Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tư liệu về Vladimir Vysotsky: THƯ CỦA MARINA VLADY GỬI TỜ “OGONOK”

(NCTG) “Bởi lẽ, cho dù những biểu hiện kính trọng muộn mằn đối với Vladimir Vysotsky sau khi anh đã mất có dễ chịu đến mấy đi nữa, cách tưởng niệm xứng đáng nhất là hãy nói sự thật và chỉ nói sự thật về anh.”

Ca - nhạc sĩ, thi sĩ Vladimir Vysotsky (1938-1980)

Lời người dịch: Vladimir Vysotsky, một tượng đài của nền âm nhạc, thi ca hiện đại Nga - Xô-viết, là một nghệ sĩ tài ba nhưng có số phận bi thảm.

Sinh thời, dù được coi là một “thi sĩ của toàn dân” và được công chúng rất ưa thích với những vai diễn sân khấu và điện ảnh, những vần thơ và những ca khúc theo dòng “hát thơ” phảng phất tính “protest song” ở phương Tây nhưng mang đậm tâm cảm đau đáu vì đất nước, quê hương Nga, nhưng Vysotsky không hề được giới nghệ thuật “chính thống” Liên Xô thừa nhận.

Chỉ nhiều năm sau ngày qua đời, đến thời kỳ “cải tổ” vào cuối thập niên 80, tài năng và tên tuổi của Vysotsky mới được thừa nhận một cách chính thức - kể từ đó đến giờ, “người hát rong vĩ đại” của nước Nga đã có được chỗ đứng và sự vinh danh thỏa đáng trong hàng những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn lao nhất đến tâm thức người dân Liên Xô hậu bán thế kỷ 20.

Ở Việt Nam, rải rác, đã có một số thi phẩm và bài viết về Vladimir Vysotsky được ra mắt độc giả trên báo chí. Đặc biệt, mới đây, một đêm thơ - nhạc tưởng niệm ông đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ những người yêu thích văn hóa Nga - Xô-viết, trong đó, có các cựu DHS Việt Nam tại xứ sở này.

Sự thừa nhận một văn - nghệ sĩ sau nhiều thập niên bị chính quyền coi là “bất trị”, “ngựa bất kham” luôn kéo theo những biểu hiện cơ hội và đây cũng là điều có thể nhận thấy trong trường hợp của Vysotsky, mà người vợ ông, bà Marina Vlady đã nhận thấy nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày sinh của ông.

Lá thư ngỏ sau đây của bà, đăng trên tờ “Ogonok” số 6 (tháng 2-1988), là một lời cảnh cáo tới nhưng kẻ cơ hội đó, và cũng là lời cảnh báo công luận: hãy cảnh giác trước những lời ca tụng của những kẻ không xứng đáng với vai trò ấy!
 

Bảo tàng Vysotsky tại Moscow - Ảnh: Internet

Từ trái tim mình, tôi nhiệt liệt chào mừng những dấu hiệu của tinh thần công khai hóa (glasnost) tại một đất nước mà tôi hằng yêu quý như Tổ quốc của cha tôi và chồng tôi. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một vài ấn tượng không thoải mái mang tính chất cá nhân.

Thông thường, có thể nảy sinh những biểu hiện bất ngờ nhất nếu một đất nước chưa thấm nhuần những hình thức thông thường của nền dân chủ. Trong cuộc hành trình gần đây nhất của tôi nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày sinh của Vladimir Vysotsky, xen lẫn với niềm vui trước những biểu hiện tôn trọng dành cho nhà thơ được biểu lộ ở mọi nơi, tôi còn có một cảm giác ngần ngại buồn bã.

Bởi lẽ, tôi thường xuyên phải thấy những biểu hiện được gia tăng đến loạn óc, những bài trả lời phỏng vấn rỗng tuếch và những bài viết sáo rỗng của vô số “bạn hữu” của thi sĩ, thường lại chính là những kẻ đã chẳng những không thừa nhận, mà còn phủ nhận cả sự kính trọng cơ bản đối với Vysotsky lúc anh còn sống.

Giờ đây, chính những con người đó lại thay nhau xuất hiện trên màn hình vô tuyến, họ chễm trệ trên ghế chủ tịch đoàn trong những tối tưởng niệm Vysotsky, trong khi các bạn hữu cũ thực sự của nhà thơ không có mặt ở đó vì khiêm tốn, và chính tôi cũng tránh xa bởi tôi cảm thấy hổ thẹn trước sự ầm ĩ nhân tạo và phổ biến này.

Một “người bạn” giả hiệu này, kẻ đã từng tự làm nhơ bản thân vì những hành động phản bội sau khi Volodya qua đời, còn không ngần ngại khi cho in một vở kịch về anh, thậm chí còn dám viện dẫn một cách vô liêm sỉ đến cuốn sách tôi viết về Volodya để biện minh cho mình khi bị báo chí cất lời trách móc.

Một điều buồn bã không kém là nhiều tờ báo đã đăng tải một số chương sách mà không được sự đồng ý của tôi, mặc dù tôi đã tuyên bố một cách rõ ràng là đáng ra họ phải xin phép tôi. Những trích đoạn ấy là có dụng ý, tùy thuộc vào cách diễn giải tình thế; bằng cách rút gọn và đánh tráo một số đoạn mở đầu, người ta đã bóp méo ý nghĩa và giọng điệu cơ bản của cuốn sách, khiến khá nhiều độc giả công phẫn và tỏ vẻ không hiểu từ rất lâu trước khi cuốn sách được ấn hành.

Qua tờ báo được đánh giá cao và được ưa chuộng của các anh, một lần nữa, tôi muốn thông báo cho mọi người biết rằng việc đăng tải cuốn sách chỉ có thể diễn ra tại nhà xuất bản nào ký hợp đồng chính thức với tôi.

Bởi lẽ, cho dù những biểu hiện kính trọng muộn mằn đối với Vladimir Vysotsky sau khi anh đã mất có dễ chịu đến mấy đi nữa, cách tưởng niệm xứng đáng nhất là hãy nói sự thật và chỉ nói sự thật về anh.

Marina Vlady

Tác giả bài viết: Trần Lê dịch, theo bản tiếng Hungary