Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÓ NÊN DÙNG ASPIRIN ĐỂ CHỐNG ĐÔNG MÁU DO VACCINE GÂY RA?

(NCTG) Những tuần gần đây, lượng Aspirin tiêu thụ tại các hiệu thuốc tăng vọt vì nhiều người nghĩ rằng loại thuốc này có thể giúp ngăn ngừa chứng huyết khối, vốn rộ lên khi vaccine AstraZeneca bị đưa vào tầm ngắm, và theo kết quả gần đây nhất, bị coi là có thể gây nên tác dụng phụ này, cho dù rất hiếm gặp. Mạng telex.hu có bài phân tích về hiện tượng này.
Vaccine AstraZeneca đang bị “tẩy chay” vì nỗi sợ cục máu đông - Ảnh: magyarnarancs.hu
Tại sao nhiều người dùng Aspirin cho vaccine của AstraZeneca? Tại sao Aspirin rốt cục lại không hiệu quả trong trường hợp này? Có thể làm gì để ngăn ngừa huyết khối, hiện tượng thật ra rất hiếm gặp sau khi tiêm chủng? Và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dùng Aspirin như một loại thuốc giảm đau để tránh bị sốt do tiêm chủng? Chúng ta thực chất có nên sợ vaccine AstraZeneca không? Đó là những câu hỏi mà telex.hu đặt ra trong bài báo.

Có thể nói, ngày càng có sự đối lập gay gắt giữa hai phe: một bên cho rằng có thể dùng Aspirin sau khi được tiêm chủng và một bên chủ trương không dùng. Aspirin được biết là có tác dụng giúp ngăn ngừa đông máu, và vaccine AstraZeneca gần đây đã được chứng tỏ là làm tăng nguy cơ đông máu, vì vậy, thoạt đầu, sử dụng Aspirin có thể là điều có ý nghĩa, và do đó, nhiều bác sĩ Hungary cũng thiên về tư vấn bệnh nhân nên dùng loại thuốc này.

Thứ Tư vừa rồi, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) sau một thời gian xem xét cũng đã thông báo rằng thực sự có thể có mối liên quan giữa vaccine AstraZeneca và các trường hợp đông máu tiểu cầu, và đây cũng nên được báo cáo là một tác dụng phụ của loại thuốc chích ngừa này. Tuy nhiên, EMA và các cơ quan dược phẩm khác cũng nói rằng đây là một hiện tượng rất hiếm gặp và lợi ích của vaccine vẫn vượt xa nguy cơ của nó.

Làn sóng hoài nghi vaccine AstraZeneca

Những thông tin được đưa hàng loạt trên báo chí về vài chục ca tai biến - liên quan tới đông máu - sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca (trên tổng số hơn 34 triệu liều đã được sử dụng tại Vương quốc Anh và các quốc gia thuộc đã khiến người dân ngày càng mất lòng tin vào loại vaccine này. Ở Romania, 28% đăng ký tiêm AstraZeneca đã hủy bỏ và việc sử dụng vaccine cũng bị tạm thời đình chỉ hoặc hạn chế ở một số quốc gia Châu Âu. 

Mặt khác, mối quan tâm đến Aspirin đã tăng lên, vì nhiều người cho rằng loại thuốc này sẽ bù đắp những rủi ro liên quan đến vaccine. Các đồng nghiệp và độc giả của mạng telex.hu cho hay, nhiều bác sĩ cả trong và ngoài nước Hung cũng khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng Aspirin sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây không nhất thiết là lời khuyên tốt vì tác dụng có thể của Aspirin chưa được chứng minh.

Trong khi đó, thậm chí Aspirin còn có thể gây tác dụng phụ trong trường hợp này. Đại diện nổi bật của quan điểm đó là PGS., dược sĩ Szabolcs Dobson, một chuyên gia về cấp phép dược phẩm, gần đây đã phát biểu tại Kênh ATV về việc tại sao theo ông, không nên sử dụng Aspirin với mong muốn tránh rủi ro đông máu được xem là tác dụng phụ của vaccine. Nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ góc nhìn này khi trả lời phỏng vấn telex.hu.

Không có tác dụng bảo vệ

Sự hình thành các cục máu đông có thể dẫn đến huyết khối. Có hai nhóm chính trong số này, huyết khối tĩnh mạch (có thể hình thành do đông máu) và huyết khối động mạch (do sự kết tập của các tiểu cầu). Như đã biết, thuốc Aspirin - hoặc thành phần hoạt tính của nó, axit acetylsalicylic - ngăn cản sự đông máu của tiểu cầu, và do đó có hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số loại huyết khối động mạch.
 
Aspirin đang là hàng hiếm ở nhiều hiệu thuốc tại Hungary - Ảnh: Eckehard Schulz (MTI)
Aspirin đang là hàng hiếm ở nhiều hiệu thuốc tại Hungary - Ảnh: Eckehard Schulz (MTI)

Tuy nhiên, thuốc hoàn toàn không thể ngăn ngừa cục máu đông tĩnh mạch và liên quan đến vaccine AstraZeneca, nguy cơ huyết khối nói chung chưa được xác định, mà tập trung với một số loại huyết khối tĩnh mạch, và do đó Aspirin không được coi là hiệu nghiệm để giảm nguy cơ, theo quan điểm của nhà sinh hóa Sarkadi Balázs với telex.hu. Và đây cũng là ý kiến của TS. Blaskó György, một nhà dược học lâm sàng và chuyên gia về đông máu.

Tôi không thấy Aspirin có nhiều ý nghĩa vì nó chủ yếu ức chế sự kết tụ tiểu cầu chứ không phải quá trình đông máu. Và tất nhiên, điều này cũng có thể có nhiều tác dụng phụ”, vị giáo sư khẳng định với mạng telex.hu. Như đã biết, cho tới gần đây nhất, các cuộc kiểm tra cho thấy trong hơn 34 lượt triệu người tiêm chủng ở Anh và Khu vực Kinh tế Châu Âu, có vỏn vẹn 222 trường hợp phát sinh vấn đề đông máu sau khi tiêm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Cần sử dụng Aspirin một cách cẩn thận

Ngoài sự vô hiệu quả của Aspirin trong vấn đề cụ thể này, các chuyên gia phản đối việc chỉ định thuốc cũng lưu ý các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng trong thời gian dài. Chủ yếu, Aspirin có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, thậm chí có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày hoặc loét dạ dày. Theo ông Sarkadi Balázs, “Aspirin liều thấp được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa huyết khối động mạch, nhưng phải đặt dưới sự giám sát của bác sĩ”.

Bởi lẽ, việc sử dụng Aspirin cũng có thể gây ra vấn đề”. Do đó, phe ủng hộ lợi ích của việc chữa bệnh bằng Aspirin đề cập đến một phiên bản của thuốc có lớp phủ, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Dầu vậy, Aspirin vẫn không có tác dụng chống huyết khối tĩnh mạch. Sự giám sát y tế cũng rất quan trọng vì nếu ai đó đang dùng một loại thuốc khác có thể tương tác với Aspirin, phản ứng chéo thậm chí có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Làm sao chống được huyết khối?

Một mặt, cần theo dõi xem có nảy sinh các triệu chứng của huyết khối trong vòng 2 tuần sau khi tiêm chủng và hỏi ý kiến bác sĩ ngay tại thời điểm cảm nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo sau, theo EMA:

- hụt hơi, khó thở,
- tức và đau ở lồng ngực
- sưng chân,
- đau bụng dai dẳng,
- các triệu chứng hệ thần kinh như đau đầu dữ dội hoặc mờ mắt
- xuất hiện đốm máu nhỏ, lấm tấm tại nơi tiêm chủng.


Mặt khác, nếu muốn chủ động hơn, có thể sử dụng cách thông thường để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch. “Aspirin ức chế sự kết tập tiểu cầu, là cách rẻ tiền nhưng không bảo vệ khỏi huyết khối có thể gây ra do tiêm chủng. Cách tốt nhất là thực hiện cái gọi là xét nghiệm D-dimer (xét nghiệm sinh hóa được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu, có độ nhạy cao - ND) 2 ngày sau khi tiêm chủng”, theo hướng dẫn của GS. Blaskó György.

Xét nghiệm D-dimer cho biết liệu quá trình đông máu đã khởi động trong máu hay chưa. “Nếu giá trị này cao (trên 0,55 ug/ ml), hãy tự dùng heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) với liều dự phòng (phòng ngừa) mỗi ngày 1 lần cho đến khi giá trị này trở lại bình thường”. Vị chuyên gia cho hay: “Đối với bệnh nhân có khuynh hướng mắc bệnh huyết khối do di truyền, xét nghiệm này cũng nên được thực hiện đối với các loại vaccine khác”.

Có nên dùng Aspirin để giảm đau?

Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó không dùng Aspirin để điều trị huyết khối do vaccine, mà để tránh các phản ứng thông thường khi tiêm chủng như sốt và đau? Trong trường hợp này, vấn đề không rõ ràng bằng, nhưng Aspirin cũng không được khuyến cáo đặc biệt cho mục đích này. Tháng 2-2021, Hãng Thông tấn AP đã theo dõi mối quan hệ giữa vaccine và thuốc giảm đau, vì trước khi được tiêm chủng, nhiều người đã bắt đầu dùng thuốc giảm đau.
 
Rủi ro của vaccine là không đáng kể so với rủi do do dịch bệnh gây ra - Ảnh: 24.hu
Rủi ro của vaccine là không đáng kể so với rủi do do dịch bệnh gây ra - Ảnh: 24.hu

Mục đích sử dụng của họ là để chuẩn bị trước cho những phản ứng thật ra là vô hại, nhưng chắc chắn là khó chịu. AP kết luận rằng những người vốn không dùng loại thuốc giảm đau vì những lý do khác thì cũng nên tránh sử dụng loại thuốc này trước và sau khi chích ngừa. Như AP lưu ý, tuy có ít bằng chứng hữu hình, nhưng một số thí nghiệm đã cho thấy rằng chính những tác nhân này có thể can thiệp vào phản ứng miễn dịch do vaccine gây ra.

Bởi lẽ, các triệu chứng sau tiêm chủng là phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch đối với sự chích ngừa, để chỉ ra rằng vaccine đang hoạt động. (Cố nhiên ngược lại thì không đúng: chỉ vì bạn không lăn ra sốt trong một ngày, đừng sợ rằng vaccine không có hiệu quả!). Viêm có thể là một phần của các phản ứng này, nhưng thuốc giảm đau cũng có tác dụng chống viêm có thể làm giảm sự sản xuất kháng thể trong thí nghiệm trên chuột.

Vì vậy, để cho chắc chắn, các loại thuốc kháng viêm không chứa Steroid như Ibuprofen hoặc Aspirin ít được khuyến nghị hơn. Nếu cần dùng thuốc giảm đau sau khi tiêm chủng, nên chọn các loại thuốc có chứa hoạt chất Paracetamol để thay thế. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), không loại trừ rõ ràng hoạt chất nào, nhưng lưu ý rằng việc sử dụng chúng như một biện pháp phòng ngừa không được khuyến khích.

Bởi lẽ, hiện vẫn chưa biết liệu các loại thuốc kháng viêm hay giảm sốt có can thiệp vào việc sản xuất kháng thể do vaccine kích hoạt hay không. Ngẫu nhiên, từng có những nỗ lực sử dụng thuốc Aspirin liều thấp để chống lại chính Covid-19 nhằm ngăn chặn sự nhiễm bệnh nghiêm trọng: thử nghiệm này vốn đã mang lại kết quả hứa hẹn, nhưng các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục và cơ chế hoạt động ở đây khác với trường hợp vaccine.

Có nên sợ vaccine AstraZeneca không?

Cần lưu ý rằng các trường hợp huyết khối liên quan đến vaccine AstraZeneca là rất hiếm - ít phổ biến hơn nhiều so với một người nhiễm Covid-19 khi chưa được chủng ngừa và lâm trọng bệnh. Một điều cũng quan trọng là nhìn chung, sự phát triển của huyết khối thật ra có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời - ngay cả khi không dùng Aspirin. (Tin của báo chí cho hay tại Hungary, ở nhiều hiệu thuốc, Aspirin đã “cháy hàng”, trở thành “đồ hiếm”).

Không có trường hợp huyết khối nào trên mức trung bình của dân số được xác định đối với các loại vaccine khác, có nghĩa là không cần phải lo ngại điều này đối với các vaccine được cấp phép của EU, Anh và Hoa Kỳ. Tình hình phức tạp hơn nhiều so với Sputnik V của Nga, được sản xuất với công nghệ tương tự như của AstraZeneca, bởi vì ở nó không có hệ thống cảnh báo dược phẩm rộng rãi, có thể giám sát sự an toàn của các loại thuốc.

Dầu vậy, Sputnik V cũng chưa bị “điều tiếng” gì liên quan tới đông máu. Nói thêm, dù sao thì các vaccine kháng Covid-19 cũng đang nhận được rất nhiều sự chú ý: đây là những loại thuốc mới được phát triển, nên được lưu tâm mạnh mẽ về bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào, cho dù nó có thực sự liên quan hay không. Trong khi đó, các loại thuốc có nguy cơ hình thành huyết khối cao hơn - như thuốc tránh thai nội tiết tố - vẫn được dùng hàng ngày.

Theo EMA, dựa trên dữ liệu cho đến nay, nguy cơ huyết khối liên quan đến tiêm chủng là 1/ 100.000 người. Một phân tích tổng hợp năm 2015 phân tích nguy cơ khi sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố khác nhau cho thấy một số biện pháp tránh thai có thể gây 1,6-2,7 ca huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) trên 100.000 phụ nữ mỗi năm. Sự so sánh này tất nhiên chỉ mang tính tham khảo, nhưng các tỷ lệ có thể khiến chúng ta suy nghĩ.

Không nên đánh giá thấp các tác dụng phụ tuy rất hiếm gặp - nhưng thực sự nghiêm trọng - được xác định (hay giả định) là có sự liên quan vaccine AstraZeneca, nhưng cần đánh giá các nguy cơ rủi ro thực sự trong bối cảnh rộng lớn hơn, một cách bao quát hơn!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh