Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÙA THU CHÂU ÂU 2017 CÓ GÌ LẠ?

(NCTG) Pháp và Đức dường như đang mạnh mẽ dẫn dắt đoàn tầu EU tiến lên cùng lúc với nhiều tốc độ. Để thành tựu, vị thế của Nghị viện Châu Âu trên vai trò như một cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới là điều hiển nhiên. Chuyến thăm của Tổng thống Macron tại Hy Lạp và cuộc vận động tranh cử của Thủ tướng Markel đang làm tăng thêm bầu không khí lạc quan đối với sự thống nhất Châu Âu. Cảm nhận và bình luận của TS. Đinh Hoàng Thắng từ Paris, Berlin và Brussels.
Tác giả đứng trước cây cầu Bösebrücke tại cửa khẩu Bornholmer Straße chia cắt nước Đức một thời, nơi tường thành Berlin được mở đầu tiên. Phía trên là những poster tranh cử của bà Angela Merkel, và của đảng cực hữu AfD - Ảnh tư liệu
Mùa Thu “không thầm lặng” 2017 này mang đến một số điều lạ lẫm. Thoạt đầu, cuộc “phượt” của chúng tôi tới các nước Châu Âu sau Hội thảo Hè ở Budapest đầu tháng 9 vừa qua đã điều chỉnh một số suy tư của người viết bài này theo những cung bậc khác trước. Rồi đến các cuộc tái ngộ với những bạn bè cả cũ lẫn mới vào dịp này cũng để lại những “dấu ấn không - thời gian” thật đặc biệt. Và dù đã qua nhiều năm nghiên cứu Châu Âu, cả chuyến “phượt” lẫn cuộc tái ngộ vừa qua vẫn là cơ hội tuyệt vời để người viết nhận thức lại một số vấn đề thời sự của “Lục địa già” này.

Ghi nhận dưới đây bị ngắt quãng, vì trên 5.000 cây số đường cao tốc (high way) xuyên Âu, có quá nhiều trạm dừng chân. Tuy nhiên, chủ đề bao trùm được bàn thảo trong toàn bộ chuyến đi vẫn liên tục. Đó chính là các giá trị trường tồn của một Châu Âu đang trải qua một thời đại bấn loạn, nếu ta chỉ nhìn bề mặt.

Tinh thần Châu Âu - Sức mạnh tái thiết

Ngày “phượt” thứ hai, rơi vào đúng hôm 8-9, khi chúng tôi đến “Kinh thành Ánh sáng” thì Tổng thống Pháp “vắng nhà”. Emmanuel Macron đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước ở Hy Lạp để công bố “Tầm nhìn về tương lai EU”. Tất nhiên ông cũng không quên thảo luận cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp. Đây chính là thời điểm dễ gây ra những rạn nứt, thời điểm khiến Hy Lạp dễ rơi vào mối hoài nghi, liệu họ sẽ thuộc về EU hay vẫn đơn độc.

Triết lý căn bản của Tổng thống Macron là EU cần được xây dựng lại theo hướng mở rộng dân chủ trong khối. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức cũng đã đề xuất biến đổi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM, tức là quỹ giải cứu Eurozone) thành một dạng EMF với nhiều quyền lực hơn để hỗ trợ các nước thành viên dễ bị tổn thương.

Phát biểu tại Athens, ông Macron tuyên bố ủng hộ ý tưởng của CHLB Đức về thành lập Quỹ Tiền tệ Châu Âu (EMF). Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng mục đích cuối cùng phải xây dựng một ngân sách riêng cho khu vực đồng tiền Euro. Ông Macron cũng cho rằng cần có một Bộ trưởng Tài chính Eurozone và Nghị viện Eurozone để đối phó hiệu quả với các “cú sốc” kinh tế và đương đầu tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tổng thống Hy Lạp Pavlopoulos cho biết Athènes ủng hộ các đề xuất của Pháp về một Eurozone gắn kết hơn.
 
Liên minh Pháp - Đức có thể đem lại sự thống nhất và ổn định cho Liên Âu?
Liên minh Pháp - Đức có thể đem lại sự thống nhất và ổn định cho Liên Âu?

Truyền thông quốc tế theo dõi sát sao chuyến công du của ông Emmanuel Macron đã không bỏ qua cử chỉ gây thiện cảm với nước chủ nhà trong chuyến thăm đầu tiên của ông Macron tại nguồn mạch văn minh Châu Âu khi ông tôn vinh sự đóng góp của Hy Lạp, cái nôi của dân chủ, vào lịch sử toàn khu vực.

Trong hai ngày lưu lại ở Athens, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước trong khu vực hãy hợp lực để cùng nhau tìm lại nguồn năng lượng nguyên thủy, sức mạnh tái thiết Châu Âu. Theo Macron, đó là một Châu Âu được tái lập dựa trên mục tiêu ưu tiên hàng đầu là tìm lại được chủ quyền tối cao, một Châu Âu mạnh mẽ, bảo vệ được các thành viên và trong đó nền dân chủ là thuộc về nhân dân. Đó chính là một Châu Âu mà Tổng thống Pháp muốn khởi xướng và trình bày kế hoạch triển khai trong những tuần tới, tháng tới tại một số nơi khác nữa.

Một lộ trình kéo dài 10 năm, theo đó mỗi nước sẽ tổ chức các hội nghị dân chủ, thay vì thương lượng lại hiệp ước một cách vụng trộm. Ông Emmanuel Macron đề ra một phương pháp mới, gợi lên trong mỗi người cái hồn Châu Âu. Tổng thống Pháp kêu gọi: “Hỡi các công dân Châu Âu, hãy nói cho tôi biết liệu phép mầu của quả đồi này, của các cây cột từ Đền Parthenon, có làm gợi lại cho quí vị rằng có một điều gì đó được sinh ra tại nơi này, từng liên quan tới quý vị hay không. Có chứ! Thành Acropolis chính là một tấm gương phản chiếu bản sắc Châu Âu trong mỗi chúng ta”.

Cặp bài trùng Đức - Pháp 

Chúng tôi đến Berlin vào ngày “phượt” tiếp theo trong không khí chính trị sôi động của cuộc tranh cử đang diễn ra ở đây. Theo truyền thông Đức, Thủ tướng nước này, đồng thời là người đứng đầu Liên minh Dân chủ - Thiên Chúa giáo và Liên minh Xã hội - Thiên Chúa giáo (CDU/CSU), bà Angela Merkel chỉ trong một tuần đã bị ném cà chua trong các sự kiện trước bầu cử tại các thành phố khác nhau.

Theo tin tức từ hãng DPA của Đức, trong khuôn khổ chuyến thăm Mecklenburg-Western Pomerania cuối tuần trước để gặp gỡ với các điểm bầu cử, chiếc xe chở Thủ tướng đã bị ném cà chua. Những người biểu tình thuộc đảng “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) liên tục hô hào: “Hãy cút đi, cút đi”. Tại thành phố Heidelberg trước đó nữa, khi bà Merkel phát biểu rằng, “đa số dân tỵ nạn đến Châu Âu trong tình cảnh khốn khổ”, thì một người không rõ danh tính đã ném vào chiếc áo đỏ của bà Merkel hai quả cà chua. Những người có mặt tại đó cho biết: “Vẫn giữ bình tĩnh, với nụ cười trên môi, bà Merkel rút khăn lau vết cà chua”.
 
Quan điểm nhân đạo của Thủ tướng Angela Merkel với người tỵ nạn là một trong những nguyên nhân khiến uy tín của bà sụt giảm
Quan điểm nhân đạo của Thủ tướng Angela Merkel với người tỵ nạn là một trong những nguyên nhân khiến uy tín của bà sụt giảm

Mặc dầu như thế, theo các kết quả thăm dò mới nhất do Viện Nghiên cứu Forsa và Deutschlandtrend vừa công bố, có tới hai phần ba số cử tri tin tưởng vào chiến thắng của Thủ tướng Merkel trong khi chỉ có 17% số cử tri cho rằng ông Schulz giành được lợi thế trước đối thủ. Và đặc biệt ngay cả những cử tri ủng hộ các đảng tham gia tranh cử cũng đều phải thừa nhận rằng bà Merkel cùng liên đảng CDU/CSU đang có nhiều lợi thế khi cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội Liên bang Đức đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trước đó, kết quả thăm dò do Tổ chức Research Group Elections tiến hành, cho thấy, CDU/CSU vẫn nhận được 39% số phiếu ủng hộ, bỏ xa Dân chủ - Xã hội (SPD) khi đảng này chỉ nhận được 22% tỷ lệ ủng hộ. Cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng Thủ tướng Merkel hiện vẫn tiếp tục dẫn đầu so với các ứng cử viên tham gia tranh cử. Trong khi đó, ông Schulz đã tụt xuống vị trí thứ 7, sau cả Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble của đảng CDU và Ngoại trưởng Sigmar Gabrien của đảng SPD.

Một nửa số cử tri được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu bầu trực tiếp cho bà Merkel nếu được phép, trong chỉ chỉ có một phần tư cử tri trả lời sẽ bỏ phiếu cho ông Schulz, lãnh đạo SPD. Tuy nhiên, theo hệ thống bầu cử phức tạp của Đức, cử tri bỏ phiếu bầu cho các đảng chứ không bầu trực tiếp thủ tướng. Người giữ chức thủ tướng thường là ứng cử viên hàng đầu của đảng giành được nhiều phiếu nhất và phải được sự phê chuẩn của Quốc hội Liên bang thông qua một cuộc bỏ phiếu kín.

Trong vận động tranh cử trước đây, Tổng thống Pháp Macron từng cổ súy cho phát triển EU mạnh mẽ hơn nữa và ngăn ngừa thành viên khác ly khai EU như Anh (Brexit). Cũng không có gì khó hiểu trước khi tới Hy Lạp, Macron đã chọn Đức là điểm đến đầu tiên. Ông thừa biết rằng muốn thúc đẩy EU phát triển thì không thể thiếu được vai trò đầu tàu của Đức và nếu muốn gây dựng ảnh hưởng của Pháp trong quá trình này thì phải liên thủ được với Đức.

Cơ hội và điều kiện hiện tại càng thuận lợi sau khi Anh quyết định chọn Brexit và Mỹ có chính phủ mới với nhiều chính sách gây bất an. Trước đây, Đức và Pháp đã từng có thời gian dài là cặp bài trùng quyền lực trong EU, cùng nhau tạo thành Trục Đức - Pháp. Bây giờ, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Merkel tuy không tuyên bố công khai nhưng trong thực chất đều chủ định làm mới lại cặp bài trùng này, tái kiến tạo Trục Berlin - Paris thành đầu tàu và động lực cho cả đoàn tầu EU.

Luật pháp và minh bạch

Nhớ lại buổi “phượt” trước khi qua Đức, chúng tôi tới Brussels lúc nắng chiều chạng vạng. Những cầu vồng bảy sắc liên tục xuất hiện sau cơn mưa như muốn chuyển lời chào thân thiết và thông điệp đặc biệt tới các lữ khách ghé qua Nghị viện Châu Âu (Europarl hay EP). “Thủ đô toàn Châu Âu” vừa ra khỏi một cơn dông dữ dội. Ở Bỉ, hơn 300 ngày trong năm thì có tới 200 ngày mưa. “Bỉ là một nước mà đến cơn mưa cũng mang tính đặc thù hết sức điển hình”, một ví von mang tính ẩn dụ về xứ này quảng bá như vậy.
 
Trước tòa nhà Nghị viện Châu Âu tại Brussles, Bỉ, một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới - Ảnh tư liệu
Trước tòa nhà Nghị viện Châu Âu tại Brussles, Bỉ, một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới - Ảnh tư liệu

Và có lẽ điển hình nhất là không khí lễ hội đa sắc tộc do đội nhạc kèn đồng của Hoàng gia trình diễn ngay tại Quảng trường Lớn vào buổi tối chúng tôi có mặt. Thăm Nghị viện Châu Âu, chúng tôi mới hình dung được tại sao EP, cùng với Hội đồng Liên minh Châu Âu (The Council), lại tạo thành lưỡng viện cơ quan lập pháp của các thể chế của Liên minh và được mô tả là một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Nghị viện Châu Âu gồm 750 nghị sĩ cấu thành khu bầu cử dân chủ lớn thứ hai (sau Ấn Độ) và là khu bầu cử dân chủ xuyên quốc gia lớn nhất thế giới (492 triệu người).

Cho đến nay, Mỹ vẫn cần một EU “mạnh mẽ và đoàn kết” trên tất cả các vấn đề có thể. Sự ổn định toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cũng chỉ ra rằng cả Mỹ lẫn Châu Âu cần thực hiện những gì đã cam kết, đồng thời nhấn mạnh rằng thế giới sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ nếu Châu Âu bị phân rã.

Trên tinh thần này, NATO vừa bày tỏ sự lo ngại trước cuộc tập trận giữa Nga và Belarus, ngay sát biên giới phía đông bắc EU. Cuộc tập trận Zapad-2017 của Nga và Belarus sẽ diễn ra từ 14 đến 20-9, với sự tham gia của khoảng 13.000 binh sĩ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, cuộc tập trận này tuy không đe dọa trực tiếp đến NATO, nhưng vẫn tố cáo Nga “thiếu minh bạch” trong hoạt động này. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, việc Nga chỉ mời có ba quan sát viên NATO trong các ngày tập trận là không đủ, theo đánh giá của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
 
*

Vâng, khi đưa chúng tôi đến thăm tòa nhà Nghị viện Châu Âu tại trung tâm “Khu EU” ở thủ đô Brussels (Bỉ), các bạn Hungary đi cùng chúng tôi rất đỗi tự hào, vì Thủ tướng đầu tiên của họ sau chuyển đổi chế độ, ông Antall József đã được sánh vai cùng với Thủ tướng Willy Brandt, như các chính khách hàng đầu của Châu Âu đã có công trong công cuộc thiết kế “ngôi nhà chung” có 28 thành viên ngày nay.

Dù ở Pháp, Đức hay Bỉ, chúng tôi đều cảm nhận được điều mà cố Thủ tướng Helmut Kohl, cha đẻ của nước Đức thống nhất, từng đánh giá cao tầm nhìn của một số chính khách Hungary về tầm quan trọng của mối quan hệ bền vững giữa Hungary với EU. Qua chuyến thăm một loạt nước trong khu vực, nhận thức này càng được củng cố, dù chính quyền hiện tại của Hungary vẫn tỏ hoài nghi về sự lựa chọn Châu Âu ngay trong những ngày mùa Thu sôi động này.

Tác giả bài viết: TS. Đinh Hoàng Thắng, từ Paris, Berlin và Brussels