Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐƠN GIẢN LÀ VÌ NÓ “ĐẸP”

(NCTG) “Để cho ra đời những từ mới, để viết được những câu văn phong phú, có lẽ khó lòng tránh được chuyện phải tìm hiểu đôi ba chữ Hán. Mà cả cộng đồng cùng sáng tạo chữ nghĩa thì ngôn ngữ mới trở nên sinh động, chứ để riêng cho “các nhà nghiên cứu” thì uổng quá”.
Khó lòng tránh được chữ Hán nếu muốn viết những câu văn đẹp - Ảnh: Một trang trong “Tam tự kinh giải âm diễn ca”
Với hiểu biết nhất định về chữ Hán, một vài ngoại ngữ và tình hình dạy-học hiện nay ở Việt Nam, tôi xin mạn phép góp chút thiển ý vào cuộc tranh luận có cần thiết hay không việc đưa Hán tự vào chương trình giảng dạy phổ thông.

1. Về việc dạy chữ Hán đại trà như một môn học/ngôn ngữ bắt buộc, có một số ý kiến cho rằng không hợp lý vì đó là ngôn ngữ đã chết, không còn ứng dụng được nữa, trong khi việc học lại rất khó khăn và mất thời gian. Tôi buộc phải đồng ý, bởi mọi ngôn ngữ ra đời vốn dĩ là để ứng dụng vào việc giao tiếp.

Trường hợp của Việt Nam không thể so với Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, nơi mọi người cần phải thuộc mặt chữ Hán để đọc-viết hằng ngày (mà vì chữ khó quá nên thật ra họ cũng quên hoài, biết đâu có thể họ cũng đang muốn được La Tinh hóa hoàn toàn như tiếng Việt?). Việc thêm môn Hán văn trong tình hình “nhồi nhét, thi đua điểm số” ở Việt Nam hiện nay, e là sẽ phản tác dụng: học sinh sẽ chỉ xem đây là gánh nặng và thêm phần căm ghét chữ nghĩa.

Cứ nhìn môn Văn trong giờ kiểm tra bây giờ là thấy, chẳng có bao nhiêu học sinh thật sự cảm được cái thú của việc trải lòng mình ra trang giấy, chỉ toàn viết kiểu “nộp đại cho xong”.

2. Tuy vậy, tôi đồng ý nên dạy chữ Hán (phồn thể) đại trà, không phải như một ngôn ngữ mà như một môn văn hóa Việt Nam, bởi mối gắn kết giữa tiếng Việt/văn hóa Việt với chữ Hán là không thể phủ nhận. Nhưng tôi không nghĩ dạy chữ Hán là để “gìn giữ bản sắc dân tộc”, mà một là giúp học viên cảm nhận thêm vẻ-đẹp của tiếng Việt, hai là làm nền tảng cho tiếng Việt phát triển.

Cá nhân tôi cho rằng khi hiểu thêm chữ Hán thì người nói sẽ cảm thấy tiếng Việt đẹp hơn - đây là một lợi thế mà không thể so sánh như trường hợp tiếng Anh - tiếng Hy Lạp. Trong chữ “bạn vong niên” chẳng hạn, nếu biết chữ “vong” nghĩa là “quên” (không phải “chết”), tức là “ta kết bạn quên cả tuổi tác”, lẽ nào lại không cảm thấy từ đó đẹp hơn? Nếu học chiết tự, biết chữ “bản” trong “bản ngã” vẽ bằng một cái cây đang mọc rễ, hàm ý là “cái gốc, cái căn cốt nhất của chính mình”, chẳng phải sẽ thấy từ này bớt trừu tượng, tức là hiểu thêm về thứ tiếng mình đang nói hay sao?

Không như TS. Đoàn Lê Giang, tôi không lo ngại chuyện người Việt dùng sai từ gốc Hán (trường hợp đó chỉ cần dạy kỹ thêm tiếng Việt chứ không phải dạy chữ Hán), mà lo ngại chuyện (theo quan sát cá nhân) tiếng Việt bây giờ có vẻ không phát triển sôi nổi như các thứ tiếng khác hay như thời trước 75 (ở đây không kể đến chuyện bùng nổ những từ ngữ đao to búa lớn mà vô nghĩa trong các văn bản hành chính như “bảo đảm và phát huy không ngừng”, “cấp bách khẩn trương giải quyết” v.v.).

Trong tiếng Anh, một cách để phát triển từ vựng là dựa vào tiếp đầu ngữ/tiếp vĩ ngữ, mà đơn vị tương đương trong tiếng Việt thường là chữ Hán, chẳng hạn: cảm động, cảm kích, cảm giác, cảm hứng, cảm thụ, v.v... Hay còn nhớ câu đầu trong truyện ngắn của Phạm Công Thiện: “Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”….

Người dùng tiếng Anh bình thường không biết gốc tiếng Hy Lạp vẫn có thể nhận ra một vài tiếp đầu ngữ/tiếp vĩ ngữ thông thường và sáng tạo từ mới dựa trên đó, chẳng hạn như chắc ai cũng biết nghĩa của đuôi “-able” (read → readable → readability). Nhưng còn trong tiếng Việt, để cho ra đời những từ mới, để viết được những câu từ đa sắc thái như Phạm Công Thiện, có lẽ khó lòng tránh được chuyện phải tìm hiểu đôi ba chữ Hán. Mà cả cộng đồng cùng sáng tạo chữ nghĩa thì ngôn ngữ mới trở nên sinh động, chứ để riêng cho “các nhà nghiên cứu” thì uổng quá.

Theo kinh nghiệm cá nhân, nếu dạy nhẹ nhàng, không dồn ép, không dùng văn tự quá phức tạp hay cổ xưa, thì việc thu hút học viên không phải là khó. Ngày xưa tôi học chữ Hán, cả lớp đều kêu là khó nhằn, nhưng không có ai phủ nhận chuyện chữ Hán giúp họ hiểu thêm về tiếng Việt cả. So với những thứ to tát như “bản sắc dân tộc”, “bảo tồn và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”, thì “vẻ-đẹp của tiếng Việt” dường như là một động lực mơ hồ và yếu thế hơn rất nhiều, nhưng đối với thế hệ trẻ thì có lẽ điều này mới có sức hút mạnh mẽ nhất.

Ngày nay, các nữ vũ công ballet ở Mỹ ao ước được hóa thân vào vai nàng thiên nga của Tchaikovsky để làm gì? Để bảo tồn truyền thống ballet? Để gìn giữ bản sắc dân tộc Mỹ? Để ứng dụng ballet vào thực tiễn? Có lẽ trên tất cả, đơn giản là vì nó “đẹp”.

Tái bút/ Bổ sung:

Hôm nay TS. Đoàn Lê Giang đã có lời kết về chuyện dạy chữ Hán, tôi cũng xin nói thêm mấy lời cuối cho ý kiến của mình. Theo quan sát mấy ngày qua, tôi nghĩ có lẽ việc dạy chữ Hán khó lòng trở thành hiện thực, nhưng cũng mạo muội nói thêm mấy điều về tình hình tiếng Việt bây giờ mà ít người để ý.

Những người tiếp xúc với chữ nhiều sẽ hiểu một thực tế như vầy: tiếng Việt hiện giờ phụ thuộc vào tiếng Trung quá nhiều, thuật ngữ chuyên môn, từ ngữ gì mới cũng ngó qua tiếng Trung rồi Việt hoá lại. Nhiều từ ngữ mới mà người Việt tự nghĩ ra thậm chí còn hết sức vụng về, thô thiển, chẳng hạn như “chịch xã giao” (ý là quan hệ lăng nhăng, thiếu nghiêm túc), hay “tự sướng” (dịch từ chữ “selfie”, ý là dùng điện thoại tự chụp chân dung).

Trong khi ở tiếng Nhật chẳng hạn, người Nhật cũng dùng chữ Hán, nhưng họ có thể tự sáng tạo từ mới chứ không phải lúc nào cũng tham khảo từ tiếng Trung, vì họ hiểu cái căn cốt, từng từ từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Nếu tiếng Việt cứ tiếp tục cái đà “dòm ngó”, muốn diễn đạt ý gì mới cũng phải mượn từ tiếng Trung, thì chẳng phải quá trình phát triển tiếng Việt lúc nào cũng phải lẽo đẽo theo sau tiếng Trung hay sao? Thứ tiếng của mình còn không tự thân phát triển được thì làm sao chúng ta có thể hoàn toàn độc lập, tách khỏi Trung Quốc? 

Một số ý kiến cho rằng tiếng Việt có thể học nhiều hơn từ những ngôn ngữ Âu-Mỹ, thì thật ra chúng ta đang nhìn nhận trên hai mặt khác nhau của một vấn đề. Đúng là tiếng Việt có thể hoàn thiện hơn về mặt cấu trúc (sentence structure) nếu tiếp thu từ những ngôn ngữ có tính cấu trúc cao như tiếng Anh, Pháp, Đức v.v., nhưng những thứ tiếng đó hầu như không giúp ích gì cho việc phát triển từ vựng (vocabulary) của tiếng Việt cả.

Nói đâu xa, các cụ thời Việt Nam Cộng Hòa có lẽ cũng hiểu được tầm quan trọng của chữ Hán nên chú trọng dạy chữ Hán từ nhỏ. Dưới đây là một trang sách tập đọc lớp Một thời Việt Nam Cộng Hòa. “Chữ Hán” ở đây là nói tắt (như giới nghiên cứu ngôn ngữ thường hay nói) của cụm “chữ Hán cổ đọc theo âm Việt”, chứ không phải “tiếng Tàu, tiếng Trung, v.v...” như nhiều người hiểu lầm. Trong tiếng Nhật/Hàn, để chỉ “chữ Hán trong hệ chữ hiện tại của chúng ta, đọc/viết khác với hệ chữ của Trung Quốc, cả cổ xưa lẫn hiện đại”, họ cũng chỉ nói tắt là “Hán Tự” (chữ Hán) mà thôi”.
 
000

Tác giả bài viết: Phan Lặng Yên, từ Hà Nội