“VIẾT CHO TRẺ NHỎ LÀ ĐƯỢC SỐNG VỚI TUỔI THƠ THÊM MỘT LẦN NỮA”
- Thứ bảy - 10/06/2017 04:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi kể câu chuyện của bạn này cho bạn khác nghe, đơn giản vậy thôi.Thế giới trẻ thơ chan chứa lòng nhân ái, bình đẳng, tự do, sáng tạo, kết nối thiên nhiên” - tác giả Vinh Hoang nói về những tập truyện thiếu nhi mới của chị.
Lời giới thiệu: Vinh Hoang, tên tiếng Việt là Hoàng Thị Vinh, tốt nghiệp Tiến sĩ Ngữ văn (chuyên ngành Văn học Nga) tại Đại học Quốc gia Nga (Tambov). Sinh năm 1968 tại Hưng Nguyên, Nghệ An, hiện chị sống tại San Francisco (bang California, Hoa Kỳ) cùng chồng Yurii và con gái My.
Là tác giả viết và dịch văn học bằng tiếng Việt, Anh, Nga, Ukraine, chị đã xuất bản nhiều đầu sách (là các tuyển tập thơ), đồng thời cũng là một CTV, một cây bút nhiệt tình tham gia với NCTG trong nhiều đề tài, thể loại (thi ca, chính luận, dịch thuật).
Mới đây nhất, chị đã cho ấn hành cùng một lúc nhiều cuốn sách tiếng Anh viết cho thiếu nhi. Nhân dịp này, NCTG đã có cuộc trao đổi với tác giả Vinh Hoang. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Là tác giả viết và dịch văn học bằng tiếng Việt, Anh, Nga, Ukraine, chị đã xuất bản nhiều đầu sách (là các tuyển tập thơ), đồng thời cũng là một CTV, một cây bút nhiệt tình tham gia với NCTG trong nhiều đề tài, thể loại (thi ca, chính luận, dịch thuật).
Mới đây nhất, chị đã cho ấn hành cùng một lúc nhiều cuốn sách tiếng Anh viết cho thiếu nhi. Nhân dịp này, NCTG đã có cuộc trao đổi với tác giả Vinh Hoang. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
- Chúc mừng chị đã ra mắt hai cuốn sách cho trẻ nhỏ bằng tiếng Anh đúng dịp 1-6 năm nay. Xin cho biết đôi lời về các cuốn sách, nội dung ra sao, có gì đặc biệt?
Cám ơn anh đã cho tôi cơ hội được chia sẻ niềm vui này.
Hai cuốn “Cô Penny Pink và bốn mèo con” (Ms. Penny Pink and Her Four Kittens), “Al và những người bạn mới” (Al and His New Friends) đã kích hoạt bán trên amazon.com, Barnes & Noble, Xlibris và một số nhà phân phối sách khác tại Mỹ. Cuốn thứ ba là “Coco vẽ ấm trà” (Coco Draws Teapot) đã quảng cáo trên các trang trên nhưng kích hoạt bán muộn hơn, từ 16-6. Cả ba cuốn đều dành cho trẻ em từ khi mới sinh đến 5 tuổi.
Truyện thứ nhất “Cô Penny Pink và bốn mèo con” là trò chơi trốn tìm. Buổi sáng không phải bé nào cũng vui vẻ thức dậy, phải không ạ? Vậy nên truyện này có tên kèm ngọt ngào là “Good morning, babies” (Chào buổi sáng, bé yêu). Đọc truyện này các em bé học được cách nhìn đồ vật ẩn nấp trong các đồ vật khác, kiểu trò chơi tìm “hidden pictures” (tranh ẩn) mà các em bé vẫn ưa thích.
Truyện thứ hai “Al và những người bạn mới”, Al là chú thỏ nhút nhát, trầm lặng, ngại giao tiếp, ít chơi đùa với các anh trai trong nhà. Al chỉ thích ngồi lặng ngắm cảnh vật, thiên nhiên. Khi trời mưa rơi, thấy nước mưa chảy từ những chiếc lá sồi, Al cảm thương cây đến phát khóc. Khi được đi dã ngoại, tiếp xúc với bạn vịt thân thiện tên Bob, nghe tiếng Nước reo, trái tim Al đã mở cửa và Al hạnh phúc. Hình ảnh đẹp, đột phá là lúc Al nhút nhát đã ngồi lên lưng Bob cùng bơi dọc bờ ao! Ý tưởng truyện này phát sinh do tình cờ tôi đọc được trên FB của Anh Pham, một độc giả của NCTG, về việc gây quỹ cho những em bé ngại giao tiếp, có dấu hiệu gọi là tự kỷ.
Truyện thứ ba là “Coco vẽ ấm trà”. Vì thương mẹ thường rót sáu cốc trà sau mỗi bữa tối, em Coco đã sáng tạo chiếc ấm hình con voi có sáu vòi để mẹ rót một lần được luôn cả sáu cốc. Gia đình Coco trở thành một đội quân thỏ thiết kế. Em trai Jack, hai em gái Shelly và Naughty đã đưa ra các ý kiến bổ sung cho Coco. Chiếc ấm yêu thương có bảy vòi ra đời. Cốc trà thứ bảy là dành cho bà ngoại uống khi bà đến thăm mỗi cuối tuần. Chiếc ấm làm từ yêu thương có bảy màu của cầu vồng. Bố mẹ thỏ rất hạnh phúc, lặng lẽ khích lệ các con sáng tạo. Bố thỏ là ông thỏ Dan, đã cùng Coco mang bản vẽ đến xưởng gốm của bác thỏ Charles. Khi tôi đưa cho các em nhỏ đọc, các em thường lấy bút giấy ra vẽ ấm theo cách của mình. Cảnh đó rất đẹp.
Sách tôi viết đặc biệt ra sao ư? Tôi xin nhường lời đánh giá cho bạn đọc. Bản thân tôi cảm thấy rất thú vị khi viết ra những câu chuyện đó. Viết cho trẻ nhỏ là tôi được sống với tuổi thơ thêm một lần nữa.
- Cơ duyên nào chị chuyển từ viết thơ sang viết truyện cho thiếu nhi?
Viết cho trẻ cũng bằng thơ mà. Truyện thì có cuốn bằng thơ, có cuốn văn xuôi trong dãy mười cuốn tôi viết cho trẻ em từ 0-12 tuổi. Những cuốn sách đó sẽ ra mắt từ giờ đến cuối năm nay. Dù bằng văn xuôi hay thơ thì tôi đều chú trọng khai thác hình ảnh, ngôn từ bay bổng thi ca. Và, nếu anh và bạn đọc NCTG còn nhớ, năm 2010 tôi đã gửi Quý tạp chí một số truyện cho trẻ em, và truyện “Mâyu” đã từng được đăng.
Từ nhỏ tôi đã kể chuyện của riêng mình cho mẹ, em gái, và bạn bè. Kể lên những năm học cấp hai, cấp ba và đến cả hai năm đầu đại học, và đến nay luôn đấy. Tôi đã lập riêng cho mình nhãn mác “Tủ sách Bút hồng”, từ nay dùng bằng tiếng Anh là PinkPen Books. Logo tủ sách này được họa sĩ Văn Sáng thiết kế tặng. Thời gian mấy năm gần đây tôi viết nhiều thể loại cho trẻ em như truyện ngắn, thơ, truyện nhiều chương (chapter), kịch bản hoạt hình.
- Xuất bản sách viết bằng tiếng Anh hẳn là chị muốn xâm nhập thị trường bản địa. Vậy những khó khăn, thuận lợi, thách thức của một tác giả mới nhập làng văn học cho trẻ em ở Mỹ như chị là gì?
Trước hết về những thuận lợi.
Tôi xuất bản sách thiếu nhi vì tôi nhận ra truyện của tôi có tiếng nói riêng, hình ảnh mới mẻ và được các em nhỏ yêu thích. Tôi từng có kế hoạch mở thêm chức năng xuất bản cho công ty tôi. Trước hết là làm sách và in tranh minh họa của chính mình, sau đó là hợp tác với bạn bè Việt từ bốn phương và các tác giả Mỹ. Ở Việt Nam tôi đã từng làm công việc xuất bản và đã từng in các sách của mình. Khi ra sách ở Mỹ tôi có cơ hội học hỏi công nghệ xuất bản ở một nước được coi là thiên đường của in ấn và tự do sáng tác. Tham gia trực tiếp một phần trong cỗ máy hiện đại đó tôi cảm thấy thật là mới mẻ và thú vị.
Đọc sách viết cho trẻ em ở các hiệu sách, các nhà trẻ Mỹ trong gần mười năm qua, được trực tiếp trông trẻ, tôi tự tin đem truyện của mình hòa vào dòng chảy truyện bao la ở đây. Truyện của tôi góp thêm vào vườn hoa văn học những bông hoa với hương sắc riêng.
Là người mẹ, người được tiếp xúc và trông coi trẻ trong các môi trường văn hóa khác nhau, được may mắn đi nhiều nơi, gặp nhiều cảnh vật, con người, tôi thấy truyện mình kể đủ thú vị, mới mẻ, có thể giúp trẻ giải trí, kích thích trí tò mò học hỏi, kích hoạt lòng nhân ái và ý thức cảm nhận rằng thế giới này rộng mở cho tất cả mọi loài.
Trong phần lời nhắn gửi đến bạn đọc trên mỗi cuốn sách, tôi viết: “Tôi rất hạnh phúc được chia sẻ với các bạn những câu chuyện tôi tiếp nhận từ nhiều nơi trên thế giới”. Tôi kể câu chuyện của bạn này cho bạn khác nghe, đơn giản vậy thôi.
Thế giới trẻ thơ chan chứa lòng nhân ái, bình đẳng, tự do, sáng tạo, kết nối thiên nhiên. Cái các em cần vun đầy là ngôn ngữ thể hiện. Từng học ngôn ngữ, văn học nên tôi có một số kinh nghiệm học và truyền đạt thực hành ngôn ngữ cơ bản. Tôi tin tưởng các bậc phụ huynh Mỹ và các nước sẽ mua sách của tôi. Ví dụ như, một người quen của tôi khi xem tranh minh họa và đọc nội dung một số cuốn, đã đặt mua một trăm cuốn để làm từ thiện.
Hiện nay,với sự năng động của các nhà xuất bản, người viết có thời gian để sáng tác nhiều hơn. Tôi may mắn chọn được ba nhà xuất bản có đội ngũ cộng tác tuyệt vời. Bị một số nhà xuất bản khác từ chối bản thảo, hay được sờ tận tay sự tự do sáng tạo, dân chủ, minh bạch, tôn trọng mọi phong cách viết là một trải nghiệm cực kỳ hạnh phúc.
Còn về những khó khăn, giống như những tác giả viết cho trẻ em ở Mỹ khác, không có cuốn sách nào thành công bất ngờ hay chỉ do may mắn. Người viết phải dành nhiều thời gian và công sức vào quá trình làm sách, chọn họa sĩ phù hợp, miêu tả ý tưởng để họa người minh họa thể hiện. Người viết cùng tham gia vào quảng cáo thương mại để bán sách. Cụ thể là đi giao lưu, đọc sách ở các thư viện, trả lời phỏng vấn đài báo và khai thác các quan hệ cá nhân để nhân rộng việc bán sách.
Thường thì ít người viết phù hợp và có thể làm tốt việc này. Với tôi, những việc “bếp núc” nói trên là thú vị. Tôi thích làm cô bán sách mà! (Cười).Và tôi đã từng kinh qua công việc đó. Sách cần đến được với nhiều người. Chỉ có chính tác giả mới yêu sách đến mức dành mọi sức lực, khả năng để làm việc đó tốt nhất.
Nói đến những thách thức, thách thức lớn đối với những người viết truyện cho trẻ là viết gì cho công dân thế kỷ 21, khi mà công nghệ, xã hội phát triển với tộc độ nhanh gấp nhiều lần so với trước.
Sách cho trẻ, theo tôi, 90% là do cha mẹ chọn. Những em bé tôi từng tiếp xúc quá thông minh và nhân ái, bình đẳng, gần gũi thiên nhiên. Em Maya năm tuổi vẽ thiết kế robot máy giặt đủ mọi chi tiết. Em Vienna sáu tuổi đã chơi gần chục bản nhạc cổ điển. Em Elisa ba tuổi đã biết rửa bát rất sạch, làm bánh với mẹ. Em Cincere 11 tháng tuổi đã biết chủ động rủ tôi chơi trò trốn tìm. Em Brody hai tuổi ném bóng vào lưới, mười quả chỉ trượt một.
Em Anthony bảy tuổi đã tự làm một cuốn truyện tranh có mười hai chương. Em Cole 3 tuổi đếm ngược từ 100 đến 1 và làm toán cộng trừ trong vòng 100. Em Zenchi 5 tuổi đọc suôn sẻ bài thơ dài cả hai trang giấy dài. Em Nnena 5 tuổi hát rap và nhảy đẹp như con chim công. Em Nick 8 tuổi nói ba thứ tiếng Anh, Nga, Ukraine. Em Vienna 7 tuổi làm tôi sững sờ khi nói, “bạn Thomas dùng nhà tắm nữ tức là bạn ấy quyết định bạn ấy thuộc giới tính nữ, điều đó là bình thường mà”. Các em nhỏ mà trí tuệ cao quá phải không ạ?!
Vậy mình viết gì, vẽ gì để chỉ một phút cầm sách trên tay, hay hai giây nhìn lướt qua trên màn hình máy tính là các phụ huynh quyết định mua? Vừa viết cho trẻ thích đọc,lại vừa phải thuyết phục được các bậc cha mẹ là một thách thức lớn.
Viết cho trẻ em, người sáng tác nhiều khi phải vượt hơn đường chân trời trong một số chuẩn mực như thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, hay trí tưởng tượng...
Trí tưởng tượng là bầu trời - niềm mơ ước bay tới của tất cả người viết thuộc bất kỳ thể loại nào.
- Chị thấy viết cho trẻ có gì khác với viết cho người lớn?
Mỗi truyện chỉ một đến hai nghìn từ, tôi vẫn dành rất nhiều thời gian để viết. Ý tưởng thường kéo dài trong những chuyến đi, và mỗi ngày. Sau khi biên tập lần hai, tôi còn nghĩ ngợi, phát triển, nâng niu thêm hai ba tháng, có khi cả năm cho một truyện. Làm sao thể hiện được sự tôn trọng trẻ, hướng trẻ đúng xu thế phát triển con người trong tương lai? Viết, năng niu như nâng mầm cây, viết thế nào trên tờ giấy trắng? Công việc này thận trọng, sẽ sàng biết nhường nào!
Một điều tôi rất thích là: ở Mỹ khi đã xong hết mọi khâu, trước khi vào nhà in, nhà xuất bản cho tác giả cơ hội đưa phương án cuối cùng để điều chỉnh. Điều đó có nghĩa là bạn đọc được cầm trên tay những cuốn sách tươi mới nhất.
- Kế hoạch chinh phục độc giả nhí, phụ huynh Việt, xuất bản sách ở Việt Nam của chị cụ thể thế nào?
Như đã nói ở trên, sách tôi có hương vị riêng. Đó là hương vị Quê hương Việt Nam và những vùng đất tôi đi qua. Trong các câu chuyện của tôi có hình bóng xinh đẹp của con người Việt. Trong “Mâyu” là cô bé Mimi vẽ cánh đồng lúa sau mùa gặt với những đụn khói bay lên như mây. Trong “Maya và Người Khổng lồ” (Maya and the Giant) là hình bóng em Mai trong câu chuyện răn trẻ bắt chim tôi đọc hồi nhỏ.
Em Maya khác em Mai ở chỗ em không chết hóa thành chim. Em đã tự giải phóng mình thoát khỏi người không lồ. Em giải phóng con người khỏi mặc định rằng những ai khác biệt là xấu, cần phải cảnh giác. Em giải phóng người khổng lồ thoát khỏi hành động hoang dã nhốt các loài nhỏ bé hơn mình vào lồng (bằng cách tặng người khổng lồ một cây đèn pin chạy bằng năng lượng mặt trời để ông ta nghe nhạc hàng ngày).
Khi đang trong quá trình in sách tôi đã liên lạc với các bạn làm xuất bản ở Việt Nam để in các sách tôi dưới dạng từng cặp đôi combo Anh ngữ và Việt ngữ. Đọc sách của tôi, một tác giả có tên rất Việt, chắc chắn các em nhỏ sẽ cảm thấy gần gũi, trìu mến hơn.
Rất vui được khoe với anh và bạn đọc NCTG là hai trong số ba cuốn đã xuất bản ở Mỹ đã được anh Nguyễn Thành Nam, Đại học FUNiX trả tiền mua bản quyền in ấn và phát hành tại Việt Nam. Tôi thực sự hạnh phúc khi dùng số tiền không nhỏ đó để đóng góp vào ngân quỹ giúp trẻ em nghèo miền núi Việt Nam. Quỹ đó do chị Phan Vũ Diễm Hằng và các bạn chị kêu gọi. Cuốn thứ ba thì đơn vị mua đang chờ tôi gửi hợp đồng chuyển nhượng bản quyền.
Tôi tin, sách của tôi sẽ mang đến cho các bạn nhỏ Việt Nam niềm vui khi khám phá vẻ đẹp của cả hai ngôn ngữ Anh, Việt. Có lẽ cuốn “Cô Penny Pink và bốn mèo con” là sách cho trẻ em bằng tiếng Việt đầu tiên bán trên các kênh phân phối lớn tại Mỹ. Cuốn đó tôi viết và xuất bản bản bằng tiếng Ukraine, Nga nữa, phát hành tháng chín năm nay.
- Cuối cùng, chị có tâm sự gì với NCTG?
Là bạn đọc thường xuyên của NCTG nên khi xuất bản sách tôi mong được chia sẻ niềm vui đó với bạn đọc của Quý báo. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi được nhiều độc giả trẻ Việt Nam trên khắp thế giới đón nhận sách tôi. Mong được các cô bác, anh chị, các bạn góp ý, ủng hộ mua sách, chia sẻ, giới thiệu trực tiếp đến với nhiều bạn đọc, giới thiệu đến các nhà xuất bản ở các nước khác trên thế giới.
Xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc tới anh và toàn thể bạn đọc NCTG!
- Xin cám ơn chị!