Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC TẬP “GIÓ TRẮNG”

(NCTG) “Chắc chắn nếu không có anh Nguyễn Thụ và những đam mê thơ của anh thì tôi cũng chẳng biết thơ của József Attila ra sao!”.
Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụ - Ảnh tư liệu
Văn thơ là người”, cha tôi thường nói như vậy. Nhà văn, nhà thơ nói riêng cũng như người nghệ sĩ nói chung có cái may (mà cũng là cái khổ) là tự bộc lộ được bản thân mình qua tác phẩm của họ. Đối với một nhà văn, nhà thơ thực sự thì nhu cầu sáng tác cũng như những nhu cầu tối thiểu để sống.
 
Viết thơ, viết văn trước hết dể cho bản thân mình, viết để đỡ buồn, để tìm niềm vui, viết để được an ủi, viết để tặng mọi người... Có nhiều khi chỉ vì áng văn, bài thơ mà con người ta kết bạn tri kỷ với nhau, hoặc thậm chí ghét nhau, coi nhau là kẻ thù. Biết làm sao được, người cũng có nhiều loại người và văn thơ cũng có nhiều loại văn thơ.

Thú thực là tôi cũng chẳng quen biết gì anh Nguyễn Thụ cho lắm. Vài lần gặp chốc lát, chào hỏi mấy câu xã giao, chẳng thể nào mang lại cho tôi khái niệm rõ nét về con người anh Thụ. Vì vậy, cho đến gần đây, khi đọc tập thơ “Gió trắng” của anh, tôi bỗng có cảm giác như mình đang “nhìn trộm vào đời tư” của người khác.

Lý do đơn giản vì thơ anh Thụ rất thật. Tuy số lượng bài không nhiều, nhưng có lẽ mỗi bài như một tấm ảnh chụp lại một khoảng khắc trong cuộc đời anh: những lúc xa nhà nhớ vợ nhớ con, những chiều thu và lúc tuyết rơi ở Châu Âu, những lúc buồn nhớ nhà và nhớ bạn bè, kỷ niệm ngày sinh nhật con gái... và tất nhiên là những bài thơ tình lúc đang yêu. Chẳng phải là nhà phê bình văn học, ở đây tôi không dám phân tích, bình phẩm thơ của anh Thụ mà chỉ dám nói những cảm nghĩ về con người anh.

Cũng không thể nói bài thơ nào của anh tôi đọc cũng thấy thích, hoặc trong tập “Gió trắng” tôi tìm thấy một trào lưu thơ “mới toanh, rất độc, rất lạ”, nhưng rõ ràng anh Thụ bộc lộ bản thân mình như một con người yêu thiên nhiên, rất hay buồn, thậm chí còn quá mơ mộng. Đọc thơ anh, đôi khi tôi cũng nhớ lại độ tuổi còn hay mơ mộng của mình, thời còn là học sinh. Giờ đây, với những bận bịu của cuộc sống hàng ngày, sao mà thấy thời đó quá xa vời!

Ở độ tuổi như anh Thụ mà vẫn giữ được những tình cảm mơ mộng như vậy, chắc đúng là theo như một câu châm ngôn Hung thưòng nói: “Sinh ra đã thế” (erre születni kell).
 
*

Tôi không nhớ chính xác đọc ở đâu, nhưng có một bài báo kể rằng tại một hội nghị thơ văn quốc tế nọ, một nhà thơ đứng lên phát biểu rằng những hội nghị như thế chẳng có ý nghĩa gì hết vì theo ông ta, thơ không thể dịch ra tiếng nước ngoài được, để hiểu được cái đẹp của thơ thì phải thấu hiểu được từng chữ trong bài thơ, chỉ có ngôn ngữ mẹ đẻ và những người thấm nhuần ngôn ngữ đó trong máu của mình thì mới có thể cảm nhận được. Tất nhiên là không ai tán thành hoàn toàn ý kiến của nhà thơ ấy, bằng chứng là nhiều hội nghị về thơ vẫn được tổ chức khắp nơi trên thế giới.

Nhưng không hẳn là nhà thơ đó không có lý. Chắc trong tất cả các thể loại dịch thuật thì dịch thơ là khó nhất: người dịch vừa phải có trình độ ngoại ngữ tốt, lại vừa thích thơ, hiểu được hồn thơ... và biết cách làm thơ! Trong cộng đồng người Việt Nam ở Hung, được gọi là “biết tiếng Hung giỏi” thì cũng chỉ là những người từng du học ở Hung thôi, chứ cũng chẳng mấy ai là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hoặc nghiên cứu văn học Hungary cả.

Cho dù có sống ở Hung cả hơn chục năm rồi, đọc sách báo lung tung hoặc nghe đài, TV còn thấy thoải mái chứ nếu phải đọc tiểu thuyết tiếng Hung hoặc đọc thơ tiếng Hung là tôi đã thấy ngại rồi bởi chắc chắn sẽ có những từ không hiểu hết nghĩa, phải tra từ điển. Cũng bởi thế, dù nghe nhiều về nhà thơ vĩ đại của dân tộc Hung József Attila, nhưng tôi cũng chưa lần nào “dám” mon men đọc thơ của ông cả. Chắc chắn nếu không có anh Nguyễn Thụ và những đam mê thơ của anh thì tôi cũng chẳng biết thơ của József Attila ra sao!

Dầu không được “thấm trong máu” từng câu, từng chữ thơ József Attila, chẳng dám bình phẩm gì hết, nhưng qua thơ dịch của anh Thụ, đọc đi đọc lại mãi, tôi cũng hiểu được phần nào cái hồn của nhà thơ, hiểu được phần nào đời sống, tâm hồn, tình cảm của người Hung thời đó. Tôi cảm thấy như mình được “xóa nạn mù chữ” đôi chút, vì thực ra sống ở đâu thì cũng nên hiểu được nền văn hóa ở nơi đó, hoặc ít ra sau này nếu con tôi có đi học trường Hung và học về văn thơ Hung thì mẹ nó cũng không đến nỗi là không biết con mình học cái gì.

Có lần tôi được nghe kể lại chuyện một anh người Hung nói về kỷ niệm thời sinh viên của anh ta, sống cùng phòng với một sinh viên Việt Nam. Anh chàng người Hung rất hãnh diện về thơ József Attila và không ngờ rằng chàng sinh viên Việt kia cũng vậy. Tối tối, nằm trên giường trước khi đi ngủ, hai anh còn thi nhau mỗi anh đọc một bài thơ của Jozsef Attila. Lúc nghe chuyện này, tôi buồn cười vỡ bụng, thầm nghĩ anh sinh viên Việt Nam nào mà “hâm nặng” thế!

Giờ cầm trong tay tập “Gió trắng” với những bài thơ József Attila được chuyển ngữ ra tiếng Việt, tôi mới giật mình không biết anh chàng sinh viên Việt đó có phải là anh Nguyễn Thụ chăng? Dẫu sao thì cũng xin anh sinh viên nọ tha thứ vì cái từ “hâm nặng” và xin cám ơn anh Thụ vì những công sức anh đã bỏ ra để tuyển tập thơ József Attila bằng tiếng Việt đầu tiên ra đời (*).

Ghi chú:

(*) Trước Nguyễn Thụ, đã có một số dịch giả chuyển ngữ thơ József Attila thông qua một ngoại ngữ trung gian. “Gió trắng” là tập thơ đầu tiên của József Attila được dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Hung.

Tác giả bài viết: Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 26-7-2004