Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PUTIN VÀ NƯỚC NGA DƯỚI MẮT MỘT CỰU BẠN HỌC CỦA TỔNG THỐNG (Phần 2)

(NCTG) “Người ta chẳng hề nghĩ tới việc chạy đua quân sự với người Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Liên Xô. Kết quả là cái dạ dày trống rỗng và tất đều sụp đổ. Mọi thứ tương tự như vậy đang diễn ra ở Nga: nhóm quân lực đưa ra những nguy cơ giả mạo và buộc truyền thông cũng như các cơ quan tình báo nhân bản nó lên rồi sau đó chính họ cũng tin vào điều giả mạo ấy”.
Chiến sự tại làng Vodianoe (gần Donetsk, Ukraine, tháng 4-2015) - Ảnh: Oleg Petrasyuk (EPA)
Xem Phần 1 của bài phỏng vấn.

• Ông chẳng qua chỉ ghen tỵ với tổng thống Nga vì bao năm qua ông ấy ngày càng có ít nếp nhăn hơn thôi!

Để nhấn được nút hạt nhân thì cần phải có những ý tưởng cuồng tín, còn Putin thì chỉ là nô lệ cho hai ý tưởng này thôi: làm sao để trường sinh bất lão và làm sao để ngồi mãi trên chiếc ghế quyền lực! Bạn có lưu ý tới một chi tiết quan trọng trong cuộc gặp mặt ở Minsk không?

• Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 17 tiếng ở Minsk vào tháng 2-2015 có nhiều chi tiết quan trọng. Ý ông định nói đến chi tiết nào?

Mở đầu cuộc gặp gỡ ở Minsk, Merkel, Holland, Poroshenco và Putin bước vào phòng. Đích thân Lukashenko mời từng người ngồi vào ghế thì bất thần nhà lãnh đạo Nga lao tới và gần như giằng một chiếc ghế khỏi tay Lukashenko. Hóa ra là có sự nhầm lẫn. Bạn có biết vì sao không? Đấy chính là bởi vì độ cao của chiếc ghế - yếu tố tối quan trọng của chính sách đối ngoại của Liên bang Nga hiện nay.

Chiếc ghế phải đủ cao để Putin trông không nhỏ bé, đồng thời nó cũng không được cao quá làm cho chân của nhà lãnh đạo không với tới đất. Chuẩn bị ghế cho Putin – công việc rất quan trọng trước mỗi lần ông ta xuất hiện trước công luận và chiếc ghế này phải được chuẩn bị từ trước. Vậy mà Lukashenco chẳng hiểu gì lại đem chiếc ghế quan trọng ấy mời người khác ngồi.

Thiếu chút nữa thì cuộc đàm phán Minsk bị hỏng, vậy mà bạn lại đi nói chuyện “nhấn cái nút hạt nhân”. Thôi, tôi xin bạn đi!

• Nếu câu chuyện dọa dẫm hạt nhận là vớ vẩn, tại sao Phương Tây lại uể oải trong phản ứng trước sự xâm lược quân sự của Nga tại Ukraine?

Sự đối lập hiện nay giữa Washington và Moscow gợi đến mối quan hệ Xô - Mỹ những năm thập niên 70. Khi đó lãnh đạo nước Mỹ là Jimmy Carter thuộc Đảng Dân chủ mềm mỏng và mong muốn kết bạn với mọi thế lực. Đáng lẽ phải lợi dụng điều đó để cải thiện mối quan hệ với Mỹ thì Liên Xô lại tiến hành các cuộc tiến công: đánh chiếm Afghanistan, chĩa SS-20 sang Châu Âu.

Kết quả là sau Cater thì năm 1981, Tổng thống Mỹ diều hâu Ronald Reagan quyết định kết thúc những cuộc diễu võ của Liên Xô. Ông ta tăng cường chi phí cho quốc phòng. Vậy là giới tướng lĩnh Liên Xô cũng bắt đầu gây sức ép với Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô với luận điệu phía Mỹ đang chuẩn bị đòn đánh Liên Xô trước. Nhưng thực ra Reagan đâu có dự định điều ấy.

• Sao lại không dự định khi mà chính trong thời kỳ của tổng thống Mỹ Reagan thì cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bị đẩy lên đỉnh điểm?

Vào tháng 4-1985 tôi được gửi sang Washington làm phóng viên của TASS. Việc làm phóng viên chỉ là vỏ bọc, nhiệm vụ của tôi là “xem xét việc Mỹ bất thần tấn công Liên Xô bằng tên lửa hạt nhân”. Cả các đồng nghiệp khác của tôi cũng nhận được nhiệm vụ tương tự thế trong công tác tình báo chính trị ở nước ngoài. Chỉ cần có ba tháng và tôi đã hiểu ra rằng, nhiệm vụ tôi được giao thật là nhảm nhí.

Thậm chí lúc đầu tôi còn nghĩ rằng có điều gì đó tôi không hiểu hết. Tôi vội tìm hiểu thêm ở các đồng nghiệp trong văn phòng KGB và ai cũng nhất trí với tôi. Cả các nhà phận tích trong Cục Tình báo Trung ương cũng có nhận định như vậy. Nhưng tất cả đều đồng lòng báo cáo lên cấp trên rằng cái bọn đáng nguyền rủa ở Lầu Năm Góc đang chuẩn bị một cuộc tấn công phòng ngừa đối với Liên Xô.

• Tại sao nhân viên của Cơ quan Tình báo Nước ngoài lại lừa dối trung tâm như vậy?

Trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô luôn có một cuộc tranh đấu bí mật. Hồi cuối những năm 70, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và KGB đã thỏa thuận với nhau nghĩ ra một nguy cơ không tồn tại là sự tấn công Liên Xô bất ngờ bằng tên lửa hạt nhân từ phía Mỹ.

• Để làm gì?

Để đe dọa các thành viên khác của Bộ Chính trị, mà phần lớn là những người đã ngoài 80 tuổi. Nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân,dù nó không tồn tại, cũng làm tăng tầm quan trọng cũng như giá trị của Bộ Quốc phòng và KGB. Đại diện của các cơ quan quân lực sẽ nhận được nhiều tiền hơn từ ngân sách quốc gia, được thêm vạch, thêm sao trên ve áo, được trọng thưởng.

Người ta đòi hỏi các điệp viên thông tin về sự chuẩn bị tấn công hạt nhân bất ngờ đó từ phía Mỹ, nếu bạn lại báo cáo rằng nguy cơ đó không tồn tại thì lập tức bạn sẽ bị gọi trở về Liên Xô và bị coi như một nhân viên tình báo không đủ năng lực.

Tóm lại là khi đó ở Liên Xô có hai hiện thực song song tồn tại: một là sự hoang tưởng trong đầu những người lãnh đạo dựa trên các bản báo cáo mà họ nhận được về các nhiệm vụ giả dối mà họ đã giao, còn hiện thực kia là cuộc sống thật ở ngay trong nước và nước ngoài. Đến một giai đoạn nhất định nào đó sẽ xảy ra hố sâu giữa hai hiện thực: tầng lớp lãnh đạo thì chuyên tâm vào những nguy cơ ảo, còn nền kinh tế quốc gia thì phân hủy và đất nước mục ruỗng từ bên trong, đến 1991 thì sụp đổ hoàn toàn.

Cũng chính điều này hiện đang xảy ra với nước Nga. Giống như Liên Xô trước đây, nhóm quân lực trong chính phủ đang phá hủy đất nước.

• Ông có thể nêu tên những vị tướng mà ông cho là đã đi đến thỏa thuận với nhau dẫn đến việc Liên Xô sụp đổ không?

Tất cả mọi thứ bắt đầu từ Chủ tịch KGB Yuri Andropov và Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Ustinov. Sáng kiến của họ được một trong những đồng minh thân cận nhất của Andropov (và là thủ trưởng trực tiếp của tôi vì khi đó ông ta lãnh đạo mạng lưới tình báo nước ngoài Liên Xô) là Vladimir Kryuchkov vớ được. Tất cả các Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô cho đến tận Dmitry Yazov cũng tham gia vào vụ này.

Tóm lại là chỉ bằng vào việc mang tên lửa của Mỹ ra dọa dẫm Bộ Chính trị Kryuchkov đã trở thành Chủ tịch KGB và nhận được chức tướng quân đội. Sau vụ việc đó, Kryuchkov đã chính thức bị thần kinh, ông ta thậm chí còn dấn tới cuộc đảo chính tháng 8-1991 và rồi sau đó thì Liên Xô sụp đổ hoàn toàn.

• Ông không quá đề cao vai trò của các vị tướng Xô-viết đấy chứ? Bởi suy cho cùng thì chính Reagan đã lôi kéo Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trang và phá giá giá dầu lửa quốc tế làm cho nền kinh tế Xô-viết lụn bại hoàn toàn.

Câu hỏi có thật là Mỹ đã bắt tay với Saudi Arabia để phá giá dầu thể giới hay không là một câu hỏi rất cần bàn cãi. Chính Nga cũng kêu gào rằng Mỹ đã bắt tay với Saudi Arabia. Cá nhân tôi thì cho rằng sự thật là 50/50.

Đúng là Reagan đã lôi kéo Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trang, nhưng chính các tướng lĩnh Xô-viết đã sẵn sàng để bị dẫn dắt một cách mù quáng mà không hiểu rằng điều đó sẽ dẫn đến tổn hại nền kinh tế. Chính lãnh đạo KGB và Bộ Quốc phòng đã đặt ra cho Bộ Chính trị nhiệm vụ phải ăn miếng trả miếng: nếu như người Mỹ phát triển tên lửa thì chúng ta phải phát triển tàu ngầm. Thế nghĩa là chúng ta giống như những con khỉ.

Người ta chẳng hề nghĩ tới việc chạy đua quân sự với người Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Liên Xô. Kết quả là cái dạ dày trống rỗng và tất đều sụp đổ. Mọi thứ tương tự như vậy đang diễn ra ở Nga: nhóm quân lực đưa ra những nguy cơ giả mạo và buộc truyền thông cũng như các cơ quan tình báo nhân bản nó lên rồi sau đó chính họ cũng tin vào điều giả mạo ấy.

Bạn có muốn nghe câu chuyện lịch sử lớn mà bây giờ ít ai còn nhớ tới? Đó chính là tính logic của sự tồn tại của Liên Xô và Nga ngày nay. Những năm sau của thập niên 70, Liên Xô chế tạo tên lửa SS-20 tầm trung. Chẳng hề có một mục đích cụ thể nào, một nhiệm vụ cụ thể nào được đặt ra: thiết kế, thi công và thế là hết.

Cố vấn riêng của Brezhnev trong cuộc họp với chúng tôi tại Đại sứ quán kể lại rằng, các ủy viên Bộ Chính trị tháp tùng Leonid Brezhnev tới phi trường nơi ông sẽ công du ra nước ngoài, bỗng nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov tiến đến nói với Breznev. Ông này xưng hô “mày tao” (như họ đã quen từ thời còn Chiến tranh Vệ quốc): “Bọn tôi đã làm xong tên lửa không đạn đạo, tầm bắn không đến Mỹ nhưng đến Châu Âu thì thừa.

Cần phải làm gì với nó chứ, tiền đã bỏ ra rồi, quy trình sản xuất cũng đã vận hành rồi nhưng phải làm gì với các tên lửa này thì vẫn chưa biết! Hay là ta cứ đặt nó ở các vùng miền Tây Ukraine, Belorussia?
”. Breznhev nông nổi và ốm yếu trả lời: “Thế cũng được, Dima!”. Đấy, tất cả các bàn thảo về một vấn đề chiến lược chỉ có vậy!

Thế là chẳng có nguyên nhân gì cụ thể để Liên Xô phát triển tên lửa SS-20, còn Mỹ thì chẳng cần tìm hiểu gì, phẩy tay và đặt luôn ở Châu Âu tên lửa đạn đạo Pesing 2, thời gian bay tới Moscow mất 8-10 phút. Còn bây giờ ở Moscow, người ta cũng phẩy tay và bắt đầu “cuộc chiến cho thế giới mới”.

Putin có thể sẽ kết thúc cuộc chơi với các nguy cơ giả tưởng của mình, còn Mỹ thì lại nhớ đến Pesing hay các mẫu tên lửa mới khác. Mà nếu như bây giờ Mỹ đặt đâu đó ở Baltic thì lại còn rút ngắn thời gian bay đến Moscow xuống dưới 4 phút. Bây giờ tên lửa tốc độ siêu thanh, thời gian bay đến Moscow chỉ còn từ 2-2,5 phút. Đấy thế là xong vấn đề chiến tranh hạt nhân.

• Liệu Putin có quyết định tấn công tổng lực Ukraine hay không?

Trong công tác tình báo và phân tích tình báo thì các tình tiết rất quan trọng. Tôi không biết các tình tiết đó nhưng tôi nhìn thấy hai sự việc nghiêm trọng.

Thứ nhất, việc tập trung quân số tại biên giới với Ukraine đã ở mức quá ngưỡng. Duy trì một đội quân tập trung như vậy mà không làm gì là không nên vì nó sẽ nguy hiểm cho chính nước Nga. Mặt khác Liên bang Nga rất cần để Phương Tây tháo bỏ các chế tài và không tiếp tục thực thi thêm các chế tài khác. Cách đây không lâu Thủ tướng Dmitry Medvedev đã rên rỉ khi báo cáo về tình trạng của đất nước.

Nếu Putin quyết định tấn công, nền kinh tế trong nước sẽ không chịu được các chế tài mới. Nhưng cần phải tính đến yếu tố Putin là một tay “KGB địa phương” điển hình. Giống như ngài Berezovsky quá cố đã từng nói “thật khó mà dự đoán được logic của bọn ngốc”.

• Vậy thì ông hãy giải thích cho tôi biết logic của tổng thống Mỹ, người đang rất chần chừ trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine?

Obama hiểu rất rõ rằng ném vũ khí của Mỹ vào Ukraine đúng vào lúc lực lượng ATO đang lùi dần tại Delbasevo sẽ gây ra scandal lớn mà người chịu trách nhiệm không phải là mấy nghị sĩ hừng hực đòi cung cấp vũ khí cho Ukraine mà chinh là bản thân Obama. Điều đó sẽ đánh mạnh vào ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tới. Obama cần phải bảo vệ một cách xứng đáng vị trí tổng thống của mình để nó không bị hoen ố bởi bất cứ quyết định nào.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là: trao vũ khí sát thương của Mỹ cho ai? Nếu trao cho các đơn vị tình nguyện thì không thể, còn trao cho quân đội Ukraine thì trên thực tế theo đúng định nghĩa của Phương Tây thì Ukraine chưa có quân đội.

• Sao lại chưa có, trong năm vừa qua quân đội Ukraine đã trở về đúng vị trí của nó trong suốt lịch sử độc lập của đất nước đó thôi!

Tình hình ở Ilovaisk và Debaltseve vừa qua đã chứng minh rõ ràng hố ngăn cách và thậm chí là thù địch giữa các cá nhân trong đội ngũ quân đội Ukraine trên chiến trường và cả trong mệnh lệnh. Mệnh lệnh đưa ra đã có thể mở rộng một số khu vực nhất định cho lực lượng ATO, nhưng cứ khi nào bắt đầu chiến sự là lập tức không còn kiểm soát được nữa. Quân đội bị bỏ rơi cho số phận và trở thành một đạo quân vô tổ chức.

Cứ khi kêu lên thành lời “chúng tôi bị tấn công” thì bắt đầu cuộc bỏ chạy hỗn loạn. Hiển nhiên rằng trong số các cá nhân trong quân ngũ có vô số những người anh hùng, nhưng vấn đề chính mà vì nó đã một năm trôi qua sau khi bị xâm lược mà Ukraine vẫn chưa có quân đội đấy là sự ngăn cách, sự thiếu tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, lại còn thêm cả thù hận giữa các cá nhân trong đội ngũ chỉ huy.

Và chính tầng lớp lãnh đạo là có lỗi lớn nhất khi để việc này xảy ra.

• Thật tiếc là tôi không thể phản đối gì được ông cả...!

Tôi đã kể cho bạn nghe về các tướng lĩnh của Xô-viết và của Nga, còn bây giờ nói về các tướng lĩnh của Ukraine. Có một khái niệm “tướng văn phòng”. Griboyedov đã từng viết về Chatsky:

Những kẻ vênh váo tự hào thường là những kẻ biết cong cần cổ
Chẳng ở trong chiến tranh mà ở thời bình, biết dập đầu xuống sàn mà không thấy xấu hổ
”.

Trong thời gian diễn ra Maidan tại Ukraine có 43 tướng quân đội cả thảy. Nếu tính tỷ lệ trên quân số thì có lẽ Ukraine đứng đầu thế giới về tướng lĩnh. Quân đội không có nhưng tướng cho một đội quân không tồn tại thì lại có. Phần lớn trong số họ được phong hàm trong thời gian các lực lượng vũ trang của Ukraine đang tan rã.

Các tổng thống, rõ ràng nhận thấy rằng một quân đội lớn mạnh sẽ nguy hiểm cho họ hơn là các kẻ thù tiềm năng nước ngoài. Lực lượng vũ trang Ukraine không tham gia vào bất cứ một hoạt động chiến đấu nào, thậm chí còn không có cả các cuộc diễn tập. Theo như tôi được biết thì lần diễn tập cuối cùng diễn ra năm 1997 và trên cấp độ binh đoàn.

Thật là một chuyện nực cười. Vậy hãy giải thích cho tôi, mấy vị tướng đó được phong hàm vì công lao gì?

• … Có lẽ vì buôn bán vũ khí bất hợp pháp ra nước ngoài!

Và còn vì đã trả hoa hồng lớn cho cấp trên nữa chứ. Vậy thì tìm được các tướng lĩnh thực sự trong Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Ukraine là một việc làm vô vọng. Đơn giản vì họ không có ở đó. Quá trình chiến đấu ở Donbas chỉ thêm một lần khẳng định điều đó mà thôi.

• Thế ông cho là phải làm gì?

Giữa những năm 90 ở đất nước Châu Phi Siera-Leona xuất hiện những cuộc nổi dậy và chiếm luôn một phần lãnh thổ của quốc gia kim cương giàu có này.Quân đội của chính quyền không biết làm thế nào và đã mời những quân nhân chuyên nghiệp đến. 157 chuyên gia quân sự nước ngoài được đào tạo bài bản trong vòng hai tuần đã đè bẹp đội quân 10.000 phiến quân nổi dậy.

Năm 1960 Indonesia to lớn đã tấn công Malaysia bé nhỏ. Nước này cũng hiểu rằng không thể chống lại được với quỷ dữ nên đã mời lính đánh thuê chuyên nghiệp. Những người này cũng phá tan quân đội Indonesia. Lãnh đạo cả hai nước ở Châu Phi và Malaysia đã có đủ thông thái để hiểu rằng không nên tiêu hao đến người dân cuối cùng mà cần phải thuê những người lính chuyên nghiệp.

• Ý của ông là lãnh đạo Ukraine không đủ thông thái sao?

Hoặc là không đủ thông thái hoặc là không muốn kết thúc chiến tranh một cách nhanh gọn và giảm thiểu mất mát.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Giang chuyển ngữ, từ Kiev (Ukraine) - Còn tiếp