NGƯỜI MỘT ĐỜI HOANG TAY
- Thứ bảy - 27/01/2018 06:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chắc từ những năm ấy, chẳng mấy ai quên một Nguyễn Thụ gầy guộc, nhỏ thó đi khật khưỡng giữa chợ Tứ Hổ nhốn nháo một thời, và trên tay lão chẳng mấy khi là không có chén rượu, chai “féldecis” (nửa đề-xi), hay vại bia rẻ tiền”.
Tôi về Việt Nam được mấy mấy hôm, đang ở quê lo một việc trọng của gia đình, thì sáng nay được GS. Bùi Minh Phong báo tin dữ từ Budapest: Nguyễn Thụ, một bạn học, bạn văn biết nhau đã nửa thế kỷ, vừa mất ở Sài Gòn. Đột ngột quá: ốm, vào viện chỉ ba ngày, rồi lặng lẽ rời cõi tạm. Cõi đời này, đúng là cõi tạm, cõi vô thường. Nguyễn Thụ đi, hình như ở tuổi 64, không còn trẻ, cũng chưa già. Tôi thấy lòng trĩu nặng, thoáng như vẳng nghe câu hát “When I”am sixty four” của bốn gã đầu nấm “The Beatles” gợi đến cho lứa chúng tôi một thời trai trẻ:
... When I”m sixty-four
You”ll be older too
And if you say the word
I could stay with you…
You”ll be older too
And if you say the word
I could stay with you…
Đã gần năm mươi năm trước, một lũ nhà quê đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, hôm trước còn lội bùn trên đồng làng, hôm sau chợt thấy mình đã ngu ngơ choáng ngợp trên bờ Đa-nuýp, giữa Budapest, viên ngọc được mệnh danh là Paris của Đông Âu một thời. Rồi học, rồi chơi, rồi đều quay về nước với mộng không thành, rồi trở lại Hung, làm TTS, NCS rồi rẽ ngang sang làm ăn buôn bán, kinh doanh lằng nhằng thời Đông Âu hậu cộng sản. Chắc từ những năm ấy, chẳng mấy ai quên một Nguyễn Thụ gầy guộc, nhỏ thó đi khật khưỡng giữa chợ Tứ Hổ nhốn nháo một thời, và trên tay lão chẳng mấy khi là không có chén rượu, chai “féldecis” (nửa đề-xi), hay vại bia rẻ tiền.
Thế nhưng, Nguyễn Thụ là một trong số ít ỏi mấy anh em góp bút từ những ngày đầu tiên cho “Nhịp cầu Thế giới”. Chúng tôi sàn sàn một lứa, những Hứa Nam Sơn, Lê Thương, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Phương Lan… liều mạng viết báo, làm thơ, vẽ tranh, làm trò chơi ô chữ v.v…, mỗi người đều còn cất giữ trong hồi ức nhiều kỷ niệm bi hài về lão.
Chợ búa và thi ca, hai lĩnh vực thật khó song hành, vậy mà với lão lại như một lẽ tự nhiên. Lão có thể ngồi, nằm ngay trong quầy hàng ngổn ngang áo quần, tã tất trẻ con mà viết ra những câu thơ ám ảnh chợt đến trong đầu. Viết lên nắp thùng các-tông đựng hàng, lên vỏ bao thuốc lá, lên mặt sau tờ “szállító levél” (giấy vận chuyển hàng) hay bất cứ mảnh giấy vụn nào lọt vào tay gã. Những bài thơ ngắn, nửa tỉnh nửa say, nửa hư nửa thực, phảng phất hơi thơ say Vũ Hoàng Chương, sương khói chất mộng du Bùi Giáng - ấy là nói phóng cái cảm nhận của tôi như thế chứ không dám so lão với hai cây đại thụ kia - một dạo cứ đều đặn xuất hiện trên mặt báo, gây sự ngạc nhiên và thích thú cho bà con trong cộng đồng thời chưa có mạng internet, đói văn hóa và đói thông tin.
Lão viết dễ, viết nhanh, tính nết xuề xòa, nhưng đặc biệt khó tính trong việc chữ nghĩa. Có lần trong một câu thơ lão viết có hai chữ “chốc mòng”, một bạn quen hỏi “chốc mòng” là cái phải gió gì? Lão phẩy tay bảo: “Đồ ngu lâu, tự tìm hiểu lấy!”. Thấy ông bạn kia nổi cáu, tôi xen vào dàn hòa, bảo: “Đó là lão thó từ hai câu Kiều của cụ Nguyễn Tiên Điền - Nước non cách mấy buồng thêu/ Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng”, lão mới nguôi. Lại có lần, nghe Hoàng Linh tiết lộ, vì khuôn khổ tờ báo có hạn, ông tổng định cắt đi của lão một khổ thơ, lão quắc mắt lên bảo: “Đăng cả thì đăng, bớt bỏ thì thôi, trả lại tao!”, và vì vụ đó lão giận Hoàng Linh đến mấy tuần không thèm nhìn mặt. Công bằng mà nói, thơ lão không phải bài nào cũng hay, nhưng bài nào cũng mang dấu ấn, tính cách của người sinh thành ra nó. Tôi đặc biệt rất thích bài “Hoang” của Nguyễn Thụ:
Sông một mùa hoang lũ
Đất một ngày hoang cây
Em một chiều hoang đợi
Anh một đời hoang tay.
Đất một ngày hoang cây
Em một chiều hoang đợi
Anh một đời hoang tay.
Rồi lão có tập “Gió trắng” (thơ và thơ dịch) được in bởi một NXB trong nước. Hồi đó, những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, có sách được in trong nước là oách lắm. Chúng tôi nhìn lão như nhìn một dị nhân đi giữa đời thường. Phải công nhận lão có một tình yêu thi ca Hungary mãnh liệt khó ai sánh nổi. Ai nghe lão đọc thơ Hung, đặc biệt thơ József Attila (thường là bằng cả hai thứ tiếng, sau vài chén đưa cay) cũng phải “sởn da gà”, các cung bậc tình cảm khác nhau được lão thể hiện qua giọng đọc khàn rè, ám khói thuốc và hương tửu, “bảy phần ma, ba phần người”, khi truyền cảm, lúc tha thiết, khi dữ dội như ma sầu quỷ ám. Nghe gã đọc thơ trong trạng thái xuất thần, ảo dị, người nghe dễ bị mê hoặc, nghe một lần người ta không thể nào quên. Nhiều bài thơ lão dịch của József Attila như “Tiszta szívvel” (Trái tim trong trắng), “Óda” (Tụng ca), “Kertész leszek” (Tôi sẽ thành người làm vườn), v.v… đã đạt tới trình độ thượng thừa, gần như hoàn hảo, ít có bản dịch khác vượt qua nổi.
Tôi chợt nhớ mấy câu thơ Hồ Dzếnh, cứ như ông viết riêng cho lão:
Một mai đi chẳng trở về
Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn tênh…
Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn tênh…
Anh Thụ ơi, khi tôi nhận được tin buồn, thì anh đã nằm dưới ba tấc đất. Bắc - Nam cách trở, đường xá xa xôi, tôi không vào viếng anh được. Nhưng xin từ đây, xin thắp một nén tâm hương, mong anh tịnh độ nơi chín suối. Với chúng tôi, vẫn còn đó những bài thơ anh để lại, anh bạn “một đời hoang tay”, câu thơ như vận vào đời người. Vĩnh biệt!