Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Trò chuyện với TS. Đinh Hoàng Thắng: “VỀ NHÀ LẦN THỨ HAI…”

(NCTG) “Con đường nhỏ và dốc đồi thoai thoải / Ta đi lên không biết mỏi bao giờ / Dòng sông đẹp như tấm gương sáng chói / Như con cá nằm da óng ánh soi…”. Vần thơ cũ năm xưa vang vang giữa nắng vàng cuối Thu mượt như mật ong chế từ những chùm ngân hợp. Budapest quả thực là địa danh dành cho những giấc mơ… - TS. Đinh Hoàng Thắng chia sẻ.
TS. Đinh Hoàng Thắng trong trao đổi với NCTG tại tư gia - Ảnh: Bích Ngọc
Trở về sau khi tham dự kỳ Hội thảo Hè 2017 tại Hungary, cũng như tham gia chuyến “phượt” Châu Âu qua 8 nước trong vòng một tuần, TS. Đinh Hoàng Thắng - một tác giả và thân hữu của NCTG đã dành cho tờ báo một bài trả lời phỏng vấn đặc biệt mà như anh nói, “dành cho bạn đọc nói chung, đặc biệt là bạn đọc NCTG và cộng đồng người Việt ở Hungary”.

- Xin chào TS. Đinh Hoàng Thắng, trước đây anh có hứa nhân gặp mặt Hữu nghị Việt - Hung năm nay, kỷ niệm Quốc khánh của Hungary (20-8) và của Việt Nam (2-9), sẽ lại dành cho độc giả NCTG một trao đổi như cách đây mấy năm. Nhưng khi liên hệ mới biết phải chờ ngày anh trở lại Hà thành. Anh có thể nói rõ hơn về chuyến đi vừa qua?

Vâng, vừa qua, tôi đã sang Hungary dự một hội thảo khoa học. Sau hội thảo, một số bạn bè mời tôi đi “phượt” Châu Âu một chuyến. Đây là cơ hội có thể nói “khó lặp lại” trong đời, nên tôi đã “vui vẻ” nhận lời, nói như trong các thông cáo ngoại giao...

- Vậy anh có thể bắt đầu bằng chuyện hội thảo?

Là cả một câu chuyện dài. Đây là hội thảo khoa học lần thứ 19 do một số anh em Việt kiều từ Mỹ, Pháp, Nhật, Châu Âu và nhiều nước khác nữa, những người luôn gắn bó với quê hương và nặng lòng với xứ sở, tổ chức. Và lần nào thì hội thảo này cũng được sự hưởng ứng của một số anh chị em từ Việt Nam.

Chủ đề hội thảo kỳ này là “Việt Nam với Trật tự thế giới mới”, diễn ra trong hai ngày, 31-8 và mùng 1-9 tại Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE) và thu hút không chỉ một số trí thức Việt kiều trên thế giới, mà lần đầu tiên, một số trí thức, doanh nhân Việt kiều ở Hungary cũng đã góp mặt. Con số hơn 100 người tham gia lần này trong bối cảnh đang có nhiều sự kiện nóng liên quan tới Việt Nam và Châu Âu, có ý nghĩa thời sự.

- Hội thảo vừa rồi chỉ dành cho một nhóm elite trí thức Việt kiều hay cho cả đại chúng nữa thưa anh?

Thật ra là cho cả hai, cho tất cả những ai quan tâm, hẳn nhiên là cần đăng ký trước danh tính với Ban Tổ chức. Mọi chuyện liên quan đến Hội thảo đều công khai, minh bạch. Ai tham gia đều tự đóng tiền, từ tiền thuê hội trường đến mọi chi phí liên quan. Ban Tổ chức thông báo trước cả nửa năm về các vấn đề này trên trang của GS. Trần Hữu Dũng.

Một số bài viết gửi tới Hội thảo cũng được đăng công khai trước khi hội thảo bắt đầu khai mạc. Có điều, các tác giả đều lưu ý là những tham luận ấy chỉ mới ở dạng dự thảo (draft), chưa chính thức, nên mọi người có thể đọc thoải mái nhưng khi trích dẫn thì phải có ý kiến của người viết.

Chính vì minh bạch và công khai, nên nhìn chung, phần lớn những người tham gia đều chừng mực trong bày tỏ ý kiến. Đặc biệt, các phát biểu tại hội thảo hoàn toàn không đưa lên mạng, để bảo đảm tính tự do cá nhân và không khí thoải mái khi trao đổi về một vấn đề mang tính học thuật, thuộc về lĩnh vực khoa học chính trị, xã hội học quốc tế khá phức tạp và mang tính liên ngành.

- Anh đánh giá như thế nào về kết quả của Hội thảo?

Từ góc độ nào cũng đều có những thu hoạch cụ thể. Về khoa học, Hội thảo đưa ra một số khái niệm mới, động chạm đến nhiều vấn đề đang được bàn luận trong chính trị quốc tế, như chủ nghĩa bịp dân (populism), bản chất các mối “liên minh” trong trật tự sắp tới. Đặc biệt, một số tham luận đã đi sâu vào nội hàm và tính xu thế của các hiện tượng mới ấy.

Hội thảo tập trung nhận dạng cái “trật tự thế giới mới đang xuất hiện từ chân trời nhưng cũng có thể đang tiến khá gần tới Việt Nam rồi, như hiện tượng Trump, Brexit, các vấn đề của Liên Âu, một số vấn đề về kinh tế, ngoại giao và an ninh của Việt Nam...

Đặc biệt, việc Việt Nam nên đối phó ra sao, những nhân tố nào đang cản trở Việt Nam hòa nhập vào cái trật tự đang định hình ấy, đã dấy lên nhiều trao đổi khá sâu sắc, sống động và sôi nổi. Mỗi phần trình bày được quy định trong vòng 15-20 phút nhưng có một số diễn giả bị “cháy” kịch bản.

Về mạng lưới nghiên cứu, Hội thảo kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của giới trẻ, nhất là giới trí thức từng được đào tạo từ Liên Xô - Đông Âu (cũ). Năm ngoái, Hội thảo đã được tổ chức tại thủ đô Praha (Cộng hòa Czech). Năm nay Hungary đăng cai. Không loại trừ sang năm vẫn là ở một nước Đông Âu nào đó, trước khi Hội thảo có thể trở lại Việt Nam (Hội thảo từng hai lần diễn ra trong nước…).

Năm nay, đại diện Việt kiều Hungary đã đảm đương một vai trò hết sức nổi bật. Kết hợp hài hòa với Ban Tổ chức, các anh chị, trước hết là từ Khoa Tâm lý của Trường ELTE và nhiều đơn vị khác, đã có các sáng kiến trong khâu tổ chức và hậu cần.

Đặc biệt, sau kỳ Hội thảo, các đại biểu đã có dịp tham dự một chương trình tham quan thủ đô Budapest cùng ba thành phố cổ, Visegrád, Esztergom và Eger rất ngoạn mục. Khâu tổ chức rất chu đáo, riêng phần “guide tour” hết sức chuyên nghiệp, kỹ lưỡng và thật bổ ích đối với mọi người.
 
TS. Đinh Hoàng Thắng - Ảnh: Bích Ngọc
TS. Đinh Hoàng Thắng - Ảnh: Bích Ngọc

- Cảm xúc của bản thân anh sau bao năm nay trở lại Budapest như thế nào? Và anh có thể kể thêm về chương trình “phượt” nghe nói khá giật gân?

GS. TS. Bùi Minh Phong và dịch giả, TS. Giáp Văn Chung, tuy rất bận nhưng mỗi người cũng đã dành ra cả một buổi đưa tôi trở lại Trường Tổng hợp ELTE, từ ký túc xá đến một số khoa. Tôi tần ngần mãi trước Khoa Ngữ Văn và Triết nơi tôi học cách đây nửa thế kỷ. Bồi hồi trở lại các ký túc xá, tản bộ từ Nándorfehérvári đến đồi Ménesi, rồi leo lên thành Vár…

Con đường nhỏ và dốc đồi thoai thoải / Ta đi lên không biết mỏi bao giờ / Dòng sông đẹp như tấm gương sáng chói / Như con cá nằm da óng ánh soi…”. Vần thơ cũ năm xưa vang vang giữa nắng vàng cuối Thu mượt như mật ong chế từ những chùm hoa ngân hợp (akácvirág).

Còn cảm xúc của tôi về Budapest thì bạn trẻ Trần Việt Dũng đã nói thay một cách tuyệt vời. Ở đây chỉ xin “láy” lại một ý từ nhà văn Anh quốc M. John Harrison: “Budapest là mảnh đất dành cho những giấc mơ: đó là cái nhìn hào nhoáng của phương Đông về phương Tây, là ảo mộng của Phương Tây về Phương Đông… một thành phố được tạo ra từ Paris bằng những viên gạch của thủ đô Vienna”.

Cũng nhân đây, xin được có lời cám ơn chân thành nhất tới các bạn hữu Việt Nam tại Hungary, đã cho tôi một chuyến “về nhà lần thứ hai” (második hazajövetelem) đầy ắp những hoài niệm cùng dư âm giữa tái ngộ và chia ly…

Riêng về chương trình “phượt”, tôi nợ độc giả của NCTG chí ít cũng một bài ký hoặc tùy bút dài hơi gì đó, chứ gói gọn trong một câu trả lời thế này thì bất khả. Chúng tôi vượt trên xa lộ “xuyên Âu” hơn 5.000 cây số, với nhiều trạm dừng chân, cùng bao nhiêu thắng cảnh, vừa như trong mơ, vừa hoành tráng về mặt kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật cổ điển và đương đại…

Chúng tôi toàn được đưa tới những nơi mà người Châu Âu truyền khẩu, “trước khi từ giã cõi đời nên đến”. Tất nhiên chúng tôi không tới những nơi ấy để chết, nhưng quả thật, đến bây giờ hồi tưởng lại, tôi vẫn chưa hết “choáng”… và vẫn ước gì được lặp lại ngay chính cái “tua” ấy.

- Thu hoạch lớn nhất của anh qua chuyến “phượt”?

Thứ nhất, dù sách báo cả Tây lẫn ta đã viết khá nhiều, nhưng tôi không tin rằng, Châu Âu sẽ “lụi tàn” sau Brexit. Không loại trừ một nước nào đó có thể theo vết chân Anh Quốc, tiếp tục chơi trò “bắt bí” EU, nhưng cả 27 nước thì không.

Thứ hai, Châu Âu tuy hơn 500 tuổi nhưng không già. Thành phố, làng mạc nào chúng tôi có dịp “phượt” qua đều đẹp như những “bức gấm chàm”, lung linh như các địa danh trong những giấc mơ hồi bé. Sức thu hút của Châu Âu giống như nam thanh nữ tú ở xứ họ, lúc nào cũng “phơi phới dậy tương lai”.

Thứ ba, Mỹ muốn nói gì thì nói, vẫn cần Châu Âu và bang giao xuyên Đại Tây Dương (quan hệ Âu - Mỹ) vẫn tiếp tục bền chặt. Đơn giản là vì các bên còn cần đến nhau dài dài…  Tất nhiên, vấn đề này khá phức tạp, mối quan hệ ấy là cả một loạt đề tài cho các luận văn cao học hay tiến sĩ. Chúng tôi qua Pháp lúc Tổng thống Macron đang quảng bá “Dự án về tương lai của EU” và được chứng kiến không khí tranh cử ở Đức. Trục Pháp - Đức mới sẽ có tầm quan trọng lịch sử đối với khối EU.

Thứ tư, dân chủ, vốn xuất phát từ Châu Âu, nhưng chưa bao giờ là “bữa trưa miễn phí”. Nhiều nước, trong đó có Hungary của chúng ta, thay đổi thể chế 27 năm, nhưng có vẻ vẫn còn lận đận trên con đường dân chủ “phi tự do” của đương kim Thủ tướng Orbán Viktor. Đây là điều rất đáng suy nghĩ đối với Việt Nam.

Cuối cùng, đúng là “đất lành chim đậu”, nhưng cuộc mưu sinh của anh chị em ta ở Châu Âu không đơn giản. Trí thức Việt thành công ở Đông Âu vẫn thua thiệt so với thu nhập của trí thức Tây Âu (mức sống giữa hai vùng nói chung vẫn còn chênh lệch, ngay giữa Đông và Tây Đức). Còn doanh nghiệp và những dân làm ăn vẫn còn phải “vật lộn” với thời kỳ quá độ dài dài, khá vất vả…

- Cảm ơn TS. Đinh Hoàng Thắng và mong anh tiếp tục tham gia với NCTG!

Ghi chú (của NCTG):

(*) Một số tham luận trong Hội thảo Hè 2017 đang được đưa dần lên các trang “Thời Đài Mới”, “Diễn Đàn Forum”“Viet Studies”.

Tác giả bài viết: Bích Ngọc thực hiện