Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÓ NGƯỜI LỚN NÀO MUỐN ĐƯỢC “THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT”?

(NCTG) “Một xã hội chỉ được xem là văn minh, tiến bộ và xứng đáng với giá trị và nhân phẩm con người khi những thành viên nhỏ bé và yếu đuối nhất của nó được tôn trọng và ưu tiên nâng đỡ. Vì nếu không làm được như vậy thì chúng ta cũng chẳng khác gì những loài thú hoang, ỷ lớn hiếp bé, mạnh được yếu thua” - trăn trở của tác giả Vũ Thị Phương Anh từ Sài Gòn.
Câu chuyện đau lòng có thể có cội rễ từ tư duy “giáo dục” kinh khủng và man rợ - Ảnh: tuoitre.vn
Việc cháu V.A. bị “mẹ kế tương lai” hành hạ đến tử vong, cái sai đã quá rõ ràng nên không còn gì để nói nữa.

Tôi chỉ lưu ý đến lý do được nại ra cho việc đánh đập hành hạ bé, đó là: bé học chậm nên cần phải “dạy dỗ” (bằng đòn roi).

Có thể bà mẹ kế tương lai của bé V.A. hành hạ bé V.A. do thù ghét - điều này tôi không có thông tin nên không dám lạm bàn. Nhưng điều đáng nói là ở Việt Nam, tình trạng trẻ em bị chính người thân ruột thịt trong gia đình như cha mẹ, anh chị ruột phạt đòn roi, quỳ gối, dang nắng, bắt nhịn ăn chỉ vì học dốt (bị điểm kém) là điều không hề hiếm hoi, mà ngược lại có thể xem là phổ biến ở một số nơi, với một số người...

Với tư cách một nhà giáo, tôi thấy quả tình không có điều gì phản sư phạm hơn việc trừng phạt, đánh đập một đứa bé học chậm. Nếu có ai cần bị phạt ở đây, thì đó chính là những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em, mà trước hết là gia đình và nhà trường, và sau nữa là toàn bộ hệ thống giáo dục và nền tảng văn hóa cùng các giá trị của xã hội nơi đứa bé sinh sống.

Một xã hội chỉ được xem là văn minh, tiến bộ và xứng đáng với giá trị và nhân phẩm con người khi những thành viên nhỏ bé và yếu đuối nhất của nó được tôn trọng và ưu tiên nâng đỡ. Vì nếu không làm được như vậy thì chúng ta cũng chẳng khác gì những loài thú hoang, ỷ lớn hiếp bé, mạnh được yếu thua.

Tôi nhớ lúc sinh thời mẹ tôi hay dùng câu nói “chửi vợ đánh con mắng đứa đầy tớ” để bày tỏ sự khinh bỉ đối với những người đàn ông hống hách với vợ con, về đến nhà chỉ biết quát mắng đánh đập những kẻ yếu hơn mình. Thảm hại lắm. 

Tôi cũng nhớ khi còn nhỏ, tôi rất ghét - dù không nói ra với ai - những người chuyên mang bó roi mây đi rao bán cho người lớn mua về “sửa dạy” con em trong nhà. Trong lòng tôi lúc ấy xem đó là những người độc ác - dù khi lớn hơn tôi biết rằng cả người bán rồi lẫn người mua và sử dụng roi không hề nghĩ rằng mình độc ác, mà ngược lại tin rằng họ đang thực hiện trách nhiệm của mình.

Điều đó chỉ thể hiện một sự vô cùng thiếu hiểu biết về những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, cùng sự thiếu tôn trọng trẻ em mà thôi. Thời xa xưa người ta nghĩ như vậy thì có lẽ còn hiểu được, nhưng bây giờ khoa học kỹ thuật đã tiến quá xa, thông tin và tri thức cũng được chia sẻ rộng rãi khắp nơi, thì chẳng còn lý do gì mà ta cứ bám mãi vào các truyền thống và thói quen lạc hậu - thậm chí có thể nói là man rợ - đã tồn tại quá lâu như thế.

Việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm được là hãy bỏ tư duy cho rằng người lớn có thể dạy dỗ trẻ em bằng cách đánh đập, chửi bới, nhục mạ kia đi. Nên nhớ rằng ở các nước văn minh, luật pháp hoàn toàn có quyền can thiệp và tước quyền làm cha mẹ đối với những người xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân phẩm của trẻ em. Không có chuyện “con tôi, tôi dạy, can gì đến ai” đâu nhé! Hàng xóm biết trẻ bị hành hạ mà không báo thì cũng chịu trách nhiệm liên đới đó!

Hãy thương yêu trẻ em bằng sự âu yếm, và bằng cách tôn trọng các em. Nếu chúng học chậm, rất có thể là phương pháp giảng dạy hoặc môi trường giáo dục có những điểm gì đó chưa phù hợp với trẻ em. Hãy giúp các em vượt qua những khó khăn, những rào cản nếu có. Hãy bỏ thời gian tìm hiểu thiên hướng của các em và giúp chúng phát triển tốt nhất bằng cách trở thành chính các em, chứ không phải trở thành một phiên bản méo mó lệch lạc của ai đó mà cha mẹ chúng đã chọn.

Và hãy vứt ngay những roi vọt ra khỏi nhà của mỗi người. Chúng ta, mà đặc biệt là trẻ em, không cần đến loại công cụ cũng như phương pháp “giáo dục” kinh khủng và man rợ ấy!

Bởi vì, như chúng ta đều biết, đó không phải là giáo dục, và giáo dục không như thế!

(*) Tác giả là tiến sĩ, cựu giảng viên, hiện sinh sống tại Sài Gòn.

Tác giả bài viết: TS. Vũ Thị Phương Anh, từ Sài Gòn