Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhà văn Bảo Ninh: NẾU KHÔNG CẦM SÚNG ĐÁNH TRẬN, TÔI KHÔNG THỂ VIẾT ĐƯỢC NHƯ VẬY

(NCTG) “Nỗi Buồn Chiến Tranh” sở dĩ được bạn đọc Việt Nam tán thưởng bởi nó “đã được viết như là một tác phẩm văn học hiện thực chân chính, mà không phải là một sách được đặt hàng phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị”, theo nhà văn Bảo Ninh.
Ảnh chân dung Bảo Ninh và chữ ký của tác giả - Ảnh: Dịch giả Hạ Lộ
Lời Tòa soạn: Như NCTG đã đưa tin, tác phẩm lớn về cuộc chiến Việt Nam “Nỗi Buồn Chiến Tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã được dịch giả Bakos Ferenc chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Việt và đang trong quá trình biên tập, nhuận sắc để đến tay bạn đọc Hungary trong thời gian ngắn nhất.

Từ ngày 6-9-2019, bản dịch tiếng Hung được đăng tải song ngữ Hung-Việt trên trang “Nhịp Cầu Thế Giới” cũng đã thu hút được sự quan tâm và góp ý của đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

Được tin này, nhà văn Bảo Ninh rất cảm động và vui mừng, ông bày tỏ hy vọng tác phẩm sẽ được độc giả Hungary dón nhận thân tình, đồng thời, cũng chia sẻ mong muốn kể từ nay, văn học Việt Nam sẽ đến được với ngôn ngữ của Petőfi Sándor​ và Kertész Imre ngày một nhiều hơn.

Ông cũng chia sẻ nỗi vui và niềm tự hào với bản tiếng Hoa (“Chiến Tranh Ai Ca”, cũng dịch thẳng từ tiếng Việt) của giáo sư, dịch giả Hạ Lộ xuất bản tháng 5-2019. Nhân dịp đó, nhà văn Bảo Ninh đã dành cho Tập đoàn Truyền thông “Bành Phái Tân Văn” cuộc phỏng vấn độc quyền khi đến Bắc Kinh dự lễ ra mắt sách này.

Toàn bộ bài phỏng vấn được truyền thông Hoa ngữ đăng tải nhiều kỳ, thu hút sự chú ý rộng rãi của độc giả khắp thế giới.

Để giúp độc giả hiểu thêm và cùng đồng cảm với niềm vui và tự hào của tác giả, xin giới thiệu cuộc phỏng vấn này (bản dịch tiếng Việt được thực hiện từ nguyên bản tiếng Hoa).
 
Nhà văn Bảo Ninh cùng dịch giả Hạ Lộ (thứ nhất, bên phải sang)
Nhà văn Bảo Ninh cùng dịch giả Hạ Lộ (thứ nhất, bên phải sang)

Bảo Ninh là nhà văn thuộc hàng “quốc bảo” của Việt Nam. Ông sống trong một hẻm hẹp, kiểu độc hành, không thích lộ diện trước công chúng, và cũng ít tham dự các hoạt động với độc giả. “Tôi thường quan hệ thân thiết với khoảng 10 nhà văn, nhà thơ và cũng chỉ thi thoảng gặp nhau. Bạn hữu đa phần là các cựu chiến binh đã cùng qua chiến trận, họ phần nhiều xuất thân là công, nông dân, ít quan tâm tới văn học” - Bảo Ninh mở đầu cuộc phỏng vấn với “Bành Phái Tân Văn”. 

Ông sinh năm 1952, tên thực là Hoàng Ấu Phương, nguyên quán Nghệ An. Thuộc dòng dõi thư hương. Cha ông đã từng làm giáo sư thỉnh giảng Việt ngữ tại Đại học Bắc Kinh. Cụ và ông nội đều là nho sĩ Triều Nguyễn. Mùa hè năm 1959, ông lần đầu xuất ngoại, đến thăm bố đang dạy học ở Bắc Kinh. Trái với ước mơ, ông đã không có điều kiện học Trung Văn để nối tiếp truyền thống gia đình. Năm 17 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp cao trung, ông nhập ngũ tham gia chiến tranh chống Mỹ.

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, Bảo Ninh xuất ngũ. Nhưng sự tàn khốc và cảnh bi thảm của chiến tranh đã bám dai dẳng trong giấc mơ triền miên, thúc giục ông sáng tác. Năm 1987, tiểu thuyết “Chiến Tranh Ai Ca” được xuất bản và trở thành tiểu thuyết đầu tay, đặc sắc của ông. Tác phẩm được hoan nghênh và đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn. Năm 1993, bản tiếng Anh được xuất bản và từ đó tác phẩm vang tiếng trên văn đàn quốc tế.

Giáo sư Hạ Lô lần đầu gặp Bảo Ninh vào năm 2015. Lúc đó, bà vừa dịch xong “Chiến Tranh Ai Ca” và đã gửi một thư xin ý kiến nhà văn Bảo Ninh. Ông rất cẩn trọng và đã đề nghị cần gặp trực tiếp để trao đổi. Cuộc gặp đã được thực hiện với sự xếp đặt của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Bên bàn ăn tối thân mật, Hạ Lộ đã tỏ ra khá thông thạo thơ văn cổ điển của Việt Nam. Lại đang nghiên cứu đề tài “Các bản dịch tiếng Việt truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Bà đã hỏi Bảo Ninh về ảnh hưởng của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã cứu thân tôi!”, Bảo Ninh trả lời.

Ông giải thích: từ nhỏ đã đọc thuộc lòng các đoạn trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” với bản dịch tiếng Việt trong tủ sách của cha. Sau này, trong chiến tranh, các vị chỉ huy đã đề nghị ông kể cho các chiến sĩ nghe trong những giờ nhàn rỗi giữa các trận đánh. “Hy sinh nhiều lắm, nhưng tôi luôn thoát lưỡi hái tử thần… để còn tiếp tục kể chuyện “Tam Quốc!”.

Sau tiếng Anh, tiểu thuyết của ông đã được dịch ra tiếng Nhật, Hàn, Ba Tư… và xuất bản với gần hai chục ngôn ngữ. Ba mươi năm qua, tác phẩm của Bảo Ninh đã đi tới nhiều quốc gia, song Trung Quốc vẫn luôn là nơi ông ước mong. “Tôi thường tự hỏi, nước Mỹ là cựu thù nhưng đã dịch “Chiến Tranh Ai Ca”, sao Trung Quốc lại không?”.

Thực tế, năm 2012 bản dịch đã xong. Qua nhiều trở ngại về thủ tục, cuối cùng, tháng 4 năm nay (2019), tác phẩm đã ra mắt độc giả do Nhà xuất bản Văn Nghệ Hồ Nam phát hành. Dịch giả Hạ Lộ cho biết: “Hơn ba chục năm qua, chúng ta đã không xuất bản một tiểu thuyết dài nào của Việt Nam. Hai nước có quan hệ chặt chẽ trên các mặt kinh tế, văn hóa, nhưng đại đa số dân chúng Trung Quốc hiểu Việt Nam còn rất hạn chế, về văn học Việt Nam càng ít hơn!”.

Hạ Lộ cho rằng, “Chiến Tranh Ai Ca” đã vượt không gian, không chỉ viết về chiến tranh mà cao hơn về sự mất mát và bi thương của thời thanh xuân. Tác phẩm đã vượt qua khuôn mẫu của lối ca tụng chủ nghĩa anh hùng, đạt đến tầm cao mới. “Nhiều nhà bình luận Việt Nam đã chỉ ra, sau tác phẩm này, về chiến tranh họ phải viết theo cách khác!”. Nhà văn Diêm Liên Khoa khẳng định: “Tác phẩm này đạt tầm cao mới của văn học chiến tranh Phương Đông”, “ nếu như được dịch, nghiên cứu kịp thời tác phẩm này, chắc chắn văn học quân sự Trung Quốc đã có cảnh quan, sinh khí khác như đang có hiện nay”!

Bảo Ninh cũng nói: “Chiến Tranh Ai Ca” không phải là một tác phẩm bình thường đương đại (phi đồng tầm thường). Được đông đảo độc giả tiếp nhận, theo tôi, bởi đây là một tác phẩm văn học đích thực không mang các tính chất của một tác phẩm phục vụ tuyên truyền chính trị. Tôi nghĩ chân thực là yếu tố của thành công: tôi đã viết chân thực về người dân, về những người lính Việt”.

Dưới đây là toàn văn phỏng vấn độc quyền với Nhà văn Bảo Ninh của thepaper.cn qua lời dịch của giáo sư Hạ Lộ.

 
Bìa “Chiến Tranh Ai Ca”, bản dịch tiếng Hoa của “Nỗi Buồn Chiến Tranh”
Bìa “Chiến Tranh Ai Ca”, bản dịch tiếng Hoa của “Nỗi Buồn Chiến Tranh”

Tôi rất si mê “Hồng Lâu Mộng”

Gia đình ông có truyền thống gắn bó với Trung Quốc (cha ông có thời dậy học ở Đại học Bắc Kinh, cụ và ông nội đều là nho sĩ). Mối quan hệ thâm sâu đó đã ảnh hưởng thế nào tới sáng tác của ông?

Cụ và ông nội tôi đều là nhà nho, đã kinh qua chế độ khoa cử chữ Nho, nhưng họ đã mất từ lâu trước lúc tôi chào đời. Cha tôi tinh thông Hán văn,nói tương đối sõi tiếng Hán phổ thông. Bản thân tôi không chuyên sâu về văn học Trung Quốc. Nhận thức của tôi về Trung Quốc chủ yếu từ kiến thức trung học, về Đảng Cộng sản Trung Quốc và về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tôi cũng được đọc, nghe về văn hóa và lịch sử nhiều nghìn năm của Trung Quốc, nhưng rất sơ lược. Hơn nữa, vì những năm học cao trung chiến tranh rất khốc liệt, Hà Nội ngày ngày báo động, máy bay Mỹ thường xuyên oanh tạc. Hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn, các khóa học luôn bị gián đoạn. Với lại bản thân cũng không phải dạng cần cù chăm học, nhất lại không thích môn văn, điểm số không cao.

Tuy không chăm học lắm, nhưng tôi lại rất mê đọc sách. Thời đó, Bố tôi có một tủ chứa rất nhiều sách. Nhiều sách nguyên văn chữ Hán, cũng nhiều sách dịch tiếng Việt. Nay nghĩ lại vẫn thấy rất mê “Hồng Lâu Mộng”. Như đa số thiếu niên Việt Nam thời đó, tôi cũng thích “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử”, thuộc lòng nhiều đoạn, trọn cả nhiều chương.

Ở tuôi 16-17, chưa đủ lý lẽ để lý giải những vấn đề nhưng tôi đã si mê “Hồng Lâu Mộng”. Thậm chí thường cảm thấy bản thân giống Giả Bảo Ngọc! Đến nay, tôi mới biết hơn về các nhân vật nữ tính của tiểu thuyết. Tôi cũng không giải thích được vì đâu lại si mê bộ tiểu thuyết vượt thời gian, phức tạp, nhiều tuyến nhân vật sâu sắc này.

Nhưng ảnh hưởng tới sáng tác của tôi phải nói đến các tác phẳn văn học Trung Quốc in sau năm 1978, thời cải cách mở cửa. Năm 1987 tôi mới thục sự sáng tác. Cũng từ đó, một số tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc đương đại như Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Dư Hoa, v.v… được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Có những tác phẩm cuốn hút tôi đặc biệt, toát lên tinh thần tự do tư tưởng và tự do sáng tác: thúc giục tôi gắng thoát khỏi khuôn mẫu đơn điệu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã giữ vị trí độc tôn đến suốt tận thập niên cuối của thế kỷ 20 ở Việt Nam.

Trong Lời tựa viết cho sách tiếng Trung, ông đã kết thúc bằng bốn câu thơ “Lương Châu Từ” (“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi - Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi - Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”). Đó có phải là sự hộ ứng hay mang một ẩn dụ gì, thưa ông?

Tiến sĩ Hạ Lộ đã khéo chọn tên thích hợp cho sách: “CHIẾN TRANH AI CA”. Bởi như bố tôi lúc còn sống, ông luôn nói: mỗi trang sách đều gợi lên giai âm bi thương về cuộc sống gian khổ. Có lẽ vậy, nên ông đã ngâm “Lương Châu Từ” để chúc mừng khi được tin sách xuất bản. “Lương Châu Từ” có thể dịch ra tiếng Việt thành “Lương Châu Ca” hoặc “Lương Châu Khúc”.

Rất lâu trước đây, “Lương Châu Từ” với tôi chỉ như một áng bản hùng ca, tôi chưa thật hiểu thấu đáo về tính bi thảm, sự thống khổ bao hàm trong ý tứ thâm sâu của bài từ ý tứ súc tích này. Chính ý nghĩa sâu sắc đó đã thu hút cảm tình của cả nhân loại, không chỉ của nhân dân Trung Quốcvà Việt Nam.

Ngoài các tác phẩm cổ điển như “Sử Ký”, hay “Tứ Đại Trước Tác”, ông còn đọc cả các tác phẩm cũng như bình phẩm thuộc dòng văn học đương đại (ví như “Ma Chiến Hữu”). Vậy Ông có bình luận gì về phong cách Mạc Ngôn cũng như về văn học viết về chiến tranh ở Trung Quốc?

Tiểu thuyết “Phong Nhũ Phì Đồn” là sách đầu tiên của Mạc Ngôn tôi được đọc qua bản dịch phát hành năm 2001, với tên tiếng Việt là “Báu Vật Của Đời”. Thực tình, tôi không thích mấy với tên sách này. Tôi cho rằng “Phong Nhũ Phí Đồn” (Vú to mông mẩy) sẽ hay hơn và có tính lôi cuốn hơn. Tôi bái phục tác giả và tqác phẩm. Cũng vì vậy, nên tôi đã lên tiếng biện hộ về văn phong, nội dung của “Chiến Hữu Trùng Phùng” (sách tiếng Việt mang tên “Ma Chiến Hữu”) trong khi dư luận phản đối khá mạnh chỉ hai ngày sau phát hành vào năm 2008.

Tôi không phải là nhà bình luận, kiến thức nghiên cứu không nhiều, tôi chỉ ủng hộ theo cảm tính, tiếp thụ chủ quan của người đọc. Theo tôi, “Chiến Hữu Trùng Phùng”, tuy không thể sánh với “Phong Nhũ Phì Đồn”, cũng là một tác phẩm văn học phản chiến hay. Mạc Ngôn đã thể hiên tính nhân bản trong các trang viết về chiến trường, về người lính, sự sống, cái chết, kể cả miêu tả về các hồn ma lính tráng. Tác phẩm không kêu gọi hận thù, không ngợi ca sự chém giết đổ máu, không xưng tụng khí phách anh hùng ái quốc khuôn sáo của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sách cũng không miêu tả lãng mạn dễ dãi…, mà tất cả toát lên nỗi bất hạnh và niềm thống khổ của những nhân vật là những người lính bình dân.

Cũng như bạn hữu cùng thời, đa số nhà văn nhà thơ hế hệ tôi đều kinh qua trận mạc

Ông 17 tuổi nhập ngũ đánh Mỹ, có phải ngẫu nhiên không? Nhân vật Kiên trong tiểu thuyết có phải tự mẫu không?

Ở tuổi 12, vào năm 1964 tôi đã tận mắt chứng kiến các trận ném bom của Không quân Mỹ trên lãnh thổ miền Bắc. Tất nhiên với tâm hồn thơ ngây của tuổi này tôi rất sợ, nhưng cao hơn nỗi sợ còn là sự phẫn nộ. Chiến trang leo thang ngày càng rộng và khốc liệt. Sự phẫn nộ trong chúng tôi cũng ngày càng cao. Tôi đã tự ý đầu quân ngay sau khi tốt nghiệp cao trung năm 1969. Cho dù lúc đó, tôi chưa đủ tuổi nhập ngũ. Mà không chỉ bản thân tôi, cả lớp cả trường đều tình nguyện. Có lẽ, có phần thúc đẩy của lòng yêu nước, ý chí phẫn nộ trước kẻ xâm lược, cũng có phần háo hức, khát vọng mạo hiểm… hay mơ lập chiến công… của tuổi trẻ. Đương nhiên, thời đó báo chí, nhà trường, đoàn thanh niên… cũng tuyên truyền cổ động khích lệ thanh niên nhập ngũ.
 
“Nỗi Buồn Chiến Tranh” thường được so sán với tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”
“Nỗi Buồn Chiến Tranh” thường được so sánh với tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”

Kiên là nhân vật chính trong tiểu thuyết. Về thân phận có khá nhiều nét tương đồng. Xin được hỏi: nhân vật chính này có bao nhiêu phần từ nguyên mẫu là ông?

Chiến tranh và văn chương song hành. Từ xưa đến nay, trong khói lửa chiến tranh luôn sản sinh những tác phẩm văn học. Cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam cũng vậy. Cũng như các bạn hữu cùng thời, đa số nhà văn, nhà thơ thế hệ chúng tôi, đều đã kinh qua chiến trận. Bản thân nếu như không trực tiếp lăn lộn trên các chiến trường, tôi đã không thể là nhà văn mà có lẽ đã làm một nghề khác! Nhân vật Kiên trong “Chiến Tranh Ai Ca” là hoàn toàn hư cấu, không phải là tôi. Kiên có cuộc đời và các trận đánh hoàn toàn khác tôi, song cũng có nhiều nét tương đồng.

Có ý kiến cho rằng ông viết tiểu thuyết này là để giãi bày những u uất tâm lý, đúng vậy không? Điều gì thúc giục ông viết?

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, tôi giải ngũ. Trở về cuộc sống thường nhật như một phó thường dân Hà Nội. Nhưng suốt nhiều năm sau, cảnh tượng chiến trường luôn bám lấy tôi, đặc biệt trong các giấc mơ liên miên về đêm. Có lẽ say mê đọc văn học mà những thương cảm về cuộc chiến được dịu dần đi.

Động cơ ban đầu cho sáng tác là các suy ngẫm sâu xa và có cả sự phẫn nộ đối với nhiều tác phẩm văn học thời đó ở Việt Nam. Đương nhiên không phải tất cả tác phẩm đều theo khuôn mẫu của văn học hiện thực xhcn để viết về cuộc chiến. Nhưng thực tế là đã có nhiều tác phẩm thấp tầm mà lại được ca tụng, thậm chí đưa vào sách giáo khoa! Đó chỉ là các tác phẩm nửa hiện thực và theo tôi, không phải là tác phẩm văn học mà chỉ là tài liệu tuyên truyền chính trị mang vỏ văn học! Đọc những sách đó không bằng đọc chính những văn kiện chính trị. Tôi nghĩ rằng, những tác phẩm này đã quá trọng hình thức, giả tạo ca ngợi chủ nghĩa yêu nước, anh hùng mà làm thấp tầm cuộc chiến.

In lần đầu, nhà xuất bản chọn tên “Bất Hạnh Của Ái Tình” (Thân Phận Tình Yêu), bởi chữ “nỗi buồn” chưa phù hợp với tư tưởng chủ đạo tụng ca chủ nghĩa anh hùng. Nhà xuất bản đã chọn tên sách như vậy cho dễ lọt qua kiểm duyệt. Sách đã không miêu tả cảnh mừng vui chiến thắng, tất cả đều là giãi bày sự mất mát, nỗi bất hạnh… của những nhân vật bình thường.

Trong “Chiến Tranh Ai Ca”, người Việt không phải là những siêu anh hùng, chỉ là con người bình thường

Sau năm 1990, “Chiến Tranh Ai Ca” được dịch và hoan nghênh trên thế giới. Nhiều năm sau, đến nay, bản Hoa ngữ ra đời. Ông có ý kiến gì về các bản dịch (tiếng Trung cũng như các ngôn ngữ khác)?

“Chiến Tranh Ai Ca” được dịch sớm nhất ra tiếng Anh. Rồi từ tiếng Anh, dịch ra đa số các ngoại ngữ khác. Bởi tôi không sành một ngoại ngữ nào, nên tuy vui mừng nhưng cũng có phần lo. Nhiều độc giả ngoại quốc đến Hà Nội đã tới thăm tôi. Tôi luôn hỏi cảm tưởng của họ khi đọc sách. Không phải hỏi về nội dung, mà chủ yếu về mặt chữ nghĩa. Thú thật có những trường hợp tôi chưa thực an tâm.

Riêng với bản dịch Hoa ngữ, tôi rất hài lòng, tuy cũng không hiểu tiếng Trung. Tiến sĩ Hạ Lộ với tôi là một bạn Trung Quốc thân thiết. Tôi đã biết khả năng và rất tín nhiệm. Với Hạ Lộ tôi dùng tiếng Việt có thể trao đổi đàm luận về văn học như với các bạn hữu trí thức người Việt. Dịch giả không chỉ nắm bắt ngôn từ của tiểu thuyết mà còn khá am hiểu ngôn ngữ dân gian, thành thạo khẩu ngữ bình dân. Mỗi lần có nghi vấn về ngôn từ, chúng tôi đã cùng thảo luận. Hơn nữa, Hạ Lộ còn là một nhà thơ. Tôi đã được đọc nhiều bài thơ rất hay được chính tác giả dịch ra tiếng Việt.

Đã 30 năm, liên quan tới phản ánh của độc giả khắp nơi, ông có nuối tiếc gì không và nếu có thì điều gì là sâu nặng nhất?

Đáp: Tôi bắt đầu sáng tác văn học từ năm 1987, lúc tuổi đã gần 40. Như vậy là khá muộn và cũng nhiều gian nan. Bởi vậy, tuy viết liên tục, nhưng tác phẩm xuất bản không nhiều. Ba mươi năm qua, đã in thì chỉ có tiểu thuyết này và ba truyện ngắn.

Là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, song tôi ít giao thiệp với các nhà văn khác. Quan hệ thân thiết chỉ chừng mươi người, nhưng cũng ít khi gặp gỡ. Thân hữu của tôi đa số là các cựu chiến binh. Họ phần đông vốn là công nhân, nông dân, ít quan tâm đến văn học.

Tôi rât mong nhiều người đọc “Chiến Tranh Ai Ca”, dù biết là sách cũng không dễ đọc. Phần vì những điều tôi viết thuộc về một cuộc chiến đã lùi xa về thời gian, hơn nữa tác phẩm có kết cấu phi tuyến, còn tương đối xa lạ ngay cả đối với độc giả Việt Nam.

Tóm lại, ở Việt Nam, tôi là một nhà văn tương đối độc hành, ít có dịp cùng đông đảo độc giả trao đổi.

Nhiều nhà bình luận cho rằng “Chiến Tranh Ai Ca” xa rời dòng chính hùng ca của phong cách hiện thực XHCN, thậm chí đã rũ bỏ ảnh hưởng của trường phái văn học cách mạng Trung Quốc, Liên Xô, mặt khác lại kế thừa các đặc trưng của văn học cổ điển Việt Nam. Ý ông ra sao về các nhận định này?

Như đã nói, tôi chỉ học xong trung học, kiến thức lý luận về văn học không nhiều. Bởi vậy cũng không biết văn học cổ điển Việt Nam đã ảnh hưởng ra sao. Tôi rất thích một vài tác phẩm văn học cổ điển thuộc dòng thi ca như “Chinh Phụ Ngâm”, “Cung Oán Ngâm Khúc”; về tiểu thuyết thì có “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. Còn văn học hiện thực XHCN ở Việt Nam, Trung Quốc hay Liên Xô tôi cũng có đọc nhiều suốt thời niên thiếu, song hầu hết đã quên rồi. Tôi không nghiên cứu lý luận, nên cũng không dám đánh giá trường phái này. Chỉ chưa thấy có tác phẩm hay mặc dù trường phái đó đã giữ địa vị chủ đạo ở các nước XHCN.

Văn học cách mạng Trung Quốc thời kỳ 1949-1978 cũng được giới thiệu nhiều ở Việt Nam. Đọc khá nhiều nhưng đến nay tôi chỉ nhớ tới tiểu thuyết “Lâm Hải Tuyết Nguyên” (Dấu chân trong rừng tuyết) của tác giả Khúc Ba. Những tác phẩm khác của ông, tôi e có lẽ ngay cả độc giả lớn tuổi Trung Quốc cũng ít nhớ tới.

Nhưng sau cải cách khai phóng năm 1978, tiểu thuyết Trung Quốc khởi sắc mạnh như có ma thuật. Vì sao, có lẽ chủ yếu bởi nhiều nhà văn Trung Quốc đã mạnh dạn vứt bỏ các khuôn sáo cũ, tác phẩm của họ đã vươn cao. Từ đó văn học Trung Quốc mới đích thực là văn học.

Việt Nam cũng vậy. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu “Đổi mới”, gần tương tự như ở Trung Quốc. Lúc đó Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã kêu gọi các nhà văn “cởi trói!”. Trước 1986 văn học Việt Nam bị ràng buộc quá nhiều. Chính trong phong trào đổi mới, cởi trói này, ngôi sao Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện. Một số truyện ngắn của ông đã tạo nên chấn động trên văn đàn Việt Nam, dẫn tới những đổi thay trong văn học. Thực tế, Nguyễn Huy Thiệp cũng không sáng tác gì thật mới mẻ, nhà văn chỉ viết chân thực, hiện thực chân chính chứ không phải hiện thực giả tạo!

“Chiến Tranh Ai Ca” cũng không đặc biệt mới. Được nhiều độc giả Việt Nam tán thưởng, theo tôi, chỉ bởi nó đã được viết như là một tác phẩm văn học hiện thực chân chính, mà không phải là một sách được đặt hàng phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị. Viết thực về cuộc chiến, tả chân về đời sống người lính và nhân dân Việt Nam trong chiến tranh: có lẽ điều đó tạo nên thành công của tác phẩm này. Trong “Chiến Tranh Ai Ca”, người dân, chiến binh Việt không phải là những siêu anh hùng, trái lại họ chỉ là những con người bình thường. “Chiến Tranh Ai Ca” đã thể hiện được thực tế như vậy: chính bởi họ là những người bình thường nên họ đã dành thắng lợi cuối cùng trước sức hủy diệt ghê gớm của lửa đạn quân sự Mỹ.
 
Tác giả Phạm Khuê và dịch giả Bakos Ferenc - Ản tư liệu
Tác giả Phạm Khuê và dịch giả Bakos Ferenc - Ảnh tư liệu

Trong những năm qua, truyền thông quốc tế đã có nhiều bình phẩm, đem so sánh tác phẩm của ông với các tiểu thuyết nổi tiếng thế giới như “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”, “Người Đua Diều” (The Kite Runner, bản tiếng Hoa “Truy Phong Tranh Đích Nhân”), “Người Đọc” (Der Vorleser). Ông nghĩ sao về các so sánh đó?

Thời gian tại ngũ tôi có đọc “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”. Sách này tôi thu được từ chiến hào những lính Cộng hòa (Nam - Việt Nam). Tôi và các chiến hữu (lính Bắc Việt) đọc rồi bị cuốn hút. Nó có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của tôi về cuộc chiến. Cũng ảnh hưởng tới sáng tác của tôi nữa. Còn mức độ ảnh hưởng ra sao thì bản thân tôi cũng không thật rõ.

“Người Đọc” tôi mới được đọc gần đây.Tôi cho rằng đó là tác phẩm viết về chiến tranh sâu sắc nhất. “Truy Phong Tranh Đích Nhân” cũng là một tác phẩm hay xét theo nghĩa rộng hơn.

Đã hơn 30 năm trôi qua, nay nghĩ lại thời gian viết tiểu thuyết này, ông có điều gì nuối tiếc hay ân hận?

Tôi rất mừng bản tiếng Hoa đã được xuất bản sau 30 năm kể từ lần in đầu ở Việt Nam, và sau nhiều bản ngoại ngữ khác trên thế giới. Mừng và có phần thêm chút tự hào. Nếu có chút tiếc nuối là tiếc rằng bố tôi đã không còn sống. Tôi sẽ hạnh phúc vô cùng nếu được thấy ông đọc sách này.

Thực ra tôi đã mơ ước từ lâu. Mỗi khi nghe tin sách được xuất bản ở một nơi xa xôi như tận Na Uy chẳng hạn, tôi lại nghĩ đến Trung Quốc. Và cảm thấy sao khó khăn đến vậy? Trên thế giới, có lễ không có quốc gia nào có sự gắn bó về phương diên văn hóa như Việt Nam với Trung Quốc. Tôi thường tự hỏi, sao nước Mỹ xa xôi, từng là cựu thù đã xuất bản “Chiến Tranh Ai Ca”, Trung Quốc thì sao?

Hôm nay, được cầm sách bản tiếng Hoa, tôi vui mừng cho rằng có một khởi đầu tốt đẹp. Tôi tin rằng càng nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được độc giả Trung Quốc đón đọc, cũng như càng nhiều người Việt Nam đọc sách Trung Quốc thì nhân dân hai nước Việt - Trung sẽ ngày càng thông hiểu lẫn nhau hơn nữa!

Tác giả bài viết: Phạm Khuê dịch từ nguyên bản tiếng Hoa