Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Angela Merkel: CHẤP NHẬN NGƯỜI TỴ NẠN LÀ BỔN PHẬN NHÂN ĐẠO

(NCTG) Sau khi dàn xếp được với nhóm đối lập trong nội bộ CDU bằng một đề xuất mang tính thỏa hiệp, bà Angela Merkel đã có một bài phát biểu rất quan trọng tại đại hội đảng này, khai mạc tại TP. Karlsruhe vào hôm nay, 14-12.
Bài phát biểu kéo dài hơn một tiếng của Angela Merkel đã nhiều lần phải dừng lại vì những tràng pháo tay vang dội - Ảnh: Kai Pfaffenbach (Reuters)
Các tường thuật của truyền thông cho thấy, cử tọa đã hưởng ứng phát biểu của thủ lĩnh đảng CDU bằng những tràng pháo tay vang dội kéo dài nhiều phút. Báo chí Hung cũng nhận xét, Thủ tướng Orbán Viktor cũng phải gián tiếp nhận phần phê phán thích đáng trong dịp này.

Trước chừng một ngàn đại biểu của Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo, với chất giọng tự sự và cảm động, Chủ tịch CDU Angela Merkel thừa nhận rằng, năm 2015 đối với bà cũng là một năm không thể tin được, với những sự kiện liên tục nối đuôi nhau mà bà chưa từng thấy.

Ngay những tháng đầu năm cũng cho thấy, 2015 là một năm bão táp đến mức nào. Mở đầu là vụ khủng bố nhằm vào tờ báo châm biếm “Charlie Hebdo” (Pháp) vào tháng 1, và tiếp đó, Hội nghị hòa bình tại Minsk tháng vào 2, quyết định số phận cuộc đụng độ ác liệt tại Ukraine.

Tháng 3, đến tai nạn của chiếc máy bay Đức Germanwings. Tháng 4, vài trăm người tỵ nạn bỏ mạng trên biển Xích Đạo trên những chiếc thuyền thô sơ trong hành trình tìm vùng đất mới, và đến cuối tháng 6, phải chấm dứt quá trình đàm phán với Hy Lạp, khi đó trong cảnh nợ nần phá sản.

Rồi sau đó, đến quyết định mở biên giới Đức cho người tỵ nạn, điều mà Merkel bị nhận nhiều chỉ trích gay gắt nhất. Đêm 5-9, hàng vạn người tỵ nạn rời Budapest, đi bộ trên đường cao tốc Hungary về hướng Tây Âu và thủ tướng Đức cho rằng đây là “một thử thách nhân đạo khổng lồ” đối với EU.

Tình thế nói trên là “phép thử lịch sử cho những giá trị Châu Âu”, cho thấy Liên Âu phải đối mặt và xử lý với làn sóng tỵ nạn lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, theo lời Merkel. Và rốt cục, Đức cùng Áo đã hành xử theo “mệnh lệnh của lòng nhân đạo”, khi quyết định tiếp nhận dòng người tỵ nạn.

Sự khởi thảo một giải pháp chung cho EU và đảm bảo tình đoàn kết Châu Âu tiến triển khó khăn mặc lòng, nhưng cần nỗ lực để đạt được điều đó, và cuối cùng, nước Đức và EU đã vững vàng trước thử thách - vị thủ tướng khẳng định giữa những tràng pháo tay kéo dài gần 10 phút của các đại biểu.

Angela Merkel nhắc lại câu nói thường được trích dẫn của bà, theo đó, nước Đức sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng này (Wir schaffen das!). Theo bà, đặc trưng của dân tộc Đức là luôn tỏ ra được họ có khả năng tới đâu. Và người Đức luôn thực hiện được những sự nghiệp to lớn.

Chính vì những tính cách đó của người Đức mà vị thủ tướng đầu tiên của Tây Đức thời kỳ 1949-1963, ông Konrad Adenauer đã có thể khẳng định giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc chiến Quốc - Cộng, của những năm tháng khởi đầu Chiến tranh lạnh, rằng “chúng ta lựa chọn tự do”.

Cũng như Ludwig Erhard (thủ tướng Tây Đức 1ö63-1966) đã hứa tạo dựng đời sống phồn vinh cho tất cả mọi người, và Helmuth Kohl (thủ tướng Tây Đức thời kỳ 1982-1998) phác nên viễn cảnh tươi đẹp cho người dân Đông Đức vào thời điểm nước Đức vừa tái thống nhất, hỏi có mấy ai tin được họ?

Nhiệm vụ hiện tại của nước Đức, khi làn sóng tỵ nạn khổng lồ đổ ập vào đất nước, là rất lớn lao, theo bà Merkel. Vị thủ tướng đề nghị hãy cảm thông với những người tỵ nạn (chỉ riêng trong năm nay, con số này đã vượt quá 1 triệu ở Đức), vì “có ai dễ dàng rời bỏ quê hương”.

Nếu chúng ta còn những ngờ vực là có làm chủ được tình thế hay không, nếu chúng ta không xử lý được tình huống này, thì chúng ta không còn là CDU. Nhưng chúng ta là CDU. Người ta sẽ nghĩ gì về chúng ta, nếu chúng ta bó tay đầu hàng?”, bà Merkel đặt câu hỏi và được cử tọa vỗ tay nhiệt liệt.

Theo Angela Merkel, những vấn đề cơ bản của quá trình xử lý khủng hoảng tỵ nạn là như sau:

- Điều gì sẽ thay đổi vì sự tiếp nhận người tỵ nạn?
- Chúng ta có muốn một cái gì đó thay đổi hay không?
- Khi nào một thay đổi trở nên nặng gánh?
- Người di dân Ả Rập có tác động thế nào đến đất nước?
- Đức có còn là đất nước mà chúng ta đã biết cho đến bây giờ?

Thủ tướng Đức dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble, gọi hiện tượng di dân là “cuộc hội ngộ với toàn cầu hóa”. Theo bà Merkel, trước nay chúng ta mới biết đến mặt tích cực của toàn cầu hóa, nhưng với những tiêu cực của nó thì câu trả lời đúng đắn không phải là sự co cụm và kỳ thị.

Thay vào đó, cần mạnh dạn tìm thấy những điểm tích cực của quá trình phức tạp này, và để làm được điều đó, “lại phải nhớ lại, chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu” - Chủ tịch CDU nhấn mạnh với hàng ngàn đại biểu tham dự kỳ đại hội, trong đó có không ít người từng bất đồng với bà.

Đồng thời, khi nói về người tỵ nạn, bà Merkel cũng khẳng định “ai xin được chúng ta bảo vệ, người ấy cần phải tuân thủ luật pháp và truyền thống của chúng ta, và phải học tiếng Đức”, và bác bỏ sự hiện diện của những xã hội phi chính mạch trong lòng nước Đức đa văn hóa.

Nhắc tới đề xuất của Đoàn Chủ tịch CDU đệ lên Đại hội trong ngày Chủ nhật hôm qua (về sau, đề xuất này đã được thông qua dưới dạng một nghị quyết về chính sách xử lý vấn đề tỵ nạn), bà Merkel phát biểu, “cần giảm số người tỵ nạn một cách có thể cảm nhận được”.

Theo bà Merkel, đây là lợi ích của tất cả mọi bên: nước Đức, Châu Âu và chính những người tỵ nạn. Để làm được điều đó, cần một giải pháp chung cho toàn Châu Âu, và cần sự hợp tác mật thiết với các quốc gia mà người tỵ nạn bỏ ra đi, cũng như trên đường họ quá giang.

Với cái nhìn như thế, CDU cũng đại diện cho sự lo âu của các công dân Đức, nhưng vị thủ tướng Đức cho rằng một đảng vì dân không chỉ đại diện cho nỗi âu lo của người dân, mà còn phải tìm ra những giải pháp hiệu quả để giải quyết những mối quan ngại ấy.

Nói về khối phi thị thực Schengen, bà Merkel cho rằng ở Châu Âu, không có quốc gia nào cần thiết đến Schengen như Đức, một quốc gia nằm giữa EU, có nhiều nước láng giếng và có nền kinh tế phát triển nhất, do đó việc bảo vệ sự tồn tại của Schengen có tầm quan trọng sống còn với Berlin.

Bài phát biểu của Chủ tịch CDU được đánh giá là rất thuyết phục và chân thành, và chứa chất những khát vọng nhân bản của một chính khách thượng đỉnh, như khi bà nói, những đám đông tràn vào nước Đức trong làn sóng tỵ nạn là những con người mà nhân phẩm của họ phải được tôn trọng.

Đó cũng là một trong những giá trị Ki-tô giáo mà CDU, trên cương vị một chính đảng Thiên Chúa giáo, cần phải ý thức được. Mọi lo âu đều có cơ sở, nhưng “trong thế kỷ 21, sự co cụm không phải là lựa chọn hợp lý”, và làn sóng tỵ nạn cũng đem lại cả những khả năng tích cực, theo bà Merkel.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp