BÌNH TĨNH, ĐỒNG LÒNG CHỐNG DỊCH, KHÔNG GÂY CHIA RẼ, KỲ THỊ
- Thứ năm - 19/03/2020 16:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bất kỳ nơi nào trên thế giới này cũng có những mặt tích cực, tiêu cực, không có xứ sở nào là thiên đường hay địa ngục. Thiên đường hay địa ngục là do chính chúng ta tạo ra mà thôi” - chia sẻ của một người Việt sinh sống tại Đức.
Mình không định viết những điều này vì biết rằng nó sẽ động chạm tới khá nhiều bạn bè trong Facebook, đặc biệt là những bạn làm báo chí, truyền thông. Mình cũng rất ít khi nói chuyện về Corona vì mình nghĩ rằng mọi người đã quá bội thực về nó rồi. Nhưng sáng nay, mẹ mình ở Việt Nam đã gọi điện từ rất sớm vì quá lo lắng tình hình bệnh dịch tại Đức, sợ chính phủ họ không lo cho dân như ở Việt Nam, lo nếu phải đi viện thì phải trả tiền, v.v...
Trước hết, mình xin khẳng định rằng Việt Nam đã và đang làm rất tốt công cuộc chống dịch, chính phủ gây ấn tượng và điểm tốt với nhân dân. Rất nhiều người mới nhận ra rằng từ trước tới giờ Tổ quốc đang cho ta quá nhiều thứ. Nếu trong rất nhiều vấn đề chính phủ Việt Nam cũng mạnh mẽ như chống dịch thì Việt Nam chắc chắn sẽ có những tiến bộ vượt bậc.
Nhưng sự việc tích cực này lại dẫn tới những điều tiêu cực khác:
- Nhiều người thấy quá tự hào vì những gì Việt Nam làm được, quay ra chỉ trích phê phán giải pháp của các nước khác. Sự tự hào thái quá khiến người ta chửi Tàu, chửi Hàn, chửi Phương Tây. Tất cả đều “ngu dốt” còn chỉ Việt Nam mới giỏi, rồi tự hào quá, “ngạo nghễ” quá Việt Nam ơi, bọn “Tây lông” chúng mày sáng mắt ra chưa, giờ chúng mày “toang” rồi nhé, v.v...
Thiên tai, dịch bệnh là những điều không ai mong muốn. Nhưng đứng trước một tình huống, mỗi nước lại có những giải pháp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, thể chế chính trị của mình.
Trước hết, mình xin khẳng định rằng Việt Nam đã và đang làm rất tốt công cuộc chống dịch, chính phủ gây ấn tượng và điểm tốt với nhân dân. Rất nhiều người mới nhận ra rằng từ trước tới giờ Tổ quốc đang cho ta quá nhiều thứ. Nếu trong rất nhiều vấn đề chính phủ Việt Nam cũng mạnh mẽ như chống dịch thì Việt Nam chắc chắn sẽ có những tiến bộ vượt bậc.
Nhưng sự việc tích cực này lại dẫn tới những điều tiêu cực khác:
- Nhiều người thấy quá tự hào vì những gì Việt Nam làm được, quay ra chỉ trích phê phán giải pháp của các nước khác. Sự tự hào thái quá khiến người ta chửi Tàu, chửi Hàn, chửi Phương Tây. Tất cả đều “ngu dốt” còn chỉ Việt Nam mới giỏi, rồi tự hào quá, “ngạo nghễ” quá Việt Nam ơi, bọn “Tây lông” chúng mày sáng mắt ra chưa, giờ chúng mày “toang” rồi nhé, v.v...
Thiên tai, dịch bệnh là những điều không ai mong muốn. Nhưng đứng trước một tình huống, mỗi nước lại có những giải pháp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, thể chế chính trị của mình.
Cũng như khi bị cúm ở bên này, đi khám bệnh, mình hỏi tại sao không cho thuốc, họ nói: “Có thuốc thì cũng 14 ngày khỏi, không có thuốc thì tầm hai tuần. Cô chọn cách nào?”. Có thể sau 14 ngày mình khỏi vì uống thuốc, cũng có thể sau 14 ngày mình khỏi vì không cần dùng thuốc hay bệnh cúm tự dưng biến mất. Điều đó không ai biết sự thật thế nào. Nhưng khi bạn tin và chọn cách nào thì hãy làm theo cách đó. Nếu bạn quá lo sợ thì hãy uống thuốc. Nếu bạn tin rằng sau 14 ngày nó tự mất đi thì bạn không cần phải làm gì, chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.
Mình không đủ kiến thức dịch tễ học để phân tích hay phán xét cách nào đúng hay sai, và cũng không có ý định phân tích nó trong bài này. Nhưng mình tin rằng, không chính phủ nào lại vô nhân đạo và muốn đem tính mạng của công dân mình ra đánh đổi.
- Chính vì những suy nghĩ rằng “chỉ Việt Nam mới có thể làm tốt” này mà hàng triệu người Việt Nam ở các nước trên thế giới lo lắng, đứng ngồi không yên và tìm mọi cách nhào về Việt Nam tránh dịch. Họ không biết rằng đường di chuyển là nguy cơ lây nhiễm chéo cao nhất. Họ có nghĩ rằng việc mình trở về sẽ gây gánh nặng cho quốc gia thế nào?
- Báo chí Việt Nam đưa những tin rất tiêu cực, phiến diện về động thái của các nước khác. Mình vô cùng thất vọng khi có rất nhiều người từng là đồng nghiệp báo chí của mình đem cái nhìn rất duy ý chí trong đưa tin. Có bạn là thường trú tại Châu Âu đưa tin kiểu như “Châu Âu toang rồi” khiến mình đọc xong cũng thấy “toang” thật và hoang mang ghê gớm dù mình ở Đức, một trong những tâm dịch hàng đầu thế giới, cũng chưa thấy có gì thực sự đến thế.
Ở bất kỳ đâu, khi có biến động, khi bản năng sinh tồn của con người trỗi dậy, người ta trở nên ích kỷ hơn, xấu xí hơn, bất kể quốc tịch màu da. Sự sợ hãi khiến người ta bần tiện và hung bạo. Sự sợ hãi khiến người ta làm những điều kỳ cục, giống như một liệu pháp tâm lý như đi vơ vét sạch mì, giấy vệ sinh tại các siêu thị. Sự sợ hãi khiến người ta kỳ thị lẫn nhau.
Những gì các bạn đưa tin không sai nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Các bạn hãy có suy nghĩ và có trách nhiệm xã hội hơn khi đưa tin. Các thông tin chỉ khiến người khác hoảng loạn, nhiễu loạn, tăng cường kỳ thị thì nên cân nhắc trước khi đưa.
Theo mình, điều cần làm hơn lúc này là hãy cùng bình tĩnh, đồng lòng chống dịch, khiến mọi người ở gần nhau hơn chứ không phải gây chia rẽ, kỳ thị.
Vẫn còn biết bao điều tốt đẹp khác, bao tình người cảm động vẫn còn tồn tại. Mình yêu và khâm phục nước Ý, yêu cách con người Ý mạnh mẽ vượt qua cơn khủng hoảng này đầy lạc quan. Họ tổ chức những cuộc “hẹn hò” trên ban công, hát hò, chào nhau. Rồi phong trào những em bé Ý vẽ cầu vồng với hy vọng dịch bệnh sớm qua trên toàn thế giới. Cả một làng người Đức hát trên ban công, dưới đường trẻ em cũng hát theo bài “Bella Ciao” để ủng hộ tinh thần người Ý. Một anh người Đức đọc một lá thư phát âm còn ngọng nghịu gửi đến người Ý những lời động viên tinh thần. Rồi những mảnh note nhỏ người hàng xóm trẻ người Đức gửi người hàng xóm già với đề xuất sẽ đi chợ giúp…
Người cảm ơn “Cô Vy” nhất có lẽ chính là trái đất này. Sau bao guồng quay phát triển kinh tế, trái đất đã quá nóng. Đây là lúc trái đất có cơ hội được giảm nhiệt. Trong những ngày phong toả, cá heo đã xuất hiện ở kênh đào Venice…
Cũng xin cập nhật tình hình Coronavirus tại Đức.
Hiện tại ở Đức, trường học, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí đã hoàn toàn đóng cửa. Hôm qua 18-3, Thủ tướng Angela Merkel đã có bài phát biểu trên truyền hình, nói về tình hình khẩn cấp ở Đức và yêu cầu mọi người hãy ở nhà để giữ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Hiện tại chính phủ vẫn cố gắng làm mọi thứ để cuộc sống có thể bình thường nhất có thể nên chưa muốn áp dụng các biện pháp giới nghiêm cứng rắn như cấm ra đường, ai đi đâu phải có giấy tờ có lý do ra ngoài đường.
Gia đình, bạn bè, những người quan tâm tới mình hãy bình tĩnh, không phải lo lắng. Nếu mình có triệu chứng bệnh thì có thể gọi điện tới đường dây nóng, sẽ có người tới nhà test. Mình sẽ phải cách ly ở nhà 14 ngày. Trong trường hợp xấu phải vào viện thì cũng hoàn toàn miễn phí. Nhà nước có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ (như mình) bị ảnh hưởng bởi dịch Corona. Tùy vào mức độ ảnh hưởng, nhưng các doanh nghiệp nhỏ này có thể được trợ cấp tới 7.000 Euro. Điều mình cần là lúc này là Ở NHÀ, hạn chế đi lại.
Chúng ta không thể thay đổi thực tế đã diễn ra nhưng điều chúng ta có thể làm là thay đổi thái độ trước vấn đề đó, biến những tiêu cực thành tích cực.
Mình cảm ơn thời gian này rất nhiều vì mình đã có cơ hội để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
Đã bao lâu rồi mình mới có thời gian đọc những cuốn sách hay mà biết bao lần được vài trang là lại phải đặt xuống.
Mình có thời gian để trau dồi kiến thức, học các khoá học online.
Mình có thời gian để nhìn lại bản thân, nhận ra rằng mình đang bị mất cân bằng nghiêm trọng và đã tới lúc phải tổ chức lại cuộc sống của mình tốt hơn.
Mình cho rằng có những lúc trong đời, chúng ta cần lùi lại một chút, suy ngẫm một chút để rồi lại đi xa hơn.
Mọi người hãy trân trọng hơn những gì đang có, nhưng đừng phán xét người khác khi họ không cùng quan điểm với mình vì luôn có lý do để họ làm điều đó.
Hãy tuân thủ pháp luật và tin tưởng vào những gì chính quyền ở nơi mình làm. Đừng đem chuẩn chỗ này áp cho chỗ khác để rồi sinh hoảng loạn.
Bất kỳ nơi nào trên thế giới này cũng có những mặt tích cực, tiêu cực, không có xứ sở nào là thiên đường hay địa ngục. Thiên đường hay địa ngục là do chính chúng ta tạo ra mà thôi.