Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MƯỜI THẮC MẮC VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG DI DÂN (Phần 1)

(NCTG) “Những người tỵ nạn chia sẻ với chúng tôi rằng, họ biết là quãng đường mà họ phải vượt qua sẽ khó khăn và nguy hiểm, nhưng với họ, đó là con đường duy nhất có thể mang lại một tương lai an toàn cho bản thân và gia đình họ”.
Thân phận người tỵ nạn - Ảnh: nyugat.hu
Lời Tòa soạn: Người tỵ nạn cướp công ăn việc làm của dân bản xứ, phá hủy nền văn hóa Châu Âu, gây bất ổn trật tự an toàn xã hội, lười biếng chỉ thích ăn bám, v.v... là những lý do mà rất nhiều người thường nêu ra để phản đối, thậm chí kỳ thị người tỵ nạn Trung Đông thời gian gần đây.

Để giải đáp những thắc mắc, mà đa phần có màu sắc định kiến liên quan tới làn sóng tỵ nạn Trung Đông hiện tại, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International - AI) phân bộ tại Cộng hòa Czech đã có bài viết rất bổ ích sau đây, mà để tiện theo dõi, NCTG xin đăng tải trong hai kỳ.

Bản Việt ngữ do Ngô Thúy Vân dịch từ nguyên bản tiếng Czech. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)

 
Trên con đường tìm tương lai an toàn... - Ảnh: nyugat.hu
Trên con đường tìm tương lai an toàn... - Ảnh: nyugat.hu
 
1. Tại sao bây giờ lại có từng đó người muốn đến Châu Âu?

Bởi lẽ, hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Theo số liệu của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), đang có tới 59,5 triệu người đang trong tình trạng bắt buộc phải rời bỏ quê hương. Đông nhất là người tỵ nạn từ Syria, là nơi cuộc nội chiến tàn bạo đang diễn ra năm thứ năm.

Rất nhiều người đến thời điểm hiện tại vẫn đang chờ đợi trong hy vọng tại các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng và hy vọng rằng, tình hình sẽ tốt lên và họ lại có thể trở về nhà. Nhưng họ không nhìn thấy bất cứ sự thay đổi nào và việc ở lại các trại tỵ nạn không mang lại gì cho tương lai của họ cũng như con em họ. Vì vậy mà những người có điều kiện hơn đã chọn cách chạy trốn.

Điều cuối cùng là, làn sóng tỵ nạn ngày càng mạnh do sự leo thang của các xung đột bạo lực đang diễn ra trên thế giới và do tác động của các nhóm khủng bố (Nhà nước Hồi giáo, Boko Haram...). Tại nhiều nước, tình hình ngày càng xấu đi, dẫn đến gây mất niềm tin vào sự thay đổi của chế độ và tình hình nói chung. Chính tình hình này tạo thuận lợi cho các nhóm khủng bố (ví dụ ở Somalia, Afghanistan).

Những người tỵ nạn chia sẻ với chúng tôi rằng, họ biết là quãng đường mà họ phải vượt qua sẽ khó khăn và nguy hiểm, nhưng với họ, đó là con đường duy nhất có thể mang lại một tương lai an toàn cho bản thân và gia đình họ.

2. Chẳng phải Châu Âu đã quá tải rồi sao?

Theo các số liệu của UNHCR, số lượng người đệ đơn xin tỵ nạn trong năm 2014 nhiều hơn 47% so với năm 2013. Năm nay (tính cho đến tháng 10-2015) có hơn 600.000 người đến châu Âu. Mặc dầu đó là những con số không hề nhỏ, nhưng nửa triệu người đối với Châu Âu không phải là giới hạn cuối cùng.

Đây là một tình huống cực kỳ đặc biệt và thông thường thì những người tỵ nạn ở lại các nước xảy ra xung đột chiếm số lượng đông nhất. 95% người tỵ nạn Syria nằm lại Lebanon (một đất nước 4 triệu dân đã tiếp nhận 1.078.338 người tỵ nạn Syria), Thổ Nhĩ Kỳ 1.938.999, Jordan 628.185, Iraq 248.352.

Vấn đề lớn của Châu Âu là việc “phân chia gánh nặng” không đồng đều giữa các nước thành viên. Trong khi có hàng nghìn người tỵ nạn mỗi ngày chạy đến các nước như Ý, Hy Lạp, Hungary hay Đức, thì số lượng người đến các nước như Czech, Slovakia, hay các nước Baltic mỗi ngày chỉ là con số tối thiểu.

Tại Czech, tính đến tháng 8-2015 chỉ có 990 người xin bảo trợ quốc tế, trong số đó có 69 người Syria, theo con số của Bộ Nội vụ nước này.

86% người tỵ nạn trên thế giới đến từ các nước đang phát triển, là những nơi nghèo hơn các nước Châu Âu rất nhiều. Ví dụ, trại Dadaab là trại tỵ nạn lớn nhất thế giới, nằm tại Kenya và đã đón hơn nửa triệu người tỵ nạn.

Liên hiệp Châu Âu đang cố gắng cân bằng tình hình trên bằng cách phân bổ hạn ngạch (quota). Theo đó, sẽ phân chia 160.000 người xin bảo hộ quốc tế từ Ý và Hy Lạp. Tình hình hiện nay cần được giải quyết một cách toàn diện và cần cố gắng, để người dân không phải chạy trốn khỏi đất nước của mình.

Đã hàng chục năm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế luôn lưu ý tới các vi phạm nhân quyền tại các nước khác nhau và đấu tranh cho việc cải thiện nhân quyền, ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền và phản đối việc bán vũ khí một cách vô trách nhiệm tới các nước dùng cho mục đích chống lại dân thường.

3. Họ là người tỵ nạn hay di dân theo diện kinh tế?

Theo các nghiên cứu của chúng tôi, 50-60% người đến Châu Âu là những người cần sự bảo trợ quốc tế. Theo UNHCR, ba nước là Syria, Iraq và Afghanistan là những nơi thường xuyên nhất có người chạy trốn đến Châu Âu. Nhìn vào tình hình tại các nước này, người dân thường chạy trốn vì những lý do nghiêm trọng hơn là các lý do kinh tế.

Theo các số liệu từ thông báo quý gần đây nhất (quý 2, năm 2015) của tổ chức FRONTEX (cơ quan bảo vệ biên giới Châu Âu), người Syria chiếm 32% (52.923), người Afghanistan chiếm 18% (31.022) và người Iraq chiếm 3,1% (5.321) số lượng người đến Châu Âu.

Để xác định xem có quyền được bảo hộ quốc tế hay không, mỗi người xin tỵ nạn đều phải trải qua quá trình xét duyệt trong khi chờ đợi. Rất tiếc là gần như không tồn tại bất kỳ một con đường hợp pháp hoặc an toàn nào tới Châu Âu, vì vậy, người dân phải sử dụng dịch vụ kém an toàn của những kẻ buôn người và phải chấp nhận rủi ro, là họ có thể chết trên đường tỵ nạn.

Quyền xin bảo hộ quốc tế của những người tỵ nạn được bảo đảm bằng các công ước quốc tế, nhưng họ chỉ có thể đệ đơn xin tỵ nạn trên lãnh thổ Châu Âu mà thôi.

4. Tại sao phần lớn người tỵ nạn là đàn ông?

Theo thống kê của UNHCR, trong số những người tỵ nạn đến Châu Âu, có 18% là phụ nữ và 13% trẻ em, phần còn lại là đàn ông.

Có nhiều nguyên nhân - đàn ông khỏe mạnh hơn và có cơ hội sống sót nhiều hơn. Thường thì họ muốn chuẩn bị cho các phương án an toàn hơn cho gia đình mình (con đường di cư an toàn và hợp pháp nhờ việc đoàn tụ gia đình và các phương án tương tự), thêm vào đó, giá tiền phải trả cho bọn buôn người rất cao và thường thì mỗi gia đình chỉ có thể “cử” một người “lên đường”.

Vì vậy, hoàn toàn hợp lý khi họ chọn người khỏe mạnh hơn để có thể tỵ nạn thành công và giúp đỡ gia đình từ xa; bạo lực và hiếp dâm là việc rất bình thường đối với những kẻ buôn lậu, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp trên đường tỵ nạn, vì vậy đối với phụ nữ đó là một rủi ro lớn. Ngoài ra, phải kể đến lý do hàng loạt đàn ông chạy trốn để không phải tham gia cuộc chiến góp phần cho bạo lực và giết chóc.

5. Những người đặt chân đến Châu Âu toàn là khủng bố?

Không thể loại trừ khả năng là một số phần tử khủng bố có thể đột nhập vào Châu Âu, nhưng rất ít khả năng là bọn chúng sẽ liều mình với một hành trình nguy hiểm mà người tỵ nạn nào cũng phải trải qua và sau đó có khả năng bị phát hiện trong quá trình xét duyệt tỵ nạn.

Những người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thường là nạn nhân trực tiếp của các nhóm khủng bố và vì vậy họ phải chạy trốn. Họ nói rằng, họ muốn sống trong sự an toàn và hòa bình nên họ đã lên đường đến Châu Âu.

6. Tại sao những nước vùng vịnh Ba Tư (Vịnh Ả Rập) không nhận người tỵ nạn?

Ân xá Quốc tế đang nỗ lực thuyết phục các tổ chức khác để các nước vùng vịnh Ba Tư tiếp nhận người tỵ nạn. Hiện tại, để đến được phần lớn các nước này, người dân Syria bắt buộc phải có thị thực, nhưng thị thực thì họ không được cấp.

Những nước này cũng không chấp nhận Công ước Liên Hiệp Quốc về vị thế của người tỵ nạn (năm 1951) - Công ước định nghĩa ai là người tỵ nạn và định rõ, cần phải chăm sóc và hỗ trợ người tỵ nạn ở mức nào, cũng như nghĩa vụ của người tỵ nạn đối với nước chủ nhà - do đó họ không công nhận người tỵ nạn một cách chính thức.

Vì vậy mà những người tỵ nạn ở các quốc gia như Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hay Bahrain không có quyền được bảo hộ quốc tế và không được đảm bảo những quyền cơ bản.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, rất nhiều những nước trong số này góp một phần tài chính không nhỏ vào việc giúp đỡ những người tỵ nạn (xem thêm chi tiết tại đây).

Saudi Arabia cho biết, từ năm 2011 đến nay, quốc gia này đã nhận khoảng 2,5 triệu người Syria, là những người không được họ công nhận là dân tỵ nạn, nhưng lại được cấp phép cư trú.

Cũng cần nói rằng, người tỵ nạn Syria thường rất sợ các chế độ phi dân chủ đang thống trị tại các nước này.

Trái ngược với điều này, các nước láng giềng với Syria đã nhận 95% người tỵ nạn Syria (xem thêm câu hỏi số 2). Hiện tại, 86% người tỵ nạn trên thế giới được tiếp nhận bởi các nước đang phát triển - Chỉ một phần nhỏ trong số họ chạy trốn đến châu Âu. Ví dụ 95% người tỵ nạn Syria được các nước láng giềng (Jordan, Lebanon, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ) đón tiếp, chỉ 2% số người tỵ nạn đến được Châu Âu.

Xem tiếp Phần 2.

Tác giả bài viết: Ngô Thúy Vân chuyển ngữ, từ Praha (Cộng hòa Czech)