Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÁN TỬ, ÁN OAN VÀ QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG

(NCTG) “Điều đó không có nghĩa là công luận nên im lặng, coi là “sự đã rồi”, chấp thuận điều đó như thể “đây là thứ không thể thay đổi”. Mỗi một tiếng nói, đặc biệt của giới trí thức, luật sư, người yêu chuộng lẽ phải... là một bước nhỏ trên con đường để nhân quyền phải được tôn trọng!”.
Giá treo cổ dùng để hành quyết tử tù cuối cùng của Hungary vào ngày 14-7-1988 - Ảnh: MTI
1. Thẩm phán Nagy Zoltán, khi tuyên bản án tử hình đầu tiên trong sự nghiệp của mình, đồng thời là án tử cuối cùng của lịch sử tư pháp Hungary (mà đương nhiên khi đó, ông còn chưa biết tới điều này), đã phải đối mặt với một sát thủ từng thẳng tay giết hại hai mạng người.

Về sau, vị thẩm phán cho hay, nếu nhận thấy bất cứ dấu hiệu hối lỗi nào ở bị cáo, ông sẽ không dùng đến án tử. Tuy nhiên, bị cáo lúc đó chỉ lo phàn nàn chuyện cơm tù đạm bạc, thậm chí khi nghe hình phạt được công bố, đương sự còn bộc lộ gương mặt hoàn toàn vô cảm.

Chỉ vỏn vẹn 1 ngày trước khi bản án được thi hành, tử tù đó mới hoảng hốt và gào la thảm thiết. Khi ấy, ông Nagy Zoltán nhủ thầm sẽ không bao giờ tuyên thêm án tử trong đời, và càng ngày ông càng cảm thấy, một nhà nước không có quyền tước đi mạng sống của bất cứ ai.

Câu chuyện trên diễn ra vào năm 1988, khi Hungary vẫn còn là một quốc gia cộng sản, nhưng đang trên đà có những chuyển biến và dân chủ hóa từng bước. Trong năm, dầu một số bản án tử vẫn còn được tuyên, nhưng ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ án tử.

Nhiều bản án tử hình, về sau đã được hạ xuống mức chung thân (theo luật hồi đó, nghĩa là 20 năm tù giam). Rạng sáng 14-7-1988, tử tù cuối cùng của Hungary - Vadász Ernő (28 tuổi) - bị lên giá treo cổ. 32 năm qua, không một người Hung nào còn phải chịu số phận như vậy.

Hai năm sau khi bản án tử hình cuối cùng của nền tư pháp Hungary được thi hành, án tử được bãi bỏ tại Hungary khi Tòa án Hiến pháp của nước này ra một nghị quyết đáng nhớ cho rằng tất cả mọi người từ khi sinh ra đều có quyền được sống và quyền được có nhân phẩm.

Nghị quyết số 23/1990. (X. 31.) của Tòa Bảo hiến Hung nhận định rằng, bản án tử hình không chỉ hạn chế, mà còn hoàn toàn triệt tiêu những quyền kể trên, do đó nó là vi hiến. Quyết định này là nền tảng để Cộng hòa Hungary có thể gia nhập Ủy hội Châu Âu cùng năm đó.

Là thành viên của một “câu lạc bộ” các quốc gia cùng ý nguyện bảo vệ những giá trị chung của Châu Âu, Hungary coi việc xóa bỏ án tử là một chiến thắng vang dội, một thành tựu đáng kể của Tòa án Hiến pháp Hungary, và của cá nhân GS. Sólyom László, vị chánh án Tòa.

Chuyên gia xuất chúng về Luật Hiến pháp này giữ vai trò cầm cân nảy mực Tòa trong vòng 10 năm đầu (1990-1998), và sau này là Tổng thống thứ ba của Hungary (2006-2010). Với ảnh hưởng của ông, phán quyết bỏ án tử của Tòa mang dáng dấp một “hiến văn” mẫu mực.

2. Khó có thể phủ nhận được rằng, do phụ thuộc vào “yếu tố con người”, nên cái gọi là “công lý” chỉ mang tính tương đối, khả năng oan sai (trong thực tế tố tụng, xét xử, và trong cả cách nhìn nhận khác biệt về mức độ của hành vi phạm tội) sẽ vẫn cứ còn, và không thể loại trừ.

Thẩm phán Hungary day dứt trước một bị cáo phạm tội “rành rành”, nhưng lịch sử hình sự còn ghi nhận biết bao trường hợp án oan khi phán quyết tử hình được đưa ra. Cho dù, án tử không nhất thiết phải “oan” theo nghĩa hẹp của từ này, nhưng nó luôn hàm chứa khả năng oan.

Dễ thấy, chừng nào còn tồn tại án tử thì khả năng sai sót có thể rất thảm khốc và không thể bù đắp, sửa chữa. Nhưng kể cả khi nó đã bị xóa đi nữa, sự xét xử công bằng trong các thủ tục tố tụng hình sự vẫn có thể bị vi phạm ở các mức độ khác nhau và đây là một vấn đề nổi cộm.

Tạm loại bỏ sang một bên những phiên tòa ngụy tạo, sắp đặt, những bản án mang tính “bỏ túi” của những nền tư pháp không độc lập, bị chịu sự chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp của chính trị hoặc các thế lực tài phiệt, thì xét xử công bằng vẫn là yêu cầu cấp thiết của sự xét xử.

Xét xử công bằng đảm bảo để công dân có thể bình đẳng trước pháp luật kể cả khi bị ra trước vòng móng ngựa. Họ phải được xét xử công khai trong một phiên tòa độc lập, không thiên vị trong thời gian hợp lý, phải được hưởng quyền suy đoán vô tội và nhiều nguyên tắc khác.

Người bị cáo buộc hình sự phải có đủ thời gian và điều kiện cho việc biện hộ, bảo vệ với sự trợ giúp của giới luật sư đại diện pháp luật, có quyền đối chất các nhân chứng chống lại họ, có quyền không bị hành hạ về thể xác và tinh thần, được im lặng, được tiếp cận thông tin...

Không khó để thấy rằng, những nguyên tắc căn bản nói trên thường xuyên bị vi phạm trầm trọng tại các xứ độc đoán, nơi nền tư pháp lệ thuộc nặng nề vào chính trị, và trong nhiều dịp, chỉ riêng lời khai của bị cáo (có thể có được bằng bất cứ giá nào) đủ để buộc tội chính họ!
 
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người tù bị kết án chung thân do phải cung khai theo ý của các điều tra viên, những kẻ đã dùng nhục hình bắt ông “tập nhiều lần cho thành thạo, làm đi làm lại để đúng ý họ”
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người tù bị kết án chung thân do phải cung khai theo ý của các điều tra viên, những kẻ đã dùng nhục hình bắt ông “tập nhiều lần cho thành thạo, làm đi làm lại để đúng ý họ”

Có lẽ xuất phát từ lý do muốn giám sát và hạn chế những sai phạm này, mà “Xét xử công bằng” đã được đưa vào Điều 6 trong số 18 Điều khoản của Công ước Bảo vệ Nhân quyền và Các quyền Tự do Căn bản (Công ước Nhân quyền Châu Âu) do Ủy hội Châu Âu soạn thảo.

3. Sự tôn trọng và thực hiện các quyền con người tại các quốc gia thành viên của Ủy hội (gần 50 nước) - trong đó có quyền được xét xử công bằng tại Điều 6 - được giám sát bởi một định chế “siêu quốc gia” - Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại TP. Strasbourg, Pháp.

Quyền con người của một cá nhân có thể bị xâm phạm tại một quốc gia riêng lẻ, và vẫn có thể bị xâm phạm nhiều lần qua bộ máy tư pháp các cấp. Ở Châu Âu, các quốc gia ký kết Công ước nói trên, đều có thể là bị cáo trong phiên tòa do người dân kiên lên Tòa Strasbourg.

Điều kiện duy nhất, chỉ là người dân đó cần đi hết các nấc thang của hệ thống tư pháp trong nước. Trong trường hợp thua kiện, các nước liên quan có bổn phận thi hành phán quyết của Tòa Strasbourg liên quan tới các vi phạm nhân quyền, mà “xét xử công bằng” có thể là một.

Định chế nhân quyền này - Công ước Nhân quyền Châu Âu - cho tới giờ vẫn là cam kết quốc tế duy nhất để bảo vệ quyền con người của các cá nhân - trong đó, có các bị cáo - ở một mức độ rất cao. Không ít các nguyên đơn Hungary đã chiến thắng chính quyền mình tại đây.

Tuy nhiên, cho đến giờ, thỏa ước mang tính chất một “hiến chương nhân quyền” này, đáng tiếc vẫn chỉ có hiệu lực tại Châu Âu. Ở nhiều nơi khác, công lý và mong muốn được xét xử công bằng, nhiều khi vẫn chỉ là một ước mơ, một khi không có được sự độc lập về tư pháp.

Điều đó không có nghĩa là công luận nên im lặng, coi là “sự đã rồi”, chấp thuận điều đó như thể “đây là thứ không thể thay đổi”. Mỗi một tiếng nói, đặc biệt của giới trí thức, luật sư, người yêu chuộng lẽ phải... là một bước nhỏ trên con đường để nhân quyền phải được tôn trọng!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh