Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÊ TÍN DỊ ĐOAN LÀ ĐƯƠNG NHIÊN

(NCTG) “Có một người gặp một chuyện xấu, câu hỏi đặt ra là có thực nghiệm nào phân biệt được chuyện đó là do ngẫu nhiên hay do “vong” hay không? Nếu không có thì “vong” là một khái niệm phi khoa học và các khái niệm phi khoa học thì không đáng một giây để nghĩ đến chứ đừng nói là tin theo”.
Phát ngôn dậy sóng liên quan tới “vong báo oán”: khoa học hay mê tín?
Chuyện có rất nhiều người tin vào “vong báo oán” nghe có vẻ buồn cười nhưng thực ra có căn nguyên từ giáo dục.

So sánh cách thầy cô giảng bài trong lớp học và cách các sư giảng đạo trong chùa không có gì khác nhau cả: học sinh chấp nhận kiến thức một cách nghiễm nhiên vì tin tưởng vào thẩm quyền (authority) của thầy cô, cũng như tín đồ tin vào bất kỳ thứ gì sư nói vì tin vào thẩm quyền của sư. Từ khi còn nhỏ đã được huấn luyện để chấp nhận thông tin một cách thụ động không có tư duy phản biện nên không có gì lạ khi người ta dễ dàng tin theo rất nhiều thứ nhảm nhí. Vong báo oán chỉ là một ví dụ, ngoài ra còn “sừng tê giác chữa bệnh”, “vắc-xin gây tự kỷ”, “chữa ung thư bằng lá thuốc” v.v... Kể cả chùa Ba Vàng có dẹp đi thì sớm muộn cũng sẽ có chùa khác, chuyện nhảm khác nổi lên.

Khi đi học thạc sĩ ở Ý mình mới lần đầu tiên được đào tạo về “tư duy khoa học”, còn trước đó đều là “kiến thức khoa học”. Một cái là con đường, cái kia là đích đến. Trường học ở Việt Nam truyền thụ kiến thức rất siêu nhưng kiến thức là vô biên, cuối cùng mỗi người cũng chỉ nhớ một vài thứ mình dùng nhiều nhất thôi. Thứ cần dạy là con đường để tìm ra tri thức và phương pháp để phân biệt đúng-sai.

Karl Popper không được dạy ở Việt Nam vì trót phê phán một ông cùng tên, họ là Marx. Nhưng Karl Popper là người gia cố lại nền móng cho khoa học hiện đại bằng lý thuyết phản nghiệm (falsificability). Ví dụ trong trường hợp “vong báo oán”, lý thuyết phản nghiệm coi sự tồn tại của “vong” là một giả thuyết (hypothesis). Cần tồn tại một phương án thực nghiệm có thể phủ nhận một giả thuyết, nếu không thì giả thuyết là phi khoa học. Chẳng hạn có một người gặp một chuyện xấu, câu hỏi đặt ra là có thực nghiệm nào phân biệt được chuyện đó là do ngẫu nhiên hay do “vong” hay không? Nếu không có thì “vong” là một khái niệm phi khoa học và các khái niệm phi khoa học thì không đáng một giây để nghĩ đến chứ đừng nói là tin theo.

Nếu nhà trường ở Việt Nam dạy phương pháp khoa học và cái tinh thần của lý thuyết Karl Popper thì mình tin là không những những chuyện tầm phào đều tiêu tan mà chẳng mấy chốc Việt Nam còn phát triển nhanh hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Khổ nỗi, Việt Nam lại trót theo một ông Karl khác rồi. Haizzz, trời đã sinh ra Karl sao còn sinh ra Karl...

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Minh, từ Amsterdam (Hà Lan)