nhớ lại hẳn gia đình mình cũng đã từng một vài lần thực hiện việc tôn cao nền nhà hay đường giong ngõ xóm. Đó chính là vì hiện tượng sụt lún địa chất tự nhiên của toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ trung bình mỗi năm khoảng 3mm, có những nơi tới 5mm, qua 10 năm là 3-5cm, qua 100 năm là 30-50cm! Thềm các ngôi nhà ở thông thường ở đồng bằng Bắc Bộ thường cao 50-60cm còn với các đền chùa hay nhà thờ thì thềm còn được làm cao hơn nữa để thể hiện sự tôn kính, thường là cao hơn 1m, thềm nhà thờ Bùi Chu ban đầu cũng là như thế, cao trên 1m.
Nhưng hiện nay thềm nhà thờ chỉ còn cao hơn mặt sân khoảng 40cm, và đã có những đợt mưa biến sân nhà thờ thành ao và nước gần tràn vào trong nhà thờ. Đo đạc của phía nhà thờ cho biết cụ thể thềm nhà thờ hiện đã sụt lún trên 70cm so với ban đầu như có nêu trong thư Tòa Giám mục Bùi Chu trả lời ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào ngày 20-5 vừa qua. Hiện hầu như chưa có giải pháp kỹ thuật nào hữu hiệu để có thể khắc phục tình trạng sụt lún địa chất tự nhiên tổng thể này. Đây là vấn đề kỹ thuật thứ nhất mà các giáo dân và tu sĩ cùng các nhóm tư vấn đã phải cân nhắc trước khi đi đến quyết định “hạ giải”, “đại trùng tu” vào năm 2014.
Vấn đề kỹ thuật thứ hai là độ bền của các kết cấu gạch vữa xây dựng tường bao và tháp chuông nhà thờ. Tất cả các bức tường này được xây bằng vôi vữa và gạch nung thông thường, vật liệu ban đầu để làm ra các viên gạch nung này có thể là chính đất ruộng tại các khu vực xung quanh. Quá trình nung thêu kết các khoáng chất thành viên gạch cứng có đủ khả năng chịu lực, nhưng theo thời gian quá trình thấm ẩm và nước mưa với độ axit nhất định dẫn đến việc “lại gạch” tức các khoáng chất gắn kết trong quá trình nung giờ lại tan ra hay tách ra làm cho một số viên gạch nung chưa đủ độ giờ có thể tự bở ra gần như đất. Có thể kiểm tra tại nhiều vị trí tường mà lớp áo vữa bên ngoài bị bong tróc làm lộ ra các viên gạch phía trong: có những mẩu gạch giờ có thể dùng tay không bóp cũng vỡ hay có thể dùng móng tay cạo viên gạch mủn ra như bột! Cũng có một số vết nứt chạy dọc suốt chiều cao tại một số đoạn tường bao nhà thờ.
Vấn đề kỹ thuật thứ ba là phần vòm trần và mái nhà thờ. Toàn bộ các tấm lát và tấm ghép vòm trần đều chỉ được ghép từ các tấm gỗ có độ bền rất thấp, cụ thể là gỗ xoan, hoặc là các tấm vách đan hay tạo hình phía trong bằng nan tre và trát ngoài bằng vôi rơm. Qua thời gian hơn 100 năm chưa cần đến tác động của mối mọt hay mưa bão, chỉ cần dưới điều kiện nóng ẩm tự nhiên của khí hậu miền Bắc, các tấm gỗ này cũng đã tự mủn ra và sụp xuống do dưới sức nặng tự nhiên mà chưa cần lực tác động bên ngoài. Thực tế cũng đã có một vài mảng trần sụp xuống trong lúc giáo dân đang hành lễ trong nhà thờ. Hoặc trong những ngày mưa bão nhà thờ hầu như chỗ nào cũng dột, kể cả trên gian cung thánh là nơi thiêng liêng nhất của một nhà thờ Công giáo.
Phần kết cấu gỗ còn bền chắc và có thể tiếp tục sử dụng chính là các hàng cột gỗ lim cùng với các dầm, xà, đà đỡ chính cũng được làm bằng gỗ lim chịu lực và nâng đỡ toàn bộ phần mái nhà thờ. Vậy nên một trong các phương án bảo tồn đã được phía nhà thờ đưa ra xem xét, đó là thực hiện việc nâng nền và kích cao các hàng cột và toàn bộ kết cấu gỗ, làm lại trần và lợp lại mái, xây dựng lại tháp chuông và các tường bao xung quanh. Hoặc trong trường hợp làm lại toàn bộ kết cấu bằng gỗ lim mới thì toàn bộ các hàng cột và kết cấu gỗ lim cũ sẽ được đánh dấu tháo ra và dựng lại nguyên trạng để làm một nhà nguyện nhỏ tại vị trí khác. Cũng vì vậy mà trong các văn bản chính thức Tòa Giám mục Bùi Chu đã dùng từ “hạ giải” để nói về việc tháo dỡ ngôi nhà thờ cũ.
Từ “hạ giải” này đã bị không ít vị “có chữ” đem ra mỉa mai và cho rằng nhà thờ dùng từ này chỉ để che đậy việc phá bỏ. (Người Công giáo không mù lòa đến mức phá bỏ đi những gì còn giá trị! Nghe nói đã có nhiều tay săn đồ cổ khi nghe nói đến việc tháo dỡ nhà thờ Bùi Chu đã đến đặt vấn đề trả cho phía nhà thờ 5-10 tỷ đồng để mua lại phần cột và các kết cấu khung gỗ bên trong nhà thờ. Tất nhiên, Tòa Giám mục Bùi Chu đã từ chối tất cả các lời đề nghị này!).
Một phương án ưa thích của các vị kiến trúc sư “chuyên gia bảo tồn”, “giải cứu”, “bảo vệ di sản”… là làm theo kiểu “so với Tây”, tức bảo tồn chi tiết đến từng viên gạch cũng đã từng được phía nhà thờ đưa ra cân nhắc. Nhưng phương án này có hai khó khăn nghiêm trọng: thứ nhất là kinh phí thực hiện việc “bảo tồn” như thế này thường tốn kém gấp 3-4 lần so với phương án đại trùng tu hay xây dựng mới, vượt xa khả năng thu xếp của giáo dân và nhà thờ. Thứ nữa là vấn đề thời gian thực hiện việc bảo tồn chi tiết một ngôi thánh đường cổ thường rất dài, có thể kéo dài tới hàng chục năm!
Trong khi nhà thờ chính là ngôi nhà để người Công giáo tụ họp và cầu nguyện hàng ngày hàng tuần, một nhu cầu cũng thiết yếu như cơm ăn áo mặc nhà ở của bao người dân thường. Vậy nên việc xây dựng cần phải thực hiện nhanh chóng cùng lắm là một vài năm chứ không thể kéo dài. Không thể đem “so với Tây” nơi mà các cộng đồng tôn giáo luôn được tạo điều kiện và có các không gian thay thế để thực hiện việc hành lễ, cũng như được cả chính quyền và xã hội chung tay hỗ trợ nhiều mặt trong đó có cả kinh phí thường xuyên để duy tu và bảo tồn các công trình lâu đời.
Nếu có thể thì phương án khả thi nhất để có thể giữ lại được ngôi nhà thờ hiện nay chính là tìm một khu đất khác để xây dựng ngôi nhà thờ mới, còn ngôi nhà thờ cũ sẽ được giữ lại như một không gian văn hóa để từng bước trùng tu và bảo tồn. Nhưng như nhiều người biết, từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam đất đai Công giáo chỉ có mỗi ngày một thu hẹp chứ chẳng có cơ hội được cấp thêm, trong khi số giáo dân vẫn đều đặn tăng lên hàng ngày. Ví dụ cụ thể là nhà thờ Bùi Chu hiện nay có sức chứa khoảng 1.500 người, cơ bản là đủ cho giáo dân gần đó. Nhưng đây là nhà thờ chính tòa của giáo phận, có nhiều ngày lễ mà giáo dân từ các xứ đạo khác trong giáo phận cũng đến tham dự khi đó ngôi nhà thờ hiện nay trở nên rất chật chội.
Đặc biệt trong các dịp đại lễ, nhiều người dân từ hầu hết các xứ đạo trong giáo phận đều tập trung về Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu dự lễ. Có những dịp số người tham dự lên đến hàng trăm nghìn người, trong tổng số khoảng hơn 400.000 giáo dân của giáo phận Bùi Chu. Khi đó toàn bộ khuân viên và các không gian xung quanh nhà thờ đều đông nghẹt, với tổng diện tích toàn bộ khuân viên nhà thờ hiện nay thì dù người người có đứng ngồi san sát nhau cũng chỉ chứa được cùng lắm khoảng 50 nghìn người. Vậy nên nhiều năm qua, nhà thờ và giáo phận Bùi Chu đã cố gắng thỏa thuận mua lại đất đai của một số hộ dân xung quanh để mở rộng khuân viên phía trước nhà thờ để làm thành một quảng trường đủ rộng để phục vụ các dịp đại lễ phải tổ chức ngoài trời với hàng trăm nghìn giáo dân tham dự. Và mãi đến gần đây phía nhà thờ mới được chính quyền chấp thuận cho việc chuyển đổi phần đất đai mua lại từ các hộ dân xung quanh thành đất đai tôn giáo và xây dựng quảng trường phía trước nhà thờ.
Liền kề ngay phía trước khu đất mà nhà thờ đã mua lại của các hộ dân để dự định làm quảng trường này là một cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Phía nhà thờ luôn có nguyện vọng được cấp thêm khoảng 20.000m2 đất để xây dựng ngôi thánh đường mới trên đó và từ đó mà có thể giữ lại được ngôi nhà thờ cũ hiện nay để làm không gian văn hóa và bảo tồn. Tiếc là khi đứng trước các lựa chọn cụ thể như thế này thì có vẻ mối ưu tư của xã hội lại là cần bảo tồn khu ruộng lúa hơn là ngôi thánh đường cổ 134 năm! Hẳn là vì khu ruộng lúa có ý nghĩa văn hóa lịch sử kiến trúc và tuổi đời cổ hơn chăng?!
Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi về thế hệ tu sĩ cũ của giáo phận Bùi Chu, các tu sĩ và linh mục Bùi Chu hiện nay đều là những người được đào tạo bài bản và có tinh thần cởi mở, luôn sẵn lòng đối thoại cùng xã hội và các phía có thiện chí trao đổi. Yêu cầu bắt buộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay là trước khi bước vào chủng viện để đi theo con đường tu hành, các tu sĩ đều phải đạt tới một trình độ nhất định và phải tốt nghiệp đại học. Vì vậy, hàng ngũ các linh mục và tu sĩ Bùi Chu hiện nay rất đa dạng: có người tốt nghiệp đại học từ các ngành kỹ thuật cho đến nghệ thuật, có người có bằng kỹ sư xây dựng, có người là nhạc sĩ, có người là kỹ sư công nghệ thông tin.
Tất cả các cơ quan có quan tâm đến việc bảo tồn nhà thờ Bùi Chu đều đã được phía Nhà thờ tiếp đón và trao đổi cởi mở, bao gồm các đoàn làm việc của Bộ Văn hóa, Cục Di sản, đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam... Các đơn vị này sau khi trao đổi và xem xét thực tế hiện trạng nhà thờ đều không đưa ra giải pháp nào khác ngoài phương án “hạ giải”, “đại trùng tu” như phía nhà thờ đề xuất và đã được các cơ quan chức năng cấp phép thực hiện.
Riêng với nhóm hơn 20 kiến trúc sư hay các “chuyên gia bảo tồn” và các nhóm được gọi là “giải cứu” hay “bảo vệ di sản”, sau khi nghe biết thông tin từ phía nhà thờ như được nêu trong thư Tòa Giám mục Bùi Chu trả lời ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ở trên, tôi đã không khỏi bàng hoàng với cách hành xử của họ. Những người được mệnh danh là “hoạt động văn hóa” mà sao lại có thể hành động thiếu văn hóa đến thế?!
Đúng thực nhà thờ hay nhà chùa vẫn luôn là một không gian rộng mở và chào đón tất cả mọi người đến để cùng nhau suy tưởng và chiêm ngắm theo đúng chức năng mặc định của nó. Nhưng nhà thờ hay nhà chùa không phải là không gian hay quảng trường công cộng: ví dụ như bạn không thể tự ý bước vô nhà thờ hay nhà chùa để tổ chức múa thoát y vũ. Vẫn còn đó những cánh cửa hay hàng rào và cánh cổng, dù luôn mở hay kể cả là hàng rào tượng trưng bằng hoa, thì các cánh cửa hay hàng rào và cánh cổng đó vẫn luôn là một biểu tượng kiến trúc nhắc nhở rằng bạn đang bước vào một không gian riêng đòi hỏi bạn nếu có hành động hoặc ứng xử buộc phải theo các chuẩn mực văn hóa tối thiểu!
Bạn bước xộc vào nhà người ta, không một lời hỏi han hay trao đổi, bạn lục lọi, bạn “khảo sát” rồi tổ chức trưng bày, triển lãm… và còn cả dự định tổ chức talkshow mà không hề có một lời hỏi han hay thông báo trước cho phía nhà thờ. Bạn viết “đơn đề nghị cứu xét” để gửi đến một phía quyền uy khác cứ như kiểu “mách bố”. Tất cả các hành động này chả khác gì hành vi của những kẻ ào đến nhà người khác nhằm “áp đảo tại gia”. Kèm theo đó, bạn lại lu loa lên rằng phía nhà thờ bảo thủ, thiển cận và không sẵn lòng lắng nghe. Trong khi bạn chưa hề có bất kỳ cuộc gặp gỡ, tìm hỏi thông tin hay trao đổi nào với phía nhà thờ, chứ chưa cần nói đến một từ xa xỉ là “xin phép”.
Đến với nhà thờ Bùi Chu bằng tâm thế “trịch thượng” và “gây gổ”, thử hỏi có hành động văn hóa bảo vệ di sản nào lại có thể bắt đầu như thế?! Các bạn làm thế để làm gì?! Liệu có điều gì khuất tất đằng sau hành vi có thể gọi là “lên lớp” cho giáo dân và tu sĩ Bùi Chu cứ như thể họ mù chữ về di sản trong khi các bạn chưa có một ngày trao đổi tiếp xúc tìm hiểu thông tin từ phía họ. Phải chăng, các bạn muốn tạo ra ấn tượng rằng những người công giáo và hàng ngũ tu sĩ công giáo là những người bảo thủ và không biết lắng nghe các ý kiến xã hội?!
Vậy bài viết này xin được kết thúc bằng một mối hoài nghi và câu hỏi: dạ thưa các nhóm kiến trúc sư “chuyên gia bảo tồn” hô hào “giải cứu”, “bảo vệ di sản”… nhà thờ Bùi Chu suốt thời gian qua, liệu điều gì đã dẫn dắt các vị tới cách hành xử vô văn hóa đến thế?!