Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU, NHỮNG GÓC KHUẤT THÚ VỊ (PHẦN 2)

Trong hai ngày cuối tuần qua, Liên hiệp Châu Âu – trong đó có các nước vùng Đông - Trung Âu – đã bỏ phiếu bầu các đại diện cho quốc gia mình tại Nghị viện Châu Âu. Thoạt đầu, chỉ nhìn tỷ lệ cử tri Đông Âu đi bầu, có thể nghĩ rằng cư dân các xứ này thụ động, không có ý thức chính trị.

Bầu cho ứng viên đảng cực hữu JOBBIK vào Nghị viện Châu Âu cũng là sự "trừng phạt" của cử tri Hungary với sự yếu kém trong điều hành và kinh tế của Chính phủ

Xem Phần 1 của bài viết.

Đơn cử, Slovakia tổ chức bầu cử vào thứ Bảy và vỏn vẹn chỉ chưa đầy 20% cử tri đi bỏ phiếu (mà tỷ lệ này còn cao hơn 5 năm trước chừng 3%). Cử tri Cộng hòa Czech đi bầu trong hai ngày và sau ngày đầu, chính giới nước này đã mừng rỡ khi có tới 30% cử tri đã bỏ phiếu. Còn tại Hungary, thời gian trôi qua được già nửa, mà cũng mới chỉ có hơn 19% cử tri (trên tổng số 8,8 triệu) “thực hiện quyền công dân”, xấp xỉ con số của 5 năm trước.

Không hiểu, không thích, không đi bầu

Theo những thông tin sơ bộ, các tỷ lệ kể trên còn thua xa tỷ lệ trung bình ước tính trên cả khối Liên hiệp Châu Âu (50%), cho thấy cử tri Đông Âu đã lựa chọn một cách thể hiện ý nguyện chính trị đặc biệt.

Bằng việc không đi bỏ phiếu, họ muốn tỏ thái độ “bất hợp tác” và sự bất bình trước sự yếu kém của các nội các, các đảng phái chính trị Đông Âu trong những năm qua. Cho dù đã “nằm lòng” những bài học về luật chơi dân chủ, nhưng sự thực là kể từ khi gia nhập EU, các chính phủ và chính đảng Đông Âu chưa thực sự nắm bắt được cơ hội và ý nghĩa của sự “tái hòa nhập” với Lục địa già.

Thay vì cùng nhau đồng thuận vì lợi ích đất nước, tại không ít quốc gia Đông Âu, các đảng phái chỉ chờ dịp để “đấu đá” nhau, khiến cư dân chán ngán, và những lực lượng cực đoan có cơ trỗi dậy.

Những khoản tiền nhận được từ EU đa phần bị tiêu xài phung phí, nền kinh tế không được phát triển và những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là đôi ba lý do khiến thời gian mới đây, nội các Hungary và Cộng hòa Czech đã bị phế truất. Một bộ phận đáng kể cư dân Đông Âu tỏ rõ thái độ “bất tín nhiệm” bằng cách ngồi nhà xem tivi, hoặc đưa con cái đi chơi cuối tuần, mà không màng đến việc bỏ phiếu cho bất cứ đảng phái nào.

Công bằng mà nói, trong số những người chủ trương “phản đối thụ động” như thế, cũng nhiều người thẳng thừng cho biết, họ không đi bầu vì không biết Nghị viện Châu Âu là cái gì, có gì hay ho với họ, và một dân biểu trong nước làm sao mà đại diện cho lợi ích của họ tại nơi xa xôi như thế.

Một điểm đáng để ý, là họ không giấu giếm sự thiếu hiểu biết của mình, trong khi, vào mùa tranh cử, ở tầm quốc gia và địa phương, không biết bao nhiêu hình thức vận động đã được ráo riết tung ra để người dân nắm bắt được thật nhiều về tầm quan trọng trên lý thuyết và cả trong thực tiễn của kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu.

Trong bối cảnh cử tri chìm ngập trong biển thông tin như thế, mà họ vẫn công nhiên “không thèm biết”, “không thèm hiểu”, thì cũng phải coi đây là một dạng của sự thể hiện quan điểm chính trị…

Giám sát gay gắt những người “bạn dân”

Nói vậy để thấy, trong thực tế, cư dân Đông Âu rất có ý thức chính trị và trong nhiều trường hợp liên quan tới đời sống nghị trường, ý thức chính trị ấy được thể hiện dưới dạng phê phán rất nghiêm khắc những “tồn tại” của chính giới, trong đó, có các dân biểu.

Theo dõi truyền thông Đông Âu, hầu như không mấy khi thấy cảnh người dân “khen” nghị sĩ. Ý thức được rằng, giới dân biểu sống và làm việc bằng tiền thuế do dân đóng để đại diện cho quyền lợi và ý nguyện của họ, nên đối với cư dân, việc các “ông nghị” làm tốt bổn phận của mình là… đương nhiên, “phần thưởng” lớn nhất của dân dành cho họ, là sẽ bầu tiếp họ trong nhiệm kỳ tới.

Ngược lại, nếu một nghị sĩ không “đến nơi đến chốn”, không đấu tranh đến cùng cho quyền lợi của dân (trước hết là ở tầm địa phương và hơn nữa là trong các vấn đề lớn hơn mang tầm quốc gia), dân biểu ấy khó tránh được sự phê phán, chê cười và cao hơn nữa là bãi nhiệm.

Và, đã làm dân biểu, là phải chấp nhận sự giám sát khắt khe và nhiều khi, gay gắt ấy từ phía cử tri. Đã thành “nếp”, nên cũng không mấy khi thấy có nghị sĩ Đông Âu nào “dám” kêu ca, kể cả trong trường hợp bị dân chúng phản ứng quá đà. Đó là sự sòng phẳng và rạch ròi về chức năng và trách nhiệm chính trị của đôi bên!

Đấy là chưa kể, một khi niềm tin của cử tri đặt vào Quốc hội và chính phủ bị suy giảm, người dân cảm thấy họ phải tự tay giải quyết những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, hoặc ảnh hưởng tới đời sống “thường thật”, “cơm áo gạo tiền” họ, thì họ lại có một “vũ khí” rất mạnh mẽ và hợp hiến, là đề xuất trưng cầu dân ý (TCDY).

Đây là hình thức dân chủ trực tiếp, khi “dân ý”, “dân nguyện” được thể hiện ở mức độ cao nhất trong một số vấn đề nhất định mà các cử tri không cần thông qua các đại diện của họ.

Trong trường hợp TCDY được tổ chức và có hiệu lực, quốc hội - vốn là cơ quan lập pháp -, buộc phải chuyển sang vai trò hành pháp và phải thực hiện “lòng dân” thể hiện qua kết quả TCDY. Hơn thế nữa, một số quốc gia Đông Âu còn qua định rằng trong vòng 3 năm, Quốc hội không được đưa ra những quyết định, đạo luật đi ngược lại với kết quả TCDY!

Gần đây nhất, vào đầu tháng 3 năm ngoái, thông qua một cuộc TCDY, cử tri Hungary đã buộc Chính phủ phải bỏ các khoản phí khám bệnh, điều trị và “hỗ trợ giáo dục”, cho dù đó là những yếu tố “cốt tử” trong chương trình “chấn hưng Hungary” của nội các nước này. Cho dù ngân sách quốc gia Hungary không có cách nào bù lại những khoản thu bị cử tri xóa bỏ, nhưng Chính phủ và Quốc hội Hung khi đó đã lập tức tuân thủ ý nguyện của người dân.

Ví dụ trên cho thấy: cử tri Đông Âu, khi bị đụng chạm đến thô bạo “miếng cơm manh áo” hàng ngày, sẽ phản ứng và khi đó, ngay cả những quyết sách có thể hợp lý về lâu dài, nhưng trái lòng dân (như các loại phí hỗ trợ y tế và giáo dục), cũng có thể thất bại!

Âu cũng là một bài học đắt giá cho giới lãnh đạo: mang đến cho dân những gì họ thực sự cần chưa đủ, mà còn phải làm sao để cho dân thấu hiểu và sẵn sàng đồng lòng với những quyết định của chính giới!

Vai trò bình đẳng

Để có thể thực hiện vai trò giám sát dân biểu, cử tri Đông Âu phải có được sự bình đẳng với những người mà họ ủy nhiệm.

Sự bình đẳng ấy, ở một mức độ nào đó, thể hiện ở nhiều yếu tố.

Cử tri có quyền trực tiếp phản ánh những vấn đề của họ, hoặc chất vấn nghị sĩ ở khu vực mà họ sinh sống, ngay tại văn phòng của giới dân biểu, trong giờ hành chính được quy định. Họ có thể làm điều này một cách không hạn chế, chỉ cần đăng ký, mà không cần thông qua bất cứ “đại diện” trung gian nào khác.

Cử tri có thể góp ý kiến, kiện cáo, khiếu nại trực tiếp lên Quốc hội, thông qua Văn phòng Dân sự, được thiết lập với mục đích duy trì quan hệ giữa Quốc hội và các tổ chức dân sự và các công dân, và để sự trao đổi thông tin đừng mang tính một chiều - từ Quốc hội xuống người dân.

Cử tri có điều kiện vào thăm nơi làm việc chính yếu của các dân biểu – các tòa nhà Quốc hội, mà trong trường hợp các quốc gia Đông Âu, đồng thời cũng là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc lừng danh.

Hơn nữa, họ còn có thể hiện diện tại các phiên họp “mở” của Quốc hội trên tư cách “quan sát viên”, với một điều kiện duy nhất là cần đăng ký trước, và không được “thể hiện tình cảm” bằng cách gây rối, mất trật tự tại phiên họp. (Nguyên tắc căn bản của các Quốc hội Đông Âu là hoàn toàn công khai: chỉ có thể tổ chức phiên họp “kín” với những điều kiện hết sức ngặt nghèo do Hiến pháp quy định - ở Hungary, trong vòng 16 năm, chỉ có 3 trường hợp Quốc hội họp “kín”).

 

Nhà Quốc hội Hungary, lớn thứ nhì thế giới (sau tòa nhà Quốc hội Trung Quốc), một công trình kiến trúc lừng danh thu hút du khách

Trong nhiều dịp, chính các dân biểu – trước buổi họp – đã đóng vai trò tour guide dẫn cử tri đi tham quan Nhà Quốc hội và sau đó, đưa họ tới “dự thính” phiên họp.

Tuy nhiên, thế mạnh đặc biệt của cử tri Đông Âu là quyền tiếp cận thông tin rất rộng rãi của họ, trước hết, là những thông tin liên quan đến hoạt động của Quốc hội.

Mọi số liệu của giới dân biểu, kể cả các dữ liệu cá nhân (tiểu sử, thân thế sự nghiệp, gia đình, địa chỉ, các chức vụ, đảng phái, thu nhập và tờ khai gia sản…) đều được công khai hóa.

Tất cả tư liệu, văn bản của các phiên họp Quốc hội (toàn thể và ủy ban), các quyết định và đạo luật, các phát biểu và đề xuất của giới nghị sĩ trong Quốc hội, v.v… đều được đăng tải kịp thời và công khai trên mạng Internet (một số nước công bố ngay trên website của Quốc hội). Giới truyền thông được đảm bảo sự hiện diện không hạn chế tại các phiên họp toàn thể và của các ủy ban Quốc hội, nhằm mục đích đưa thông tin nhanh nhạy nhất cho người dân.

Các quốc hội Đông Âu còn thiết lập những “đường dây nóng” (điện thoại và điện thư) để trả lời mọi câu hỏi của cử tri về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các dân biểu. Tại nhiều nước, Thư viện Quốc hội là nguồn thông tin quý giá đối với giới học sinh và giới nghiên cứu muốn tìm hiểu một cách có hệ thống về Quốc hội và những vấn đề chính trị có liên quan.

Vì những lý do nêu trên, sẽ không quá lời khi khẳng định rằng, nếu muốn và có ý thức tìm hiểu, cử tri Đông Âu bình đẳng với những người mà họ ủy nhiệm, trên góc độ tiếp cận những thông tin có tầm ảnh hướng lớn lao đến xã hội và đất nước.

Chính yếu tố đó, cộng với dân trí trung bình tương đối cao, truyền thống dân chủ khá phát triển của các xã hội Đông Âu, đã khiến giới nghị sĩ luôn phải nỗ lực để khỏi bị “tụt hậu” trước cử tri, và không thể “họ Hứa” hoài, mà không đáp ứng đòi hỏi của cư dân.

*

Như thế, cho dù còn xa mới đến độ hoàn hảo, nhưng trong hai chục năm qua, ít nhiều đã hình thành và trở nên bền vững một mối quan hệ mang tính giám sát, đối trọng trên cơ sở đồng thuận, giữa giới dân biểu và cử tri Đông Âu.

Yếu tố này đã đóng vai trò đáng kể trong sự phát triển lành mạnh của xã hội công dân, cởi mở, và khiến những “nền dân chủ mới” trong vùng Đông - Trung Âu có được vị thế đáng chú ý, nhiều lúc đáng nể, trong lòng Lục địa già châu Âu.

(*) Bài viết đã đăng tại chuyên san "Tuần Việt Nam" của mạng tin "VietNamNet".

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh