Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Bạn cần biết: TẠI SAO CẦN TÁCH RỜI ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC?

(NCTG) Trong bộ máy nhà nước của Hungary, Hiến pháp và một số đạo luật quy định nghiêm khắc việc những cá nhân giữ một số vị trí nhất định “không được là đảng viên và không được tham gia hoạt động chính trị”. Câu hỏi là tại sao lại như vậy?
Ảnh: Quyền con người (Ủy ban Helsinki Hungary)
Trong giáo trình dành cho người ngoại quốc muốn nhập tịch Hungary, phần nói về chính trị và sự vận hành bộ máy chính quyền, có nhiều nội dung đề cập tới khía cạnh kể trên. Ví dụ: giới thẩm phán (trong đó có cả các thẩm phán Tòa Bảo hiến) và công tố viên đều phải phi đảng phái.

Bên cạnh đó, những cương vị quyền lực khác như Thanh tra giám sát các quyền cơ bản (Ombudsman) và các trợ lý, nhân viên trong biên chế chính thức của Cảnh sát và các Cơ quan An ninh Quốc gia... đều là những người bị “cấm” dính đến chính trị.

Có thể có một liên tưởng rất nhanh: ở Việt Nam, trong những “ngành nghề” nói trên, không chỉ cần là đảng viên, mà càng đảng viên lâu năm càng tốt, càng “đáng tin cậy”, càng thuận tiện trên con đường thăng tiến. Tại sao lại có sự khác biệt lớn này?

Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, nền dân chủ hiến định của Hungary quy định nước Hung theo thể chế đa đảng: trong thực tế, tại Hungary có nhiều đảng (chừng 300-350 đảng có đăng ký) hoạt động trong đời sống chính trị. Quốc hội Hung hiện tại cũng có 7 đảng góp mặt.

Do đó, chính thể của Hungary không phải là chính thể mà một đảng có thể “lãnh đạo toàn diện” nhà nước như ở một vài quốc gia khác. Đảng ở Hungary chỉ mang tính chất cầu nối giữa cá nhân người dân và nhà nước, chứ không được phép thực thi công quyền trực tiếp.

Trên tinh thần ấy, không có đảng phái nào ở Hung - kể cả FIDESZ là chính đảng lớn nhất từ lâu nay - có quyền lãnh đạo bất cứ một cơ quan nhà nước nào. Đó là một nguyên tắc cơ bản: phải tách rời giữa đảng và nhà nước, giữa đảng và chính quyền để đảm bảo nền dân chủ hiến định.

Tinh thần này đã được xuất hiện trong cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên của nước Hung khi quốc gia này vừa từ giã CNCS vào ngày 23-10-1989: 95,15% cử tri Hungary trong ngày 26-11-1989 đã bỏ phiếu đồng ý cho việc buộc các tổ chức đảng phải rời khỏi các công sở, chính quyền!

Tóm lại, tại Hungary, có những điều luật quy định một cách nghiêm ngặt rằng, có những đối tượng “không được là đảng viên và không được tham gia hoạt động chính trị”. Họ sẽ phải quyết định: nếu muốn tham gia, hoạt động chính trị thì phải lựa chọn những ngành nghề khác.

Điều đó không có nghĩa là các cá nhân trên không có những quyền tự do chính trị. Chỉ có điều, quyền tự do lập hội (trong đó có lập đảng), tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của họ phần nào bị hạn chế, do đặc thù công việc mà họ lựa chọn.

Ví dụ, cảnh sát không được là đảng viên, không được bộc lộ công khai xu hướng, quan điểm, góc nhìn chính trị, vì điều đó - xuất phát từ cương vị của họ - có thể gây ảnh hưởng và tác động đến cử tri (thiên vị một đảng nào đó, gây thiệt hại cho quyền lợi của người dân, v.v...).

Nếu vậy, có thể hỏi là các đảng có thể gây ảnh hưởng chính trị như thế nào để phục vụ được lợi ích của những giai tầng cử tri đã bỏ phiếu cho họ? Câu trả lời rất đơn giản: thông qua vai trò của những nghị sĩ được người dân bầu, trong quá trình lập pháp của Quốc hội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh