VĂN VƯỢNG VÀ HÀ NỘI TRONG MẮT ÔNG
- Thứ tư - 15/02/2023 05:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nghệ sĩ guitar ấy của Hà Nội đã mãi ra đi hôm 11/2/2023 như báo chí trong nước vừa đưa tin, để lại một Hà Nội riêng trong mắt ông, dịu dàng, mượt mà và không thể thay thế...”.
“Người Hà Nội hôm nay ra đi
Mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ
Những ánh đèn qua ô cửa sổ
Bầu trời đêm, cháy bỏng tình yêu...” (*)
Mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ
Những ánh đèn qua ô cửa sổ
Bầu trời đêm, cháy bỏng tình yêu...” (*)
1. “Mấy chục năm trước, xem bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy, mình rất ấn tượng đoạn mở đầu phim. Một nghệ sĩ mù ngồi bên cửa sổ, và muôn vàn âm thanh thánh thót tuôn chảy từ những ngón tay ông.
Đó là nghệ sĩ Văn Vượng, với một bản nhạc mang dáng dấp bán cổ điển, đẹp và lắng. Gợi nhớ trong tâm tưởng người xa Hà Nội những hình ảnh về một thành phố đẹp một cách “lầm than, lao khổ và xa vắng”, như có lần mình đã viết.
Một Hà Nội “dặm dài trong gian khó”, để mỗi lần nhớ lại, không khỏi cảm giác hoài nhớ, khắc khoải và chua xót. Hay như cách nói của anh Phạm Xuân Nguyên khi nhận xét về những trang viết của một người Hà Nội, “xao xác, xót xa rất nhiều”...”
Gần chục năm trước, trong đôi dòng ngẫu hứng về Hà Nội, mình có viết như thế và nhắc đến Văn Vượng. Rất nhiều lần, mình đã nghĩ, có thể tách rời những giai điệu mà mình thấy rất Hà Nội ấy, với bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy được không?
Bất chấp việc bản nhạc ấy, thật ra còn có phần lời (mình không biết được đặt vào khi nào, có đồng thời với khi nó xuất hiện trong bộ phim đáng nhớ kia không), nhưng bản thân nó, chính là những âm thanh đẹp đẽ nhất về Hà Nội mà mình được biết.
2. “Hà Nội trong mắt ai” được “đặt hàng”, theo như lời kể của Văn Vượng: “Bản nhạc xuất hiện không quá 3 phút trong phim, để xem xong người ta vẫn nhớ về tác phẩm. Không phải lên gân về công trường, nhà máy mà nói về Hà Nội đáng yêu của chúng ta”.
Cũng Văn Vượng cho hay, ông sáng tác bản nhạc vỏn vẹn trong một ngày, sau đó 12h đêm tìm đến nhà Trần Văn Thủy thông báo. Khi nghe nó, bất giác, mình luôn nghĩ tới một Hà Nội rất nhiều nắng và gió. “Những mùa xanh xưa chúng ta” (Lê Minh Hà)...
Có lẽ, nó chính là sự tiếp nối của “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), bản “Hà Nội ca” mà vẫn theo lời của Văn Vượng, năm 1968, đi trên đường Đinh Tiên Hoàng, nghe loa công cộng phát bài, ông đã lập tức mê giai điệu ca khúc, chuyển thể và chơi guitar.
“Từ đó tôi trở thành người Hà Nội”, như lời Văn Vượng. Một người Hà Nội thực sự trong tâm hồn và sáng tạo, cho dù ông sinh tại Hải Dương, và 77 năm của cuộc đời, ông không hề được thấy Hà Nội sau khi đánh mất thị lực vào năm lên 5 tuổi do đậu mùa.
3. Ấy thế mà khi nghe Văn Vượng chơi những bản chuyển thể về Hà Nội, mình nghĩ là ông đã cảm nhận trong sâu thẳm, rất rõ rệt, hình ảnh Hà Nội của những năm tháng chiến tranh, rồi hậu chiến, bao cấp đầy gian nan, và nhọc nhằn, nhưng vẫn vô cùng thân thương.
Nghệ sĩ guitar ấy của Hà Nội đã mãi ra đi hôm 11/2/2023 như báo chí trong nước vừa đưa tin, để lại một Hà Nội riêng trong mắt ông, dịu dàng, mượt mà và không thể thay thế...
(*) “Hà Nội một trái tim hồng” (Nguyễn Đức Toàn).