Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tạp ghi: 20 NĂM TRỊNH CÔNG SƠN

(NCTG) “Với mảng ca khúc và đặc biệt với phần ca từ về thân phận tình yêu và con người, về sự sinh tồn và mong manh của kiếp người, về sự sống và sự chết, rất tự nhiên và rất tác động đến người nghe, Trịnh Công Sơn TCS gần như không bắt chước, mô phỏng ai, và cũng không ai bắt chước hay mô phỏng được ông”.
Trịnh Công Sơn và “Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly - Ảnh tư liệu
Mình viết bài này tròn 10 năm trước, vào dịp 10 năm ngày mất của TCS. Giờ thì đã 20 năm kể từ ngày TCS ra đi, phố vẫn âm thầm với gót chân đã mềm của bao nhiêu người đi, qua bao nhiêu lần môi cười mà không biết có ai còn nhớ ai hay không? Một điều chắc chắn, trong bài hát rất hay mà mình rất thích ấy, câu nào cũng “đỉnh”, câu nào cũng da diết, nhưng 2 câu sau mình thấy “xuất thần”: “Có khi nắng khuya chưa lên - Mà một loài hoa chợt tím”.

Nhạc TCS là thế, mặc cho ai bỉ bôi, bảo là không sâu sắc, bảo là nhạc đơn điệu, lời sến, v.v... Đương nhiên, nhạc điệu và cả nội dung các ca khúc của TCS không thể phong phú, đa dạng và luôn được làm mới mình như của Phạm Duy, không có nét huy hoàng và vương giả (dù rất ít) như của Văn Cao, và cũng không chắc đã “dài hơi” như của Từ Công Phụng, Vũ Thành An hay Ngô Thụy Miên, nhưng ông vẫn có những rất day dứt, đau đớn và rất “vô đối”.

Ấy là mảng ca khúc và đặc biệt với phần ca từ về thân phận tình yêu và con người, về sự sinh tồn và mong manh của kiếp người, về sự sống và sự chết, rất tự nhiên và rất tác động đến người nghe. Với những bài hát ấy, TCS gần như không bắt chước, mô phỏng ai, và cũng không ai bắt chước hay mô phỏng được ông. TCS xứng đáng là ông hoàng “hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...”.

Hai mươi năm sau ngày ra đi của TCS, ngoài kia không còn nắng mềm - ngoài kia ai còn biết tên....

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh