Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÁO GIẤY, THƯ VIẾT TAY VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ TỒN TẠI VỚI THỜI GIAN

(NCTG) “Tôi đọc cả những tin mình quan tâm và không quan tâm lắm, cảm thấy thích bài này và không hẳn đồng tình với bài kia, toát mồ hôi tay vì câu này và chẳng hiểu câu kia nhưng cũng chẳng thấy cần phải phản ứng ngay. Thôi cứ để từ từ, sống chậm lại một chút rồi thời gian sẽ dàn xếp tất cả”.
Thời đại điện toán đã dần dần đầy lùi báo giấy, thư viết tay
Mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp “Nhịp Cầu Thế Giới” (NCTG), một tờ báo phi lợi nhuận tiếng Việt tại Hungary với nhiều cộng tác viên hải ngoại lẫn trong nước tổ chức sinh nhật, mỗi người lại được tặng kỷ niệm một số báo giấy, tuyển chọn một số bài viết ít nhiều tiêu biểu trong năm. Món quà tưởng chừng như rất đơn giản, nhỏ bé nhưng chẳng hiểu tại sao luôn mang lại cho chúng tôi cảm giác vô cùng ấm áp. 

Rất nhiều người cầm tờ báo lên rồi ngậm ngùi liên tưởng tới những “thuở hàn vi ban đầu”, khi tờ báo chỉ mới in ấn thô sơ, thiếu mầu sắc hình ảnh trên những trang giấy đen đủi, phải mang bán dạo đến từng tay người đọc bởi không có hệ thống đọc báo online như bây giờ. Ai cũng nhớ tới cảm giác thích thú lật từng trang báo trên tầu điện, dưới bến metro, trong quầy bán hàng mùa tuyết rơi hay nhâm nhi bên cạnh cốc trà nóng…

Bước vào thế kỷ 21, công nghệ thế giới thay đổi nhanh đến chóng mặt. Người ta đã phán đoán những cuộc chiến hạt nhân tối tân, những khám phá vũ trụ, những thám hiểm dưới lòng đất… nhưng có lẽ gần hai chục năm trước, chưa ai hình dung thông tin trên các mạng xã hội lại bùng nổ nhanh chóng khủng khiếp như vậy. Hóa ra con người ta ai cũng có nhu cầu biết thông tin, nhu cầu chia xẻ, nhu cầu giao lưu kết bạn bất kể “bạn ảo” hay “bạn thật”.

Thời nay, có lẽ con người ta “đọc báo” nhiều hơn nhiều so với thời báo giấy, chỉ có văn hóa và phong cách đọc đã thay đổi theo một kiểu khác: đọc nhanh, đọc lướt, đọc vô tội vạ, không chọn lọc, đọc theo phong trào… Báo điện tử quá tiện lợi, thông tin quá nhiều và gây cho con người ta áp lực phản xạ phải thật nhanh, mọi cảm xúc dễ bị chi phối… Đã có một thống kê cho thấy phần lớn thế hệ trẻ bây giờ chỉ đọc qua hình ảnh, tin không có ảnh giật gân, “tít” giật gân không ai mở ra xem, bài nào dài quá 500 từ rất ít người đọc, video quá 3 phút chẳng mấy ai nhìn.

Lâu dần, thói quen này ảnh hưởng đến cả tính cách con người thời đại mới: phản ứng nhanh, quyết nhanh nhưng cảm xúc lại thường hời hợt, trôi qua rất nhanh chưa kịp buồn bực hay phẫn uất vì chuyện này đã đọc đến tin gây tò mò khác, chưa biết có nên cười chuyện này không đã thấy chuyện khác hài hước hơn, chưa kịp đọc hết tin hôm qua đã bỏ liếc sang tin hôm nay. Các dây thần kinh hầu như chai sạn với xử lý thông tin.

Nghiệm ngay từ bản thân mình, chẳng bao giờ tôi đọc lại hai lần một bài trên mạng, khác hẳn với khi cầm tờ báo lật đi lật lại nhiều lần hay sau khi đọc được câu nào đáng suy ngẫm lại bỏ báo xuống lẩn thẩn suy nghĩ một lúc rồi mới cầm lên tiếp. Chẳng mấy ai rút báo giấy ra xem trong khi đi cà phê chém gió với bạn bè, đang ngồi họp hay xếp hàng vào chờ... toilet (như vậy thì “thiếu tế nhị” quá), nhưng rút iphone, ipad ra “lướt” bất kể ở đâu, hoàn cảnh nào thì lại có vẻ sành điệu.

Chắc chắn chúng ta ai cũng đã từng chứng kiến cảnh cả tốp offline gặp nhau mà mỗi người ôm mỗi máy cúi gầm mặt, đứa tự cười mỉm, đứa tự bấm, đứa tự chat ở đâu đâu đó với những người đang không ngồi trước mặt mình. Kể cả tin buồn hay tin vui thì đầu óc cũng không có một phút nào nghỉ ngơi, chẳng nghĩ ngợi gì. Không biết có phải vì thế mà theo thống kê, thời gian và mức độ tập trung của trẻ em hiện nay trong trường học cũng giảm hẳn so với các thế hệ trước. Làm gì có thầy cô giáo nào giữ được cho giờ giảng của mình sinh động, cuốn hút liên tục 45 phút hơn hàng nghìn hàng triệu video, hình ảnh trên mạng. Hầu hết phụ huynh và nhà trường đều đồng ý phải tạm tịch thu điện thoại của học sinh ở trường là thế.

Cách đây dăm năm, tôi đi du lịch 2 tuần ở một nơi gọi điện thoại còn khó, không nói gì đến mạng Internet. Một hai ngày đầu người cứ bứt rứt như thể bị đuổi ra ốc đảo: lo lắng nếu có chuyện gì đó cũng chẳng thể hỏi ai và khéo cũng không ai biết, đang sung sướng thấy cảnh đẹp cũng chẳng thể khoe ai, mà cũng không biết hiện nay các bạn trên FB của mình đang post những thông tin gì, cảm giác như mình mù chữ hay lạc hậu lắm.

Vậy mà chỉ mấy ngày sau tôi thấy mình làm gì cũng chậm lại: đi chậm vì không phải vừa đi vừa bấm nên cuống lên sợ muộn phải chạy, ăn chậm nhai chậm vì đang ăn không xem được cái gì hết nên chỉ chú ý vào bữa ăn của mình, mọi lo lắng dần dần cũng tan biến, tập trung hết cả cho bản thân, chẳng quan tâm đã mấy người like, comment vào ảnh của mình, đầu óc thảnh thơi ăn no ngủ kỹ mặc dù hoàn cảnh khách quan xung quanh không thể gọi được là tiện nghi hay sang trọng.

Và cuối cùng, cái khó nhất là lại phải quay về với cuộc sống “thường ngày” với điện thoại, email, thông tin, hình ảnh nhoánh nhoàng xung quanh, cứ thế liên tục. Tôi khẳng định đã mất nhiều thời gian để quay lại hơn để từ bỏ.
 
Những số báo giấy giờ chỉ còn trong ký ức - Ảnh tư liệu
Những số báo giấy giờ chỉ còn trong ký ức - Ảnh tư liệu

Tương tự như báo giấy, thời buổi này mấy ai viết thư tay cho nhau. Động lực thời xưa khi con người phát minh ra chữ viết và giấy bút cũng là để viết thư. Những bức thư đầu tiên tôi viết là thư gửi cho mẹ những khi mẹ đi công tác vắng.Tôi còn nhớ rõ cảm giác buổi chiều sau khi đi học về, tắm rửa sạch sẽ, chải đầu tóc gọn gàng rồi ngồi xuống viết. Ở trong lớp không phải lúc nào tôi cũng được phiếu “vở sạch chữ đẹp” vì hay làm quăn góc vở hay đánh đổ mực, làm nhoè chữ. Nhưng khi viết thư tôi rất chăm chú viết nắt nót, không tẩy xóa nhiều, phải nghĩ trước câu chữ sao cho rành rọt.

Cũng tốn khá nhiều thời gian nhưng khi tự đọc lại thư chính mình viết cũng có cảm giác thích thú tự hào. Nhiều khi bị ốm, hay có bạn nào trêu ở lớp hay bị cô giáo cho điểm kém, tôi cũng lại lôi giấy ra viết thư, mà viết xong có lần mệt quá ngủ gật luôn, tỉnh dậy thấy cũng chẳng buồn chán hay bực dọc gì nữa nên cũng vứt luôn thư đi để khỏi phải gửi cho mẹ những tin không vui. Thỉnh thoảng lắm thời đó mẹ gọi được điện thoại về, tôi lại hỏi “mẹ đã nhận được thư của con chưa?” hay “con mong thư mẹ lắm, mẹ viết đi nhé”.

Sau này sang Hungary du học, mẹ con tôi vẫn giữ thói quen viết thư. Năm đầu tiên ở ký túc xá trường học dự bị, cứ sau tiếng chuông của giờ học cuối cùng tôi lại nhẩy một lúc hai ba bậc thang xuống phòng thường trực. Ở đó có một cái bàn to để ra tất cả những lá thư của sinh viên nước ngoài, cả lũ xông vào tranh nhau chọn thư của mình. Hầu như ngày nào tôi cũng có thư của bố mẹ hay bạn bè. Cũng có lúc đọc do thấy nhớ nhà thì khóc, nước mắt cứ trào ra ướt cả thư, có lúc nhận được tin vui lại cười hớn hở hay có chuyện muốn nhớ phải giở thư cũ ra đọc lại.

Tôi nâng niu cất những lá thư đó vào một cái hộp để theo trình tự ngày tháng, chẳng giống như thư điện tử bây giờ chỉ bấm một nút “delete” là có thể xóa tan trong tích tắc. Về sau khi thời @ xuất hiện, mẹ tôi từ một con người không thích dùng các phương tiện hiện đại đến như bàn là xì hơi cũng ngại mà lại cập nhật với điện thư (email) rất nhanh. Thật ra cũng rất thích vì trao đổi thông tin liên tục nhưng mẹ lại mất đi thói quen dạo quanh Bờ Hồ sau mỗi lần ra bưu điện gửi thư, hay cắt hẳn mối quan hệ với ông đưa thư mỗi lần mang thư đến lại được mời vào nhà uống cốc nước hay nhận lì xì nếu ông nhiệt tình mang thư cả vào những dịp lễ tết. 

Tôi có một anh bạn quen biết đã lâu năm ở Budapest. Một lần đi chơi đâu đó cũng chỉ trong nước Hung thôi, tôi thấy anh hý hoáy viết một cái bưu thiếp mua ngay tại khu thăm quan để gửi cho mẹ anh cũng sống tại Budapest cách nhà anh có vài con phố. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi: “Ơ thế anh không gặp mẹ anh thường xuyên à?”. Anh ấy bảo có chứ, nhưng bà vẫn thích cảm giác nhận được thư.

Chi tiết này làm tôi liên tưởng đến một bộ phim cũng nửa hiện thực nửa tưởng tượng về một thế giới trong tương lại không xa. Lúc đó con người ta ai cũng sống trong những căn hộ tiện nghi, vội vã tất bật đi làm tại những công sở hiện đại. Một xã hội văn minh như thế lại phát sinh ra một cái nghề rất đỗi thủ công là nghề “viết thư thuê”. Chắc chắn đơn đặt hàng rất nhiều, công ty làm ăn khá phát đạt nên nơi làm việc của nhân viên viết thư thuê được trang bị không thiếu một thứ gì.

Khách chỉ cần gửi yêu cầu muốn viết thư tình, thư cho ông bà bố mẹ người thân, thư cho bạn bè hay thư cảm ơn xin lỗi… Sau đó, gửi vài thông tin về bản thân hay ảnh của người muốn gửi thư, các nhân viên công ty sẽ theo đó mà soạn thảo ra một bức thư “viết tay” (mà thực ra cũng là phần mềm của một chương trình máy tính) với lời lẽ lâm ly ngọt ngào tình cảm, chọn được cả nét chữ góc cạnh “đàn ông tính” hay mềm mại kiểu phụ nữ, điểm thêm vài chỗ gạch xóa cho giống thư viết tay thật 100% rồi công ty gửi đi.

Hiện nay trên mạng tràn lan các ví dụ về cả học sinh lẫn người lớn đều không biết viết đúng, lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp câu cú tràn lan, tôi nghĩ biết đâu câu chuyện phim ảo này sẽ có ngày trở thành hiện thực. 

Quay lại với tập san 2017 của báo NCTG, sáng hôm nay tôi ngồi đọc liền một tiếng đồng hồ mà giữa chừng không thấy lóe lên các biển quảng cáo, không thấy tiếng nhắn tin, cứ như mình đang ngồi thiền vậy. Tôi đọc cả những tin mình quan tâm và không quan tâm lắm, cảm thấy thích bài này và không hẳn đồng tình với bài kia, toát mồ hôi tay vì câu này và chẳng hiểu câu kia nhưng cũng chẳng thấy cần phải phản ứng ngay. Thôi cứ để từ từ, sống chậm lại một chút rồi thời gian sẽ dàn xếp tất cả.

Cám ơn những tờ báo giấy, cám ơn những lá thư tay đã cho tôi thấy có những giá trị chẳng bao giờ thay đổi theo thời gian!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 14-12-2017