Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHẠM DUY, CA NHÂN CHẮP CÁNH CHO NHỮNG CUỘC TÌNH (2)

(NCTG) “Ngoài con người xã hội, hay nhạc nhân hòa với mục đích điều hợp con người, xã hội; con người tâm linh, hay nhạc nhiên hòa để hòa mình vào thiên nhiên, siêu nhiên, Phạm Duy đặc biệt chú trọng con người tình cảm, tức loại nhạc cho cá nhân, cho riêng mình thông qua những bản tình ca”.
Bìa một tập nhạc tình của Phạm Duy (1971) - Ảnh tư liệu
Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chẩy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chẩy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu.

Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu
Hẹn hò tàn Thu sang Xuân bên nhau biết thuở ban đầu
Dù tình không nguôi, đôi ta xin cho hứa vui về sau
Trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu.

Nước vẫn trôi mau ! Mắt vẫn hoen mầu
Ðành để hồn theo nước trôi không mầu
Số kiếp hay sao? Không cho bắc cầu
Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau...

Ca khúc “Hẹn hò” sáng tác năm 1954 tại Sài Gòn, như nhạc sĩ thuật lại, đã được Phạm Duy dùng âm giai ngũ cung giọng Huế để kể một câu chuyện tình rất buồn, tương tự như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ. Vào thời điểm đó, định cư tại miền Nam cùng gia đình đã được chừng 3 năm, đời sống đã ổn định, Phạm Duy có thời gian và điều kiện, phương tiện để học hỏi thêm về nhạc lý. Ông đã du học tự túc gần hai năm ở Pháp về nhạc ngữ, lý thuyết hòa âm, đối âm và thực hành dương cầm.

Với nhiều kinh nghiệm trong đời sống và sự trưởng thành trong âm nhạc, Phạm Duy đã phác thảo ra ba con người trong sáng tác và trong sự nghiệp của mình. Cụ thể, một cách rất có ý thức, ngoài con người xã hội, hay nhạc nhân hòa với mục đích điều hợp con người, xã hội; con người tâm linh, hay nhạc nhiên hòa để hòa mình vào thiên nhiên, siêu nhiên, Phạm Duy đặc biệt chú trọng con người tình cảm, tức loại nhạc cho cá nhân, cho riêng mình thông qua những bản tình ca.

Vì thế, ngay cả sau quãng thời gian 10 năm, từ năm 1956 tới năm 1966, khi Phạm Duy đắm chìm trong một mối tình lãng mạn đã khiến ông có hàng loạt bản tình ca đỉnh cao trong “dòng nhạc tình cảm tính”, thì thể loại nhạc tình vẫn tiếp tục chiếm tỉ lệ lớn trong những ca khúc của ông thời sau này. Đó là lúc, như Phạm Duy thú nhận, “đã đến lúc mà tôi và Nàng Thơ của tôi phải chia tay nhau”, “bây giờ thì thực sự là chia phôi rồi!”:

Trước đây, nếu tôi soạn những tình khúc có thật, dành riêng cho một người tình, tạm gọi là những bài tình ca đôi lứa thì bây giờ, tôi soạn tình ca một mình. Có hứa hẹn “đừng xa nhau” thì cũng phải tới lúc có người “qua cầu”, và tôi nghĩ rằng cũng chẳng “còn gì nữa đâu để mà gọi mãi nhau”... Thế nhưng còn nhiều lắm, còn quá nhiều dư âm của cuộc tình, cho nên tôi sẽ khản tiếng kêu lên gọi hồn người bằng những tình khúc đầy ắp kỷ niệm xưa...”.

Do vậy, nếu trước đó, tình yêu trong nhạc Phạm Duy nhiều khi được hòa vào tình cảm thiên nhiên như trong các bản “Dạ lai hương” (1953), “Chiều về trên sông” (1956), “Mưa rơi” (1960)..., hoặc thấm đượm cảm xúc tìm nhau, có nhau, bên nhau, “bài nào cũng xoay quanh chữ “nhau” như ông hồi tưởng, thì thời gian sau, ông đã dồn nhiều cảm xúc vào những nhạc phẩm đầy hoài niệm và những ký ức của một thời “tình xanh khi chưa lo sợ”, như trong bài “Nghìn trùng xa cách” (1969):
 
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười

Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Ðứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
(...)

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...

Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người...

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người..

Những bản nhạc tình của Phạm Duy cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thể kỷ trước là như vậy. Người nhạc sĩ có tài hóa thân, đã biến những cảm xúc cá nhân của mình thuở nào thành cảm xúc, tâm trạng chung của giới thanh niên, sinh viên thị thành thời chiến, hàng ngày thả bộ, tiễn đưa nhau trên những con đường tình đô thị bên mái trường, mà nghĩ tới ngày mai không biết sẽ ra sao:
 
Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ
Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi.

Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.

Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa
Ði lạc vào những phía không đường về...

Ngày vui chóng tàn, “đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ - mộng bền năm xưa, chỉ là mơ qua”, rồi cũng có ngày những chàng trai phải lên đường, ra trận, để lại cho người tình ở hậu phương tất cả quá khứ tươi đẹp, êm đềm, tất cả “khung trời đại học”, “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, và cả những “buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát - vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt”, như trong ca khúc “Trả lại em yêu” (1971):

Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hoà.

Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng

Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Ðem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Ðem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.

Tuy nhiên, Phạm Duy sẽ không phải là Phạm Duy, nếu ông chỉ dừng lại ở những cảm xúc hiền hòa như thế. Nhạc tình Phạm Duy ở thời điểm cuộc chiến Việt Nam lên tới mức khốc liệt nhất còn có cả những ca khúc mang hơi hướng nhục tính, kèm những cung bậc dữ dội về cảm xúc, mà Phạm Duy cho rằng mang dấu ấn của thời đại thì đúng hơn là vết tích của cuộc tình lý tưởng mà ông đã trải qua. Bản “Cỏ hồng” (1970) với những hình ảnh một Đà Lạt hoang dã, một tình yêu nguyên sơ và giao hòa với thiên nhiên là một ví dụ:

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
Ðôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm
Ðồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền
Giọt sương đêm còn trinh nguyên
Nằm mê man chờ nắng sớm lên, rước em lên đồi tiên
Đồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh,
Rồi rung rinh, bừng thoát giấc lành
Trời mông mênh, đồi thênh thênh
Cỏ chênh vênh chờ đôi nhân tình
Rước em lên đồi xanh! Rước em lên đồi trinh.

Sự sâu sắc trong tình yêu, nét day dứt, dằn vặt thiết tha trong cảm xúc được hội tụ và thăng hoa đầy đủ và nâng lên mức cao độ trong một sáng tác nổi tiếng khác của Phạm Duy năm 1969, bản “Nha Trang ngày về”:

Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau
Ðêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay.

Đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng
Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi chỉ còn tôi
Trên bãi đêm khóc người tình.
Cát trắng thơm tho, lùa vào trong nắm tay
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay.

Ân tình trong lúc đôi mươi
Bao giờ cũng vẫn mau phai
Cho ngàn thông réo tên ai, từ đó
Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương
Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang...

Là một nhạc sĩ sáng tác rất có chủ ý thành những cụm ca khúc, nếu Phạm Duy từng đã có một bản tình ca mùa Thu hết sức lãng mạn dành cho nữ danh ca Lệ Thu (bản “Nước mắt mùa thu”, 1970), thì bản tình ca mùa Hạ của ông, ca khúc “Phượng yêu” (1970), cũng hết sức thắm thiết, ca từ chứa nhiều hình ảnh so sánh ẩn dụ, thoảng yếu tố dục tính, và như ông giới thiệu, “mùa Hạ là mùa hoa phượng - vào lúc trời đất ấm áp nhưng lòng mình thì giá lạnh, tôi soạn “Phượng yêu” cũng là để kể lại cuộc tình vừa qua của tôi”:

Yêu người như lá đổ chiều đông
Như mây hồng chưa tím
Như con chim khóc trong lồng
Như cơn giông đêm hè
Tình ta nức nở canh khuya

Yêu người như suối cuộn rừng sâu
Như con tầu say gió
Như con giun ngước lên trời
Yêu trăng sao vời vợi
Làm sao sao nói được tình tôi.

Yêu người! Yêu Phượng!
Yêu hoa đầu mùa
Yêu mầu rực rỡ, yêu em mù lòa
Yêu bằng tiếng nói đơn sơ.
Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè
Yêu bằng gió núi qua khe gập gềnh
Yêu bằng tiếng hát yêu tinh.

Mở đầu sự nghiệp sáng tác với một bài tình ca, “Cô hái mơ”, Phạm Duy khép lại quãng đời ở Sài Gòn trước khi ra ngoại quốc với một chùm tình khúc mà ông coi là “cuối cùng của đời tôi”, đượm màu sắc tăm tối, chua chát và ma quái, như “Tình hờ”, “Ta yêu em lầm lỡ”, hoặc “Chỉ chừng đó thôi”, một bản tình ca có lẽ là nhẹ nhàng nhất trong số những bản nhạc đề tài tình yêu ở thời điểm ông sắp xa nước:

Chỉ chừng một năm trôi
Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi
Chỉ chừng một năm thôi

Chỉ cần một năm qua
Là phai mờ hương cũ
Hoa úa trong lòng ta
Chỉ cần một năm xa...

Khi xưa em gầy gò
Ði ngang qua nhà thờ
Trông như con mèo khờ
Chờ bàn tay nâng đỡ

Ta yêu em tình cờ
Như cơn mưa đầu mùa
Rơi trên sân cỏ già
Làm rụng rơi cánh hoa. (...)


*

Biến cố 1975 là một khúc rẽ lớn trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy, khiến ông và gia đình phải mất một khoảng thời gian đáng kể để thu xếp nơi ăn chốn ở và sinh kế. Hai mươi lăm năm sống ở hải ngoại, bắt tay vào nhiều thể loại như Tổ khúc “Bầy chim bỏ xứ”, Rong ca, Thiền ca, Hàn Mạc Tử ca, v.v..., tình ca trong giai đoạn này chỉ xuất hiện rải rác trong nhạc Phạm Duy, nhưng cũng để lại dấu ấn, chẳng hạn với nhạc phẩm “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà” (năm 1981) đầy tính an ủi, một trong những ca khúc sẽ còn đọng lại trong ký ức những người yêu giọng ca đằm thắm Duy Quang:

Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà
Nhà của đôi ta, xinh xinh nhỏ bé
Có vườn rau xanh ngát ngoại ô
Có mùa mưa hay nắng mộng mơ
Cây me già trong ngõ
Hoa lá đổ về khuya
Mùi hương lối xóm bay đi tràn trề.

Rồi đây anh sẽ đưa em trở về
Về nơi công viên yên vui lặng lẽ
Hãy ngồi đây, ghế đá ngày xưa
Dưới hàng thông có gió lửng lơ
Con chim nào thường hay hót
Con bướm nào thường hay bay
Về đây với những thương yêu hàng ngày.

Bảy năm sau, trong loạt những ca khúc “Hát cho năm hai ngàn” mà Phạm Duy gọi bằng cái tên “Mười bài Rong ca”, bài “Rong ca” số 6 mang tựa đề “Nắng chiều rực rỡ” (1988) có thể coi là bản tình ca duy nhất trong loạt 10 bài Rong ca. “Rong ca” 6 nói về những tình cảm của con người ở tuổi hoàng hôn thông qua hình ảnh nắng chiều “chạng vạng”, từ dùng của cụ Phan Khôi mà người nhạc sĩ rất tâm đắc và hay nhắc lại, cho rằng chính cái nắng về chiều mới là đẹp nhất:

Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa.

Em có thấy không nắng chiều rực rỡ
Em có thấy không nắng đẹp còn đó
Nắng còn nắng lê thê
Thì đêm ơi, vội gì?
Nắng còn nắng bao la
Thì xin đêm đợi chờ!

(...) Cuộc tình anh với em
Chỉ còn giây phút thôi
Thì tình, xin cứ coi
Là nghìn tia nắng rọi.

Nhạc tình Phạm Duy, tất nhiên không phải chỉ có vậy: trong hai phần đầu về “Phạm Duy, ca nhân chắp cánh cho những cuộc tình”, chúng tôi chỉ mới điểm qua những sáng tác mà Phạm Duy đảm trách cả phần nhạc điệu lẫn ca từ. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều những tình khúc xuất sắc của Phạm Duy là do ông phổ thơ những tác giả khác, hoặc đặt lời Việt trên nền các nhạc phẩm quốc tế - đây là hai đề tài mà có thể nói, không nhạc sĩ Việt Nam nào có biệt tài đến độ được suy tôn là “phù thủy” như ông.
 
Đó sẽ là đề tài cho phần cuối loạt bài viết của chúng tôi…

Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ

Nghìn Thu, em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi
Không bao giờ biển vơi

Em là cõi trống
Cho tình đong vào
Anh là nơi vắng
Cho tình căng đầy
Cuộc tình đi vào cõi Thiên Thu

Em là cơn gió
Anh là mây dài
Ði về bên nớ
Ði về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa.

Nghìn Thu, em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai, không ai biết
Em âm thầm nở hoa.

Nghìn Thu, trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im, anh lên xuống
Không ai ngờ, hiển nhiên.

(...) Nghìn Thu, ta bù đắp không ngừng
Tình âm dương chan chứa
Xoay trong vùng tử sinh.

Xin để “Bài hát nghìn thu”, hay “Rong ca 7”, khép lại phần hai của loạt bài viết về nhạc tình Phạm Duy, nhân sự ra đi của người nhạc sĩ lớn này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh - Còn tiếp