Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


10-12: NGÀY NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ

(NCTG) “Một chính quyền tự nhận là dân chủ có nghĩa vụ thực thi các quyền này như con cái tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành ra mình” (TS. Nguyễn Ngọc Lanh).
Cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt cầm bản dịch tiếng Tây Ban Nha của “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người”. Bà là đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn lịch sử này tại Palais de Chaillot (Paris, Pháp) vào ngày 10-12-1948 -
Trong số 40 câu hỏi trong chương trình thi Quốc tịch của người nước ngoài tại Hungary, ngay câu đầu tiên về “các tổ chức quốc tế có tầm quan trọng nổi bật mà Hungary là thanh viên”, ở phần đầu nói về Liên Hiệp Quốc (LHQ), có nhắc tới việc năm 1948, cơ quan này đã thông qua một văn kiện mang tên “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người” (The Universal Declaration of Human Rights).

Phổ quát”, trong tiếng Hungary dùng từ “Egyetemes”, và là một từ Hán - Việt nhưng dường như xa lạ và khó hiểu đối với đa số những ai tham gia khóa học thi Quốc tịch. Tất nhiên có thể dịch “thoáng” như nhiều nguồn khác, gọi là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” thì cũng ổn, nhưng nó mất đi tính chất rất căn bản của văn kiện quan trọng bậc nhất này của lịch sử nhân loại và lịch sử LHQ.

Như thế nào là “phổ quát”? Có thể diễn giải một cách hết sức giản dị và dễ hiểu, là không có quyền con người RIÊNG RẼ dành cho người Hung, người Việt hay người Mỹ chẳng hạn. Bởi lẽ, rất hay thấy một nhà nước, một chính phủ, để tiện cho mình trong việc trị dân, tuyên bố rằng “vì những lý do đặc thù khác biệt”, mỗi nước có những cách hiểu dị biệt khi nhắc đến nhân quyền.

Trái lại, “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người” khẳng định ở đâu hay trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy, những các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng là như nhau, “không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác” (điều 2).

Tính “phổ quát” (universal) của những quyền con người còn khiến nhân quyền là vĩnh cửu, không gì thay đổi, và đặc biệt không phụ thuộc vào bất cứ quan niệm cá nhân mang tính độc đoán của bất cứ thể chế độc tài nào. Đó cũng là ý nghĩa của cụm từ “bất khả xâm phạm” (sérthetetlen) và “không thể tách rời” (elidegeníthetetlen) - đó là những quyền “bẩm sinh” của con người từ khi vừa chào đời.

Bài 1/a. trong Giáo trình thi Quốc tịch còn nhắc tới hai công ước cơ bản về quyền con người mà LHQ thông qua vào năm 1966: “Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, và “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”. Cùng “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người”, các văn kiện kể trên trở thành những nội dung nền tảng của “Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế”.

Ngày Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Day) 10-12 hàng năm, toàn thế giới kỷ niệm và tôn vinh sự ra đời của “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người”. Không gì hơn là đọc lại nhận định của TS. Nguyễn Ngọc Lanh về sự kiện có tầm quan trọng vĩnh hằng này: “Một chính quyền tự nhận là dân chủ có nghĩa vụ thực thi các quyền này như con cái tỏ lòng biết ơn với các đấng sinh thành ra mình”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh