THANH TÂM TUYỀN, NHÀ THƠ CỦA TỰ DO VÀ HỒN THẾ GIỚI (1)
- Thứ sáu - 15/04/2011 08:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tự do trong thơ Thanh Tâm Tuyền, trước hết ở chỗ ông đã phá bỏ mọi mô thức cũ và cách biểu hiện cũ, đưa cái tôi và xúc cảm cá nhân lên vị trí trung tâm, và cái tôi ấy là một cái tôi muốn phá tan mọi xích xiềng, với hơi thở của tự do.”
Thanh Tâm Tuyền thời trẻ - Ảnh tư liệu
Nghe bản audio ở đây.
Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới…
“Dạ tâm khúc”, ca khúc nổi tiếng của Phạm Ðình Chương, với phần lời dựa trên thi phẩm “Dạ khúc” của Thanh Tâm Tuyền, là điển hình của thành công giữa hai nghệ sĩ lớn của Việt Nam thế kỷ 20. Trong đó, Thanh Tâm Tuyền, người đổi mới ngôn ngữ văn xuôi và thi ca vĩ đại nhất kể từ năm 1954 trở lại đây, đã rời xa dương thế tròn 5 năm.
Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh năm 1936 tại TP Vinh, di cư vào miền Nam sau biến cố 1954. Cùng các bạn văn nghệ đã thân quen từ hồi còn sinh hoạt ở Tổng hội Sinh viên Hà Nội, ông tham gia BBT báo “Sáng Tạo” do nhà văn Mai Thảo đứng tên, và đương nhiên được xem như thành viên chủ đạo của nhóm.
Là một văn đoàn có ảnh hưởng rất lớn đối với nền nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 bên cạnh “Tự lực Văn đoàn”, nhóm “Sáng Tạo” còn quy tụ những tên tuổi lớn khác trong văn học, hội họa và âm nhạc như Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại, Thái Tuấn và Cung Tiến.
Trong những ảnh hưởng lớn lao mà “Sáng Tạo” đem lại cho sinh hoạt văn hóa miền Nam thuở ấy, nỗ lực cách tân và dứt bỏ những truyền thống níu kéo trong thi ca của Thanh Tâm Tuyền, với dòng thơ tự do của ông, được đánh giá là có vai trò nổi bật.
Sau năm 1975, Thanh Tâm Tuyền bị đưa đi cải tạo trong hơn 7 năm ở các trại giam tại miền Bắc. Ðầu thập niên 90, ông sang Mỹ định cư ở Minnesota và qua đời ở tuổi 70 vì căn bệnh ung thư phổi, để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi trong nền văn học Việt Nam nói chung.
*
Thanh Tâm Tuyền sáng tác từ khi rất trẻ và mặc dù chỉ cho in ấn chừng 10 đầu sách, ông đã để lại những giá trị rất đáng kể trong cả hai thể loại văn xuôi và thi ca. Ở đây, trong khuôn khổ hạn hẹp của hai bài viết, chỉ xin điểm qua một vài nét nổi bật trong thi nghiệp rất phong phú và không ai bắt chước nổi, của ông.
55 năm sau ngày chàng trai Thanh Tâm Tuyền bay vào thi đàn Việt Nam như một vì sao băng với tập thơ “Tôi không còn cô độc” (1956) khi mới tròn 20 tuổi, có thể bình tâm khẳng định rằng, ngay từ lúc sinh thời, nhà thơ đã có một chỗ đứng chủ chốt trong Làng thơ Việt Nam.
Với sự kiêu hãnh và cô đơn trong tác phẩm, sự khai phá trong ngôn từ và hình thức thể hiện, với chiều sâu và tính phổ quát mang tầm kích thế giới trong ý tưởng, đến nay, thi nghiệp của ông vẫn còn là nguồn cảm hứng đối với những nhà thơ trẻ khao khát đổi mới.
Nhận xét về “Tôi không còn cô độc” và “Liên-đêm-mặt trời tìm thấy” (1964) - hai tập thơ tiêu biểu của Thanh Tâm Tuyền, những cột mốc sừng sững trong cố gắng đổi mới nền thơ Việt Nam - nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc viết: “Hai tập thơ đã trình bày trước độc giả con người của Thanh Tâm Tuyền một cách khá rõ nét.
Kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, cô đơn, cô lữ, lãng mạn, tha thiết, dằn vặt, yêu thương, khô khan, bùng cháy, mệt mỏi, hoài nghi, thất vọng, siêu hình, trong sáng, rắc rối, phức tạp, xót xa, phẫn nộ...
Đó là một số từ chúng ta có thể dùng để nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, về Thanh Tâm Tuyền. Ông đã sống thiết tha và vũ bão như vậy. Có những lúc ông cũng đã cảm thấy mệt mỏi, hoài nghi, và thất vọng, nhưng trong tất cả những trạng thái sống đó, tôi chưa từng thấy ông sợ sệt”.
Với ngần ấy đặc tính, độc giả khi đọc thơ Thanh Tâm Tuyền thường có cảm giác như đang đi vào một mê cung, với trùng trùng điệp điệp những mê lộ. Thơ ông bị nhiều người coi là lập dị, khó hiểu, vì không chỉ nó mới, mà còn lạ và khác với tất cả những gì đã có, đặc biệt là với Thơ Mới, vốn được coi là chuẩn mực của thi ca Việt Nam.
Nhưng, bình tâm và đọc kỹ, có thể thấy “thơ của Thanh Tâm Tuyền là thứ thơ trí tuệ, giản dị mà phức tạp, rất đẹp mà không một nỗ lực làm dáng”, như cái nhìn của ký giả Bùi Bảo Trúc. Và, tựu trung, đó là những tuyên ngôn của tự do và tình yêu, được đặt trên một bình diện mới, và mang tinh thần thế giới.
Tự do trong thơ Thanh Tâm Tuyền, trước hết ở chỗ ông đã phá bỏ mọi mô thức cũ và cách biểu hiện cũ, đưa cái tôi và xúc cảm cá nhân lên vị trí trung tâm, và cái tôi ấy là một cái tôi muốn phá tan mọi xích xiềng, với hơi thở của tự do.
Khao khát tự do ấy được thể hiện rõ hét trong “Phục sinh”, một thi phẩm nổi tiếng trong thời gian đầu của ông, hàm chứa nhiều hình ảnh mang tính hiện sinh và siêu thực mở đường cho ca từ của Trịnh Công Sơn sau này:
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc có nhận xét rằng, tình yêu tự do khiến Thanh Tâm Tuyền nhiều lúc phải phẫn nộ và phản kháng, dù là có lý do hay vô cớ, vì xét cho cùng, “phẫn nộ, phản kháng là yếu tính của con người nghệ sĩ, của kẻ sáng tạo”. Những vần thơ trên được Bùi Vĩnh Phúc lý giải như là “một cơn phẫn nộ vô cớ”:
“Nào ai có biết tôi phẫn nộ gì. Cuộc đời này lúc nào cũng chật hẹp, tù túng, người nhìn người hau háu những móng vuốt giơ ra. Tôi phẫn nộ với tất cả mọi thứ đảo lộn hay đã được sắp xếp để đặt vào thế giới này. Hãy hét lên cho nguôi giận”.
Tự do cũng được Thanh Tâm Tuyền khắc họa trong bài thơ “Nhịp ba” đề tặng nhà văn Doãn Quốc Sĩ, nói lên sự phản kháng trước thời cuộc đau thương mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng:
Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
(...) Đất nước ào ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sài Gòn
Ôm nhau nức nở
Có người cầm súng bắn vào đầu
Đạn nổ nhịp ba
Không chết
Anh ngồi nhỏm dậy
khỏe mạnh lạ thường
Bước ai thánh thót
Nhịp ba
Tình yêu
Tự do
mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do
mãi mãi anh ơi
Tự do còn được tác giả nhắc đến trong một bài thơ tình ngợi ca tình yêu - ấy là tự do tràn trề trong cảm xúc bên người tình:
Trang sách khởi đầu viết
mắt người cần ánh sáng
môi người cần mặt trăng
bàn tay đòi mặt trời
và ngực em tự do
của anh của anh tất cả
Nhưng có lẽ không niềm yêu tự do nào được thể hiện bi tráng hơn, phẫn nộ hơn trong một bài thơ được nhà phê bình Ðặng Tiến gọi là “quốc tế ca”. Sáng tác vào tháng 12-1956, vài tuần sau khi cuộc cách mạng dân chủ của người dân Hungary bị đè bẹp bởi Hồng quân Liên Xô và xích chiến xa Nga dày xéo Budapest, thi phẩm này được đăng trên “Sáng tạo” số tháng 1-1957, với nhan đề có lẽ không thể dài hơn: “Hãy cho anh khóc bằng mắt em - Những cuộc tình duyên Budapest”.
Ðặng Tiến nhận xét rằng, trước khi sang Hoa Kỳ định cư, Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam, nhưng thơ ông đầy những thành phố ngoại quốc, từ Warszawa, Berlin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moscow, Praha, Paris, Madrid, Brussels, Geneva đến Budapest. Hồn thơ ông là hồn thơ đô thị và mang tính thế giới.
Và như thế, cảm quan nghệ thuật và tinh thần quốc tế đã khiến chàng trai 20 tuổi Thanh Tâm Tuyền đã có sự đồng cảm với dân tộc Hungary xa xôi qua những vần thơ rất đẹp, nhưng cũng rất lạ và đặc biệt, giận dữ và đau lòng, phẫn nộ nhưng yêu thương:
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong giây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Tròn 55 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, Hungary luôn tri ân những chia sẻ tinh thần mà đất nước này đã nhận được trong những giờ khắc hoạn nạn tháng 10-11 năm ấy. Một cuộn phim tư liệu còn ghi lại hình ảnh thanh niên, sinh viên và trí thức Sài Gòn giơ cao biểu ngữ ủng hộ cuộc chiến đấu giành tự do và độc lập dân tộc của người dân Hung Gia Lợi.
Rất có thể hình dung được rằng, tinh thần của Thanh Tâm Tuyền đã hiện diện trong những cuộc xuống đường, trong những ngày ấy và những giờ khắc ấy...
Xem tiếp Phần 2 của bài viết.