Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÒNG TỐT, SỰ GIÚP ĐỠ, BAN ƠN VÀ LÀM PHIỀN, QUẤY RỐI, XÚC PHẠM

(NCTG) “Trước khi thể hiện lòng tốt với ai, bất kể bằng lời nói hay vật chất, tôi nghĩ rằng bạn nên xin phép, nên hỏi ý kiến, nên cân nhắc và thận trọng”.
Từ thiện là tốt nhưng cũng cần sự cân nhắc - Minh họa: vietnamnet.vn
Trừ với những kẻ ăn xin ra thì khi bày tỏ lòng tốt hay muốn giúp đỡ bất cứ một ai, mình cũng nên xin phép xem họ có muốn tiếp nhận lòng tốt của mình hay không. Đó là một cách tôn trọng người và tôn trọng mình, đồng thời cũng là sự thận trọng cần thiết để tránh những rắc rối và đôi khi còn là sự bẽ bàng.

Với cách suy nghĩ rất đơn giản “tôi tốt với người thì người cần nhận lấy với lòng biết ơn”, nhiều bạn đang xía vô vào chuyện của người khác mà không nhận ra.

Một đứa bé bị ngã sấp xuống sàn, mẹ nó đứng ngay cạnh mà mặt tỉnh bơ, kệ, mấy người xung quanh vội cúi xuống nâng đứa bé lên. Vậy hành động đó là tốt hay đang xen vào chuyện của người khác?

Ai đó đến nhà bạn chơi (ông bà nội ngoại, cô dì chú bác...) thấy bạn phạt con bằng cách không cho ăn cơm/ cháo/ sữa... , người đó vì thương bé mà lén lút cho bé ăn hay can ngăn bạn không được làm như thế. Vậy hành động của vị khách đó bạn đánh giá như thế nào?

Nhà bạn ở cạnh nhà bố mẹ, cứ thỉnh thoảng bố mẹ lại mang đồ ăn đã làm sẵn, rất ngon lành bổ dưỡng sang cho bạn mà không hề nói trước, trong khi bạn đã chuẩn bị xong bữa ăn rồi. Vậy sự đem cho ấy có làm bạn thấy phiền không?

Bạn bế con trong thang máy, cùng trong thang có thêm vài bé đang ăn bim bim/ kẹo/ bánh... và bé nhà bạn cứ nhìn phát chết thèm, rồi bố mẹ ông bà anh chị của những bé kia bảo con họ phải đưa phần của chúng cho bé nhà bạn mà không hỏi ý kiến bạn. Vậy bạn có vui không, có đồng ý không?

Không biết có phải vì là kiểu người khó tính không mà tất cả các ví dụ trên, tôi đều thấy rất phiền, nhiều lúc nếu thể chất mệt mỏi, tâm trạng nặng nề tôi còn coi đó là sự quấy rối mất lịch sự.

Vẫn biết rằng hầu hết sự xen vô chuyện của người khác như các ví dụ trên xuất phát từ cái tâm tốt, nhưng đó là cái tốt bồng bột, đơn giản và không thấu đáo. Nó đẩy người ta vào thế khó xử, nó làm cho một người thuộc kiểu tôi trở nên khó ưa và lập dị.

Trong một số trường hợp, sự tốt bồng bột ấy còn phá vỡ kế hoạch của người khác, như trường hợp bạn muốn dậy bé nhà mình khi ngã phải tự đứng dậy, khóc lóc ăn vạ là thói xấu và không thể dùng thói xấu ấy để điều khiển người khác. Hay việc được cho đồ ăn sau khi mình đã nấu xong bữa, sẽ dẫn đến việc phải ăn đồ ăn thừa hay phải đổ đi ...

Lòng tốt là thứ có thể gây phiền phức, mặc dù đôi khi thứ phiền phức ấy rất dễ chịu, nhưng nhiều lúc lại gây hậu quả khôn lường.

Việc cho tặng từ thiện và một ví dụ điển hình: khi đi du lịch kiểu phượt, sẽ rất hay gặp lũ trẻ con dân tộc thiểu số mang vẻ đói khổ rách nát. Rất nhiều người “phát tâm” thương cảm, thường chuẩn bị nhiều quà bánh, quần áo làm từ thiện dọc đường. Tôi đã từng “phát tâm” thương cảm như thế.

Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi từ hành động từ thiện bột phát thiếu cân nhắc ấy sẽ là cái gì? Sẽ sản sinh ra cái gì? Nó có mang lại điều tốt đẹp cho tương lai của người thụ hưởng không?

Bạn có thấy buồn khổ khi người vùng cao mất đi sự chất phác thật thà, khi trẻ con vô tình biến thành ăn xin, bố mẹ chúng bắt chúng nghỉ học để lân la, để tụ tập ở những nơi du khách dừng chân mong đc bố thí lòng thương hại dưới dạng quà bánh, quần áo, tiền...? Và có bao giờ bạn nghĩ đó là hậu quả của sự làm từ thiện thiếu cân nhắc của bạn?

Cũng tương tự như việc bạn cho ăn xin tiền, nhìn người ta đói rách đến lả đi - thương chứ, động lòng chứ. Và bạn cho họ tiền. Bạn thanh thản ư! Nghĩ thấu đáo hơn đi: bạn đang góp phần tạo ra nhiều ăn xin hơn, làm thành phố nhếch nhác bẩn thỉu hơn. Nghiêm trọng nữa là bạn đang vô tình thúc đẩy nạn bắt cóc, lạm dụng, bạo hành người già, trẻ con của những ông chủ đen kinh doanh nhờ sự bố thí của thiên hạ.

Lòng tốt thiếu cân nhắc ở quy mô xã hội còn tạo ra tâm lý xã hội thiếu tự trọng, dễ dàng ngửa tay ăn xin và coi việc người khác phải tốt, phải giúp đỡ mình đương nhiên là nghĩa vụ của người ta. Đó là tư duy của kẻ nghèo hèn và thất bại.

Trước khi thể hiện lòng tốt với ai, bất kể bằng lời nói hay vật chất, tôi nghĩ rằng bạn nên xin phép, nên hỏi ý kiến, nên cân nhắc và thận trọng. Vì mình cần phải xây dựng xã hội tốt đẹp từ những điều nhỏ nhất, đơn giản nhất.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Quỳnh Nga, từ Hà Nội