Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


5 năm sau: CÒN AI LÀ CHARLIE?

(NCTG) “Bảo vệ quyền tự do biểu đạt của người khác (...) là vô cùng quý giá, thậm chí kể cả khi nó làm sứt mẻ phần nào tự do cá nhân của mình (...). Còn người Việt, có giá trị nào khiến chúng ta tự hào và bảo vệ đến cùng?”.
Thông điệp “Tôi là Charlie” tại Quảng trường Cộng hòa, Paris, ngày 11-1-2015 - Ảnh tư liệu
Ngày 7-1 vừa rồi là tròn 5 năm ngày 10 họa sĩ, nhà báo bị giết hại bởi tay khủng bố tại Paris. Ngày ấy, nhiều kẻ khủng bố reo mừng hả hê vì hạ gục những nghệ sĩ đã tận dụng quyền tự do ngôn luận - thứ quyền mà theo họ, hiếm quốc gia nào cho phép đến thế - để dùng tranh trào phúng “chọc ngoáy” vào mọi chủ đề, thậm chí càng “báng bổ” càng tốt.

Ngày 11-1, cuộc Tuần hành Cộng hòa (Marche Republicaine) lớn chưa từng thấy diễn ra trên toàn nước Pháp. Tại xứ sở mà biểu tình là một chuyện thường nhật, người ta biểu tình liên miên về tiền lương, về thuế khóa, trợ cấp... Nhưng chưa bao giờ, trước đó và đến giờ, có được gần 5 triệu người đổ xuống đường “Tôi là Charlie” như hôm ấy.

Vì cái gì mà họ lại có thể đồng lòng nhất trí đến vậy? Vì cái gì mà bất chấp nguy cơ khủng bố rình rập, toàn bộ hàng chục cây số các tuyến phố lớn Paris và các tỉnh thành chật kín biển người?

Người ta đồng lòng chống bạo lực, và trên hết, để thể hiện tinh thần Charlie - bảo vệ đến cùng tự do ngôn luận. Minh chứng rằng nó không thể bị tiêu diệt, mà còn vững chãi, mạnh mẽ hơn thành khối đoàn kết.

Ngày ấy, mình chậm bước giữa đám đông hàng triệu người đó, cùng hát, vai kề vai, hay hô vang “Tôi là Charlie”. Năm năm nhìn lại, đánh dấu một bước ngoặt lớn nhận thức cho riêng mình. Lần đầu tiên, một người nhập cư xa lạ về gốc văn hóa như mình, cảm thấy rõ rệt có những giá trị chung cùng chia sẻ với đất nước này.

Ngoài những phút trầm lắng tưởng niệm khi đi qua tòa soạn báo, còn lại là một bầu không khí thân thiện, cởi mở như giữa những người bạn, có chung một niềm tin và tự hào bảo vệ sự tự do ngôn luận.

Năm năm trôi qua, tinh thần Charlie vẫn ở đó!

Người ta đã làm các điều tra “Bạn còn là (mang tinh thần) Charlie không?”. Câu trả lời “” vẫn luôn không đổi: năm đó 68% người được hỏi tuyên bố tinh thần “Tôi là Charlie”, thì đến 2020, vẫn 62% còn giữ nguyên quan điểm ấy! (Đặc biệt, 64% người Công giáo được hỏi, vẫn ủng hộ Charlie, dù tôn giáo của họ cũng là chủ đề biếm họa yêu thích của tòa báo)

Mình không quá ngạc nhiên vì điều này, ngay cả khi bối cảnh xã hội sau 5 năm đã có rất nhiều chia rẽ, phân cực - bạo lực, phản kháng của người dân càng ngày càng mãnh liệt. Những phân hóa và đối kháng ấy vẫn không làm những người tin vào tự do biểu đạt nghi ngờ về lựa chọn của họ. Vì nó là một tôn chỉ bất biến và cốt lõi.
 
Biểu tình và đình công, một nét văn hóa Pháp - Ảnh: Daniel Cole (MTI/AP)
Biểu tình và đình công, một nét văn hóa Pháp - Ảnh: Daniel Cole (MTI/AP)

Ngay cả việc đình công và biểu tình kéo dài là một “đặc sản” của Pháp. Như cuộc đình công chống lại dự luật cải cách hưu trí suốt gần 2 tháng nay, cũng thống nhất với tinh thần tự do ngôn luận ấy. Người nước ngoài, hay ngay cả rất nhiều lưu học sinh tại Pháp bài xích trên các diễn đàn, có lẽ do không hiểu bản chất đó.

Các thống kê vẫn cho thấy người dân Pháp, dù chịu rối loạn vô cùng bởi không có tàu xe, ảnh hưởng tới công việc hàng ngày, vẫn có hơn 60% duy trì quan điểm ủng hộ những người đình công được “biểu lộ bất bình của mình”. (Dù cũng gần từng đó người “mong muốn đình công dừng lại”).

Trong hoàn cảnh bị nhiều phiền phức và ảnh hưởng trực tiếp bởi đình công, sự ủng hộ của đa số cho thấy, việc ủng hộ người khác được nói lên quan điểm của mình, với người Pháp, được đặt có phần cao hơn những nhu cầu tiện nghi ổn định đời sống vật chất khác.

Mặt khác, khi được hỏi ý kiến ai phải chịu trách nhiệm với sự đình trệ bởi đình công, người được hỏi gần như cùng quan điểm “chính quyền phải trách nhiệm lớn nhất”!

Cách nhìn này chắc chắn trái ngược và quá xa lạ với đa số người Việt!
 
*

Người ta nói “trong hoạn nạn mới tỏ lòng nhau”. Có lẽ sống qua cái năm 2015 đầy đau thương với người dân Pháp nên mình đã hiểu hơn và gần hơn với con người, tinh thần và hệ giá trị mà người Pháp bảo vệ và tự hào.

Cái khó khăn của một người nhập cư, về mặt tinh thần, là câu hỏi về sự hòa nhập, rằng “mình có thuộc về mảnh đất này, hay mãi chỉ là một người lạ?”. Mình hay đặt câu hỏi đó. Và tự nhận còn rất xa, thậm chí không bao giờ để đạt được 100% sự hòa nhập. Hoặc là nên thay đổi tiêu chuẩn, coi sự hòa nhập chỉ được một phần là tất yếu. Và cái phần to đùng chênh vênh còn lại, là không thể và không muốn chối bỏ, là cái phần Việt Nam, da vàng mũi tẹt và đủ thứ văn hóa đã mang trong mình.

Nhưng chính sách của Pháp - “thiên đường nhập cư” - lại là vì cái phần “chênh vênh” còn lại ấy. Ít nhất là đối với những trao đổi, học bổng sinh viên quốc tế. Pháp theo đuổi chính sách cho rằng việc mở cửa cho sinh viên nước ngoài và cho họ cơ hội ở lại làm việc là làm giàu, đa dạng thêm văn hóa, cũng như mở những cầu nối hợp tác kinh tế văn hóa với các nước đó. Tức là họ tin rằng cái phần gốc gác của những con người nhập cư kia sẽ mang lại sự giàu có cho đất nước, về cả kinh tế và văn hóa.

Những lưu học sinh như mình nhờ đó mà có cơ hội học tập với chi phí ngang bằng với người bản địa, hưởng ngay khi đặt chân đến đây các chế độ xã hội tương tự như mọi công dân Pháp. Điều này không phải có được ở mọi nơi trên thế giới. Cá nhân mình biết ơn điều đó.

Cũng chính vì thế, mình ủng hộ những đấu tranh hôm nay của người dân lao động bảo vệ các chế độ phúc lợi cho người thu nhập thấp nói riêng và cho người nghèo, người nhập cư nói chung được hòa nhập, cho họ những cơ hội như mình đã từng được hưởng.

Và cũng như thế, bảo vệ quyền tự do biểu đạt của người khác - điều mà người Pháp đấu tranh để dành được, với mình - một người thụ hưởng - là vô cùng quý giá, thậm chi kể cả khi nó làm sứt mẻ phần nào tự do cá nhân của mình, mình vẫn không thể phản bội.

Còn người Việt, có giá trị nào khiến chúng ta tự hào và bảo vệ đến cùng?

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris