“... MAY MÀ CÓ EM ĐỜI CÒN DỄ THƯƠNG...”
- Thứ ba - 29/11/2016 05:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Em ngồi đó tóc xõa với tà áo dài đỏ thắm như một ngọn lửa nhỏ ôm cây đàn gitare và giọng hát đầy phẫn nộ trước những trái ngang, bạo lực, tha hóa của xã hội hiện hành. Đốm lửa đỏ thắm này biết đâu có ngày thành một biển lửa mênh mông...”.
Lời giới thiệu: Tối ngày 20-11 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa WABE (Berlin), đã diễn ra một đêm nhạc đặc biệt do ASIATICUS - VINAPHUNU tổ chức với sự hiện diện của hai ca nhạc sĩ Mai Khôi (từ Việt Nam) và Jazzy Dạ Lam (từ Munich).
Theo lời giới thiệu, đây là sự kiện nhằm gây quỹ cho dự án nghệ thuật “Trói vào Tự do” của ca, nhạc sĩ Mai Khôi, với các sáng tác độc lập, mang tính phản biện xã hội, không chấp nhận sự áp đặt và kiểm duyệt dưới mọi hình thức.
Mang tên “Đêm Nhạc Mộc Khôi Lam” với slogan “Nghệ thuật tự do - Yêu thương tự nguyện”, buổi diễn là sự kết hợp tuyệt vời giữa hai giọng ca ở cách nhau nửa vòng trái đất, với chương trình bao hàm những sáng tác mới nhất của chính họ.
Đặc biệt, khán thính giả Việt tại Berlin có dịp được biết đến Mai Khôi - người ca sĩ đầy cá tính trước đây thường có mặt trên báo chí với những phát ngôn gây sốc hoặc một số scandal trong trang phục và biểu diễn - dưới một góc độ khác hẳn.
Trên cương vị một nghệ sĩ độc lập, đồng thời là một nhà hoạt động xã hội và dân quyền, Mai Khôi đã cất những lời ca mang tính phản biện và đấu tranh, với những thông điệp hướng tới xã hội, đánh dấu sự thức tỉnh chính trị và thay đổi tư duy.
Đó là những ca khúc mới nhất mà Mai Khôi viết trong khoảng thời gian cô thường xuyên bị công an theo dõi sau khi trở thành người đầu tiên trong giới show biz tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhằm thúc đẩy và ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Sau đây là những dòng tự sự của chị Hoài Thu Loos, người đứng đầu dự án VINAPHUNU (Phụ nữ Việt Nam) đã có một phần tư thế kỷ hoạt động tại Berlin trong khuôn khổ ASIATICUS (CLB Châu Á). VINAPHUNU cũng là cơ sở đứng ra tổ chức sự kiện văn hóa này. (NCTG)
Theo lời giới thiệu, đây là sự kiện nhằm gây quỹ cho dự án nghệ thuật “Trói vào Tự do” của ca, nhạc sĩ Mai Khôi, với các sáng tác độc lập, mang tính phản biện xã hội, không chấp nhận sự áp đặt và kiểm duyệt dưới mọi hình thức.
Mang tên “Đêm Nhạc Mộc Khôi Lam” với slogan “Nghệ thuật tự do - Yêu thương tự nguyện”, buổi diễn là sự kết hợp tuyệt vời giữa hai giọng ca ở cách nhau nửa vòng trái đất, với chương trình bao hàm những sáng tác mới nhất của chính họ.
Đặc biệt, khán thính giả Việt tại Berlin có dịp được biết đến Mai Khôi - người ca sĩ đầy cá tính trước đây thường có mặt trên báo chí với những phát ngôn gây sốc hoặc một số scandal trong trang phục và biểu diễn - dưới một góc độ khác hẳn.
Trên cương vị một nghệ sĩ độc lập, đồng thời là một nhà hoạt động xã hội và dân quyền, Mai Khôi đã cất những lời ca mang tính phản biện và đấu tranh, với những thông điệp hướng tới xã hội, đánh dấu sự thức tỉnh chính trị và thay đổi tư duy.
Đó là những ca khúc mới nhất mà Mai Khôi viết trong khoảng thời gian cô thường xuyên bị công an theo dõi sau khi trở thành người đầu tiên trong giới show biz tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhằm thúc đẩy và ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Sau đây là những dòng tự sự của chị Hoài Thu Loos, người đứng đầu dự án VINAPHUNU (Phụ nữ Việt Nam) đã có một phần tư thế kỷ hoạt động tại Berlin trong khuôn khổ ASIATICUS (CLB Châu Á). VINAPHUNU cũng là cơ sở đứng ra tổ chức sự kiện văn hóa này. (NCTG)
Thực ra tôi không định viết vì nhiều người đã viết, nhà báo, bạn bè, khán giả của đêm diễn, nhưng lại thấy rằng mình nên viết bởi tự nhiên thấy cần phải viết. Viết về những cảm xúc của mình đêm đó - đêm biểu diễn “Trói vào tự do” của Mai Khôi và Jazzy Dạ Lam tại nhà hát WABE, Berlin.
Phải quay ngược lại thời gian đôi chút và về mối quan hệ của tôi với WABE. Cách đây gần ba chục năm, vào lúc mới thống nhất hai nhà nước Đức, WABE là nhà hát quận và CLB ASIATICUS - Trung tâm Văn hóa Á Đông của quận - do một nhóm những nhà Hán học thành lập chưa lâu cũng thuộc Phòng Văn hóa quận.
Đó là thời điểm mới thống nhất hai nhà nước Đức, thời kỳ khó khăn nhất của tất cả những ai muốn ở lại. Tôi đã được nhận vào làm hợp đồng tại đó, là nhân viên văn hoá, nhờ hồ sơ được xem xét và quá trình làm việc lâu năm tại Viện Khoa học Xã hội (Việt Nam) phù hợp với công việc này. Cùng thời, bà về phụ trách nhà hát WABE. Khởi thủy của VINAPHUNU là như vâỵ.
Quan hệ với nhau đã lâu, bao lần lễ lớn của VINAPHUNU: kỷ niệm 10, 15, 20 năm thành lập đều được bà giúp đỡ tổ chức vô cùng hoành tráng tại nhà hát này. Bảy, tám trăm khách mời, bàn tiệc hơn hai chục bàn bao quanh... Thế mà mãi gần đây tôi mới biết bà chính là một trong những ca sĩ trong nhóm ca khúc chính trị “CLB tháng Mười” nổi tiếng của CHDC Đức. Ai đã từng sống thời DDR chắc chắn đều biết qua ban nhạc này.
Sở dĩ phải lan man dài dòng như vậy để nói rằng khi tôi đề nghị bà giúp cho một buổi biểu diễn của hai ca, nhạc sĩ trẻ của Việt Nam với mục đích này này, họ đã gặp khó khăn sao sao... thì bà đã đồng ý ngay.
Là người đã tổ chức nhiều sự kiện nhưng là trong lãnh vực mình rành, mình làm việc nên mọi việc thường khá đơn giản với tôi. Chứ lần này tổ chức một buổi biểu diễn có mặt ca, nhạc sĩ có tiếng tăm, với một đề tài thứ nhất không dễ nuốt, thứ hai có thể gọi là “có vấn đề” với nhà nước Việt Nam bởi những nhạc phẩm đầy tính “thách thức” đã khiến tác giả của nó gặp bao khó khăn ở trong nước...
Nhưng tôi đã quyết rằng để cho một xã hội dân chủ, tiếng lòng, tiếng nói của người dân Việt Nam rất cần được biết đến - đó chính là những thông điệp thông qua những nhạc phẩm cô sáng tác, giai đoạn sau này.
Không đao to búa lớn kiểu “Tôi làm gì cho Tổ quốc tôi?”, tôi nghĩ, tôi chỉ muốn thông điệp âm nhạc của người dân, cho người dân phải được biết đến, tôi muốn sự công bằng cho em, nữ ca, nhạc sĩ bằng tiếng lòng của mình muốn tự do cho nghệ thuật mà đã bị cấm đoán. Và hơn hết cho khán giả Berlin một không khí âm nhạc mới lạ, những dòng nhạc mới lạ, khác những gì chỉ quẩn quanh như từ trước tới nay.
Vậy thôi, đơn giản, không to tát, ồn ào, mỗi người một chút xíu công sức là một sự đóng góp thiện nguyện cho những đổi mới cần thiết đối với xã hội rồi. Do đó, khi anh Lê Văn Cát ở München lên thăm VINAPHUNU và “thổ lộ” ý tưởng này, tôi đã đồng ý ngay.
Chuẩn bị cũng khá lâu, kỹ lưỡng, chu đáo sau vài lần trao đổi, kể cả điện thoại lẫn trực tiếp gặp gỡ nhau tại München, cuối cùng ngày 20-11 như ấn định đã tới.
Sau khi tôi có đôi lời giới thiệu đơn sơ với khán giả đêm diễn, và trình bày về dự án album “Trói vào tự do” với mong muốn được khán giả nhiệt tình trợ giúp, Jazzy và Mai Khôi bước ra sân khấu.
Đến đúng giờ và vô cùng yên lặng khi tiếng hát hay đàn của em cất lên, đó là điều không dễ có ở những sự kiện tương tự của cộng đồng Việt. Vì em, Mai Khôi ạ. Thoạt đầu có thể là tò mò, rồi sau khán giả của thính phòng đã bị em thuyết phục. Hoặc thoạt tiên chỉ do vô tình hoặc khởi đầu chỉ là một sự tình cờ mà thôi. Có phải quá trình nào dẫn đến nhận thức cũng là do ý thức chủ động đâu. Như chuyện đi làm cách mạng cũng vậy thôi.
Trên nền đen huyền của sân khấu WABE, trong ánh đèn rực rỡ sân khấu, Dạ Lam yêu kiều sang trọng trong tà áo dài nhung the thẫm màu với quần màu cánh sen thấp thoáng, đẹp cổ điển. Còn Mai Khôi một tà áo dài đỏ thắm giản dị, thậm chí nhàu, tất nhiên không nịt ngực (như tuyên ngôn của em vậy), không hề chải chuốt, giày khủng bố và quần legging.
Em cười. Một nụ cười thân thiện và rạng rỡ, tự tin, tỏa sáng cả sân khấu và khán phòng. Khiến trong giây phút đó tôi tự hỏi rằng đây có phải là một cô Mai Khôi ngông cuồng với những trò càn rỡ như báo chí đưa tin không. Mai Khôi của một thời đầu đỏ đầu xanh, không nội y lên sân khấu, Mai Khôi của những phát ngôn không sợ trời cao đất dày... Cô ấy thay đổi hay truyền thông thiếu thiện chí? Hay cả đôi?
Và trong buổi diễn, tôi đã thấy sự thức tỉnh chính trị của em để từ một Mai Khôi của showbiz “đầy tai tiếng” đến một Mai Khôi ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 với mong muốn sẽ là tiếng nói của giới trẻ làm nghệ thuật ở Việt Nam, một Mai Khôi được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp đón trọng thị.
Một sự kết hợp tung hứng thật đồng điệu dù trái nhau nhiều vẻ bề ngoài như vâỵ. Nhưng họ đều dịu dàng mà dứt khoát, họ nhẹ nhàng khi cần nhẹ nhàng và quyết liệt khi cần quyết liệt. Khi đẩy đến cao trào thì nội lực âm nhạc được bộc lộ hết trong những thiếu phụ vô cùng duyên dáng, mảnh mai tưởng rằng yếu đuối này, bởi thiên hạ ai chả nghĩ rằng một người phụ nữ dịu dàng yểu điệu như vậy khó có thể thấy được sự quyết liệt nơi họ.
Nhưng không. Hoàn toàn không.
Dạ Lam với phong thái hàn lâm, làm chủ cây đàn dương cầm lớn trên sân khấu, những phút thăng hoa, khoái hoạt, ngẫu hứng jazz... mang đến cho khán giả sự trầm trồ thán phục. Có thể nói nhờ sự tung tẩy, đón đỡ, nhấn nhá... nơi em mà sự trình diễn mang tính tiết chế, cô đọng nơi Mai Khôi càng được khắc họa đậm nét, mang đến hiệu quả tối ưu.
Mai Khôi bình dị với cây đàn gitare, mộc mạc mà sâu lắng, giọng hát cực đẹp, lời hát cực kỳ xúc động. Mỗi cao trào, tiếng hát như tiếng thét của em xói vào lòng người, bóp nghẹt trái tim khán giả, nước mắt dâng lên... Cả khán phong chỉ như được thở hắt ra khi em nói “Mai Khôi đã hát xong”. Thông điệp của em đã đến được trái tim khán giả. Mai Khôi đã từ một ca sĩ thuần túy trở thành một người đem nghệ thuật phản biện xã hội, quan tâm đến nhiều những vấn đề xã hội và trở thành một người hoạt động xã hội.
... Xin ông..
cho chúng tôi được phát hành sách
cho chúng tôi được đi lại tự do
cho chúng tôi được bảo vệ Tổ quốc.
Xin ông...
Cho chúng tôi được chia sẻ thông tin
cho chúng tôi được làm từ thiện
cho chúng tôi được quyền như trong Hiến pháp
quyền như trong hiến pháp...
(“Xin ông”)
Chuyển tải được hồn tác phẩm mình sáng tác có lẽ không ai bằng chính tác giả. Bởi vâỵ, Mai Khôi và Jazzy Dạ Lam hơn ai hết đã mang đến cho khán giả những tác phẩm của mình bằng chính tiếng lòng mình và hoàn thành xuất sắc.
Khó có thể nghĩ hai thiếu phụ bé nhỏ, dịu dàng, duyên dáng nhường ấy lại là những người dấn thân vào một lý tưởng không dễ dàng mà thực tế đã chứng minh: Mai Khôi bị cấm biểu diễn. Họ hợp nhau bởi họ hợp nhau trong ý tưởng, trong niềm tin và trong lý tưởng. Chỉ có thể có một cách giải thích như vậy.
Hình thức nghệ thuật nào thì cũng là cốt để đi vào lòng người. Lòng của một người, của nhiều người, lòng của đám đông hay của một cá nhân... Nhưng chí ít là phải của một người. Đó là người sáng tác ra nó. Và ta trân trọng tấm lòng đó.
Nhạc Mai Khôi không dễ nghe, nhạc Mai Khôi phải nghe bằng tiếng lòng và lương tâm. Những lời thống thiết của em cho một nỗi lòng đầy ưu tư mang đến những sự tự soi cho bản thân khán giả. Qua em, qua những nhạc phẩm em trình bày, ta tự soi mình... Em biết không, tôi cũng như không ít khán giả hôm đó đã nghẹn ngào xúc động, tim như thắt lại với nhiều nhạc phẩm em.
Bởi qua đó tái hiện lại như trước mắt tôi cảnh trên bục xe buýt người dân lành bị một tay công an đạp xuống đường, cảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bóp miệng trước phiên toà, cảnh những cây xanh Hà Nội bị bứng trụi... Đã có nhiều đôi mắt ầng ậc nước đêm đó...
...Tiếng thét tiếng kêu vang vang giữa đường
Bỗng thấy nhóm quân gian đang bắt người
Lúc máu rơi rơi ngay trước mặt...
... Tiếng thét tiếng kêu vang vang giữa đường
Bỗng thấy nhóm quân gian đang bắt người
Lúc máu rơi rơi ngay trước mặt...
(“Những chuyến xe buýt”)
Có thể chỉ là cảm xúc mang tính thời điểm, đến rồi đi nhưng cũng có thể thoạt đầu mơ hồ mà sau thành bão tố. Chí ít là đã có cái khởi đầu.
Với ba tiếng của đêm diễn, em đã dẫn dắt khán giả đến với sự tự vấn lương tâm của chính mình. Đó là điều thành công của buổi diễn mà em đã làm được. Cùng sự hài hòa, nhuần nhuyễn, kết hợp và thăng hoa với Dạ Lam và nghệ sĩ cello Lê Linh Quân.
Tôi biết có rất nhiều người muốn đến dự hôm đó nhưng không thể, ngoài những lý do cá nhân khách quan còn là những nỗi ngại ngùng hoặc nói rõ hơn là sợ hãi mơ hồ (hoặc có thể biến thành rất cụ thể như thực tế chứng minh nhiều lần). Tất nhiên những người không đến vì không thích nhạc em, Mai Khôi ạ, cũng là điều dễ hiểu. Hoặc vì những định kiến do đó không mở lòng được cũng là điều dễ hiểu luôn.
Nhưng tựu trung lại, tất cả khán giả có mặt hôm đó đều rất hài lòng vì một buổi tiệc âm nhạc sang trọng, thổi một làn gió mới cả âm nhạc lẫn ý tưởng trên bầu trời Berlin của cộng đồng Việt và một số thân hữu Đức có liên quan và quan tâm đến thời thế Việt Nam, thông điệp của em được chuyển tải đến tận trái tim khán giả có mặt trong khán phòng và những gì chưa hiểu về em hoặc hiểu chưa đúng về em (trong đó có tôi) đã được cải chính bởi tấm lòng của em, nhiệt huyết của em với con người, với xã hội...
Em đã làm được điều đó.
Suốt buổi diễn, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại câu hát: “... May mà có em đời còn dễ thương...”. Tôi thấy vui vì có em đời không chỉ dễ thương mà còn cảm thấy là một lời thúc giục, một câu trả lời cho nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Em ngồi đó tóc xõa với tà áo dài đỏ thắm như một ngọn lửa nhỏ ôm cây đàn gitare và giọng hát đầy phẫn nộ trước những trái ngang, bạo lực, tha hóa của xã hội hiện hành. Đốm lửa đỏ thắm này biết đâu có ngày thành một biển lửa mênh mông...