Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO” DƯỚI GÓC ĐỘ NHÀ NƯỚC

(NCTG) Là kẻ thù chính yếu hiện tại của Phương Tây (và cả thế giới), tổ chức Thánh Chiến tự gọi mình là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) nhiều lần đã được đánh giá là có cung cách hoạt động khác hẳn với các nhóm khủng bố khác từ trước đến nay. Khác không chỉ trong cách tự quảng cáo, đánh bóng mình hoặc tổ chức các hành vi khủng bố, mà chuyện làm ăn, hoạt động tài chính, tổ chức bộ máy chính quyền của IS cũng rất đặc biệt.
Một tổ chức dựa trên nền tảng bạo lực và khủng bố - Các chiến binh IS hành hình những con tin Kitô giáo Ai Cập một cách man rợ - Ảnh: valasz.hu
Hiện tại, IS đã giành quyền kiểm soát tại Syria và Iraq trên một diện tích rộng bằng cả nước Anh, có tới hơn 10 triệu dân số, và bất cứ điều gì cũng được họ biến thành tiền một cách có ý thức. IS cướp bóc, trộm cắp, thu thuế, bán dầu lửa, khí đốt, ngũ cốc trên thị trường “chợ đen”, và họ còn nhận được rất nhiều tiền “tài trợ” từ Mỹ, Tây Âu hoặc từ các tổ chức, cá nhân giàu có và có thiện cảm với họ ở vùng Cận Đông.

Một nghiên cứu về tình hình tài chính của IS cho hay, doanh thu hàng năm của tổ chức này vào khoảng 2,9 tỉ USD, tương đương thu nhập của Nicaragua trong năm ngoái, và bằng khoảng 1/13 ngân sách quốc gia Hungary. Đây là một con số rất lớn đối với một tổ chức khủng bố đơn thuần, nhưng với một nhà nước thì là ít, nhất là trong hoàn cảnh các khoản thu của IS đang ngày càng bị bó hẹp lại.

Cách tổ chức kinh doanh, giao thương rất bài bản với các đối tác là một trong những điểm khiến IS được coi “gần như” một nhà nước. Tuy nhiên, liệu có thể gọi IS là “nhà nước” như họ tự nhận? Đâu là điểm khác biệt giữa một tổ chức (dù mang tên gì đi nữa, và dù có tính tổ chức, quy mô và lớn mạnh về quân sự đến mấy đi nữa), với một nhà nước theo nghĩa kinh điển, được chấp nhận của nó?

Định nghĩa tổng quát nhất về nhà nước thường được xác định bởi Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ của các quốc gia, ký kết tại TP. Montevideo (Uruguay) vào ngày 26-12-1933. Theo đó, để một định chế được gọi là “nhà nước”, cần thỏa mãn bốn tiêu chí: có lãnh thổ cố định, có cư dân, có chính quyền và được các quốc gia khác công nhận trong quan hệ bang giao theo Luật Quốc tế.

Ba tiêu chí đầu tiên, IS đã thực hiện được ở một mức độ nhất định, nhưng khả năng là “Nhà nước” này không bao giờ thỏa mãn được tiêu chí cuối cùng. Dầu vậy, vượt qua khuôn khổ các tổ chức khủng bố thông thường, IS cũng có được những đặc tính của những nhà nước hiện đại, như nó có quân đội vài vạn người, có hệ thống y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội... ở mức sơ đẳng tại các vùng chiếm đóng.

Cho dù, hệ thống phúc lợi xã hội do IS thiết lập trong thực tế có rất nhiều bất cập và không được ngoạn mục như trong tuyên truyền của tổ chức này, nhưng không phải ngẫu nhiên mà một số chuyên gia cho rằng, nó đã gần tiệm cận mô hình một nhà nước. Tuy nhiên, về mặt thuế khóa, có thể phân biệt được ranh giới giữa một tập đoàn khủng bố, mafia, và một nhà nước, theo phân tích của giới chuyên môn.

Hiện tại, IS kiểm soát một diện tích rộng lớn gồm rất nhiều thành phố, đô thị lớn nhỏ, cùng các cộng đồng tôn giáo, giáo phái, các doanh nghiệp từ người bán hàng ngoài chợ tới những hãng đa quốc gia, mà IS “thu thuế” của họ ở nhiều mức độ khác nhau. Có điều, với nhiều giai tầng trong xã hội, khoản “thuế máu” này không khác gì tiền bảo kê, mà họ phải nộp để được an toàn cho tính mạng của mình.

Điều này đặc biệt đúng với những cư dân không theo Hồi giáo. Trong lịch sử, quân Hồi giáo đi đến đâu luôn bắt dân chúng theo các tôn giáo khác ở những vùng bị chiếm đóng phải cống nạp tiền bạc, đổi lại, họ không phải đầu quân, không bị giết và cũng không phải nộp “thuế” cho kẻ khác. Những gì IS thực hiện trong chính sách sư cao thuế nặng hiện tại cũng mang tính chất đó: dùng bạo lực để cướp bóc và cưỡng bức.
 
Chiêu bài “nhà nước” của IS có sức cuốn hút không ít người, cho dù những hành động của tổ chức này là hết sức tàn độc - Ảnh: Internet
Chiêu bài “nhà nước” của IS có sức cuốn hút không ít người, cho dù những hành động của tổ chức này là hết sức tàn độc - Ảnh: Internet

Dễ hiểu, với việc đổi những tên gọi cũ thành “Nhà nước Hồi giáo” cách đây hơn 1 năm, IS muốn tuyên bố mục tiêu của mình - thành lập một quốc gia Hồi giáo không biên giới - và tuyên truyền điều đó một cách có ý thức. Mỗi khi cái tên “Nhà nước Hồi giáo” xuất hiện trên truyền thông, ít nhiều nó khiến người nghe, người đọc nghĩ rằng, IS là một nhà nước hợp pháp với những lý tưởng có thể hấp dẫn đối với nhiều người.

Đó chính là lý do khiến tháng 7 năm nay, 120 nhà lập pháp ở Anh đã ký một đề xuất gửi lên BBC, đề nghị BBC trong các bản tin, phóng sự của mình đừng dùng cụm từ “Nhà nước Hồi giáo” vì tên gọi đó khiến tổ chức khủng bố này mang vẻ “chính danh”. Thay vào đó, có thể dùng cụm từ “Daesh”, là viết tắt theo các chữ cái đầu của IS theo tiếng Ả Rập (al-Dawla al-Islamiya al-Iraq al-Sham - Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Levant).

Đây chính là cách mà giới chính khách Pháp hay sử dụng: ngay sau cuộc khủng bố hôm 13-11, Tổng thống François Hollande đã gọi IS bằng cái tên đó, hay chính xác hơn là “Daech” theo “kiểu Pháp”. Trong thực tế, từ tháng 9 năm ngoái, chính phủ Pháp đã tuyên bố sự thay đổi có chủ ý này, và cho dù Hoa Kỳ vẫn chính thức dùng cách gọi ISIL, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng một số đồng sự đã chuyển theo cách mới.

Trở lại đề xuất của nhóm dân biểu Anh, BBC hồi đáp rằng mọi tổ chức đều có quyền tự đặt tên cho họ, và truyền thông phải gọi họ bằng cái tên đó, tuy nhiên để tránh mọi “nhầm lẫn”, BBC sẽ dùng thêm cụm từ “so-called” (cái gọi là). Từ đó, báo chí Anh thường gọi IS bằng cái tên “cái gọi là Nhà nước Hồi giáo”. (Báo chí Hungary, trong các bài phân tích, bình luận, cũng hay sử dụng cách gọi này ít nhất là một lần trong bài).

Cuối cùng, cần nhắc thêm một quan điểm của nhiều nhà phân tích và tổ chức Hồi giáo, theo đó IS không phải là “nhà nước” và cũng chẳng phải “Hồi giáo”, mà chỉ núp bóng Hồi giáo để thực hiện những mưu đồ và lợi ích chính trị của cá nhân họ. Cho dù, những gì diễn ra trong hơn 15 năm tồn tại của IS cho thấy sự tồn tại của IS có nguyên nhân sâu xa của nó, và không thể chỉ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề khủng bố IS.

Cũng không thể phủ nhận được rằng một số mục tiêu của IS có thể quyến rũ và thu hút nhiều thành viên thế hệ thứ hai, thứ ba thuộc cộng đồng Hồi giáo di dân tại các quốc gia Phương Tây, hoặc với chính một bộ phận người bản địa. Tuy nhiên, không gì biện minh được cho những phương pháp hoạt động và bành trướng dựa trên nền tảng bạo lực tàn ác và khủng bố của tổ chức này, điều mà thế giới cần lên án và bài trừ.

Tác giả bài viết: Trần Lê